Sức khoẻ của một cộng đồng chỉ có thể được nâng cao khi người dân trong cộng đồng hiểu biết về cách phòng ngừa bệnh tật, chủ động tham gia vào việc kiểm soát bệnh đóng góp ý kiến giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của chính họ, cũng như các hoạt động chăm sóc sức khoẻ. Những hoạt động nhằm cung cấp kiến thức kỹ năng để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ cho chính họ và cộng đồng xung quanh là hoạt động truyền thông giáo dục [14],[15]. Với ý nghĩa đó giáo dục sức khoẻ có một vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và
được xếp vào nội dung hàng đầu trong 10 nội dung của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra từ năm 1978.
Như vậy khái niệm về GDSK là: quá trình nhằm giúp người dân tăng cường hiểu biết để thay đổi thái độ, tự nguyện thay đổi những hành vi gây hại cho sức khoẻ, chấp nhận và duy trì thực hiện những hành vi lành mạnh, có lợi cho sức khoẻ.
Trong nghiên cứu này, người làm công tác GDSK phải cung cấp thông tin, giải thích khuyên bảo, hy vọng người chăn nuôi sẽ tiếp thu và áp dụng các biện pháp chăn nuôi để cải thiện tình trạng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn. Để nghiên cứu can thiệp có hiệu quả, các cán bộ y tế công cộng có thể thực hiện bằng nhiều cách: nói chuyện với người chăn nuôi lợn, và lắng nghe những mong muốn của họ về vấn đề chăn nuôi để thịt không còn tồn dư kháng sinh, hormone. Xác định được các hành vi tiêu cực có thể xảy ra của người chăn nuôi, giải quyết và ngăn chặn những hành vi không có lợi cho sức khoẻ của người chăn nuôi và của người dân ở cộng đồng. Người nghiên cứu cùng với họ tìm hiểu các yếu tố liên quan, yếu tố ảnh hưởng, nguyên nhân dẫn đến các thực hành của người chăn nuôi; Động viên họ và nêu ra cách lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của người chăn nuôi. Đây là cơ sở của hoạt động can thiệp để nâng cao KAP về chăn nuôi an toàn sinh học cho người chăn nuôi lợn [17].