Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên phục vụ phát triển du lịch (Trang 34)

Là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tập chung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng với 1210 di tích trong đó có 159 di tích được xếp hạng quốc gia. Theo kết quả điều tra của bảo tàng tỉnh trên địa bàn tỉnh đã từng có một số lượng đồ sộ các loại hình văn hoá phi vật thể được phân bố rộng khắp, những lớp cắt văn hoá Hưng Yên có nhiều dấu tích từ thời văn hoá Đông Sơn. Trải dài suốt quá trình lịch sử văn hoá Hưng Yên được bồi lắng, hội tụ nhiều yếu tố mang tính chất vùng miền và đặc trưng riêng của Hưng Yên. Các di tích được xếp hạng bao gồm nhiều loại hình như: đình, đền, chùa, văn miếu…Các di tích cũng được trải đều trên địa bàn các huyện thị xã. Các di tích xây dựng chủ yếu vào cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Trong đó xây dựng thời Lý 2 di tích, thời Trần 6 di tích, xây dựng thời Lê 92 di tích, xây dựng thời

Nguyễn 53 di tích. Trong đó nổi nên là một số di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu của tỉnh như:

Cụm di tích lịch sử văn hoá Phố Hiến - thị xã Hưng Yên: Bao gồm các di tích ở thị xã Hưng Yên và một phần các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Cụm di tích này nằm bên bờ sông Hồng, nhưng vì sông Hồng ngày càng nùi xa Phố Hiến nhường dần vị trí thương cảng cho Hải Phòng mà giữ lại cho mình những giá trị văn hoá lâu đời, nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Hưng Yên xưa và nay. Với cảnh quan đẹp, sự đa dạng của các di tích với một quần thể kiến trúc cổ nhiều di tích lịch sử, hàng 100 bia ký và nhiều đền chùa, lịch sử văn hoá Phố Hiến được hình thành bởi sự phong phú về phong tục tập quán của người Hoa, người Nhật và người Châu Âu. Phố Hiến xưa đã cổ nay lại càng nổi tiếng hơn khi nhắc đến Văn Miếu, chùa Hiến, chùa Phố, chùa Chuông, đền Trần, đền Mẫu và đền Mây.

Khu Đa Hoà - Dạ Trạch Hàm Tử - Bãi Sậy: Phần lớn các điểm du lịch khu vực này nằm cạnh sông Hồng, có cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành…Phần lớn di tích thuộc huyện Khoái Châu, đây là khu di tích gắn liền với một truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa, về tấm lòng nhân hậu của những người con đất Việt. Khu bao gồm các di tích: đền Đa Hoà, đền Hoá Dạ Trạch(đền Dạ Trạch) thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Hồng Vân công chúa và là vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những chiến công vang dội từ chiến thắng Hàm Tử chống quân Nguyên Mông (1285), khởi nghĩa Bãi Sậy chống thực dân Pháp (1883 - 1892) mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Khu tưởng niệm lương y Hải Thượng Lãn Ông - Phố Nối : Cụm di tích này bao gồm các di tích lịch sử dọc quốc lộ 5 từ thị trấn Như Quỳnh đến Phố Nối, nối trung tâm du lịch Hà Nội - Phố Nối - Hải Phòng - Quảng Ninh. Một phần các di tích thuộc huyện Văn Lâm, một phần các di tích thuộc huyện Yên Mỹ. Điển hình của cụm là khu di tích đại danh y Lê Hữu Trác và nhiều chùa đình có kiến trúc độc đáo như chùa Lãng, chùa Thái Lạc, đền thờ danh tướng Lý Thường Kiệt, đền Ủng và khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Ngoài các di tích lịch sử trên tài nguyên du lịch nhân văn của Hưng Yên còn có các lễ hội truyền thống phải nói đó là một phần tâm linh của người Hưng Yên.

Là một tỉnh đồng bằng gắn liền với nền văn minh lúa nước, Hưng Yên có nhiều lễ hội phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục, tập quán mà thông qua đó bày tỏ lời cảm ơn của mình đối với trời đất, thần nước và cầu mong có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, cảm ơn những người có công đức, tưởng nhớ tới các vị anh hùng. Có thể nói, mỗi lễ hội là một bức tranh sinh động về các hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính chất tâm linh ở Hưng Yên. Một số lễ hội điển hình như: lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, hội đền Ủng, lễ hội đền Đậu An, hội thả chim câu, hội chọi gà,…

Các tài nguyên du lịch nhân văn khác:

- Văn hoá - nghệ thuật dân gian: Trong vùng dồng bằng sông Hồng, văn hoá nghệ thuật dân gian Hưng Yên xuất hiện từ khi có con người đến tụ cư - từ thuở các vua Hùng. Hưng Yên chứa đựng tất cả những gì mà văn hoá sông Hồng bồi đắp lên, nhưng đậm đà nhất vẫn là nghệ thuật hát Chèo, hát Trống Quân, hát Ả Đào( mà tên gọi chữ nghĩa là hát Ca Trù). Những chuyện thần tích gắn với các công trình tín ngưỡng nửa hư, nửa thực nhưng được dân gian nhiều đời tôn vinh và công nhận.

- Nghề cổ truyền: Vốn là một tỉnh thuần nông, sản xuất tiểu thủ công nghiệp bắt đầu từ những gia đình nhỏ lẻ vào những tháng nông nhàn, chủ yếu là tự sản, tự tiêu, sản phẩm dư thừa thì đem trao đổi ở chợ làng. Thế rồi trước đòi hỏi của đời sống và sản xuất, lâu dần hình thành những làng nghề chuyên sản xuất một sản phẩm nào đó, được buôn bán trao đổi trong vùng, có sản phẩm được cả nước biết đến như quạt Đào Xá, đan thuyền ở Nội Lễ, hương xạ Cao Thôn, đường mật Bãi Giữa, chạm bạc Phù Ủng…

- Danh nhân: Trong cuộc đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, trên vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những người lập công xuất sắc, được sử sách ghi nhận, nhân dân ca ngơi, truyền tụng. Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình. Y học có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Khoa học có Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu. Văn học có nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Sân khấu Chèo có Nguyễn Đình

Nghị. Mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên. Hoạt động chính trị có Nguyễn Văn Linh, Tô Hiệu, Lê Văn Lương…

- Làng cổ: Cũng bắt nguồn từ linh khí vùng sông nước từ xa xưa đã sớm hình thành những làng mạc trù phú, làng ở châu thổ sông Hồng xưa kia khá ổn định, bền vững với những thiết chế xã hội cộng đồng và thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, có cổng làng với luỹ tre xanh bao bọc xung quanh. Sang đầu thế kỷ XXI, làng ở Hưng Yên từ một cộng đồng khép kín đã thành một cộng đồng mở, hầu như không còn luỹ tre xanh bao bọc nữa. Nó đan xen cũ mới, pha tạp thôn quê với thành thị. Hầu hết các làng cổ nay đã chia thành vài ba thôn hoặc là một xã. Hưng Yên hiện còn một số làng cổ ở lĩnh vực văn hoá truyền thống như làng Nôm hơn 300 năm vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ trong đó còn 7 ngôi nhà thờ dòng họ, rất xúc động khi tới thăm chùa Nôm và Đình Nôm vẫn còn gần như nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ thu hút nhiều khách thập phương, làng Đào Đặng, làng Động Xá, làng Xuân Cầu, làng Lạc Đạo…

- Đặc sản và văn hoá ẩm thực: Nằm ở giữa đồng bằng, Hưng Yên không có sản vật của biển, của rừng, chỉ thuần nhất những món ăn thức uống dân dã thôn quê nhưng cũng không kém phần phong phú, độc đáo. Đó là những đặc sản do thiên nhiên ban tặng và sản phẩm do con người sáng tạo ra được chọn lọc và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Đặc sản tự nhiên ở Hưng Yên trước hết phải kể đến nhãn lồng, cùng với nhãn là sen, tiếp đến là những đặc sản chế biến từ các làng nghề như tương Bần, Bún Thang Thế Kỷ, Ếch Om Phượng Tường, bánh dày làng Gàu, chả cá Tiểu Quan, rượu Trương Xá, rượu Lạc Đạo, thịt chuột làng Ché…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên phục vụ phát triển du lịch (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)