Tồn dư hormone trên thịt, thận và gan lợn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 95)

Trong 204 mẫu phân tích gồm 68 mẫu thịt, 68 mẫu thận và 68 mẫu gan chúng tôi thấy các sản phẩm của lợn thịt đã phát hiện 38 mẫu có dư lượng hormone chiếm tỷ lệ 18,63%, trong đó gan lợn có số mẫu phát hiện nhiều nhất 26,47% tiếp theo đến thận lợn 16,18% sau đó là thịt là 13,24% (bảng 3.5). Tỷ lệ tồn dư hormone trên thịt trong nghiên cứu của chúng tôi (13,24%) cao hơn nghiên cứu của tác giả Lã Văn Kính (2006) là 7,26%, do những người chăn nuôi đã biết dừng thức ăn có chứa hormone từ 15-30 ngày trước khi giết mổ [24]. Nhưng nếu so sánh riêng trên các mẫu phân tích từ gan thì kết quả nghiên cứu của Lã Văn Kính (2001) [20] có tỷ lệ tồn dư hormone ở gan là 60% cao hơn trong nghiên cứu của chúng tôi (26,47%). Sự khác nhau này có thể liên quan tới thời điểm xét nghiệm với chu trình chuyển hoá của thức ăn có chứa hormone.

Kết quả phân tích tỷ lệ tồn dư từng loại hormone cho thấy số mẫu phát hiện dư lượng 17β-estradiol khá lớn tính chung cho cả 3 loại mẫu: 14,22%, trong khi đó số mẫu phát hiện testosterone thấp hơn nhiều (4,41%) gặp ở 2 loại mẫu gan, mẫu thịt. Tỷ lệ số mẫu phát hiện dư lượng hormone 17β-estradiol ở mẫu gan 17,65% và

mẫu thận 16,18%, và mẫu thịt là 8,82% (bảng 3.6). Kết quả trên cho thấy phù hợp với điều tra, tìm hiểu ở hộ gia đình và những người chăn nuôi đã biết được hiện nay ở trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm sinh học được bán với các mẫu mã và chủng loại rất đa dạng. Đặc biệt là các chế phẩm của Trung Quốc, các chế phẩm sinh học này thường đóng thành các gói nhỏ có khối lượng từ 0,5 - 1kg. Người chăn nuôi mua về trộn với thức ăn hỗn hợp rất thuận lợi và cho lợn ăn, người ta thường trộn với tỷ lệ 1 kg chế phẩm sinh học cho 1 tấn thức ăn hỗn hợp. Lợn sau khi cho ăn thức ăn có trộn chế phẩm sinh học này thì con lợn ngủ nhiều, tích nước, tăng trọng nhanh và tạo nạc. Trong quá trình tìm hiểu, được người chăn nuôi cho rằng trong các chế phẩm sinh học có một chất kích thích nào đó mới giúp cho lợn ăn vào mau lớn và tiết kiệm thức ăn đem lại năng suất cao trong chăn nuôi.

So sánh hàm lượng hormone tồn dư trong các mẫu phân tích so với tiêu chuẩn cho phép của (JECFA) cho thấy lượng 17β-estradiol tồn dư trong các sản phẩm thịt, gan và thận lợn và cao hơn so với tiêu chuẩn cho phép. Phần lớn các mẫu phân tích đều có dư lượng 17β-estradiol khá lớn từ 15,08 + 7,15 ppb vượt tiêu chuẩn cho phép 6,03 lần. Ngược lại testosterone tồn dư rất ít trong các mẫu phân tích với hàm lượng 11,36 + 3,55 dưới ngưỡng cho phép (bảng 3.8). So với kết quả nghiên cứu của Trần Quang Thuỷ là hàm lượng testosterone ở trong thịt lợn là 14,26 ppb (dưới tiêu chuẩn cho phép) thì kết quả của chúng tôi tồn dư testosterone ở trong thịt lợn thấp hơn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy riêng với thận lợn và gan lợn hàm lượng tồn dư 17β-estradiol trong gan và thận vượt TCCP từ 4,34 đến 6,03 lần, điều này cho thấy có thể không an toàn cho người sử dụng. Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thận và gan lợn là hai cơ quan có tỷ lệ số mẫu có dư lượng thuốc cũng như số lần vượt tiêu chuẩn cho phép cao hơn so với thịt. So sánh 3 loại sản phẩm là: thịt, gan và thận lợn thì sản phẩm thịt an toàn cho người sử dụng.

Về đặc tính lý học có thể phân biệt bằng cảm quan cho thấy ở những miếng thịt lợn, thận lợn, gan lợn có tồn dư kháng sinh như nhạt màu, có nước ướt và đọng thành giọt. Thịt màu đỏ hồng tươi, ấn tay vào thấy nhẽo là thịt còn tích nước do tác dụng của dư lượng hormone còn ở trong thịt.

Theo nghiên cứu của Ellin Doyle, Harman và cộng sự (2000) [67] cũng như tổng hợp các dữ liệu nghiên cứu khác về hormone trong thực phẩm cho thấy: bình quân lương thực tiêu thụ ở Đức, ước tính trung bình lượng estradiol cho phụ nữ là 0,08μg, nam giới là 0,1μg; trẻ em gái trước tuổi dậy thì 0,07μg; trẻ em trai trước tuổi dậy thì là 0,08 μg với 60 - 70% được cung cấp từ các sản phẩm sữa và 15 -20% được cung cấp từ thịt, cá. Theo JECFA, liều chấp nhận của estradiol ăn vào hàng ngày cho phép một người lớn 0,3μg, và cho một trẻ em là 0,5μg. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hàm lượng hormone 17β-estradiol cao hơn tiêu chuẩn cho phép của FAO/WHO là 4,34 lần ở trong mẫu thận; phát hiện hàm lượng hormone 17β-estradiol cao hơn 6,03 lần ở mẫu gan, chủ yếu là mẫu gan của những con lợn được nuôi theo phương thức hộ gia đình. Thực tế này cho thấy, các hàm lượng này xuất hiện với tỷ lệ 35,29% số mẫu, do vậy nguy cơ đối với sức khoẻ của người tiêu dùng là có thể xảy ra.

Như vậy, với các kết quả thu được đã cho thấy: ngoài việc nghiên cứu sự tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt lợn thì nghiên cứu sự tồn dư kháng sinh,

hormone trong gan và thận lợn – hai loại phủ tạng lợn được nhiều người tiêu dùng ưa thích đã cho thấy tính không an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng nhiều hơn là thịt lợn. Điều này cần được cảnh báo sớm cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng và cộng đồng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 95)