Tính cách nhân vật, chủ đề tác phẩm, phong cách tác giả

Một phần của tài liệu Nghĩa tình thái của câu trong các đoạn hội (trên những văn bản ở sách giáo khoa ngữ văn 11 tập một) (Trang 37 - 39)

Việc tìm hiểu và phân tích các loại NTT, phương tiện biểu thị NTT của câu trong các đoạn hội thoại có vai trò quan trọng trong việc khắc họa tính cách nhân vật, chủ đề tác phẩm và phong cách tác giả. Hơn nữa, nó còn góp phần làm sáng tỏ thái độ, thông điệp cần chuyển tải vào tác phẩm của tác giả một cách cụ thể, rõ nét nhất, giúp người nghe, người đọc cảm nhận được đầy đủ, chính xác và sâu sắc về tác phẩm văn học trong nhà trường.

1.2.4.1. Tính cách nhân vật

Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào thế giới riêng của đời sống trong một thời kì nhất định.

Tính cách nhân vật có một vai trò hết sức quan trọng đối với cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Đối với nội dung, tính cách nhân vật có nhiệm vụ cụ thể hóa sự hiện thực của chủ đề tư tưởng tác phẩm. Tính cách cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên diễn biến của các sự kiện trong quá trình phát triển của cốt truyện. Cũng qua

hệ thống tính cách, người đọc có thể đánh giá khả năng biểu hiện nội dung của các yếu tố hình thức như ngôn ngữ, kết cấu, những quy luật loại thể, các biện pháp thể hiện,… Tóm lại, tính cách nhân vật là điểm trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Ví dụ, khi đọc Tắt đèn, ta thấy Nghị Quế hiện lên là một kẻ ngu dốt, trắng trợn trong lời nói và hành động; còn Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo lại bộc lộ tính cách của một tên địa chủ thủ đoạn xảo quyệt, biết củng cố địa vị thống trị của mình bằng tất cả sự lọc lõi và khôn ngoan của một kẻ hiểu sự đời.

1.2.4.2. Chủ đề tác phẩm

Chủ đề là vấn đề chủ yếu, vấn đề trung tâm được đặt ra từ toàn bộ hiện thực mà tác phẩm thể hiện. Như vậy, sự hình thành chủ đề của tác phẩm có mối liên hệ mật thiết với hiện thực đời sống và với ý đồ sáng tác của nhà văn. Những tác phẩm có giá trị bao giờ cũng lấy thực tế khách quan làm cơ sở, từ đó phát hiện một cách kịp thời và chính xác những vấn đề quan trọng nhất, cấp thiết nhất của đời sống và lí giải vấn đề đó một cách đúng đắn.

Chủ đề có một vai trò rất quan trọng. Nó thể hiện bản sắc tư duy, chiều sâu tư tưởng, khả năng thâm nhập vào bản chất đời sống của nhà văn.

Chủ đề không phải là chất liệu trực tiếp tạo thành tác phẩm. Nó là một nhân tố thuộc nội dung khái quát của tác phẩm, nó được thực hiện, được cụ thể hóa qua những chất liệu trực tiếp khác. Trước hết, dấu hiệu về chủ đề hay được bộc lộ qua tên gọi (nhan đề, đầu đề) của tác phẩm; có thể bộc bộc lộ trực tiếp trong những lời phát biểu của tác giả. Nhưng về cơ bản, chủ đề thường được biểu hiện qua hệ thống hình tượng, hệ thống nhân vật, nhất là qua hình tượng chính, nhân vật chính. Ví dụ, trong truyện ngắn Chí Phèo với việc miêu tả những kiếp người vật vờ, khổ nhục ở làng Vũ Đại hẻo lánh, xa tỉnh lị, Nam Cao muốn đặt ra vấn đề sự tha hóa, biến chất của một bộ phận nông dân Việt Nam dưới ách áp bức bóc lột cùng cực của bọn thực dân phong kiến. Những vấn đề ấy chính là chủ đề tác phẩm.

1.2.4.3. Phong cách tác giả

Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc,…

Nói chung, phong cách là quy luật thống nhất các yếu tố của chỉnh thể nghệ thuật, là một biểu hiện của tính nghệ thuật. Không phải bất cứ nhà văn nào cũng có phong cách. Chỉ những nhà văn có tài năng, có bản lĩnh mới có được phong cách riêng độc đáo. Cái nét riêng ấy thể hiện ở các tác phẩm và được lặp đi lặp lại làm cho ta có thể nhận ra sự khác nhau, chẳng hạn giữa Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, giữa Thạch Lam và Nguyễn Ái Quốc,…

Ngoài thế giới quan, những phương diện tinh thần khác như tâm lí, khí chất, cá tính đều có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành phong cách nhà văn. Phong cách của nhà văn cũng mang dấu ấn của dân tộc và của thời đại.

Một phần của tài liệu Nghĩa tình thái của câu trong các đoạn hội (trên những văn bản ở sách giáo khoa ngữ văn 11 tập một) (Trang 37 - 39)