Trước cảnh báo của các nhà khoa học về nguy cơ, hậu quả của tồn dư kháng sinh gây ra cho con người. Một loạt các nước ở châu Âu đã ra lệnh cấm sử dụng kháng sinh như một chất kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi. Tại Bỉ luật đối với tồn dư kháng sinh hoặc các tác nhân kháng khuẩn được đưa ra năm 1973 (nghị định Hoàng Gia 01/08/1973) dự kiến trong trường hợp có mặt các chất này trong thịt, mỡ và phủ tạng thì những thực phẩm này được công bố là có hại và sẽ bị hủy [54].
Châu Âu cũng đã có nhiều văn bản liên quan đến hormone như chỉ thị 96/23/CE xác định chiến lược nghiên cứu các chất tồn dư đặc biệt là tồn dư hormone và các thuốc thú y trên động vật và trong thịt tươi. Từ khi chỉ thị này có hiệu lực các gia cầm và cá cũng được kiểm tra sự có mặt tồn dư của thuốc (đặc biệt là tồn dư kháng sinh). Do vậy những qui định của luật pháp mới liên quan đến quy chế về tồn dư kháng sinh, hormone để ngăn chặn đối với những người sử dụng kháng sinh, hormone trong chăn nuôi và thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hành thú y tốt.
Các văn bản chính liên quan đến tồn dư kháng sinh và các thuốc thú y khác trong thực phẩm được qui định rõ trong điều lệ CEE No 2377/90 của Hội đồng và chỉ thị số 96/23/CE. Điều lệ 2377/90 [61] đưa ra khái niệm giới hạn tối đa tồn dư LMR (Limits maximum residue). Năm 1985, Liên Minh Châu Âu cấm sử dụng các hormone đồng hóa trong sản xuất thịt. Trước đó chỉ thị 96/22/CE đã đưa ra việc cấm sử dụng β-agoniste sử dụng làm thuốc kích thích sinh trưởng gia súc. Quy định này còn được áp dụng với những chất có hoạt tính của oestrogene, androgene hay progesterone và những chất có tác dụng giống hormone tuyến giáp cũng như là các agonitste với các recepteur beta-agonitste.
Năm 1985 Quốc hội Thuỵ điển thông qua đạo luật về nguyên liệu thức ăn gia súc và cấm dùng kháng sinh làm chất kích thích sinh trưởng. Sau đó một năm, Thuỵ Điển là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm sử dụng kháng sinh như một
chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. Quốc gia này đã đưa ra một mô hình chứng tỏ là một trong những nước có nền chăn nuôi hiện đại trên thế giới là không dùng kháng sinh làm chất kích thích sinh trưởng [24]. Luật pháp của mỗi nước cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi có sự khác nhau, tuy nhiên đến tháng 1 năm 2006, Cộng đồng châu Âu mới chính thức cấm sử dụng kháng sinh, loại trừ kháng sinh monesine. Nga cũng chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đối với những loại kháng sinh không dùng làm thuốc điều trị bệnh đó là
bacitracin, grizin, flavomycin và virginamycin.
Ở Mỹ, việc giám sát nghiêm ngặt tình hình sử dụng kháng sinh đã làm giảm tỷ lệ tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Theo kết quả nghiên cứu của Hall (1986) tồn dư kháng sinh ở lợn đã giảm từ 5,7% (1978), xuống còn 0,4% (1980-1984), ở bò giảm từ 2,2% (1979), xuống còn 0,2% (1983), ở gà từ 2,4% (1971), xuống 0,01% năm 1983 (dẫn từ [12]).
Trung Quốc cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ 1989, tuy nhiên chỉ cho phép sử dụng những kháng sinh nào không dùng để điều trị bệnh cho người và động vật, đó là monesin, salinomycin, destomycin, bacitracin, colistin, kitasamycin, enramycin và virginamycin.
Luật pháp về vấn đề tồn dư, về VS ATTP ở Việt Nam:
Tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2002, Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn ra quyết định số 54 ban hành ngày 20 tháng 6 [2],[38]: Cấm sử dụng clebutarol, salbutamol, chloramphenicol, furazolidon và các dẫn xuất thuộc nhóm nitrofuran. Trước năm 2003, Việt Nam vẫn chưa có một Pháp lệnh hoặc luật về ATTP, mà cao nhất là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (ngày 15/4/1999). Tổ chức về bộ máy về quản lý, thanh tra chuyên ngành và kiểm nghiệm thực phẩm còn thiếu, các qui định và tiêu chuẩn về ATTP hầu như chưa có, nhận thức và thực hành về ATTP của người quản lý lãnh đạo, người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng còn rất hạn chế. Trình độ sản xuất của ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, cá thể chưa phát triển. Chưa kiểm soát được chăn nuôi ở các hộ gia đình, đặc biệt chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng và giết mổ gia súc, gia cầm.
Năm 2003, pháp lệnh về VSATTP đã được ban hành [40]. Đây là một bước quan trọng để soạn thảo Bộ luật thực phẩm hoàn chỉnh và đầy đủ bao gồm các quy định và tiêu chuẩn về an toàn của các mặt hàng thực phẩm trên thị trường. Bộ luật này ra đời là các biện pháp chế tài của Nhà nước để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam đưa ra các luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, luật chất lượng hàng hoá. Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành năm 2006 và có hiệu lực kể từ ngày
01/01/2007 đã mở ra một cách thức tiếp cận và quản lý mới đối với hàng hoá nói chung và thực phẩm nói riêng.