Kiến thức, thái độ và thực hành của người chăn nuôi lợn về sử dụng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 97)

toàn kháng sinh, hormone trong chăn nuôi

Trong nông thôn mới ngày nay chăn nuôi hộ gia đình được đánh giá cao trong việc thúc đẩy kinh tế của người nông dân. Quy mô chăn nuôi lợn ngày càng phát triển, tuy nhiên các chăn nuôi nhỏ trong nông hộ cũng đem lại một số các bất lợi cho bản thân người chăn nuôi và cho người tiêu dùng. Thực tế trong chăn nuôi hộ gia đình gây ra nhiều nguồn ô nhiễm môi trường nông thôn như nghiên cứu của Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Đỗ Hàm (2009) [11] tại khu vực Thái Nguyên, cho thấy: các hộ chăn nuôi lợn không có hố thu gom phân lợn chiếm tỷ lệ từ 18,78% đến

24,07%, sử dụng ngăn chuồng để chứa phân; Môi trường chăn nuôi lợn có số lượng vi sinh vật cao hơn số lượng vi sinh vật đo được tại cửa nhà ở của người chăn nuôi. Đây là nguồn ô nhiễm vi sinh vật phát sinh bệnh tật thường xuyên cho lợn trong vụ chăn nuôi. Chính điều này đã dẫn đến việc người chăn nuôi lợn phải thường xuyên bổ sung kháng sinh vào thức ăn cho lợn để phòng bệnh trước mùa dịch bệnh. Theo nghiên cứu của Lã Văn Kính và cộng sự (2001) [20] cho thấy trong thức ăn chăn nuôi đặc biệt cho lợn, tỷ lệ sử dụng kháng sinh oxytetracycline trong thức ăn cho lợn là cao nhất có tới 100% mẫu chứa kháng sinh này, 67% số thức ăn có sử dụng kháng sinh loại chloramphenicol.

Trong nghiên cứu này chúng tôi đã đánh giá điểm kiến thức, thái độ, thực hành của người chăn nuôi lợn về sử dụng an toàn kháng sinh và hormone theo hai mức: đúng và sai (hoặc đạt; không đạt). Về đánh giá thực hành theo 2 mức: đúng và không đúng. Kết quả thảo luận nhóm với người chăn nuôi lợn cho rằng do thiếu kiến thức hiểu biết về cách sử dụng kháng sinh cũng như các loại thức ăn tăng trọng trong chăn nuôi lợn dẫn đến tồn dư kháng sinh và hormone trong các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của người chăn nuôi.

Kết quả nghiên cứu về kiến thức, thái độ và thực hành của người chăn nuôi lợn tại địa điểm nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu bao gồm 384 người chăn nuôi lợn, trong đó người chăn nuôi theo phương thức công nghiệp là 135 đối tượng và những người chăn nuôi hộ gia đình là 249 người. Hai đối tượng này có những đặc điểm chăn nuôi khác nhau như điều kiện chăn nuôi, điều kiện tiếp cận thông tin và một số điều kiện khác. Do vậy, để đánh giá thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành có mối liên quan với sự tồn dư kháng sinh, hormone, chúng tôi chia thành hai nhóm (nhóm chăn nuôi công nghiệp và nhóm chăn nuôi hộ gia đình).

Kết quả nghiên cứu về tình trạng kiến thức, thái độ, thực hành của người chăn nuôi lợn tại địa điểm nghiên cứu cho thấy hầu hết người chăn nuôi lợn đều chưa có kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Chỉ có 27,60% số người chăn nuôi công nghiệp có kiến thức chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Đây là một tỷ lệ thấp phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Margaret Mellon (2003)[82]. Theo tác giả này là 27%. Trong số các chỉ tiêu đánh giá kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh

học thì chỉ tiêu biết về thời điểm ngừng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ lợn có số người chăn nuôi lợn hiểu biết chiếm tỷ lệ thấp nhất (10,16%); tiếp theo là chỉ tiêu về thời điểm bắt đầu cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh và hormone ở nhóm nuôi công nghiệp: 16,15%, (bảng 3.9). Trong thực tế chăn nuôi khi sử dụng thức ăn có kháng sinh, hormone và đặc biệt là biết thời điểm ngừng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ lợn là rất quan trọng, bởi vì thời gian bắt đầu cho lợn ăn thức có kháng sinh, hormone và thời gian ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone có liên quan chặt chẽ tới quá trình chuyển hoá, thời gian tồn dư kháng sinh, hormone trong cơ thể con vật. Việc ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone quá gần với thời điểm giết mổ dẫn đến kháng sinh, hormone không kịp thải trừ ra khỏi cơ thể con vật, như vậy xuất hiện hàm lượng tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt và các phủ tạng con vật. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến tồn dư kháng sinh, hormone mà khi phân tích đã phát hiện được ở những sản phẩm thịt lợn của các đối tượng nghiên cứu. Kết quả này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường truyền thông giáo dục cho những người chăn nuôi về kiến thức chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Khi phân tích, so sánh về mức độ kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học của người chăn nuôi lợn giữa phương thức nuôi công nghiệp và nuôi hộ gia đình, chúng tôi thấy: kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở đối tượng chăn nuôi công nghiệp nhìn chung đều cao hơn nhóm chăn nuôi hộ gia đình. Kết quả tại (bảng 3.9) cho thấy: Tỷ lệ biết chăn nuôi lợn an toàn sinh học nhóm chăn nuôi công nghiệp là 50,37% trong khi đó tỷ lệ nhóm chỉ tiêu này ở nhóm chăn nuôi hộ gia đình chỉ là 15,26%. Chỉ tiêu về biết cho kháng sinh, hormone vào thức ăn cho lợn có thể gây tồn dư trên thịt ở nhóm chăn nuôi công nghiệp là 65,18%, ở nhóm chăn nuôi hộ gia đình là 19,28%. Đặc biệt chỉ tiêu về biết thời điểm ngừng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ ở nhóm chăn nuôi theo phương thức công nghiệp là 20,74%; trong khi đó ở nhóm nuôi hộ gia đình chỉ là 5,22%. Những đặc điểm về thực trạng về kiến thức chăn nuôi lợn của hai phương thức chăn nuôi phản ánh thực trạng về điều kiện chăn nuôi cũng như điều kiện tiếp cận thông tin liên quan tới chăn nuôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về thực

trạng tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt và các sản phẩm của thịt. Tỷ lệ các mẫu tồn dư kháng sinh và hormone trong thịt, gan và thận lợn ở nuôi hộ gia đình cao hơn nuôi theo phương thức công nghiệp. Trong các chỉ tiêu điều tra kiến thức ở người chăn nuôi, chỉ tiêu về biết thời điểm bắt đầu cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh và hormone và chỉ tiêu biết thời điểm ngừng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ chiểm tỷ lệ thấp nhất (bảng 3.12) ở cả hai phương thức chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi hộ gia đình). Điều này cho thấy tại khu vực Thái Nguyên nói chung và khu vực nghiên cứu nói riêng, những người chăn nuôi – cung cấp thực phẩm nguồn gốc động vật đang chứa đựng những yếu tố nguy cơ do sự hiểu biết còn hạn chế về chăn nuôi an toàn sinh học mà có thể dẫn tới những rủi ro về sức khoẻ cho người tiêu dùng. Vì vậy, trong truyền thông giáo dục kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học cần đặc biệt chú trọng hai chỉ tiêu này.

Thái độ nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp. Người lao động có thái độ đúng về hoạt động nghề nghiệp của mình không những chỉ yêu ngành, yêu nghề mà còn nâng cao chất lượng sản phẩn và tăng năng suất lao động. Trong ngành chăn nuôi, người chăn nuôi có thái độ đúng về nghề nghiệp của mình thì không những chỉ tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm sạch phục vụ cho người tiêu dùng đảm bảo sức khoẻ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về thái độ của người chăn nuôi lợn cho thấy chỉ có 48,70% số người chăn nuôi lợn có thái độ đúng về sự cần thiết phải chăn nuôi lợn an toàn sinh học; 27,60% số người chăn nuôi lợn thấy được sự tồn dư kháng sinh, hormone trong thịt có thể ảnh hưởng tới sưc khoẻ người tiêu dùng và chỉ có 30,98% số người thấy sự cần thiết phải bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Khi so sánh thái độ người chăn nuôi lợn của hai nhóm (chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi hộ gia đình) cho thấy sự khác nhau không đáng kể. Riêng chỉ tiêu thái độ hưởng ứng chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở nhóm chăn nuôi hộ gia đình (62,65%) cao hơn nhóm chăn nuôi công nghiệp (34,07%) sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với P < 0,01 (bảng 3.13). Những người chăn nuôi lợn ở cả hai phương thức chăn nuôi lợn nói chung đều chưa có thái độ đúng về chăn nuôi lợn an

toàn sinh học. Ở nhóm chăn nuôi lợn công nghiệp chỉ có 17,03% số người có thái độ đúng về vấn đề này và nhóm chăn nuôi hộ gia đình là 31,32% (bảng 3.13). Do có thái độ chưa đúng về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cho nên chỉ có 10,37% số người chăn nuôi lợn công nghiệp và 20,08% số người chăn nuôi hộ gia đình thấy sự cần thiết phải bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Từ thái độ không đúng, đã dẫn tới hành vi không đúng trong quá trình chăn nuôi lợn.

Kết quả nghiên cứu về thực hành chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở các đối tượng chăn nuôi lợn cho thấy: nhìn chung thực hành về chăn nuôi lợn an toàn sinh học còn rất hạn chế. Thông qua quan sát các chỉ tiêu thực hành cho thấy chỉ tiêu thực hành về thời điểm bổ sung kháng sinh, hormone vào thức ăn cho lợn và thời điểm ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone có tỷ lệ thấp nhất trong đó chỉ tiêu thực hành thời điểm bổ sung kháng sinh, hormone vào thức ăn cho lợn chiếm tỷ lệ thấp nhất (16,15%). Tiếp theo là chỉ tiêu thực hành về thời điểm ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone là 25,00%. Điều này cũng rất phù hợp với mức độ kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở (bảng 3.9), vì kiến thức kém dẫn đến hạn chế về kỹ năng thực hành.

So sánh về kỹ năng thực hành của hai nhóm chăn nuôi lợn (công nghiệp và hộ gia đình) cho thấy nhìn chung ở nhóm chăn nuôi công nghiệp thực hành kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học tốt hơn nhóm chăn nuôi hộ gia đình. Các chỉ tiêu thực hành về thời điểm bổ sung kháng sinh, hormone vào thức ăn cho lợn ở nhóm nuôi công nghiệp tốt hơn nhóm nuôi hộ gia đình, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với P < 0,05 (bảng 3.14). Chỉ tiêu về cách cho lợn ăn theo đúng kỹ thuật ở nhóm nuôi theo phương thức công nghiệp (42,22%) cao hơn nhóm nuôi hộ gia đình (22,89%). Chỉ tiêu về số lần cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone ở nhóm nuôi công nghiệp cao hơn nhóm phương thức nuôi hộ gia đình (31,72%) sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với P < 0,05 .

Trên thực tế đã có nhiều các nghiên cứu của các tác giả trong nước cũng như nước ngoài đã nhấn mạnh đến sự xuất hiện tồn dư, các liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone như hãng sản xuất thức ăn cho lợn lạm dụng sự bổ sung các chất vào sản phẩm chăn nuôi không tính đến sự rủi ro cho sức khoẻ con người [24], [51], tuy

nhiên sự tồn dư có liên quan đến kiến thức thái độ, thực hành của người chăn nuôi lợn về sử dụng an toàn kháng sinh, hormone trong chăn nuôi còn ít các nghiên cứu đề cập tới do vậy chúng tôi cũng ít có số liệu để so sánh.

So sánh với kết quả nghiên cứu của Đinh Thiện Thuật, số người thực hành ngừng cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh và hormone trước khi giết mổ là 40,13% thì tỷ lệ của chúng tôi thấp hơn. Số người chăn nuôi lợn cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone từ 3 lần / ngày trở lên chiếm tỷ lệ 90,62% (bảng 3.11), tỷ lệ này tương với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyên Như Pho nghiên cứu về vấn đề này năm 2001 [21].

Những đặc điểm về thực hành chăn nuôi lợn của các đối tượng nghiên cứu còn được phản ánh qua điều tra thực địa tại các hộ gia đình chăn nuôi lợn. Qua điều tra tại hộ gia đình, chúng tôi thấy hầu hết các hộ thực hiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thức cho lợn chủ yếu là tận dụng thức ăn dư thừa và tự chế biến. Một số ít hộ gia đình đầu tư qui mô trang trại. Số hộ chăn nuôi > 20 con/ lứa chiếm 30% và sử dụng thức ăn tổng hợp dạng viên được bán sẵn ở các quầy đại lý thức ăn gia súc. Người chăn nuôi lợn cho lợn ăn thức ăn này không cần nấu sau khi cho lợn ăn xong chỉ cần cho uống nước đủ, do vậy rất thuận lợi cho việc chăn nuôi trong lúc bà con đang có nhiều việc trong mùa vụ. Bên cạnh đó, các đại lý bán thức ăn chăn nuôi tổng hợp thường cho người chăn nuôi mua và ghi nợ đến lúc xuất lợn bán mới thanh toán tiền vốn nuôi. Chúng tôi cho rằng đây sũng là một yếu tố liên quan đến hàm lượng kháng sinh tồn dư trên thịt lợn trong các mẫu thịt, gan và thận lợn mà được phát hiện qua xét nghiệm.

Quan sát trực tiếp các hộ chăn nuôi lợn qua bảng kiểm chúng tôi thấy hầu như người chăn nuôi không tuân thủ theo qui định sử dụng thức ăn được ghi trên bao bì. Một ngày họ thường cho lợn ăn 4 lần đối với lợn từ 10 – 30 kg, có hộ cho lợn ăn 3 lần trong ngày đối với giai đoạn 31 – 60 kg. Số người thực hiện sai về số lần cho ăn chiếm 9,38%; thực hiện chăn nuôi lợn không theo đúng qui trình kỹ thuật chiếm 34,38%. Với cách thực hành như vậy họ đã cho lợn ăn vượt quá số lần ăn trong ngày so với qui định về cách chăn nuôi lợn theo quy trình kỹ thuật. Người chăn nuôi

thường cho lợn ăn thức ăn tổng hợp từ lúc sớm, khi lợn con mới tập ăn. Từ quan sát này cho thấy số lượng thức ăn có kháng sinh là thông dụng, bên cạnh đó lợn ăn số lần nhiều hơn qui định, lợn được ăn hàng ngày, liên tục chưa đủ thời gian thải trừ các kháng sinh, gây tích luỹ tại các mô và phủ tạng. Hầu hết người chăn nuôi lợn đều biết đến tên các thức ăn tăng trọng (85,68%)(bảng 3.11) và sử dụng thường xuyên nhưng chưa hiểu biết là thức ăn có kháng sinh, hormone sẽ gây tồn dư trên thịt. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng ý thức được rằng gia đình họ có nhu cầu dùng thịt lợn không có tồn dư kháng sinh và hormone.

Qua thảo luận và nghiên cứu cho thấy, sự hiểu biết của người chăn nuôi lợn về sử dụng an toàn kháng sinh và hormone trong chăn nuôi còn thấp. Sản phẩm của người chăn nuôi thường xuyên được cung cấp cho thị trường nếu không có giải pháp tác động đến đối tượng chăn nuôi lợn thì hậu quả là người dân ở cộng đồng phải nhận lấy những rủi ro từ thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm này. Dư lượng các chất kháng sinh, chất hormone trong thịt lợn luôn tiềm ẩn nguy cơ đe doạ đến chất lượng cuộc sống của người dân. Do vậy, cần có những giải pháp giáo dục nâng cao hiểu biết chăn nuôi an toàn sinh học đối với người chăn nuôi lợn thực hành sử dụng kháng sinh, hormone trong chăn nuôi để loại trừ tình trạng tồn dư kháng sinh, hormone trong gan và thận lợn, loại trừ những ảnh hưởng có hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố thái nguyên và hiệu quả can thiệp (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(127 trang)
w