- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan sửa đổi các quy định về học phí, lệ phí để phù hợp với tình hình thực tế, tăng tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Quy định về thu học phí tại Quyết định 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 54/1998/TTLT/GDĐT-TC ngày 31/8/1998, Thông tư số 46/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 20/6/2001 của liên Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế, không bù đắp được chi phí của các Trường, không khuyến khích được sự đóng góp của xã hội cho sự nghiệp giáo dục. Để khắc phục những hạn chế của quy định cũ, ngày 21/8/2009 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1310/QĐ- TTg về việc điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009- 2010, hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2009. Tiếp đó ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014- 2015, hiệu lực thi hành từ 1/7/2010. Xét dưới góc độ kinh tế thì giáo dục cũng là một loại hình dịch vụ. Để đảm bảo dịch vụ có chất lượng cao thì người sử dụng dịch vụ cần bỏ ra một khoản tiền để bù đắp chi phí mà người cung ứng đã bỏ ra. Hoạt động giáo dục đào tạo cũng phải phát triển theo xu thế của kinh tế thị trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần thường xuyên rà soát, sửa đổi cơ chế thu và sử dụng học phí, lệ phí đảm bảo cơ chế học phí theo hướng học phí được tính toán đầy đủ chi phí dạy và học, chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người học. Qua đó điểu chỉnh mức thu, khoản thu từ xã hội hóa cho phù hợp. Thực hiện cơ chế tính giá dịch vụ. Giá dịch vụ được xác định trên cơ sở chi phí cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường. Đối với các đối tượng chính sách thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ theo một tỷ lệ nhất định trên tổng chi phí cung cấp dịch vụ. Nhà nước quy định khung giá dịch vụ giáo dục cần thiết để đảm bảo tiêu chí chất lượng ở từng cấp học, bậc học, ngành học. Các cơ sở giáo dục đào tạo trên mức chuẩn
quy định của Nhà nước, đào tạo theo nhu cầu và đơn đặt hàng của xã hội được thu mức học phí tăng thêm tương ứng với phần giá trị dịch vụ gia tăng so với tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Bên cạnh học phí, Bộ cần xem xét điều chỉnh một số loại phí, lệ phí để đảm bảo các trường học bù đắp đủ chi phí trong các hoạt động của mình khi thực hiện cơ chế tự chủ. Từ đó, đơn vị có thể bù đắp được chí phí, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh.
+ Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường không chỉ là yêu cầu xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế thị trường mà còn xuất phát từ các yêu cầu xã hội và vấn đề quyền lợi của con người.
Trên thực tế, trường trung cấp công lập chưa được giao quyền tự chủ đầy đủ bởi mặc dù Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 có quy định trường đại học được “xây dựng chương trình, giáo trình… xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh ...” nhưng trên thực tế các trường đều phải làm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục vẫn duyệt chương trình đào tạo và giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Các trường cần được chủ động hơn trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường, được tự quyết định về ngành học và chương trình đào tạo; các tiêu chuẩn học thuật và chất lượng; số lượng và phương thức tuyển sinh.
Vì vậy, trong những năm tới, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát lại các văn bản để tạo điều kiện cho các đơn vị đào tạo được tự chủ hơn nữa, đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của các cơ sở đào tạo về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và sự tồn tại, phát triển của đơn vị.