0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (148 trang)

Cụm di tích lịch sử văn hoá Phố Hiến (thị xã Hưng Yên)

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU CỦA TỈNH HƯNG YÊN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH (Trang 39 -39 )

* Phố Hiến

- Xuất phát từ đâu mà có tên Phố Hiến? Chữ Hiến, với các tên gọi là Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam. Sách Việt sử Thông Giám cương mục triều Nguyễn giải thích tên Hiến Doanh như sau: “Vì là lỵ sở của Ty Hiến sát sứ Sơn Nam đời cố Lê nên có tên gọi như vậy”. Sách Đại nam nhất thống chí, văn bia chùa Hiến (1625) cũng cho biết “trị sở trấn Sơn Nam đời Lê có thời đặt ở xã Nhân Dục, gọi là cung cũ Hiến Nam”.

- Vị trí địa lý: Phố Hiến nằm bên tả ngạn sông Hồng, cách Thăng Long khoảng 50km về phía Bắc và cách biển trên 70 km về phía Đông. Theo các nhà địa lý, vào thế kỷ XVII – XVIII từ biển đến kinh thành Thăng Long, vùng Nhân Dục đến Mậu Dương, bờ sông có mức nước cao(3-4m) so với các vùng lân cận (1 – 2m), là khu vực tương đối thuận tiện để hình thành một tụ điểm buôn bán. Các thuyền buôn nước ngoài vào Phố Hiến chủ yếu qua ba của sông: cửa sông Đáy, cửa sông Thái Bình, cửa sông Cấm.

Về phạm vi Phố Hiến thời ấy, theo cách nói dân gian thì bao gồm: “Thượng chí Tam Đằng (Xích Đằng, Đằng Châu, Đằng Mạn), Hạ chí Tam Hoa ( Hoa Điền, Hoa Cái, Hoa Dương)”, tức là từ Đằng Châu xã Lam Sơn đến Nễ Châu huyện Tiên Lữ ngày nay. Quan sát trên thực địa thấy rằng Phố Hiến là một vùng trải rộng kéo dài trên 5km ven bờ sông Hồng, “với khoảng 2000 nóc nhà” như thương nhân người Anh (William Dampier) đến Phố Hiến năm 1688 đã nhận xét trong cuốn du ký: “Một chuyến du lịch đến Đàng Ngoài”.

Trung tâm Phố Hiến có thể xác định là vùng có các thương điếm của người nước ngoài, có bến cảng thuộc khu Dốc Đá ngày nay (ngày đó đê sông Hồng ở đây chưa thấy nói tới). Phạm vi Phố Hiến bao gồm cả một phần bên hữu ngạn sông Hồng. Chứng tích là Ty Hiến sát trấn Sơn Nam trước đóng lỵ sở ở xã Nhân Dục, huyện Kim Động, sau lần này có lần chuyển sang bên kia sông, ở thôn Tường Lân xã Trác Văn huyện Duy Tiên(Hà Nam). Tấm bia ở đây được khắc vào năm Chính Hoà thứ 3(1682) nói về lệnh chỉ của Thanh Vương Trịnh Tráng tái xác nhận cho dân ở đây được hưởng quy chế của thôn thủ lệ: “Có trách nhiệm thực hiện các việc tạp vụ cho nha môn trị sở Hiến Tỵ xứ Sơn Nam, vì vậy được miễn trừ sưu sai và các tạp dịch khác”. Như vậy, muộn nhất là đầu thế kỷ thứ 17 Phố Hiến đã trở thành một “danh thị”, một “ tiểu Tràng An”, do hoạt động thương nghiệp nhộn nhịp. Khu phố Bắc Hoà phát triển thành ba phố: Bắc Hoà Thượng, Bắc Hoà Trung, Bắc Hoà Hạ. Theo hình mẫu phố phường của Kinh Kỳ Thăng Long người ta đã hoạch định khu vực của người Việt ở Phố Hiến thành 20 phường. Đọc tấm bia chùa Hiến và bia chùa Chuông (1711) chúng ta biết Phố Hiến hồi đó có 20 phường sau: Phường Đê cũ, Ngoài đê, Trong đê, Cửa Sông, Bia Hậu, Thuỷ Giang nội, Thuỷ giang ngoại, Hàng Thịt, Vạn mới, Hàng Sũ, Nồi Đất, Hàng Cau, Hàng Chén, Hàng Cá, Thuộc da, Hàng Nón, Hàng Sơn, Cửa Cái, Hàng Bè, Thợ Nhuộm. (Xin lưu ý là trong bia chùa Chuông, tất cả đều được gọi là phường).

Như vậy là trong 20 phường này có 8 phường được mang tên nghề thủ công. Đó là nét đặc sắc của Phố Hiến, khác với các đô thị cùng loại đương thời như Hội An, Thanh Hà ở Đàng Trong và bác bỏ quan niệm có người cho rằng đó chỉ là những phố chợ? Xin nhớ rằng Thăng Long thời Lê có 36 phố phường. Vậy thì câu ca. “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”, không phải là một cách nói ví von, ca ngợi, mà là một sự so sánh thực tế về sự sầm uất và vị trí của Phố Hiến ở vào thời phồn thịnh nhất, chỉ có đứng sau kinh kỳ Thăng Long!

* Lịch sử hình thành, phát triển

- Bối cảnh lịch sử - xã hội: Thế kỷ thứ XVI, XVII, tư bản phương Tây theo đường biển mở rộng thị trường sang phương Đông. Thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan đến Việt Nam ngày càng nhiều muốn đặt thương điếm tại Thăng Long, Chúa Trịnh khước từ và chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do

của ngoại kiều ở kinh đô. Năm 1663, Trịnh Tạc đã ra lệnh khu biệt người Hoa không cho ở lẫn với người Việt Nam. Năm 1717 Trịnh Cương quy định những người Hoa mới sang bằng đường thuỷ thì cư trú ở Lai Triều ( thị xã Hưng Yên ngày nay). Vô hình chung các Chúa Trịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài cư trú ngày càng đông ở Phố Hiến. Phố Hiến ra đời với chức năng giao lưu buôn bán muộn hơn so với Thăng Long vài thế kỷ, nhưng lại là đô thị cảng trên bến dưới thuyền có ưu thế mạnh cả về nội thương và ngoại thương. Trước đó các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại Việt Nam hầu hết chỉ dừng lại ở bến đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), rất xa Thăng Long. Đến thế kỷ XVII họ được ra vào Phố Hiến sâu trong nội địa, khi thuyền buôn nước ngoài đến chúa Trịnh chỉ cho vào Phố Hiến. “Vào thời điểm này Phố Hiến là nơi dừng lại của tất cả các thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài” (An Nam ký du của Phan Đình Khuê, viết năm 1688). Thăng Long và các vùng lân cận cung cấp các mặt hàng sản xuất của mình cho Phố Hiến để trao đổi hàng hoá với nước ngoài, còn nội tại Phố Hiến không có nhiều sản vật để giao thương mà chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hoá.

- Giao thương: Vào ba thập kỷ đầu của thế kỷ XVII, nhiều Chu Ấn thuyền (shuinsen) Nhật Bản đã cập bến Phố Hiến. Từ 1604 đến 1634 đã có 35 thuyền đến đàng ngoài, trong đó có thương cảng Phố Hiến, cùng lúc đó người Xiêm, Mã Lai ở Đông Nam Á, người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp ở Châu Âu đã đến buôn bán, lập thương điếm. Người Hoa có mặt ở đây sớm hơn, họ đến từ miền nam Trung Quốc, đông nhất là Phúc Kiến. Người Hoa từ Vân Đồn cũng về tụ cư ở đây hoà nhập vào cộng đồng dân cư người Việt, lập ra các phố Bắc Hoà Thượng, Bắc Hoà Trung, Bắc Hoà Hạ, Đông Đô Quảng Hội để giữ gìn bản sắc văn hoá và bảo vệ nhau trong kinh doanh. Theo Ngô Thì Sỹ, một sử gia thời bấy giờ thì Đàng Ngoài đến cuối thế kỷ XVIII có khoảng năm, sáu vạn người Hoa ở đây làm nghề y, bán thuốc bắc, vải vóc, mật, hương…Cũng có một vài cơ sở thu mua tơ lụa cho phú thương, buôn bán với Nhật Bản. Theo một tác giả phương Tây đương thời thì trên mặt sông Hồng ở Phố Hiến lúc bấy giờ đậu san sát các thuyền buôn Trung Quốc. Giáo sĩ Risa(Richảd) người Hà Lan cũng ghi lại: “ Thuyền bè đi về Kẻ Chợ số lượng quá lớn đến nỗi khó có thể lội xuống bờ sông được”

Thương lái phương Tây đến Phố Hiến sớm nhất là người Hà Lan, thông qua những người Nhật giỏi buôn bán, thạo tiếng Việt, hiểu phong tục tập quán Việt Nam. Năm 1637 chiếc tàu đầu tiên của Hà Lan mang tên Groll do Các Hắc Sinh(Karl Hartsink) chỉ huy đã đến Đàng Ngoài. Đây là thời gian phồn thịnh nhất của Phố Hiến khoảng 63 năm kể từ khi Công ty Đông Ấn Hà Lan lập thương điếm tại đây (1637-1700). Người Hà Lan buôn bán với ta chủ yếu trao đổi bạc lấy tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân để đưa sang Nhật Bản. Thương điếm của họ xây dựng giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu phố dân cư. Họ có lực lượng lao công phục vụ, không dùng người địa phương.

Thương điếm của người Anh tồn tại được 25 năm. Theo tài liệu lưu trữ của công ty Đông Ấn(Anh) do tiến sĩ Pha rinh tơn (A.Farrington) cung cấp, thì số thuyền nước ngoài đến và đi từ Phố Hiến năm 1672 là 10, năm 1673 là 3, năm 1674 là 7, năm 1675 là 6, năm 1676 là 5, năm 1677 là 10. Hàng nhập khẩu có đủ loại, trong đó có một số hàng xa xỉ phẩm cho vua chúa, vũ khí và vật liệu chế thuốc súng, đồng, vàng, bạc, thuốc bắc, đồ sứ và hàng dệt Trung Quốc. Hàng xuất khẩu gồm một số sản phẩm tự nhiên, chủ yếu là hương liệu tơ sống, hàng dệt bằng tơ, đồ gốm sứ, đồ gỗ sơn, nhiều nhất là tơ tằm. Hàng nhập khẩu được chuyển nên Thăng Long và toả đi các nơi. Hàng xuất khẩu từ mọi miền đất nước tập hợp về.

Thật là một bức tranh sinh động về nền thương mại sầm uất của Phố Hiến! Thương cảng Phố Hiến có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước. Đối với Đàng Trong, Phố Hiến cũng là trung tâm vận chuyển hàng hoá cho vùng Thuận Hoá - Quảng Nam. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục có ghi “ Trong danh mục hàng hoá chứa ở kho Nội Hàm của Chúa Nguyễn có chiếu Thuận Thành. Thuyền buôn trấn Sơn Nam vào trao đổi hàng hoá với các phố cảng vùng Thuận - Quảng có nhiều mặt hàng bán chạy đến nỗi thu gần hết số lượng tiền đồng đúc từ Phú Xuân, gây nên nạn khan hiếm tiền đồng…” [2,tr.11]

Phố Hiến có một lịch sử khá sớm và lâu dài, thời kỳ hưng đạt nhất là vào khoảng nửa sau thế kỷ 17. Ra đời từ thế kỷ 13 cùng với sự hình thành của cảng sông, vị trí Phố Hiến có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tuyến giao thông

đường thuỷ, đây là nơi trung chuyển, thông thương của mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền hoặc tới kinh thành Thăng Long.

Vị ngọt của nhãn lồng vẫn còn đó, nhưng danh tiếng của một Phố Hiến từng là đô thị sầm uất vào loại nhất nhì trong cả nước đã mai một, mờ dần cùng năm tháng. Giờ đây, không khí nhộn nhịp xưa đã trôi qua, phố chợ vẫn đông, nhưng mọi thứ vẫn yên ắng đến kỳ lạ. Phố Hiến nay đã trở thành một phố cổ giấu kín bao câu chuyện bí ẩn về một thời. Đến Phố Hiến, thả bộ dọc theo những con đường nhỏ bé, khách xa như lạc vào một cõi xa xưa. Dáng cổ của những dãy phố với nét kiến trúc mang nhiều phong cách Á – Âu đan xen phong phú lạ lẫm…Những mái ngói rêu phong, nơi đều đặn, chỗ xô nghiêng, mấy tấm bia của hội quán người Hoa ngày trước ẩn tàng bao câu chuyện của những thương nhân huyền thoại, mở con đường tơ lụa đông – tây. Hai con nghê đá tượng trưng cho sức mạnh và hạnh phúc, đứng canh trước của đền Thiên Hậu để lại nhiều ấn tượng về một thời phồn thịnh nơi đây. Một con vẻ nghiêm trang, uy quyền, một con viên mãn với nụ cười tràn trên mặt. Chúng còn mang triết lý sống còn của con người khi phải lưu lạc kiếm sống và tồn tại trên đất khách.

Có nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau về sự hưng thịnh và suy tàn của đô thị nổi tiếng một thời này. Sự phồn thịnh của Phố Hiến đã được miêu tả chi tiết ở trên về vị trí địa lý, bối cảnh lịch sử xã hội, giao thương… Qua sự phát triển của Phố Hiến có thể rút ra một số nhận xét khái quát như sau:

Thứ nhất, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội trong vùng tác động không

lớn tạo nên sự phồn thịnh của Phố Hiến.

Thứ hai, các chính sách của chính quyền Lê - Trịnh có ảnh hưởng phần nào

đến sự phồn thịnh của Phố Hiến.

Thứ ba, ảnh hưởng rõ rệt đến sự phồn thịnh của Phố Hiến phải kể tới nghệ

thuật buôn bán của người Hoa định cư tại đây, sau đó đến các công ty Đông Ấn Anh, Đông Ấn Pháp và đặc biệt là Đông Ấn Hà Lan.

Như vậy, sự phồn thịnh của Phố Hiến phần nhiều là do tác động của “ngoại lực” chứ không phải do “nội lực”. Cho nên, sự phồn thịnh đó không bền.

Sự suy tàn của Phố Hiến còn có nhiều nguyên nhân:

Trước tiên, Theo thời gian, sự đổi dòng của dòng chảy sông Hồng tại khu vực này có sự biến đổi. Nhiều tài liệu cho rằng, đến đầu thế kỷ XIX, bờ bồi ở khu vực này đã rộng đến 800m làm cạn thêm các bến cảng, nên không còn đủ khả năng tiếp nhận các thuyền buôn hay ghe mành cỡ lớn nữa…Sự phồn vinh của Phố Hiến gắn liền với sự tồn tại của một cảng sông khi sông Hồng còn chảy sát con đê cũ ngày nay. Vào đầu thế kỷ XVIII đê mạn trù bị vỡ, sự chuyển dòng của sông Hồng đã gây nên sụt lở dữ dội của bên bờ phải và bồi đắp đáng kể bên bờ trái vùng Phố Hiến. Thôn Hoa Dương được mở rộng, xong Phố Hiến lại cách xa sông gần 2km. Đường vào Phố Hiến trở nên xa và không còn thuận tiện như trước. Bởi vậy, thương cảng Phố Hiến tự lụi tàn theo năm tháng là điều không tránh khỏi.

Do bối cảnh xã hội lúc đó, nhu cầu về một thương cảng để giao dịch với phương Tây đã bị suy giảm, nhất là sau khi cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn kết thúc. Nhu cầu mua vũ khí ở cả hai phía không nhiều và các mặt hàng gấm, vóc, tơ, lụa, phẩm vật quý chỉ nhằm đáp ứng số ít quan lại chứ không phải là nhu cầu thiết yếu của dân chúng lao động. Các hãng buôn nước ngoài, nếu như người Hà Lan, Người Anh đặt trọng tâm vào mở rộng thị trường buôn bán hàng hoá, thì người Bồ Đào Nha và người Pháp lại đặt trọng tâm vào truyền đạo để thực hiện dã tâm xâm lược. Điều đó đã dẫn đến sự nghi kỵ trong triều đình nhà Nguyễn dẫn đến sự trục xuất vị giám mục người Pháp và các vị truyền giáo Bồ Đào Nha năm 1696, có lẽ mở đầu cho thời kỳ bài người phương Tây một cách triệt để vào thế kỷ XVIII – XIX, kể cả những thương nhân.

Như vậy, không cần vũ khí phục vụ cho quân sự, bài người Tây, đuổi thương nhân thì còn đâu Phố Hiến ? Hơn nữa, ngay từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) nhà nước phong kiến đã có tư tưởng “trọng nông ức thương”. Mặt khác, thời Lê - Trịnh nhà nước đặt thêm các trạm kiểm soát để thu thuế buôn chuyến dọc sông Hồng (tại Phố Hiến ngạch thuế hàng năm là 653 quan 3 tiền 11 đồng, trong khi đó các bến cùng loại như Xước Cảng - Nghệ An chỉ là 24 quan 34 đồng, Trú Hựu – Kinh Bắc là 100 quan 6 tiền) và quy định lại mạng lưới các bến đò dọc lớn trên sông Hồng. Vào năm 1723 nhà nước đặt thêm bến đò Cẩm Cơ ở đông nam huyện Thanh Trì và xem đó là

bến đò chủ chốt của trấn Sơn Nam.Theo Đại Nam nhất thống chí thì sau khi thuyền bè đóng thuế ở đây sẽ xuôi xuống các bến đò Hào Châu và Hoa Dương (khu vực Phố Hiến ). Bến Hoa Dương vẫn còn nhưng không còn quan trọng nữa. Các tàu buôn đến Phố Hiến bị kiểm soát ngặt nghèo, thuế cao và nhân viên tuần ti sách nhiễu, đòi hối lộ. Cũng trong thời gian này, phần lớn những mặt hàng xuất khẩu tại Phố Hiến được cung cấp từ Thăng Long và một số địa phương Đàng Ngoài, nên những phường sản xuất thủ công tại Phố Hiến cũng dần theo thời gian mà lụi tàn đi. Một nguyên nhân quan trọng nữa tác động nhanh chóng đến sự suy tàn của Phố Hiến là những thay đổi đang diễn ra trong hệ thống thương mại Á Đông. Kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh với nhiều công trường thủ công, trở thành nơi xuất khẩu vàng bạc và hàng tơ lụa. Ở Trung Quốc, nhà Thanh sau khi chiếm được Đài Loan (1683) cũng thực hiện chính sách mở của thông thương nên hàng dệt, đồ sứ nổi tiếng của Trung Quốc được xuất sang nhiều nước. Hàng hoá của Việt Nam không còn hấp dẫn đối với các thương lái nước ngoài và cũng không thể cạnh tranh với các nước.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU CỦA TỈNH HƯNG YÊN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH (Trang 39 -39 )

×