VI -KHI NÀO KHÔNG NÊN ĂN
2) NHỮNG TRẠNG-THÁI TINH-THẦN NGUY HẠI THƯỜNG XUYÊN
a) Những ưu-tư và chán nản giết hại sức khỏe !
Các nỗi lo âu, thắc mắc và sợ hãi đều sanh ra những hậu quả tương tự. Bạn không thể nào trong một thời gian lâu dài, thường xuyên bị dày vò, ghê sợ, phẫn nộ hay bị giằng co, lôi cuốn do các sự thèm muốn, ghét ghen, căm hờn, nếu các thứ xúc động ấy không làm cho bạn suy kém, thất vọng và tàn phá sức khỏe của bạn bằng cách tiết chất độc vào trong máu của bạn.
Mới đây người ta đã khám phá ra là các phụ nữ có chồng thường là nạn nhân nhiều hơn nam giới về các chứng cảm sổ mũi, cúm truyền nhiễm, sưng cuống phổi. Trong năm người thời ba đàn bà và hai đàn ông mắc bịnh phong thấp và những triệu chứng trội nhất là sự suy nhược về tinh thần và thể chất.
Người ta cũng khám phá ra một số lớn phụ nữ bị đau đớn về những sự dị hình, xấu xí và chứng sưng tĩnh-mạch : đấy là những hậu quả do mọi nỗi ưu tư và chán nản thường thường là nguyên nhân. Hàng ngàn sự khó khăn của đời sống tân tiến gây ra mọi nỗi ưu-tư, phiền muộn : lo lắng về tiền bạc, về công việc làm của chồng, còn làm được bao nhiêu lâu nữa ; lo lắng về các con trai sau khi chúng rời khỏi ghế nhà trường, về các con gái và những sự giao du của chúng. Những nỗi thắc mắc, lo âu ấy phá rối và quấy nhiễu một người đàn bà, làm cho già nua trước tuổi.
Và xin bạn nhớ cho rằng mọi sự phiền muộn, đắng cay bắt đầu như một mũi kim gút tầm thường và rất có thể kết thúc như một vết thương trầm trọng của một ngọn mác !
b) Trạng thái tinh thần tiêu cực làm cho bạn suy giảm về thể chất, tinh thần và xã hội !
Đấy là thói xấu của con người, hoặc là vì tự-ti mặc-cảm, hoặc là vì thiếu ý chí cương quyết, thường tự xét đoán mình, ngay từ lúc khởi hành, là không thể nào thực hiện nổi những việc mình làm.
Y đã sửa soạn hết cho cuộc đấu tranh, giữ trọn những lời cam đoan, bảo đảm và cân nhắc đủ mọi lý do rồi y suy nghĩ : "Ta không hy vọng gì thành công, tuy nhiên với một chút may mắn, biết đâu đấy...". Tâm trạng này luôn luôn lôi cuốn sự thất bại vì nó ảnh hưởng đến phương châm xử thế của bạn cho đến nỗi, khi cuộc đấu tranh đã bắt đầu khai diễn, làm cho không tài nào tránh nổi sự thất bại.
Tâm trạng ấy đánh cắp mất sự thành công và làm hao mòn sức khỏe của bạn. Không có chi là can hệ nữa, đối với những kết quả về các sự hoạt động của bạn, khi tâm trạng đã là nguyên do địa vị của bạn, khi bạn nghĩ là mình hèn kém hay khi sức khỏe của bạn đã suy nhược, nếu bạn tự xét đoán là không tài nào thành công nổi vì tin tưởng vào sự nhu nhược của mình thời bạn sẽ luôn luôn bị đánh bại, ngay trước khi bắt đầu. Bạn sẽ bị đánh bại ngay trước khi nỗ lực một cách thảm thương để cưỡng bách sự chiến thắng. Sự nỗ lực này chỉ có thể rất nghèo nàn, kém giá trị vì nó đã hướng về các sự khuyết điểm của bạn nghĩa là sự tự tín và không bao giờ bạn có thể thành công nổi vì bạn đã tự làm cho mình trở thành bất lực, thiếu khả năng đối với sự thành công.
Cũng tựa như một bệnh nhân, nếu chỉ tập trung tư tưởng vào sự đau đớn (tư tưởng quân bình) chứ không để ý đến sự khỏi bệnh, chắc chắn là y có thể kéo dài và làm cho bệnh tình thêm trầm trọng. Đây cũng lại còn là một quy luật "từ nguyên nhân đến hậu quả" và người ta không thể nào tránh khỏi được.
Bạn hãy làm thí nghiệm sau đây : Vừa tập trung tư tưởng vào cuống họng, bạn vừa nghĩ rằng hiện nay cuống họng đang đau, tự nhiên bạn sẽ thấy một cách mau lẹ sự nhức nhối lâm râm và sự rát bỏng mỗi lúc nặng thêm nếu bạn cứ tiếp tục tập trung như thế... Chúng tôi biết có một thí sinh ở một Nhạc-viện kia, cứ đến mùa thi là tự nhiên lại thấy đau cuống họng!
Sự kiện đáng kinh ngạc nhất là tuy bạn có thể hiểu được quy luật đó nhưng bạn vẫn tiếp tục hành động mà không cần đếm xỉa tới. Bạn cần phải có ý chí mãnh liệt để nhìn thẳng vào quy luật ấy và sử dụng nó vào các việc ích lợi cho bạn. Nhưng với sự kiên tâm bền chí và năng lực tập trung thâu lượm được do các môn luyện tập mà chúng tôi sẽ chỉ dẫn cho bạn, bạn sẽ đạt tới mức, nhất là đừng bao giờ bạn nghĩ tới, sau mỗi lần thất bại : "Ta không gặp may !" vì ngoài các trò chơi cờ bạc đỏ đen, sự may mắn không hề có.
Alfred CAPUS, người hằng tin tưởng ở sự hên xui thường nói : "Mọi sự đều êm đẹp" nhưng đấy chỉ là câu nói của một tác giả. Mọi sự đều êm đẹp, nếu thực sự bạn muốn như thế.
tột đỉnh danh vọng những người nào, luôn luôn kiên tâm bền chí, vẫn theo đúng đường lối, không để bị cản trở vì mọi nỗi khó khăn ở dọc đường.
Bây giờ chúng tôi cần phải lưu ý bạn (có thể đó là trường hợp của bạn) là tâm trạng tiêu cực ấy có thể sanh sản ra ở trong tiềm thức nghĩa là nạn nhân không hề thấu triệt một cách rõ ràng. Sự nguy hại tiêu diệt, hoạt động một cách sâu sắc trong bóng tối và sắp xếp việc chấp nhận sự thất bại ngay trước khi cuộc đấu tranh khởi diễn. Vì thế trong các cuộc thi đua, người ta thắng thế ngay lúc khởi hành nhiều hơn là khi tới đích, các tay quyền thuật bị hạ "đo ván" ngay một cách dễ dàng ; các nghệ sĩ, mất tinh thần vì hoảng sợ, thường bị thất bại ngay trước khi xuất hiện trước công chúng và các sinh viên bị thất bại ngay trước một kỳ thi quyết định. Mục tiêu khó lòng đạt được, thi cử khó khăn vì rằng, tuy không thực sự có ý thức rõ rệt, trong một thời kỳ khá lâu, họ chỉ suy tư với một tinh thần chủ bại và do đó, họ không hề đem hết mánh lới và các điều kiện thuận lợi vào trong cuộc ganh đua.
c) Mọi nỗi ưu-tư có thể đưa bạn tới sự hao mòn, suy nhược và cả sự điên rồ nữa.
Đây là những ví dụ khác do bạn có thể tự kiểm soát về ảnh hưởng tai hại của những mối ưu tư trên sức khỏe thể chất và, do phản ứng dội lại, trên sức khỏe tinh thần.
Một người có những thắc mắc, lo âu mà không biết loại trừ đi thời các dây thần kinh bị rối loạn và ảnh hưởng đến sự tiêu hóa. Đến lượt các sự tuần hoàn, bài tiết và mọi tác dụng thiên nhiên đều bị xáo trộn. Rồi y tưởng tượng là tất cả mọi sự đều chống đối lại y. Công việc của y bị thiệt thòi, sút kém, do đó các thân nhân, bạn hữu của y đều bị khổ cực lây và đối với họ, càng ngày y càng trở nên khó tánh, không chịu nổi. Y cảm thấy điều đó và y càng bị dày vò, phiền não hơn nữa. Như thế, tình trạng sức khỏe và sự giao hảo của y đối với các người khác, không những không được ổn định mà trái lại còn bị nhiễm độc hơn nữa. Sau cùng, y đành cam phận, coi như là tự nhiên một đời sống khổ ải, hạn chế, hẹp hòi, vô hy vọng. Y sẽ mất hết tự tin và trở nên một gánh nặng cho người khác và cho cả bản thân y ; thường thường y bị chìm đắm và diệt vong trong bệnh nghiện rượu.
Giai thoại này không phải là lý-thuyết nhưng là hiện-thực. Bạn có thể thấy lan tràn như thác lũ ở chung quanh bạn nhiều sự kiện từ nguyên nhân đến hậu quả.
Các nhà thông thái Tây-phương hiện đại, do những biểu thống-kê, đều xác nhận những chân lý đó, đã biết rõ từ hàng bao nhiêu thế kỷ và bị rơi vào quên lãng.
Mới đây người ta đã ước lượng hàng năm, đế quốc ANH bị hao tổn mười triệu tuần lễ công việc đặc biệt nhất là vì những sự thác loạn thần kinh do những sự lo lắng gây nên. Trong số 14 người có 1 người bị bệnh nặng và người ta có thể coi như 20% tổng số nhân dân bị suy nhược thần kinh.
Các bản thống kê còn nhấn mạnh rằng tại NŨU ƯỚC nơi mà nhịp điệu của nền văn minh bó buộc các dây thần kinh luôn luôn căng thẳng mãnh liệt, một trong số 22 người dân, vào một thời kỳ nào đó trong đời sống, sẽ trở thành một bệnh nhân thần kinh. Tại HOA KỲ người ta thấy mỗi năm có thêm 1 triệu người mới mắc bệnh thần kinh. Và hàng năm, bệnh ung sang chỉ-tràng (lẽ dĩ nhiên là một chứng bệnh do mọi nỗi ưu tư gây nên) thường xẩy ra luôn. Một tiết lộ xiết bao khủng khiếp ! Và do đó gợi cho ta bao nỗi suy tư về các điều kiện của đời sống tân thời. Chúng ta lại quay về nước ANH và hãy nghe các chuyên viên thống kê. Trong 2 người chết quá 45 tuổi có 1 người về bệnh tim. Tỷ lệ trung bình này vượt mức 11 lần hơn bệnh lao và 5 lần hơn bệnh ung thư. Vậy bạn chớ quên rằng các bệnh của tim đều do các chứng về động-mạch tiếp tế cho tim gây nên. Một thày thuốc đã viết về vấn đề này : "Điểm có ý nghĩa hơn nữa là tỷ lệ về số tử do các chứng động-mạch gây nên đã tăng tiến 200% trong 50 năm cuối cùng"".
Người ta đã chứng minh một cách cụ thể rằng các bệnh trạng này đều tàn phá những người nào bị mệt mỏi quá cỡ về trí não.
Mệt mỏi quá cỡ về trí não, các dây thần kinh bị kích thích, những nỗi lo lắng giết hại một cách nhiều hơn và hiệu nghiệm hơn là bệnh lao và ung thư. Bạn hãy công nhận sự kiện đó và chớ lấy làm ghê sợ hay khủng khiếp. Sự thực tập YOGA sẽ triển nở nơi bạn một năng lực "tập trung" có động-lực tính và do sự tập trung động lực, bạn sẽ biết cách khu trừ hoàn toàn nguyên do thông thường nhất của các bệnh tật và sự thất bại : một tâm trạng xấu xa.
d) Ý tưởng cố định, giấu kín trong lòng, có thể giết bạn.
Khoa học đã chứng minh là do các sự phát-xạ những tinh lực, người ta cấu tạo nên bầu không khí thân yêu, căm hờn, ghen ghét... Chó đánh hơi rất tài tình và khám phá ngay thấy sự sợ hãi từ người toát ra. Vì thế nên có khi chó tấn công một vài người này nhưng lại thân mật với các người khác.
Trong lãnh vực nội bộ, một ý tưởng cố định, giữ gìn bí mật, có thể gây nên ở trong óc và trong thân thể người ta những phân-xuất bốc hơi hôi hám và nhiễm độc rất có thể chết người.
Một bác sĩ kể chuyện một người đàn ông có áp-lực động-mạch tim 280, nước tiểu có chất đản-bạch và đau phổi. Mọi sự nghỉ ngơi, săn sóc thuốc men rất chu đáo đều không có ích lợi chi và người ta lo lắng cho tính mệnh của y.
Chán nản, thày thuốc bèn quyết định dùng phương pháp trị liệu thuộc tâm lý và biết rằng bệnh nhân đã hành hạ người vợ quá đáng đến nỗi thị phải bỏ đi. Vết thương tinh thần này ăn sâu vào trí não y một cách kiên cố đến nỗi choán hết mọi tư tưởng của y và làm hết hiệu nghiệm mọi môn thuốc. Bác sĩ bèn cho đi tìm người vợ về và thị sẵn lòng tha thứ cho chồng. Áp lực động mạch tim xuống 150, chất đản-mạch biến mất và tình trạng hai buồng phổi mỗi ngày thêm cải thiện hơn. Trong một hay hai năm, áp lực động mạch tim xuống 130, bệnh nhân lại khoẻ mạnh như thường và thấy yêu đời thắm thiết!…
Ta có thể so sánh ví dụ này với trường hợp của một người không thể nào sống sót sau khi người bạn trăm năm của mình quá vãng. Đấy cũng là mãnh lực phá hoại của một tư tưởng cố định. Bạn phải hoàn toàn loại trừ chúng ra khỏi đời sống nếu không chúng sẽ làm đen tối những viễn cảnh tương lai của bạn và sau cùng có thể giết hại bạn dễ dàng. Còn sự oán thù, xin bạn chớ nên nghĩ đến. Không hẳn đúng là sự báo thù sẽ êm dịu khi người ta đã thực sự thưởng thức. Lòng tha thứ và tình yêu thương sẽ giá trị hơn nhiều nhất là khi người ta biết sử dụng chúng với những cứu cánh mạnh mẽ và xây dựng. Bạn hãy sử dụng tâm trí bạn như một loại xe cộ để mang lại cho bạn sự vui tươi, hạnh phúc và sức khoẻ. Bạn nên có những tư tưởng khả ái, hãy cư xử có độ lượng và nhân từ, bác ái đối với người khác rồi bạn sẽ ngạc nhiên về mọi sự đền bù trở lại. Cách đây hai mươi thế kỷ, THIÊN CHÚA đã đem lại cho nhân loại một sứ mệnh cao cả về tình yêu nhưng than ôi, cho đến nay không mấy ai biết lợi dụng và hưởng thụ !
III.- CUỘC THÁM-HIỂM THẾ GIỚI TINH-THẦN CỦA BẠN
Sự bình thản, yên tĩnh của tâm hồn, đấy là mục tiêu do bạn vẫn khát vọng. Hay nói một cách khác, bạn muốn hoàn toàn được thoát ly khỏi mọi nỗi ưu tư, phiền muộn. Để đạt tới mức đó, bạn cần phải có thói quen bỏ ra mỗi ngày vài phút để sống riêng biệt với chính bản thân mình.
Một trong những tai họa lớn lao nhất của nền văn minh hiện-đại là một đời sống chung chạ : nhiều người quá, chứa chất trong những căn nhà chật hẹp, tập trung như ở trong trại lính, sống không thân mật, ngăn cách nhau do những bức tường bằng giấy bồi nên, dù muốn dù không, vẫn có thể nghe rõ chuyện gì xảy ra ở bên hàng xóm. Sau khi nghiên cứu vấn đề này hàng bao nhiêu năm, các nhà bác học, xã hội học đã chứng minh rằng sự tập hợp quần chúng đông đảo như thế là nguyên nhân hiện tại của sự tê liệt về tinh thần. Bạn chớ quên là cũng có sự tê liệt tinh thần như tê liệt thể chất.
Sự kiện thường xuyên về "láng giềng" như vậy vẫn thúc đẩy các người đồng thời với chúng ta chấp nhận, không cần tranh luận, một số nhiều ý tưởng có sẵn về các vấn đề linh tinh nhất. Sự "lười biếng tinh thần" này nuôi dưỡng thói quen suy nghĩ "y như ấn bản" trong tất cả mọi trường hợp, dù khi phải tranh luận với chính bản thân mình về một vấn đề trọng đại, sinh tử. Và đây chính là sự tê liệt tinh thần vì lý luận không hề dựa vào những tư tưởng nguyên thủy rút tỉa ở trong óc ra nhưng là với những dư luận nhặt nhạnh từ xưa và ghi chú vào tâm khảm. Việc sản xuất những tư tưởng tiền chế này lại còn trầm trọng thêm do báo chí, đài phát thanh và quảng cáo, bắt buộc phải dùng những biểu ngữ với một sự tàn nhẫn kinh khủng!
Trong khi giải phóng tâm trí khỏi mọi sự trói buộc và dậy cho nó biết cách thức xuyên qua những hầm hố âm u và êm dịu của sự cô đơn, YOGA cũng muốn làm cho óc được nghỉ ngơi và cải tạo. Sau khi đã học hỏi để thuần-hóa và hướng dẫn tư tưởng của bạn rồi thời bạn có thể trà trộn vào với đám quần chúng đông đảo nhất cũng tựa như là đi chơi một mình. Bạn có thể đương đầu với những cuộc tấn công mãnh liệt nhất mà vẫn giữ được hết cả phẩm giá ; bạn có thể tham dự những cuộc tranh luận gay cấn, thê thảm nhất mà vẫn giữ được can đảm.
Sự cô đơn khác biệt hẳn với sự quạnh-hiu. Khi đã thấm nhuần sâu sắc học thuyết YOGA, bạn sẽ biết cách tạo tác