Tồn dư kháng sinh trên thịt, thận và gan lợn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 91)

Qua phân tích 204 mẫu các sản phẩm của lợn thịt đã phát hiện 56 mẫu có dư lượng kháng sinh chiếm tỷ lệ 27,40%, trong đó gan lợn có số mẫu phát hiện nhiều nhất 39,70% tiếp theo đến thận lợn 32,30% sau đó là thịt 10,20% (bảng 3.1). Sở dĩ có sự chênh lệch này, theo chúng tôi có thể do thuốc kháng sinh nhóm tetracycline khi vào cơ thể con vật theo đường tiêu hoá, được hấp phụ vào trong máu, chuyển hoá thuốc qua gan và thải trừ chủ yếu qua thận ra nước tiểu, do vậy hai tạng này có tần suất gặp tồn dư cao hơn so với tổ chức mô (thịt). Theo các nghiên cứu về dược lý học của thuốc, sự phân bố thuốc trong cơ thể con vật do đặc điểm chuyển hoá của nhóm kháng sinh tetracycline có chu kỳ máu-gan-mật-ruột-máu, nên thuốc được tồn tại lâu trong cơ thể động vật. Những bệnh súc nào mới được sử dụng thuốc, khi phân tích thì hàm lượng kháng sinh tồn dư ở cả thịt, gan và thận. Còn những bệnh súc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhưng đã ngừng sử dụng, khi phân tích kiểm tra thì hàm lượng tồn dư kháng sinh nhóm tetracycline chỉ còn ở gan và thận. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hoàng Thành Trung (2003)[50], của

Nguyễn Duy Hoan (2009)[12]. Tỷ lệ tồn dư kháng sinh trên thịt lợn trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của một số tác giả nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thú Y quốc gia Hàn Quốc (2004) 3,33%. Chúng tôi cho rằng nghiên cứu của tác giả trên có khác so với kết quả cuả chúng tôi là có thể do thời điểm họ bắt đầu cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh từ rất sớm để phòng bệnh chiếm tỷ lệ tương đối cao 77,44%, nhưng những người chăn nuôi lợn ở Hàn Quốc đã biết dừng thức ăn cho lợn có chứa kháng sinh từ 15-30 ngày trước khi giết mổ [75]. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy số người chăn nuôi lợn ngừng cho ăn thức ăn có kháng sinh và hormone trước khi giết mổ đúng qui định chiếm tỷ lệ rất thấp 10,16%, biết về ảnh hưởng của tồn dư kháng sinh trong thịt lợn tới sức khoẻ chiếm 52,60%, sự

hiểu biết về chăn nuôi lợn không an toàn có thể dẫn tới sự tồn dư kháng sinh trong thịt lợn chỉ chiếm tỷ lệ 27,60% (bảng 3.9). Đây chính là lý do dẫn đến tỷ lệ mẫu tồn dư kháng sinh trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn các tác giả khác.

So sánh với một số kết quả nghiên cứu trong nước như tác giả Trần Mai Anh Đào và cộng sự (2005) [6] (32,56%); Kết quả nghiên cứu của Trần Quang Thuỷ (2007) nghiên cứu tại địa bàn Hà Nội (12%); Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa Lý (2003) (25% và của tác giả Lê Văn Hùng (2001) là 12 – 25% và Nguyễn Như Pho (2001) là 13,20%, chúng tôi thấy kết quả nghiên cứu của chúng tôi là 27,45% cao hơn các tác giả đã nêu trên. Sự khác nhau này có thể do những người chăn nuôi lợn trong nghiên cứu này phần lớn sống ở khu vực nông thôn, kiến thức chăn nuôi lợn về an toàn sinh học còn rất hạn chế, sự hiểu biết về chăn nuôi lợn an toàn sinh học còn chiếm tỷ lệ thấp 27,60%. Đặc biệt, trong thực hành về thời điểm bổ sung kháng sinh vào thức ăn cho lợn đúng qui định chỉ chiếm 16,15%; thực hành đúng về thời gian ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone trước khi giết mổ chỉ có 35,45% (bảng 3.11). Chúng tôi nhận thấy ở nhóm người chăn nuôi lợn theo phương thức hộ gia đình đã thực hiện ngừng thức ăn có kháng sinh, hormone đúng qui định chiếm tỷ lệ thấp hơn (12,46%) so với những người chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp (22,99%). Số lần người chăn nuôi lợn cho lợn ăn các loại thức ăn này trong một ngày theo đúng qui định cũng còn chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là ở nhóm chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình chỉ chiếm 31,85%. Hơn nữa, về thời điểm nghiên cứu của chúng tôi vào thời kỳ mà những người chăn nuôi ở cộng đồng đang có xu hướng sử dụng nhiều kháng sinh, hormone trong chăn nuôi nhiều hơn so với trước đây.

Kết quả phân tích tỷ lệ tồn dư từng loại kháng sinh cho thấy số mẫu phát hiện dư lượng oxytetraxycline khá lớn: 20,09%, trong khi đó số mẫu phát hiện tetraxycline thấp hơn nhiều 1,47% chỉ gặp ở mẫu gan. So với kết quả nghiên cứu của Dương Văn Nhiệm (2005) [34], cho thấy 5,5% số mẫu trong 200 mẫu thịt lợn trên thị trường Hà Nội có tồn dư kháng sinh tetracycline. Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nhiều. Điều này có thể do trong giai đoạn hiện nay những người chăn nuôi lợn có xu hướng sử dụng nhiều kháng sinh tetracycline trong chăn nuôi.

Tỷ lệ số mẫu kháng sinh được phát hiện từ các mẫu thịt lợn còn phụ thuộc vào phương pháp phát hiện. Như vậy, trong nghiên cứu của tác giả Titiger và cộng sự năm 1975 xét nghiệm bằng phương pháp vi sinh vật tại lò mổ lợn Ontario và Saskatchewan chỉ phát hiện được 5 mẫu kháng sinh dương tính trong tổng số 611 mẫu chiếm tỷ lệ 0,81%. Trong khi đó phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao chúng tôi áp dụng trong nghiên cứu này cho thấy số mẫu phát hiện dư lượng

oxytetracycline tới 20,09%. Điều này cho thấy, cho đến giai đoạn hiện nay để nghiên cứu sự tồn dư kháng sinh trong động vật nói chung và thịt lợn nói riêng còn phải tiếp tục cải tiến, hoặc tìm các phương pháp có độ nhạy cao hơn để phát hiện sự tồn dư kháng sinh trong thịt lợn. Tỷ lệ số mẫu phát hiện dư lượng kháng sinh chlotetraxycline ở mẫu gan và mẫu thận như nhau 8,82% tính chung cả 2 loại mẫu thì tỷ lệ này là 5,88%. Không phát hiện mẫu thịt, mẫu thận chứa dư lượng

tetraxycline (bảng 3.2).

Kết quả nghiên cứu tình trạng tồn dư kháng sinh, hormone theo phương thức nuôi cho thấy phương thức nuôi hộ gia đình số mẫu tồn dư kháng sinh chiếm tỷ lệ 38,24%, cao hơn phương thức công nghiệp 16,67% (bảng 3.3). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Như vậy, lợn nuôi theo phương thức hộ gia đình có tồn dư kháng sinh nhiều hơn nuôi công nghiệp. Điều này có chúng tôi cho rằng do những người chăn nuôi hộ gia đình còn hạn chế về kiến thức nuôi lợn an toàn sinh học so với những người chăn nuôi lợn công nghiệp. Qua khảo sát chúng tôi thấy ở các hộ chăn nuôi theo công nghiệp thường làm các trại chăn nuôi và có cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Vì thế, thuốc kháng sinh được bổ sung thường xuyên vào thức ăn nước uống để phòng bệnh cũng như nâng cao sức đề kháng của lợn. Tuy nhiên, đến giai đoạn xuất bán lợn thịt hầu hết các trang trại đều tuân theo nguyên tắc thải trừ kháng sinh. Mặt khác, đối với các trang trại lớn thì uy tín là cần thiết, vì vậy, khi gia súc mắc bệnh được tiêu huỷ, một số trang trại còn mổ khám những con bị chết để chẩn đoán bệnh, từ đó có phương pháp phòng bệnh cũng như điều trị cho các lứa kế tiếp (đặc biệt các bệnh lạ mới xuất hiện). Trong khi đó, chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình, kháng sinh được sử dụng ít hơn nhưng chỉ được sử dụng khi có bệnh xảy ra

với mục đích điều trị, họ không tuân thủ việc ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh và hormone theo đúng qui định, vì phần lớn số trong số họ (có tới 72,40% số người chăn nuôi lợn, bảng 3.9) không được học về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học như những người chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp.

Một nguyên nhân nữa là do: Nuôi theo phương thức công nghiệp thì có thể điều khiển được bầu tiểu khí hậu trong chuồng nuôi, tạo điều kiện tốt nhất cho lợn sinh trưởng và ít mắc bệnh. Còn nuôi theo phương thức hộ gia đình điều này khó được đáp ứng, hầu hết đều phụ thuộc vào điều kiện khí hậu tự nhiên, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa khí hậu thay đổi đột ngột làm lợn dễ bị mắc bệnh hơn nuôi công nghiệp. Do vậy, người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng cách bổ sung kháng sinh vào thức ăn cho lợn ăn, vừa tăng trọng nhanh vừa phòng được bệnh – không chủ động tuân thủ đúng thời gian ngừng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ lợn đem bán ngoài thị trường.

So sánh hàm lượng kháng sinh tồn dư trong các mẫu phân tích với tiêu chuẩn cho phép của (JECFA) cho thấy lượng kháng sinh oxytetraxycline tồn dư (2889,84 + 521,92 ppb) trong các sản phẩm thịt, gan và thận lợn và cao hơn so với lượng kháng sinh tetracycline (385,81 + 139,17 ppb) (bảng 3.4).

Phần lớn các mẫu thận lợn phân tích đều có dư lượng oxytetraxycline với hàm lượng trung bình là 2889,84 + 521,92 ppb cao gấp 2,41 lần so với hàm lượng tồn dư trong thịt (bảng 3.4). Sự chênh lệch về hàm lượng phân tích oxytetraxycline giữa thận và thịt có sự chênh lệch, nghiên cứu của chúng tôi cũng thấy phù hợp với nghiên cứu của Trần Quang Thuỷ (2005) [49].

Số lượng các mẫu tồn dư kháng sinh tetracycline ở trong gan lợn chiếm tỷ lệ thấp và hàm lượng tồn dư trung bình thấp hơn TCCP chưa gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng. Nhưng hàm lượng của oxytetraxycline và chlortetraxycline ở trong gan vượt TCCP từ 2,09 đến 2,30 lần (bảng 3.4). So với kết quả nghiên cứu của Daejun và Gwangju ở Hàn Quốc (2006) [75] phát hiện tồn dư tetracycline 0,372 ppm và oxytetraxycline 0,169ppm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 1,7 lần thì kết quả của chúng tôi cao hơn. Sở dĩ hàm lượng kháng sinh ở gan cao hơn nhiều so với các mô khác là do thuốc liên kết và gây nên biến đổi của huyết tương sau khi hấp thu và

chuyển đến gan, sau đó theo mật đổ xuống ruột non. Các nghiên cứu về dược lý học của thuốc oxytetraxycline, chlortetraxycline đã cho thấy hàm lượng của thuốc trong gan và mật bao giờ cũng cao hơn trong máu ít nhất từ 5 - 10 lần. Chính vì thuốc nhóm tetracycline có chu kỳ máu-gan-mật-ruột non, nên được tồn tại lâu trong cơ thể con vật [3]. Hơn nữa, nghiên cứu của tác giả Daejun chỉ tập trung trên thịt lợn, trong nghiên cứu của chúng tôi phân tích trên thận lợn và gan lợn là hai cơ quan có giai đoạn chuyển hoá của thuốc qua đây do vậy tỷ lệ số mẫu có tồn dư kháng sinh cũng như số lần vượt tiêu chuẩn cho phép cao hơn.

Nếu so sánh 3 loại sản phẩm là: thịt, thận và gan lợn trong nghiên cứu thì sản phẩm thịt lợn an toàn cho người sử dụng. Riêng đối với sản phẩm thận lợn hàm lượng kháng sinh tồn dư khá lớn đặc biệt là oxytetraxycline tồn dư 2889,84 + 521,92 ppb vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 2,41 lần, không an toàn cho người sử dụng. Đối với sản phẩm gan lợn, hàm lượng kháng sinh oxytetraxycline và

chlortetraxycline vượt TCCP từ 2,30 đến 2,09 lần, không an toàn cho người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 91)