Hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan hành chính được xem xét chỉ bao gồm: hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT và hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm quyền SHT.
* Hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT
Hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT tập trung chủ yếu vào hoạt động của Cục Bản quyền tác giả và Cục SHTT.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Cùng với các nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì một trong những chức năng quan trọng của Cục là cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Theo số liệu thống kê của Cục kể từ
năm 1986 đến nay Cục đã tiếp nhận và cấp trên 20.000 giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy Chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho các chủ sở hữu quyền. Nếu như năm 1997 số lượng giấy Chứng nhận bản quyền được cấp chỉ là 547 thì số lượng này không ngừng tăng trong các năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009 tương ứng là 2.061, 3.146, 3.231, 4.921, 4.706. Loại hình tác phẩm đăng ký quyền tác giả chiếm tỉ lệ lớn nhất là tác phẩm viết, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, âm nhạc, điện ảnh và một số loại hình khác. Số lượng các tác phẩm đăng ký không ngừng tăng lên cho thấy nhận thức của người nắm giữ tác phẩm đã được cải thiện. Đáng lưu ý là số lượng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy Chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong năm 2006 (3.146) đã tăng lên rõ rệt so với năm 2005 (2.061). Có sự chuyển biến đó là do tại thời điểm đó Việt Nam đã ban hành luật SHTT cũng như việc Việt Nam đã ký kết, tham gia một số Hiệp ước về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng số lượng giấy Chứng nhận mà Cục bản quyền tác giả đã cấp chỉ mới phản ánh được một phần nhỏ số lượng thực tế các tác phẩm đã được tạo ra vì bản chất của quyền tác giả và quyền liên quan không phụ thuộc vào việc tác phẩm có đăng ký hay không đăng ký.
Cục SHTT là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về SHTT trên phạm vi cả nước. Hoạt động trọng tâm của Cục SHTT là xác lập quyền SHCN. Các đối tượng của quyền SHCN bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng thì việc cấp Văn bằng bảo hộ là điều kiện tiên quyết để chủ sở hữu quyền được nhà nước bảo hộ và được coi là cơ sở pháp lý duy nhất làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ sở hữu [8,149].
Việc xác lập quyền SHCN thông qua hoạt động cấp Văn bằng bảo hộ quyền SHCN được tiến hành theo những trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ từ khâu tiếp nhận đơn, xem xét đơn (xét nghiệm hình thức, xét nghiệp nội dung đơn) và cấp Văn bằng bảo hộ. Số lượng đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và văn bằng bảo hộ được cấp không ngừng tăng
lên. Nếu năm 2005 số lượng đơn nộp tại Cục SHTT là 21.548 đơn thì năm 2010 tăng lên 62.104 đơn các loại.
Qua số liệu báo cáo về hoạt động SHTT của Cục SHTT trong giai đoạn 2005- 2010 có thể thấy rằng hoạt động tiếp nhận đơn, xử lý cũng như cấp Văn bằng bảo hộ của Cục SHTT là khá lớn. Năm 2010 Cục SHTT đã xử lý 46.778 đơn các loại, trong đó cấp văn bằng bảo hộ là 18.560 đối tượng SHCN, bao gồm: 880 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 1.152 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 16.520 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 8 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý [6]. Đáng lưu ý trong hoạt động xác lập quyền SHTT thì người nộp đơn yêu cầu bảo hộ đối với sáng chế là người nước ngoài chiếm tỷ lệ áp đảo so với người nộp đơn là người Việt Nam. Theo báo cáo hoạt động của Cục SHTT cho thấy trong tổng số 2.890 đơn yêu cầu bảo hộ đối với sáng chế được nộp trong năm 2009 thì số lượng đơn của người Việt Nam là 258 (9%) so với 2.632 đơn của người nước ngoài. Tuy nhiên đối với các đối tượng là giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu thì tỷ lệ nộp đơn của người Việt Nam cao hơn so với người nước ngoài trong tổng số đơn được nộp trong năm 2009; tỷ lệ này tương ứng là 52,5%, 75,3%, 78%. Thống kê cũng cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng đơn yêu cầu được nộp và số lượng Văn bằng bào hộ được cấp. Kết quả đó phản ánh thực tế chất lượng của các đơn yêu cầu. Đồng thời nó cũng phản ánh thực trạng quá tải của cục SHTT trong việc xem xét và cấp Văn bằng bảo hộ.
* Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT
Trước thực tế tình hình xâm phạm quyền SHTT ngày càng có dấu hiệu phổ biến, mức độ phức tạp, nghiêm trọng của tình hình xâm phạm quyền SHTT ngày càng có dấu hiệu gia tăng [8, 127] thì hoạt động của các cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành về SHTT, quản lý thị trường trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền SHCN có ý nghĩa quan trọng.
Theo báo cáo sơ kết công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT của Bộ Công an, trong 5 năm (2002-2007), lực
lượng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế của 43 địa phương đã phát hiện 1.092 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngoài ra mỗi năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng ngàn vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền SHTT. Trong năm 2009, cả nước có 1.654 vụ xâm phạm nhãn hiệu đã được xử lý; về kiểu dáng công nghiệp có 153 vụ; về sáng chế/giải pháp hữu ích có 02 vụ đã xử lý; về cạnh tranh không lành mạnh đã xử lý 76 vụ; về chỉ dẫn địa lý có 26 vụ; về quyền tác giả và quyền liên quan có 921 vụ đã xử lý. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng giả mạo. Phần lớn các trường hợp xâm phạm được xác định là do thiếu hiểu biết của doanh nghệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân [5].
Trong năm 2009, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cũng đã điều tra, phát hiện và bắt giữ 76 vụ; khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất, buôn bán các hàng hóa giả mạo SHTT. Tại Báo cáo số 1650/BC-BKHCN ngày 8/7/2009 của Bộ KH & CN đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật về SHTT vẫn còn có những diễn biến phức tạp, nhất là các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan, các vi phạm liên quan đến SHCN. Hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng; hoạt động ngăn chặn hàng hóa xuất, nhập khẩu hàng hóa vi phạm quyền SHTT tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo quy định của pháp luật hiện hành lực lượng quản lý thị trường có nhiệm vụ thực thi quyền SHTT với chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường và xử phạt hành chính đối với các trường hợp hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Lực lượng quản lý thị trường giữ vai trò quyết định trong hoạt động chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Với lực lượng đông đảo gồm 5.000 kiểm soát viên và hơn 500 đội quản lý thị trường, hệ thống được tổ chức từ trung ương đến địa phương (cấp huyện) lực lượng quản lý thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát hàng hóa lưu thông trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiến hành xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN, các vụ việc trực tiếp liên quan đến xâm phạm quyền SHCN của cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh và trung ương
cũng như người có thẩm quyền trong các cơ quan này là chưa nhiều [8, 331] điều này làm giảm hiệu quả của cuộc chiến chống sản xuất và buôn bán hàng giả.