Đặc điểm kinh tế ,văn hoá, xã hộ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên phục vụ phát triển du lịch (Trang 29)

* Đặc điểm kinh tế

Hưng Yên nằm trong vùng đồng bằng Sông Hồng, giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ( gồm 8 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Quảng Ninh) và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua, gần các sân bay, cảng biển, các trung tâm kinh tế và các thành phố lớn của đất nước. Từ khi tái lập tỉnh, Hưng Yên quan tâm nhiều đến việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, có những chính sách ưu đãi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hình thành các cơ sở sản xuất

nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra vùng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Tổng diện tích gieo trồng 121.679 ha, trung bình hàng năm sản xuất ra khoảng 55 vạn tấn thóc và hàng vài chục nghìn tấn hoa quả, lương thực các loại đặc biệt là nhãn, vải, cam, sen. Các loại cây công nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh như đay, lạc, đậu tương, dâu tằm, một số loại cây phát triển khá mạnh diện tích đạt khoảng 4500 ha, chủ yếu nuôi cá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các vùng lân cận.

Công nghiệp phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành, sản phẩm, vùng và thành phần kinh tế, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực, như điện tử, cơ khí, luyện thép, ô tô, xe máy, dệt may, chế biến…Công nghiệp Hưng Yên phát triển nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình tăng 42%/ năm, quy mô và công nghệ đều tăng, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay tỉnh đã qui hoạch nhiều khu công nghiệp tập trung, đang xem xét, nghiên cứu tiếp các khu khác ở phía nam của tỉnh dọc quốc lộ 39A, 39B, 38 và đang từng bước triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Tỉnh chủ trương tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong điều kiện cho phép.

Thương mại dịch vụ phát triển, khai thác thế mạnh của các ngành dịch vụ còn nhiều tiềm năng, có giá trị gia tăng cao như: vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, thương mại, xuất nhập khẩu, điện lực…, Do đặc điểm Hưng Yên không có rừng và biển nên ngành du lịch phát triển còn hạn chế. Nhưng Hưng Yên lại có một số lượng di tích đồ sộ, hiện nay tỉnh đang đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch như: đường giao thông, các khu di tích lịch sử văn hoá..Mặt khác Hưng Yên cách thủ đô Hà Nội không xa có khả năng gắn kết với các tuyến du lịch từ Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình…Đây là một lợi thế quan trọng, nếu triển khai tốt và có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận sẽ tạo ra những chuyến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển nhanh các ngành du lịch dịch vụ, tăng xuất khẩu tại chỗ và tạo việc làm cho lao động trong tỉnh.

* Đặc điểm văn hoá

“Bắc Bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt, vì thế, cũng là nơi sinh ra các nền văn hoá lớn, phát triển nối tiếp lẫn nhau” [42,tr238]. Đồng bằng châu thổ sông Hồng là kết quả của sự chinh phục thiên nhiên, bằng việc đào mương, đắp bờ, đắp

đê. Trong văn hoá đời thường, sự khác biệt giữa văn hoá Bắc Bộ và các vùng khác trong cả nước chính được tạo ra từ sự thích nghi với thiên nhiên này. Khi nói đến vùng văn hoá châu thổ Bắc Bộ là nói tới vùng văn hoá thuộc địa phận các tỉnh Hà Tây, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, phần đồng bằng của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh[42,tr235]. Đây là vùng văn hoá đúng như PGS. TS. Ngô Đức Thịnh nhận xét “ Trong các sắc thái phong phú và đa dạng của văn hoá Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ như là một vùng văn hoá độc đáo và đặc sắc” vùng xuất hiện cả bốn vị “tứ bất tử” của dân tộc, Chử Đồng Tử Tiên Dung công chúa là biểu tượng cho thần chài sông nước và cũng là tổ sư nghề buôn từ sông đến biển. ( Hưng Yên). Hưng Yên vốn là vùng đất phù sa cổ của đồng bằng Bắc Bộ, được kiến tạo, dân nơi đây đã biết trồng lúa nước, đánh cá, chăn tằm, dệt vải…, biết dùng cây thuốc nam chữa bệnh. Như vậy, vùng đất này đã hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và dân tộc, đã tích tụ cả một bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá. Đất là đất cổ, nhưng hàng năm đều được sông Hồng bồi đắp thêm phù sa mầu mỡ, phì nhiêu: khí hậu nhiệt đới gió mùa thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Là cư dân thuần Việt, cư dân Hưng Yên chủ yếu là nông dân, lúa nước là cây trồng chính gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng. Cho nên văn minh, văn hoá của Hưng Yên thường phân bố trải dài dọc các triền sông hoặc thành từng xóm nhỏ rải rác giữa đồng ruộng, xung quanh có những luỹ tre xanh bao bọc. Đặc điểm nổi bật nhất của văn hoá Hưng Yên là văn hoá làng trong đó tính cộng đồng và tính tự trị là đặc trưng cơ bản. Đáng kể nhất là những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cư dân Hưng Yên nói riêng và vùng cư dân trồng lúa nước nói chung như thờ Thành Hoàng, thờ Mẫu, thờ các ông tổ nghề…Có mặt trên hầu hết các làng ở Hưng Yên. Hưng Yên là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, toàn tỉnh hiện có hơn 1210 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 159 di tích được xếp hạng cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị. Đặc biệt, cụm di tích Phố Hiến, Đa Hoà - Dạ Trạch, Tống Trân – Cúc Hoa, đền Phù Ủng, khu di tích Danh Y Hải Thượng Lãn Ông, các nhà tưởng niệm danh nhân là nguồn tài nguyên văn hoá rất có giá trị cho phát triển du lịch. Mỗi làng có một ngôi đình với cây đa cổ thụ và giếng nước. Cây đa, giếng nước, sân đình đã ăn sâu vào tâm thức

mỗi người từ thuở ấu thơ, để lại dấu ấn không phai mờ của những người xa quê. Các tín ngưỡng này tiềm ẩn trong tâm thức con người và tồn tại trong các di tích lịch sử văn hoá và lễ hội - một loại sinh hoạt văn hoá tổng hợp, thường là hội làng hay nói cách khác là các lễ hội nông nghiệp. Chính vì vậy mà lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ có thể ví như một bảo tàng văn hoá tổng hợp lưu giữ khá nhiều các nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Sau những luỹ tre xanh, còn ẩn hiện những ngôi đình, chùa, đền, miếu. Từ ngoài xa đã thấy ngôi đình với những mái ngói, đầu đao cao thấp, xa gần nhấp nhô giữa um tùm màu xanh cây cối. Vùng ngoài là những cây đại thụ quanh năm xanh như đa, đề, si, nhãn, gạo. Chùa thường được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, vào chùa phải qua cửa tam quan.

Đất Hưng Yên là địa điểm tập kết chiến lược quân sự với các chiến công hiển hách thời Trần như Hàm Tử…Thế kỷ XVI – XVII phố Hiến – Hưng Yên giữ vị trí của ngõ tiền tiêu của Thăng Long. Sự giao lưu kinh tế dẫn đến các giao lưu văn hoá, chịu ảnh hưởng lớn của Đạo Giáo, Phật giáo, Nho Giáo trong quan hệ cộng đồng cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội của cư dân Hưng Yên. Truyền thuyết cũng như thực tế đã cho thấy sự hình thành vùng châu thổ hạ lưu sông Hồng còn được gọi là châu thổ trẻ chính là cuộc chinh phục, khai phá những vùng lầy nội mà trung tâm của nó là Hưng Yên, theo nhà nghiên cứu Lê Bá Thảo, đây là cái “rốn” của châu thổ này. Đồng bằng châu thổ sông Hồng khai phá xong vào thế kỷ XV[48,tr140]. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều người đỗ đạt nhiều nhân vật tài giỏi được sử sách ca ngợi nhân dân truyền tụng. Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình. Y học có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Khoa học có Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu. Văn học có nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Sân khấu chèo có Nguyễn Đình Nghị. Mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên. Hoạt động chính trị có Nguyễn Văn Linh, Tô Hiệu, Lê Văn Lương.v.v…Gần 10 thế kỷ khoa củ Việt Nam (1075-1919) cả nước có 2889 tiến sỹ Hưng Yên có 228 vị, trong đó có 16 vị đỗ đệ nhất giáp.

Đặc sản và văn hoá ẩm thực Hưng Yên có Nhãn Phố Hiến, Sen Nễ Châu, Tương Phố Bần, Rượu Trương Xá… Trong văn học dân gian Hưng Yên có hầu như các thể loại phổ biến của văn học dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngoài cái chung

đặc trưng văn học dân gian Hưng Yên còn có những cái riêng mà chỉ ở Hưng Yên mới có đó là lời của bài hát trống quân - một lối hát phổ biến ở Hưng Yên xưa kia, hiện nay vẫn còn giữ được.

* Đặc điểm xã hội

Người Việt ở Hưng Yên cũng như trong vùng châu thổ Bắc Bộ sống quần tụ thành làng, là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần tuý nên từ trong tâm thức là những cư dân “xa rừng nhạt biển”. Mặt khác làng là đơn vị xã hội cơ sở của nông thôn Bắc Bộ, sự gắn bó giữa các cá nhân trong làng không chỉ là quan hệ sở hữu ruộng đất, di sản văn hoá vật thể chung như đình làng, chùa làng, miếu… mà còn là sự gắn bó các quan hệ về tâm linh chuẩn mực đạo đức. Chính những đặc điểm ấy tạo ra những đặc điểm riêng của vùng văn hoá này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên phục vụ phát triển du lịch (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)