Dịch vụ công ích là một bộ phận của dịch vụ công. Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 đã nêu: “Sản phẩm, DVCI là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống KT-XH của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc đảm bảo quốc phòng, an ninh mà việc sản xuất, cung cấp theo cơ chế thị trường thì khó có khả năng bù đắp chi phí đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này, do đó được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định” [28]. Khái niệm cho thấy:
- Đối tượng và mục đích cung ứng là thiết yếu với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc đảm bảo quốc phòng, an ninh.
- Phương thức cung ứng là Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu. Để làm cơ sở cho việc đổi mới quản lý DVCI, cần phân tích rõ hơn cơ sở kinh tế - xã hội của khái niệm dịch vụ công ích trên hai góc độ.
Một là xem xét DVCI theo tính chất tiêu dùng của nó. Một dịch vụ công thuần túy là dịch vụ có đặc tính không loại trừ và không cạnh tranh trong tiêu dùng (đó là đặc điểm chung của các loại hàng hóa công cộng) :
+ Tính không loại trừ là tính chất của dịch vụ công mà khi nó đã được tạo ra thì tất cả mọi người đều có quyền sử dụng dịch vụ này, không loại trừ bất cứ ai, không kể họ có sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ đó hay không.
+ Tính không cạnh tranh là tính chất của dịch vụ công mà khi đưa vào sử dụng thì việc tiêu dùng của người này không làm giảm hoặc ảnh hưởng đến việc tiêu dùng của người khác.
Với hai tính chất không loại trừ và không cạnh tranh nói trên thì một dịch vụ công mang lại lợi ích không chỉ cho những người muốn mua nó mà cho mọi người cùng sống trên một khu vực dân cư/ hoặc trên lãnh thổ cả quốc gia. Đấy là nói đến một dịch vụ công thuần túy. Đối với DVVTCI, một bộ phận trong dịch vụ công thì không đạt được đầy đủ và đồng thời cả hai tính chất trên. Cụ
thể là, DVVTCI là dịch vụ không cạnh tranh trong tiêu dùng (việc sử dụng của người này không ảnh hưởng đến người khác) nhưng lại không đảm bảo được tính không loại trừ trong tiêu dùng, tức là có loại trừ trong tiêu dùng (nếu ai không sẵn sàng trả tiền thì không có quyền sử dụng dịch vụ). Như vậy xét về tính chất tiêu dùng thì DVVTCI là loại dịch vụ công mang tính không cạnh tranh nhưng lại có loại trừ. Quá trình cung ứng trải rộng trên một địa bàn dân cư nên phương thức cung ứng của nó lại phải được đảm bảo ngang nhau cho mọi người dân trên địa bàn, chính vì vậy mà nó mang tính không cạnh tranh. Chính vì DVVTCI không đạt được đầy đủ và đồng thời cả hai tính chất như dịch vụ công thuần túy cho nên nó có thể được gọi là dịch vụ á công hay dịch vụ bán công [1 5 ]
Góc độ thứ hai là xem xét dịch vụ công ích theo tính chất sản xuất và cung ứng của nó. Theo hướng này, một dịch vụ công thuần túy là dịch vụ do Nhà nước và chỉ Nhà nước mới sản xuất và cung ứng được như dịch vụ quốc phòng, an ninh hay dịch vụ hành chính công. Trong trường hợp này mọi nguồn lực tài chính cũng như các điều kiện về đất đai, tài nguyên để sản xuất và cung ứng dịch vụ công là thuộc về Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới có quyền sở hữu chúng. Tuy nhiên trên thực tế các dịch vụ công ích như điện, vệ sinh môi trường, DVVTCI... có thể được tổ chức sản xuất và cung ứng bởi các công ty tư nhân, vì các dịch vụ này cũng giống như dịch vụ và hàng hóa thông thường. Song công ty tư nhân cũng không đủ nguồn lực để thực hiện vì việc sản xuất và cung ứng các dịch vụ ấy thường liên quan đến một khu vực rộng lớn, tức là phải sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn lực của Nhà nước hay của xã hội. Ngoài ra, do phương thức phân phối và thanh toán liên quan đến cộng đồng dân cư đông đảo mà lại phải đảm bảo sự ổn định xã hội cũng như quyền lợi bình đẳng của mỗi người dân nên đòi hỏi phải có vai trò tổ chức và giám sát của cơ quan Nhà nước. Như vậy theo tính chất sản xuất và cung ứng thì DVVTCI là bộ phận dịch vụ công có thể được tiến hành thông qua các công ty tư nhân nhưng lại phải được hỗ trợ và cho phép của Nhà nước khi sử dụng trực tiếp hay gián tiếp các nguồn lực của Nhà nước và phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo ổn
định và công bằng. Nếu các dịch vụ nào do tư nhân sản xuất và cung ứng mà không đòi hỏi các điều kiện nêu trên thì chúng được triển khai hoàn toàn theo quan hệ thị trường và chúng là các dịch vụ thông thường. Trên góc độ này, tác giả luận án hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của TS. Đặng Đức Đạm khi sắp xếp theo sự giảm dần vai trò của Nhà nước và tăng dần vai trò của thị trường tương ứng với các nhóm: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích, dịch vụ phục vụ sản xuất4. Trong 4 nhóm trên, dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, văn hóa..) và dịch vụ công ích (có DVVTCI) đứng sát cạnh nhau vì cùng đòi hỏi vai trò hỗ trợ và giám sát của Nhà nước. Việc phân chia ra 2 nhóm với các mô hình tổ chức quản lý và chính sách xử lý sao cho phù hợp với trình độ của mỗi nhóm vẫn là cần thiết.
Bản thân khái niệm DVCI cũng cho biết được vai trò cơ bản, quan trọng của các dịch vụ này trong đời sống xã hội. Vì có vai trò quan trọng, Nhà nước Trung ương và địa phương có trách nhiệm trong việc đảm bảo, tổ chức cung ứng phục vụ nhu cầu chung của xã hội, đồng thời phải có phương thức đổi mới hơn để thoả mãn nhu cầu cao hơn của cá nhân và cộng đồng.
Từ phân tích trên có thể thấy rằng, khái niệm khu vực công là khái niệm có tính chất phức hợp, được hình thành qua quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên cơ sở các quy luật vận hành của nền kinh tế cũng như nền hành chính của quốc gia đó. Cơ sở kinh tế của khu vực công là sở hữu của Nhà nước đối với nền kinh tế, cơ sở hành chính của khu vực công là quyền lực và vai trò của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế nhằm phục vụ cho các lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội. Bởi vậy các hoạt động của khu vực công không chỉ liên quan đến yếu tố sở hữu Nhà nước hay sở hữu công cộng nào đó trong quá trình sản xuất ra dịch vụ công mà còn liên quan đến các yếu tố hành chính,
4 Thực ra thứ tự nêu trên chỉ có ý nghĩa tương đối, trước hết là các loại dịch vụ công liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân. Cần chú ý là một bộ phận của dịch vụ công ích bảo đảm quóc phòng an ninh hoặc phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đới sống kinh tế - xã hội đất nước thì vai trò của Nhà nước lại hết sức cao, trong khi đó trong thực tế có một bộ phận không nhỏ dịch vụ y tế, giáo dục lại chịu sự chi phối của quan hệ thị trường rất mạnh. Bài :“ Một số vấn đề về đổi mới quản lý Dịch vụ công ở Việt Nam”, TS. Đặng Đức Đạm, nguồn:www.vnep.org.vn.
yếu tố pháp lý chi phối quá trình phân phối, sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ công đó vì mục tiêu duy trì trật tự xã hội trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển đất nước