- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng và nhà nước xác định trong các nhất quán trong các văn kiện Đại hội đảng toàn quốc. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức… “Hướng trọng tâm hoạt động khoa học và công nghệ vào phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”[9, 132]. Mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thân; quốc phòng, an ninh vững chắc; dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước yêu cầu đặt ra là phải huy động được sức mạnh của toàn dân, khuyến khích sự sáng tạo trí tuệ của xã hội, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến trên cơ sở luật pháp quốc tế và một hệ thống bảo hộ, thực thi quyền SHTT mạnh. Ngày nay, khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế và làm thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khả năng làm chủ tri thức, nắm giữ và khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT trước những thách thức của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của bất kì một quốc gia nào cũng đều phụ thuộc vào sự phát triển, trình độ của khoa học, công nghệ. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội
của mỗi quốc gia. Trình độ khoa học công nghệ của nước ta còn thấp chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các hoạt động khoa học công nghệ chưa thực sự gắn với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế xã hội [9, 234].
Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT phải phán ánh được trình độ phát triển của khoa học công nghệ hiện tại và trong tương lai gần. Pháp luật SHTT phải kịp thời điều chỉnh các đối tượng, các lĩnh vực mới mẽ trong khoa học công nghệ; tránh tình trạng đối tượng cần bảo vệ thì không bảo vệ và ngược lại. Hệ thống pháp luật đó phải vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu, chủ thể quyền vừa khuyến khích hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT trước đòi hỏi của xu thế toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập khu vực và thế giới. Việt Nam từ một đất nước với nền kinh tế tự cung, tự cấp, khép kín với thế giới bên ngoài đã ngày càng dịch chuyển, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và từng bước thích ứng với xu thế toàn cầu hóa kinh tế của thời đại. Với phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Việt Nam đã sớm trở thành thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế: Việt Nam là thành viên của ASEAN từ năm 1995, thành viên của Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998 và thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Ngoài ra Việt Nam còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế về SHTT như Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Liên minh Hải quan quốc tế (WCO), Chương trình SHTT khu vực Đông Nam Á (EC – ASEAN)…
Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế đó, đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ các cam kết song phương và đa phương, thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, yêu cầu hoàn thiện pháp luật SHTT, thực thi quyền SHTT vừa phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phát huy tốt các cơ hội,
giảm thiểu các tác động tiêu cực vừa phải phù hợp tập quán, pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT nhằm ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Thông qua hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua có thể phác họa bức tranh tổng thể về tình hình vi phạm pháp luật về quyền SHTT: tình hình vi phạm pháp luật về quyền SHTT đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến; mức độ nghiêm trọng và phức tạp của hành vi vi phạm pháp luật về quyền SHTT đang có dấu hiệu gia tăng; pháp luật về bảo hộ SHTT chưa đầy đủ, chưa minh bạch; hoạt động thực thi còn nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả; nhận thức của công chúng, ý thức pháp luật chưa cao [8, 135, 136]. Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật SHTT và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT có ý nghĩa quyết định để khắc phục tình trạng trên, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT đáp ứng đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay là một yêu cầu phát triển tất yếu khách quan. Một nhà nước được tổ chức khoa học, hợp lý; phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; pháp luật công bằng, bình đẳng, nhân đạo và tiến bộ vì con người và cho con người. Một trong những đặc điểm quan trọng của nhà nước pháp quyền XHCN là các quyền tự do, dân chủ và lợi ích chính đáng của cá nhân công dân cần được tôn trọng, bảo vệ; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Nhà nước pháp quyền XHCN thực hiện thiện chí các cam kết quốc tế mà nhà nước đã kí kết hoặc tham gia [18, 175, 176].
Trong hoàn thiện pháp luật SHTT và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam phải thỏa mãn các điều kiện của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Hệ thống pháp luật SHTT phải là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân công dân. Mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở
hữu, chủ thể quyền và chủ thể liên quan đều phải được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh. Cơ chế thực thi quyền SHTT phải đơn giản, minh bạch, ổn định, có thể dự báo được. Đồng thời hệ thống pháp luật, hệ thống các cơ quan thực thi, cơ chế thực thi phải tương thích với luật pháp các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tiệm cận với cơ chế giải quyết của các thiết chế quốc tế về SHTT.