Bên cạnh hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan hành chính, tư pháp, hải quan thì các hoạt động thực thi khác, bao gồm: hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi và công chúng, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT cũng đóng vai trò quan trọng.
* Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi và công chúng: Trong thời gian qua hoạt động này cũng đã có những tiến triển tích cực. Sự phối hợp hành động trong thực thi quyền SHTT đã được các cơ quan hữu quan xem trọng trong các chương trình hành động (ví dụ Chương trình Chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006-2010 được ký kết ngày 19/01/2006 giữa Bộ Văn hóa và Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính, Bộ Thương mại và Bộ Công an về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT), các hoạt động trao đổi và chia sẻ thông tin (ví dụ như các trang website của cơ quan thực thi), hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp (thông qua các ấn phẩm chuyên ngành)…Bên cạnh đó, qua thực tiễn hoạt động cho thấy hoạt động phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc thực thi quyền SHTT còn rất yếu. Một thực tế nữa là trong khi các đối tượng vi phạm thường hoạt động rất chủ động, có hệ thống sản xuất và tiêu thụ nhanh chóng thì các cơ quan thực thi lại chia khúc theo thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Chẳng hạn lực lượng hải quan chỉ thực thi quyền SHTT ở biên giới, Quản lý thị trường chỉ kiểm tra trên lưu thông; Thanh tra KH&CN mới có quyền kiểm tra cơ sở sản xuất, lắp ráp. Các lực lượng kiểm tra lại chia việc theo địa bàn quản lý, mỗi cơ quan hoạt động theo một quy trình khác nhau, kết quả kiểm tra và xử lý khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau. Thực tế cũng cho thấy rất ít chủ thể quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm mà việc phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm chủ yếu do chính các cơ quan thực thi chủ động tiến hành. Điều đó đã làm giảm hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT.
* Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật: Trong thời gian qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT đã ghi nhận những kết quả nhất định. Các cơ quan thực thi pháp luật xác định phổ biến pháp luật SHTT nhằm nâng cao nhận thức là hoạt động quan trọng quyết định tính hiệu quả của một hệ thống SHTT. Hướng tới việc xây dựng một đất nước có “văn hóa về SHTT” nhiều hoạt động phổ biến pháp luật SHTT đã được triển khai. Trong năm 2010, Cục SHTT đã chủ trì và phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức 9 Hội thảo về SHTT; hội thảo về Quản
lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (phối hợp với WIPO-KIPO); hội thảo về Thẩm định giá trị thương hiệu thời hội nhập (phối hợp với Tạp chí Thương hiệu Việt); hội thảo về quyền SHTT với việc hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu (phối hợp với Tổ chức Tài nguyên SHTT công dành cho nông nghiệp (PIPRA) và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO)); hội thảo Định giá tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ (trong khuôn khổ ECAP III). Các hoạt động tuyên truyền về SHTT ngày càng được triển khai phù hợp và có hiệu quả: Tham gia hỗ trợ Chương trình Chắp cánh thương hiệu; tổ chức và trực tiếp tham gia tuyên truyền về SHTT trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng với hàng loạt bài viết về SHTT; tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về SHTT tại các trường đại học nhân Ngày SHTT Thế giới (26/4); giảng bài về SHTT trên kênh truyền hình InfoTV… [6].
2.1.3. Những vấn đề vƣớng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT ở Việt Nam
Thực tiễn thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong thời gian qua nổi lên các vấn đề sau:
Thứ nhất, về hoạt động quản lý, xác lập quyền SHTT
- Theo quy định hiện nay cục SHTT là cơ quan giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về SHTT và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về SHTT trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc chưa định rõ chức năng trong quá trình hoạt động đã làm giảm hiệu quả của Cục SHTT. Thực tế số lượng đơn yêu cầu được nộp tại cục SHTT ngày càng nhiều đòi hỏi phải có một bộ phận chuyên tiếp nhận đơn, bộ phận xét nghiệm, cấp Văn bằng bảo hộ. Mặt khác, mặc dù tên gọi là “Cục SHTT” nhưng hoạt động của Cục chỉ giới hạn trong việc bảo hộ các đối tượng thuộc SHCN mà không bảo hộ các đối tượng khác (như chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới…).
- Cùng với Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả thì việc quản lý nhà nước về SHTT còn thuộc chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, thực tế với lực lượng, cơ sở vật chất hiện có thì Bộ
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ của mình [8, 379].
Thứ hai, hoạt động phát hiện, ngăn chặn, xử lý và hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật.
- Hoạt động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật SHTT thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan như Thanh tra chuyên ngành, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên hoạt động của các cơ quan này chưa thực sự hiệu quả. Vấn đề chung mà các cơ quan này gặp phải là việc thiếu cán bộ có năng lực chuyên sâu về SHTT để có thể đảm nhiệm được công việc. Chẳng hạn, lực lượng quản lý thị trường mặc dù được tổ chức từ cấp trung ương đến cơ sở nhưng hoạt động lại tỏ ra kém hiệu quả. Trình độ, kĩ năng nhận biết hàng giả của cán bộ, công chức của ngành chưa cao.
- Thanh tra chuyên ngành, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về SHTT nhưng mỗi cơ quan lại có thẩm quyền riêng theo luật định. Lực lượng công an có thẩm quyền phát hiện, điều tra các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông ở thị trường trong nước; lực lượng Hải quan kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới…Chính việc “phân khúc” trách nhiệm của các cơ quan mà lại thiếu một cơ quan đầu mối, thiếu cơ chế phối hợp đã làm cho hoạt động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, về hoạt động của tòa án.
- Các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam thuộc thẩm quyền xét xử của TAND. Thực tế số lượng án tòa thụ lý là rất ít nhưng án tòa giải quyết là không nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là ở năng lực của đội ngũ thẩm phán. Đội ngũ thẩm phán có chuyên môn và kĩ năng xử lý vụ việc liên quan đến SHTT còn ít.
- Thực tế hoạt động của tòa án cũng cho thấy rằng các bản án về SHTT thường bị kháng cáo hoặc kháng nghị nhiều lần dẫn đến việc xét xử kéo dài, gây tốn kém, không hiệu quả.
Thứ tư, hoạt động kiểm soát biên giới
Lực lượng hải quan là cơ quan có chức năng thực thi quyền SHTT thông qua biện pháp kiểm soát hàng hóa qua biên giới. Theo quy định hiện nay khi chủ sở hữu hàng hóa nghi ngờ hàng hóa qua biên giới có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT thì có quyền yêu cầu cơ quan hải quan ngừng làm thủ tục thông quan và xử lý lô hàng đó theo trình tự, thủ tục luật định. Tuy nhiên, hoạt động này lại đang vấp phải nhiều vấn đề.
- Lực lượng hải quan thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng hóa khi được đưa qua biên giới (tên gọi, nhãn hiệu, đặc điểm…) và rất ít khi nhận được sự chủ động cung cấp thông tin từ phía chủ sở hữu quyền.
- Lực lượng hải quan xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHTT khi chủ sở hữu quyền yêu cầu mà rất hiếm khi tự mình xử lý. Việc hải quan không tự mình xử lý (hành động mặc nhiên) các trường hợp mà lực lượng này nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT đã làm cho hoạt động kiểm soát biên giới kém hiệu quả. Việc trao thẩm quyền đương nhiên cho lực lượng hải quan là vô cùng quan trọng.
- Bên cạnh thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại để kịp thời phát hiện, xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHTT thì đội ngũ cán bộ hải quan còn thiếu kiến thức về SHTT cũng là một vướng mắc cần giải quyết.
2.2. Pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a
2.2.1. Tổng quan về pháp luật và thực tiễn thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a [66] In-đô-nê-xi-a [66]
Pháp luật In-đô-nê-xi-a là một hệ thống tương đối phức tạp vì nó chịu ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Thông luật (common law), truyền thống pháp luật dân sự (civil law) và truyền thống pháp luật In-đô-nê-xi-a [38]. Chính phủ In-đô-nê-
xi-a đã có những nỗ lực đáng kể trong việc quản lý, phát triển hệ thống và thực thi quyền SHTT (IPR). Những nỗ lực đó tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp định TRIPs; cải tiến hệ thống SHTT; nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của quyền SHTT; bồi dưỡng, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan và các bên liên quan (bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật và con người thực thi pháp luật).
Hệ thống pháp luật về thực thi quyền SHTT của In-đô-nê-xi-a từng bước được hoàn thiện và dần tương thích với các nghĩa vụ TRIPs đề ra. Hệ thống này được hình thành dựa trên các luật cơ bản: luật số 10/1995 về Hải quan; luật số 29/2000 về Bảo hộ giống cây trồng mới; luật số 30/2000 về Bí mật thương mại; luật số 31/2000 về Kiểu dáng công nghiệp; luật số 32/2000 về Thiết kế bố trí mạch tích hợp; luật số 14/2001 về Bằng sáng chế; luật số 15/2001 về Nhãn hiệu; luật số 18/2002 về Hệ thống nghiên cứu phát triển và ứng dụng Khoa học và Công nghệ quốc gia; luật số 19/2002 về Quyền tác giả (có hiệu lực 7/2003)…Chính phủ cũng ban hành các quy chế điều chỉnh các vấn đề liên quan đến SHTT và thực thi quyền SHTT: Quy chế số 2 của nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về tư vấn của quyền sở hữu trí tuệ 2005; Quy chế 51 của Chính phủ về chỉ dẫn địa lý 2007…
In-đô-nê-xi-a cũng sớm xây dựng Chính sách quốc gia về SHTT (IPNP) hướng tới các mục tiêu: phát triển và thúc đẩy quyền SHTT như một công cụ để phát triển, là nền tảng để xây dựng chính sách quốc gia về kinh tế, xã hội; thiết lập một môi trường khuyến khích sự sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia; thiết lập một văn hóa SHTT hướng tới sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và niềm tin vào giá trị kinh tế của tài sản trí tuệ. Để thực hiện Chính sách quốc gia về SHTT việc thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm: Tổng cục SHTT (DGIPR); Bộ Tư pháp và Nhân quyền; Bộ Nông nghiệp; Tổng cục Hải quan và Thuế (Bộ Tài chính); Bộ Nghiên cứu và Công nghệ; Cơ quan Công tố; cơ quan tòa án và cảnh sát [45].
Theo Báo cáo Đặc biệt 301 của IIPA thì tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở In-đô-nê-xi-a trong năm 2008, 2009 tương ứng là 85% và 86% (vượt mức tỷ lệ vi phạm trung bình của Châu Á trong năm 2008 là 61%). In-đô-nê-xi-a xếp thứ 12 thế giới về tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm và thứ 19 về tổn thất toàn cầu trong năm 2008. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật về SHTT nhưng nhìn chung tình trạng vi phạm quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a vẫn là vấn đề nóng và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế cũng như hình ảnh của đất nước đối với thế giới.
2.2.2. Các nội dung cụ thể của việc thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a
2.2.2.1. Thực thi quyền SHTT thông qua hoạt động của cơ quan hành chính
* Hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT
Tổng cục SHTT (DGIPR) In-đô-nê-xi-a là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng đăng ký các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, và quyền SHCN. Theo thống kê của DGIPR thì số lượng đăng ký về ứng dụng nhãn hiệu thương mại và Nhãn hiệu dịch vụ từ 2000-2009 đã liên tục tăng. Năm 2000 tổng các ứng dụng đăng ký là 14.841 (trong nước: 10.242; nước ngoài 4.599) thì năm 2001 đã tăng lên 38.648 (trong nước 26.128; nước ngoài 12.520); năm 2009 số lượng ứng dụng được đăng ký là 38.833 (trong nước 34.037; nước ngoài 4.796). Thống kê cho thấy số lượng các ứng dụng đăng ký về nhãn hiệu thương mại và nhãn hiệu dịch vụ tăng nhanh khi In-đô-nê-xi-a ban hành luật về nhãn hiệu và số lượng được cấp trong nước chênh lệch đáng kể so với các trường hợp nộp đơn là người nước ngoài.
Bên cạnh việc thực hiện các chức năng của mình thì việc thực thi quyền SHTT của DGIPR thuộc nhiệm vụ của các điều tra viên (CSI/PPNS). Hiện nay, DIGPR có 518 nhân viên, trong đó có gần 30 CSI/PPNS làm việc tại DGIPR và khoảng 161 CSI/PPNS làm việc tại cơ quan cấp tỉnh. DGIPR thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu trách để tăng cường năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT. Trong năm 2004, DGIPR đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông gửi
thư cho tất cả các tổ chức thuộc chỉnh phủ về việc sử dụng phần mềm được cấp phép và phần mềm tự do nguồn mở. Cũng trong năm này DGIPR và các văn phòng khu vực đã gửi thư khuyến cáo các doanh nghiệp tư nhân đặc biệt lớn và nhỏ không sử dụng phầm mềm máy tính vi phạm bản quyền. Năm 2007, DGIPR gửi yêu cầu cảnh báo đến tất cả các chủ sở hữu các trung tâm mua sắm ở Jakata, Bogor, Depok, Tangerang, Bekasi và các thành phố khác ở In-đô-nê-xi-a không cung cấp hoặc cho thuê không gian để bán hàng giả (dưới sự giám sát của Văn phòng khu vực của bộ Tư pháp và Nhân quyền).
* Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT
- Nhóm Đặc trách quốc gia về SHTT: Trong năm 2006 nhóm Đặc trách quốc gia về SHTT được thành lập theo nghị định của tổng thống để thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a. Đội đặc nhiệm này là một cơ thể đa ngành, gồm đại diện từ các Bộ khác nhau, gồm Bộ Tư pháp và Nhân quyền, cảnh sát, cơ quan Hải quan, Văn phòng Tổng chưởng lý và Bộ Thương mại. Đội đặc nhiệm có ngân sách riêng của mình để thực hiện sứ mệnh liên quan đến chính sách và thực thi các vấn đề về SHTT. Nhóm đặc trách quốc gia có các nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng chính sách quốc gia về giải quyết các vi phạm quyền SHTT; thiết lập các bước cần thiết về việc giải quyết các vi phạm quyền SHTT; xác định và đánh giá các bước giải quyết các tranh chấp và các vấn đề chiến lược, bao gồm cả các hoạt động thực thi pháp luật sẽ được thực hiện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức có liên quan; hướng dẫn, chỉ đạo cũng như các ưu tiên của việc giáo dục về SHTT cho các tổ chức liên quan và công chúng; tăng cường hợp tác song phương, khu vực và địa phương, hoạt động để chống vi phạm quyền SHTT.
- Lực lượng cảnh sát: Năm 2007 chứng kiến nhiều cuộc tấn công quyết liệt