Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a

Một phần của tài liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á (Trang 66)

In-đô-nê-xi-a [66]

Pháp luật In-đô-nê-xi-a là một hệ thống tương đối phức tạp vì nó chịu ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Thông luật (common law), truyền thống pháp luật dân sự (civil law) và truyền thống pháp luật In-đô-nê-xi-a [38]. Chính phủ In-đô-nê-

xi-a đã có những nỗ lực đáng kể trong việc quản lý, phát triển hệ thống và thực thi quyền SHTT (IPR). Những nỗ lực đó tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp định TRIPs; cải tiến hệ thống SHTT; nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của quyền SHTT; bồi dưỡng, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan và các bên liên quan (bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật và con người thực thi pháp luật).

Hệ thống pháp luật về thực thi quyền SHTT của In-đô-nê-xi-a từng bước được hoàn thiện và dần tương thích với các nghĩa vụ TRIPs đề ra. Hệ thống này được hình thành dựa trên các luật cơ bản: luật số 10/1995 về Hải quan; luật số 29/2000 về Bảo hộ giống cây trồng mới; luật số 30/2000 về Bí mật thương mại; luật số 31/2000 về Kiểu dáng công nghiệp; luật số 32/2000 về Thiết kế bố trí mạch tích hợp; luật số 14/2001 về Bằng sáng chế; luật số 15/2001 về Nhãn hiệu; luật số 18/2002 về Hệ thống nghiên cứu phát triển và ứng dụng Khoa học và Công nghệ quốc gia; luật số 19/2002 về Quyền tác giả (có hiệu lực 7/2003)…Chính phủ cũng ban hành các quy chế điều chỉnh các vấn đề liên quan đến SHTT và thực thi quyền SHTT: Quy chế số 2 của nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về tư vấn của quyền sở hữu trí tuệ 2005; Quy chế 51 của Chính phủ về chỉ dẫn địa lý 2007…

In-đô-nê-xi-a cũng sớm xây dựng Chính sách quốc gia về SHTT (IPNP) hướng tới các mục tiêu: phát triển và thúc đẩy quyền SHTT như một công cụ để phát triển, là nền tảng để xây dựng chính sách quốc gia về kinh tế, xã hội; thiết lập một môi trường khuyến khích sự sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia; thiết lập một văn hóa SHTT hướng tới sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và niềm tin vào giá trị kinh tế của tài sản trí tuệ. Để thực hiện Chính sách quốc gia về SHTT việc thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm: Tổng cục SHTT (DGIPR); Bộ Tư pháp và Nhân quyền; Bộ Nông nghiệp; Tổng cục Hải quan và Thuế (Bộ Tài chính); Bộ Nghiên cứu và Công nghệ; Cơ quan Công tố; cơ quan tòa án và cảnh sát [45].

Theo Báo cáo Đặc biệt 301 của IIPA thì tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở In-đô-nê-xi-a trong năm 2008, 2009 tương ứng là 85% và 86% (vượt mức tỷ lệ vi phạm trung bình của Châu Á trong năm 2008 là 61%). In-đô-nê-xi-a xếp thứ 12 thế giới về tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm và thứ 19 về tổn thất toàn cầu trong năm 2008. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật về SHTT nhưng nhìn chung tình trạng vi phạm quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a vẫn là vấn đề nóng và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế cũng như hình ảnh của đất nước đối với thế giới.

Một phần của tài liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á (Trang 66)