Trình độ của cán bộ, giảng viên

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính tại trường trung cấp kinh tế hà nội_luận văn thạc sĩ (Trang 46)

Nhân tố con người luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của một tổ chức đặc biệt là trong tổ chức nhà trường đại học, cao đẳng, dạy nghề…Tính chất đó được thể hiện ở chỗ trình độ của cán bộ công nhân viên tại mỗi đơn vị quyết định nhu cầu và hiệu quả việc sắp xếp nhân lực cho các bộ phận trong đơn vị. Thủ trưởng nào cũng muốn nhân viên của mình làm việc đạt hiệu quả cao, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba càng tốt. Bởi lẽ, thay vì phải trả lương cho hai người thì thủ trưởng chỉ phải trả lương cho một người.

Cơ chế quản lý tài chính theo Nghị định 43 đã mở ra cơ hội cho các đơn vị, cho thủ trưởng… quyền chủ động sử dụng nghệ thuật tạo động lực trong việc sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực thật khoa học, tinh gọn để ít người nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc công việc, có như vậy mới được sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm được do tiết kiệm biên chế vào việc tăng thu nhập, tăng quỹ phúc lợi, khen thưởng.

Hiện nay, nhiều cơ quan khi tuyển dụng nhân viên mới đều có tiêu chuẩn có bằng tốt nghiệp đại học, yêu cầu chính đáng đó xuất phát từ trình độ của người lao động càng cao thì năng lực làm việc của họ càng tốt và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cung cấp dịch vụ và nguồn lực tài chính của đơn vị. Đối với các cơ sở giáo dục cũng không phải là ngoại lệ, hiện tượng cháo chấm cháo, cơm chấm cơm hiện nay có thể khẳng định là không còn, để có thể giảng dạy bậc cao đẳng thì phải tốt nghiệp đại học trở lên, được giảng dạy ở bậc đại học thì tối thiểu phải có bằng thạc sỹ …. Tuy nhiên, trong các đơn vị giáo dục nói riêng và các đơn vị khác nói chung ngoài trình độ học vấn thì vấn đề kinh nghiệm cũng phản ánh khả năng đảm nhận công việc của nhân viên. Đối với một số nước phát triển trên thế giới, người ta rất coi trọng việc đánh giá bề dầy kinh nghiệm thực tiễn, ví dụ đơn giản là giảng dạy về đánh bắt cá không gì có thể thay thế được một ngư dân thực thụ để truyền đạt.

Một nhân viên có nhiều kinh nghiệm tốt trong nhà trường có thể tham mưu cho lãnh đạo trên các khía cạnh khác, như: có nên mở ngành học này hay không, nên tuyển sinh bao nhiêu cho mỗi ngành học, nên đầu tư bao nhiêu vào trang thiết bị giảng dạy, cụ thể là loại nào, cần đưa bao nhiêu giảng viên đi đào tạo bậc tiến sỹ, thạc sỹ v.v… Vấn đề đó có ý nghĩa hết sức quan trọng tại các trường bởi lẽ khi mở ngành học mà lại không thu hút được học sinh thì như phần trên đã trình bày, sẽ rất tốn kém, thu không bù đắp nổi các khoản chi. Có những ngành học mà nhu cầu của người học là rất lớn, nếu như cán bộ tham mưu không dự báo chính xác về nhu cầu của người học, về các điều kiện đảm bảo đi kèm cũng sẽ làm thất thu, gây ra một rủi ro không đáng có.

Chất lượng của giảng viên trong nhà trường còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng của việc biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy. Nếu như việc biên soạn giáo trình, bài giảng hay các tài liệu được giao cho một giảng viên thiếu kinh nghiệm có thể làm cho các tài liệu thiếu tính xác cao, dẫn đến tốn kém trong việc chỉnh sửa, biên soạn lại và không thu được kết quả tốt trong việc giảng dạy.

Nói tóm lại, trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm bề dày đều có ý nghĩa quan trọng đến khả năng đảm nhiệm, chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ nhân viên và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài chính của đơn vị.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính tại trường trung cấp kinh tế hà nội_luận văn thạc sĩ (Trang 46)