VI -KHI NÀO KHÔNG NÊN ĂN
2) BẰNG CÁCH QUYẾT ĐỊNH MỘT CHƯƠNG TRÌNH HÀNG NGÀY
I TIỀM-THỨC
Trong lãnh vực tâm lý, những sự phát minh mới mẽ của người Tây-phương đều xác nhận tất cả những điều giáo huấn của các đạo sĩ du già từ hàng ngàn năm nay về các vấn đề thuộc tiềm-thức.
Ở Tây phương, một trong số các người thứ nhất nói đến tiềm thức là triết-gia Mỹ Ralph Waldo EMERSON (1803-1882). Ông gọi tiềm thức là "Siêu bản-ngã". Chính tiềm thức cho ta nguồn cảm hứng, tài năng và cả những khái niệm về đạo đức, tinh thần đã chi phối chúng ta.
PATANJALI, đạo sĩ du già kiêm lý-thuyết gia cổ xưa nhất đã tuyên bố những chướng-ngại vật trọng yếu cho sự triển nở của tiềm thức là sự đau yếu, lười biếng, hoài nghi và chểnh mảng.
Nhưng chúng ta hãy hoạt động có thứ tự và trước hết chúng ta thử giải thích xem tiềm thức nghĩa là gì ?
Tiềm thức là thành phần cái bản ngã tinh thần của chúng ta gồm có lương năng, trực giác, ký ức không chủ-tâm và ý thức tinh thần.
Các biểu lộ của tiềm thức thường xuất hiện và mỗi người chúng ta đều biết rõ ràng.
Ít nhất là một lần trong đời người, ai là không có trực giác rằng sự nguy hiểm đang đe dọa hay sự vui mừng đang chờ đón mình ? Ai là không thấy xuất hiện, tuy không có lý do minh bạch, kỷ niệm của một việc xa xưa, hoặc tiếng nói hay gương mặt của một người đã quên lãng ? Mỗi người chúng ta cũng đều "nghe thấy tiếng nói" của lương tâm. Các từ ngữ : "Ngày mai trời lại sáng" và "Đêm nghĩ được nhiều ý hay" diễn tả niềm tin tưởng vào sự hoạt động không thể kiểm soát về những sâu thẳm của khối óc loài người trong giấc ngủ.
Sau cùng, những biểu lộ thông thường nhất của tiềm thức là nguồn cảm hứng trong tất cả mọi lãnh vực. Các bậc vĩ nhân cũng đã thú nhận quyền lực của tiềm thức.
Pierre Simon LAPLACE, nhà bác học Pháp trứ danh (1749-1827) đã công nhận : "Đã nhiều lần tôi nhận thấy, sau khi thôi không suy nghĩ nhiều ngày về các vấn đề phức tạp, lúc tôi xem xét lại các vấn đề ấy thời lời giải lại xuất hiện ra với tôi một cách rất giản dị!"
Henri BEAUNIS nói : "Thình lình, không có một nguyên do nào rõ rệt, một "mẫu-ý" như tôi thường gọi, xuất hiện trong trí óc tôi và, khi đã đi sâu vào ý thức rồi, phát sanh ra hàng dẫy ý kiến phụ để tạo nên sự tinh lọc, kiến thiết. Sự kiến thiết này ở dưới sự kiểm soát của ý chí tôi, khác hẳn với trường hợp của "mẫu ý" vì mẫu-ý này xâm nhập vào ý thức tôi mà không cần đếm xỉa đến ý chí của tôi, tựa như có vật gì ngẫu nhiên trồi lên và ra khỏi những nơi sâu thẳm của tiềm thức tôi".
Thiệt là những lời oanh liệt, đích đáng, sự phát biểu thành thực của một nhà bác học hoài nghi nhưng biết rõ là mình phải cần đến quyền lực kín đáo ở trong người.
Henri POINCARÉ, nhà toán học Pháp đại tài (1854-1912) đã thú nhận : "Đối với tôi, sự góp phần của tiềm thức trong công việc phát minh về toán học hình như không thể nào chối cãi được".
Francis GALTON nói : "Ở người có thiên tài, những ý kiến nẩy nở do nguồn cảm hứng và người ấy bị dẫn dắt hơn là tự mình điều khiển mình".
Nếu chúng ta hỏi các nghệ sĩ, thi sĩ, và soạn nhạc ở Tây phương thời thấy các dẫn chứng lại càng tuyệt đối hơn, hùng hồn hơn nữa. Ví dụ như chúng ta hãy nghe Frantz LEHAR, soạn giả nhạc trứ danh Áo (1870-1948) khuyên nhủ một soạn giả khác mới bước chân vào nghề :
- "Bạn ngồi một cách thoải mái ở văn phòng, lắng nghe sự tĩnh mịch của ban đêm rồi để cho bút chì nhảy múa trên trang giấy. Bạn bắt đầu sáng tác vào nửa đêm, hoàn thành vào tờ mờ sáng, ngủ cho đến bữa ăn trưa và bạn thử "nó" trên dương cầm".
Vậy thực sự trong óc loài người có một siêu quyền-lực mà thường chúng ta không có sự kiểm soát và theo nguyên tắc, nó hoạt động tự do, không hề nhận mệnh lệnh trực tiếp của ý chí chúng ta. Từ một vài năm nay, phép phân-giải tâm-lý đã chuyên chú đặc biệt đến các vấn đề của tiềm thức.
Nếu các nhà bác học Tây phương, do chúng tôi vừa nói đến đã công nhận quyền lực của tiềm thức, họ cũng xác nhận một cách gián tiếp rằng mọi sự biểu lộ của tiềm thức là ngẫu nhiên và không thể nào tự gây ra được.
Trái lại, YOGA bảo đảm rằng việc thực hành môn tập-trung động-lực có thể dần dần ý thức được công việc lờ mờ ở trong tiềm thức và, do sự cố gắng liên tục, trở nên chủ nhân tiềm thức của mình.
Đúng vậy, chúng ta đã có xu hướng tìm kiếm các nguồn cảm hứng hay trực giác bình thường của chúng ta ở thế giới bên ngoài nhưng sự thực, tất cả đều ở bên trong chúng ta.
Bertrand RUSSELL, đại triết-gia kiêm toán học đương thời của Anh (1872) đã nói :
- "Tất cả mọi thứ mà chúng ta có thể quan sát trực tiếp ở trong thế giới vật chất đều luôn luôn xẩy ra ở trong đầu óc chúng ta và tạo nên những biến cố tinh thần. Khi triển nở quan điểm này, người ta tiến tới kết luận rằng sự phân biệt giữa tư tưởng và vật chất là hư vô, hão huyền. Bản thể của thế giới có thể gọi là vật chất hay tinh thần, hoặc gọi là cả hai thứ hay không gọi là thứ nào cả, tùy theo ý muốn của chúng ta. Thực sự ra, những chữ không có nghĩa chi
cả".
Đối với bạn, điểm can hệ nhất là những kết quả và nếu bạn theo dõi chương trình hàng ngày như sự chỉ dẫn của chúng tôi, bạn sẽ ngưng mau lẹ việc tìm kiếm để định những giới hạn cho sự tưởng tượng, do bạn sẽ rất bận rộn vì những sự thay đổi trong đời sống hàng ngày.
Những ý tưởng của các nhà bác học kể trên, chứng tỏ rằng quyền lực vô song của người ta là do chính ở bản thân mình.
Sự Tập-trung tư tưởng là phương tiện để cho bạn có thể đạt tới thế giới mới lạ đó. Trong người bạn, cũng như trong tất cả mọi người đều có những kho tàng đang ngủ say và sẽ ngủ mãi cho tới khi bạn thở hơi cuối cùng, nếu bạn không chịu khó đánh thức chúng dậy. Nhờ có môn Tập-trung tư tưởng, bạn có thể đi sâu vào nội tâm bạn và thâu lượm được của tiềm thức, - vì nó biết rất nhiều sự vật hơn là bạn tưởng, - giải pháp cho tất cả mọi vấn đề do đời sống đề cập tới.