* Vị trí địa lý
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng nói riêng, vùng văn hoá châu thổ Bắc Bộ - vị trí vùng là tâm điểm của con đường giao lưu quốc tế theo hai trục chính: Tây – Đông và Bắc - Nam. Là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, Hưng Yên có 23 km quốc lộ 5A và 20 km tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua. Ngoài ra có quốc lộ 39A, 38 nối từ quốc lộ 5 qua thị xã đến quốc lộ 1A qua cầu Yên Lệnh và quốc lộ 10 qua cầu Triều Dương, là trục giao thông quan trọng nối các tỉnh Tây – Nam Bắc Bộ (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá…) với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hưng Yên nằm cách thủ đô Hà Nội 64km về phía đông nam, cách thành phố Hải Dương 50km về phía tây nam. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Toạ độ của tỉnh ở Vĩ độ 20o36′ - 21o01′ Bắc, Kinh độ 105◦53′-106◦17′ Đông. Toàn tỉnh có thành phố Hưng Yên và 9 huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, với 161 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên là 923.09km2, dân số là 1,113 triệu người, mật độ dân số trung bình là 1.206 người/km2
(theo niên gián thống kê năm 2003).
* Địa hình
Hưng Yên nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, với địa hình tương đối bằng phẳng đơn điệu không có núi đồi, chỉ có một ngọn đồi ở địa phận xã Đào Đặng thuộc huyện Tiên Lữ thường gọi là Đẩu Sơn. Nhìn chung địa hình của tỉnh nghiêng chênh chếch từ tây bắc xuống đông nam và không thật bằng phẳng. Độ dốc trung bình là 8cm/1km. Về phía bắc nổi lên loại địa hình cao có hình vòng cung đi từ đông bắc sang tây bắc rồi men theo phía tây, dọc sông Hồng bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu. Đây là vùng đất cao trong đê có độ cao tuyệt đối từ 4 đến 6m. Liền kề với vùng đất cao là vùng đất thấp hơn độ cao trung bình chừng 3m phổ biến ở Ân Thi, Yên Mỹ, Mỹ Hào, nam Kim Động, Tiên Lữ và kéo dài xuống phía nam( như Phù Cừ). Độ cao ở đây chỉ còn 2 mét. Địa hình Hưng Yên ảnh hưởng rõ rệt đến việc canh tác. Trước kia thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập. Vùng cao không giữ được nước trong khi đó vùng thấp lại tiêu nước không kịp trong mùa mưa. Với từng vùng cũng có sự phân hoá ít nhiều về địa hình. Vùng cao lại có chỗ trũng như ở Đại Hưng( Khoái Châu) và vùng thấp cũng có chỗ cao như ở Nhật Quang (Phù Cừ). Về cơ bản địa hình Hưng Yên có độ cao so với mực nước biển thấp, từ 2-4,5m chiếm 70%, từ 5-7m chiếm 20%, từ 1,2-1,8m chiếm 10%.