Hoạt động can thiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 107)

Công tác xã hội hoá và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân luôn được Đảng và nhà nước quan tâm, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Các vấn đề sức khoẻ có ý nghĩa không chỉ ở phạm vi một quốc gia, mà mang tính chất toàn cầu. Huy động cộng đồng tham gia truyền thông giáo dục sức khoẻ, cải thiện tình trạng tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt. Hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân ở cộng đồng là một việc làm có ý nghĩa và phải thường xuyên được triển khai.

Mô hình can thiệp ở phường Quang Vinh nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu tồn dư kháng sinh, hormone trong các sản phẩm từ lợn thịt đã được đưa ra vào đúng thời điểm mà cộng đồng quan tâm. Đặc điểm của mô hình là dựa vào nhu cầu của người chăn nuôi thực hiện can thiệp nhằm giải quyết vấn đề sức khoẻ của người chăn nuôi nói riêng và người dân ở cộng đồng khu vực Thái Nguyên nói chung, nó phù hợp với nguyện vọng của người dân, được người dân chấp nhận. Đặc điểm của mô hình là áp dụng giải pháp tham gia của cộng đồng. Cộng đồng tham gia từ khâu xác định vấn đề sức khoẻ, lựa chọn ưu tiên, lập kế hoạch thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Chúng tôi áp dụng nguyên lý cơ bản, nguyên lý chủ đạo trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới đã được thông qua tại Alma Alta năm 1979.

Nội dung can thiệp theo ý kiến của người chăn nuôi lợn: "Chúng tôi thiếu hiểu biết, chưa biết cách phòng tồn dư kháng sinh, hormone trên sản phẩm từ lợn thịt, chúng tôi mong muốn có sản phẩm thịt lợn sạch để cung cấp cho bản thân gia đình và thị trường…"

Sau khi phân tích thực trạng về tồn dư kháng sinh, hormone trên sản phẩm từ lợn thịt của những người chăn nuôi tham gia nghiên cứu. Chúng tôi thấy rằng tỷ lệ số mẫu tồn dư kháng sinh, hormone tại địa bàn Thái Nguyên là tương đối cao. Kiến thức, thái độ, thực hành đúng của người chăn nuôi lợn về an toàn sinh học trong chăn nuôi và sử dụng an toàn kháng sinh, hormone trong chăn nuôi lợn phòng tồn dư kháng sinh, hormone trong sản phẩm từ lợn thịt còn hạn chế. Lãnh đạo địa phương đã tổ chức hội thảo, lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, lựa chọn vấn đề ưu tiên can thiệp là phòng giảm thiểu tồn dư kháng sinh, hormone trong sản phẩm từ lợn thịt. Hoạt động can thiệp được các trưởng xóm, bí thư chi bộ các xóm giới thiệu đến từng hộ gia đình thông qua buổi họp xóm, loa truyền thanh của xóm và được người chăn nuôi và cộng đồng chấp nhận tự giác tham gia.

Qua kết quả về điều tra nhu cầu thảo luận nhóm với chính quyền địa phương, chúng tôi lựa chọn nội dung can thiệp là:

- Truyền thông giáo dục về chăn nuôi lợn an toàn sinh học: + Nguyên nhân gây tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt lợn

+ Ảnh hưởng của tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt lợn tới sức khoẻ người tiêu dùng.

+ Phòng tránh dịch bệnh cho lợn để đảm bảo không phải dùng kháng sinh trong điều trị, người chăn nuôi lợn cần tuân theo các nguyên tắc như giữ vật nuôi trong điều kiện tốt, trong môi trường được bảo vệ, kiểm soát khu vực chăn nuôi.

- Truyền thông giáo dục về sử dụng an toàn kháng sinh, hormone như: cách dùng, thời gian bổ sung, thời gian ngừng cho lợn ăn các loại thức ăn có chứa kháng sinh, hormone trước khi giết mổ theo qui định với khoảng thời gian hợp lý đủ để các chất tồn dư đào thải ra ngoài cơ thể con vật, không gây tồn dư kháng sinh, hormone trên thịt, và các sản phẩm từ lợn thịt.

- Truyền thông về biện pháp phòng, giảm tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt lợn cho người chăn nuôi lợn:

+ Yếu tố nguy cơ gây tồn dư, tác hại của tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt lợn. + Truyền thông cách chăn nuôi lợn thịt theo đúng quy trình.

Hoạt động can thiệp của đề tài được tiến hành từ tháng 8 năm 2008 đến thang 8 năm 2010 bao gồm các nội dung:

Tập huấn cho các cán bộ tham gia mô hình theo nội dung can thiệp. Tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ tham gia truyền thông về các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, sử dụng an toàn kháng sinh, hormone trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để phòng tồn dư kháng sinh, hormone trong các sản phẩm của người chăn nuôi.

Các cán bộ tham gia truyền thông, cán bộ y tế thôn bản, phụ nữ, hội nông dân tập thể tham gia định kỳ giám sát 2 tháng một lần các hoạt động can thiệp. Cán bộ trưởng xóm đọc bài tuyên truyền về thực hành chăn nuôi lợn an toàn sinh học hai lần trong một tuần thông qua loa truyền thông của xóm.

+ Truyền thông trực tiếp trong các buổi học tập, nói chuyện về sử dụng an toàn kháng sinh, hormone trong chăn nuôi. Hoạt động này nhằm chuyển tải các thông điệp tới người dân. Thông qua hoạt động này có tác động làm cho cộng đồng nhận thức đúng đắn hơn về tác hại của tồn dư kháng sinh, hormone tới sức khỏe của người tiêu dùng thịt lợn.

+ Truyền thông gián tiếp bằng phát tài liệu, tờ rơi (phụ lục 4), trưng bày pano (poster), do NVYTTB và CTVDS thực hiện, đọc tài liệu trên loa đài. Hoạt động này mang ý nghĩa rất lớn, đã phát động cộng đồng một phong trào học tập về sử dụng an toàn kháng sinh, hormone trong chăn nuôi lợn.

Qua phương pháp truyền thông giáo dục sức khoẻ đã có sự thay đổi đến kiến thức, thái độ, thực hành của người chăn nuôi lợn tại phường Quang Vinh. Do đặc điểm của mô hình can thiệp là dựa vào nhu cầu của người chăn nuôi, nên đã có sự tham gia của cộng đồng, thực hiện giải quyết vấn đề có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, người chăn nuôi và của cộng đồng. Cộng đồng tham gia từ bước xác định vấn đề sức khoẻ, lập kế hoạch giải quyết vấn đề, tham gia giám sát và đánh giá kết quả. Do vậy, trong quá trình thực hiện nghiên cứu chúng tôi đã nhận được sự

đồng thuận về nguồn lực vật chất cũng như tinh thần của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể trong phường. Nghiên cứu đã góp phần giúp cho các ngành các cấp uỷ thực hiện mục tiêu của Đảng Uỷ phường về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay là: "Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với tổ chức giết mổ tập trung, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân trên 9%".

Mô hình can thiệp dựa vào nguồn lực sẵn có của cộng đồng từ cấp xóm cấp tổ phát huy được vai trò lãnh đạo của cấp Uỷ Đảng và các tổ chức ban ngành, đoàn thể trong phường. Vì vậy, xây dựng mô hình can thiệp có sự tham gia của cộng đồng đã nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của người chăn nuôi lợn về an toàn sinh học, giảm thiểu tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt của những hộ chăn nuôi lợn ở 12 xóm của phường can thiệp.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy tỷ lệ tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt có liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành của người chăn nuôi lợn về sử dụng an toàn kháng sinh và hormone trong chăn nuôi. Trước khi can thiệp, chúng tôi thấy kiến thức dúng về các nội dung của về chăn nuôi lợn an toàn hợp lý chiếm tỷ lệ trung bình là 39,06%. Thái độ đúng về sự cần thiết phải biết chăn nuôi lợn an toàn sinh học là 48,70%. Tỷ lệ trung bình các nội dung thực hành đúng của người chăn nuôi lợn là 53,71%. Khi so sánh với nghiên cứu của Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2009) [11] chúng tôi thấy kiến thức đúng là 27,05%, thái độ, thực hành đúng của người chăn nuôi lợn 25,23% về vấn đề vệ sinh môi trường và phòng chống bệnh nấm da, thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn, có lẽ đây là vấn đề thực hành về giảm tồn dư chất gây hại trên thịt lợn đối với sức khoẻ của con người, hơn nữa người chăn nuôi lợn được lựa chọn ở các phường trong khu vực thành phố nên có phần nào hiểu biết tốt và thực hành tốt với những người chăn nuôi lợn ở khu vực nông thôn ở vùng huyện của tỉnh Thái Nguyên, do vậy chúng tôi phát hiện thấy tỷ lệ cao hơn.

Sau thời gian can thiệp 2 năm cho thấy kiến thức đúng của người chăn nuôi lợn về biết chăn nuôi lợn an toàn sinh học có thể không có tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt lợn tăng lên từ 27,45% lên 100% sau can thiệp, biết tên một loại

thức ăn tăng trọng có mặt trên thị trường tăng từ 85,29% lên 96,55% tại thời điểm sau can thiệp. Kiến thức đúng về biện pháp dự phòng tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt và một số sản phẩm từ lợn thịt đạt 96,09%; Kiến thức đúng của người chăn nuôi biết cho kháng sinh, hormone vào thức ăn cho lợn còn tồn dư trên thịt tăng lên từ 35,29% trước can thiệp 95,10% sau can thiệp. Kiến thức đúng về thời điểm bắt đầu cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone cũng tăng lên từ 16,66% lên 95,10% tại thời điểm sau can thiệp; Kiến thức đúng của người chăn nuôi lợn về biết thời gian ngừng dùng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ lợn ở thời điểm sau can thiệp được cải thiện rõ rệt, tăng từ 10,78% đến 98,03%. Tỷ lệ số người chăn nuôi lợn được cải thiện về kiến thức ở thời điểm sau can thiệp cao hơn thời điểm trước can thiệp, với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Trong khi đó, ở nhóm chứng sự thay đổi về các tỷ lệ này ở thời điểm trước và sau can thiệp chưa có ý nghĩa thống kê, p > 0,05 (bảng 3.21).

Kết quả bảng 3.22 cho thấy thái độ đúng của người chăn nuôi lợn về sự cần thiết chăn nuôi lợn an toàn sinh học trước can thiệp là 48,03% tăng lên đáng kể ở nhóm can thiệp tại thời điểm sau can thiệp đạt 97,05%. Thái độ đúng về sự cần thiết bồi dưỡng kiến thức để chăn nuôi lợn an toàn sinh học sau can thiệp cao hơn trước can thiệp (100% so với 30,39%), với p <0,05.

Đối với người nông dân nói chung và người chăn nuôi lợn nói riêng, việc thực hành chăn nuôi lợn phần lớn dựa trên kinh nghiệm truyền thống. Họ cũng dễ thay đổi nhận thức nếu như điều đó đem lại lợi ích cho gia đình. Do vậy những kiến thức mới được áp dụng đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi cũng như không gây thiệt hại về mặt kinh tế cho gia đình họ thì dễ dàng chấp nhận. Cũng chính vì lẽ đó mà có những hộ không biết việc làm của mình là cho lợn ăn những gói thuốc hormone (gói tăng trọng) sẽ gây hại cho cộng đồng. Họ rủ nhau mua về dùng cho cho lợn ăn một cách tự nhiên. Một phần là do kiến thức của họ còn hạn chế, do vậy việc thực hành của người chăn nuôi lợn ở thời điểm trước can thiệp của cả hai nhóm về cách bổ sung đúng kháng sinh vào thức ăn cho lợn còn thấp chiếm tỷ lệ từ

55,88% đến 56,03%. Cách cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone cho đến ngày giết mổ là sai so với qui định ít được người chăn nuôi lợn biết đến do vậy tỷ lệ này

chiếm khá cao từ 63,72% đến 63,79%. Trong khi đó thực hành ngừng dùng kháng sinh, hormone đúng qui định trước khi giết mổ chỉ chiếm 33,29% đến 35,34% đối với mỗi nhóm. Cách cho lợn ăn đúng kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ từ 64,70% đến 65,51%. Những hiểu biết và thực hành của người chăn nuôi lợn về vấn đề an toàn sinh học phòng tồn dư kháng sinh, hormone của người chăn nuôi lợn ở địa điểm nghiên cứu còn hạn chế. Tuy nhiên qua thời gian 2 năm can thiệp các tỷ lệ này tăng lên đáng kể, và đạt được hiệu quả cao.

Như vậy, trong hai năm can thiệp tại phường Quang Vinh chúng tôi sử dụng biện pháp huy động cộng đồng để phòng tồn dư kháng sinh, hormone trong sản phẩm của người chăn nuôi có hiệu quả, không những chỉ trong chăn nuôi gia súc mà còn có ý nghĩa đối với chăn nuôi gia cầm, thuỷ sản nói chung.

Kết quả hoạt động của mô hình can thiệp, cán bộ cộng tác viên dân số, cán bộ của hội khuyến nông là những người tình nguyện, do dân cử ra không ai khác ngoài họ là người gần dân và nắm bắt rõ nguyện vọng chính đáng của người chăn nuôi. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn người chăn nuôi lợn thực hiện phòng tồn dư kháng sinh, hormone theo đúng qui trình kỹ thuật do ban chỉ đạo đề ra. Các cán bộ này là thành tố then chốt trong việc đạt được hiệu quả của chương trình đề ra, do vậy họ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt việc thực hành chăn nuôi có lợi cho sức khoẻ của cộng đồng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 107)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(127 trang)
w