Các phương tiện biểu thị nghĩa tình thái trong tiếng Việt

Một phần của tài liệu Nghĩa tình thái của câu trong các đoạn hội (trên những văn bản ở sách giáo khoa ngữ văn 11 tập một) (Trang 27 - 29)

Ngôn ngữ nào cũng có những phương tiện tải NTT, chỉ cần chú ý đến mức độ sử dụng nhiều hay ít hoặc cách thức biểu hiện như thế nào. Khi xem xét các phương tiện biểu thị tình thái một cách tổng thể chúng tôi thấy rằng: Trong các ngôn ngữ biến hình, các phương tiện ngữ pháp dùng để biểu thị ý nghĩa tình thái được rạch ròi và chú trọng hơn so với các phương tiện từ vựng, còn trong ngôn ngữ đơn lập thì ngược lại. Thực tế khi xem xét cách biểu đạt tình thái trong tiếng Việt, chúng ta nhận thấy: các dấu hiệu từ vựng được sử dụng hết sức linh hoạt và với tần số cao hơn hẳn so với các phương tiện ngữ pháp.

Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái. Các phương tiện biểu hiện NTT rất phong phú, vì vậy việc xác định những phương tiện hình thức biểu hiện tính tình thái không phải là đơn giản. Dưới đây, chúng tôi có thể khái quát một số phương tiện biểu hiện NTT trong tiếng Việt như sau:

1.1.4.1. Phương tiện ngữ âm

Ngữ điệu: là yếu tố không thể thiếu được của câu, của phát ngôn. Ngữ điệu là một khúc đoạn của lời nói và bao giờ cũng phải có ý nghĩa thông báo nhất định (cả việc biểu thị ý nghĩa thông báo tối thiểu hoặc không). Khi nghe người khác phát ngôn trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể nhận thấy rằng: người nói thường có xu hướng lên giọng ở trọng âm chính của câu, xuống giọng ở cuối câu đối với những câu trần thuật, câu yêu cầu, điều khiển, v.v. Đối với câu hỏi ta có thể: xuống giọng ở cuối câu khi người nói chờ đợi sự đồng ý của người nghe; lên giọng ở cuối câu khi người nói muốn hỏi thông tin. Còn đối với câu cảm thán: xuống giọng ở cuối câu khi người nói thể hiện sự băn khoăn, lo lắng, buồn khổ, đay nghiến, v.v. ; lên giọng ở cuối câu khi người nói thể hiện sự vui mừng, phấn khởi, ngạc nhiên, tự hào, v.v.

Trong những câu vắng mặt các phương tiện từ ngữ tình thái thì ngữ điệu chính là phương tiện ngữ âm biểu thị ý nghĩa tình thái. Có thể khẳng định, ngữ điệu không chỉ là nhân tố cấu thành câu mà còn là một phương tiện biểu hiện NTT của câu.

1.1.4.2. Phương tiện từ vựng

a. Các động từ tình thái: có thể, không thể, giao hẹn, nên, cần, phải, bị, được, dám, chợt, ưa, ưng, thèm, cố tình, cố ý, tỏ vẻ, trở nên, sinh ra, thích, cố gắng, toan, suýt, quyết tâm, tính, sẵn sàng, khoan, v.v.

b. Các danh từ, tính từ: đàn bà, phụ nữ, chắc, trắng bệch, vàng chóe,…

c. Các trợ từ: đến, những, chỉ, mỗi, nào, ngay cả, chứ sao, chính, đích, đã, mới, đi đã, hẳn, v.v.

d. Các vị từ ngôn hành trong kiểu câu ngôn hành (với những điều kiện về ngôi, thời, …): ra lệnh, trình bày, yêu cầu, đề nghị, mời, chúc, van, xin, hứa, thề, cuộc, thách, v.v.

e. Các phó từ:đã, sẽ, đang, không, chưa, chẳng, hãy, chớ, đừng, vẫn, cứ, còn, quá, ghê, thế, thật, v.v.

f. Các thán từ, quán ngữ cảm thán: ôi, a, ối, ái chà, eo ôi, ổ ôi, chao ôi, a ha, ối làng nước ơi, trời ơi là trời, chán ơi là chán, ôi mẹ ơi, này, ê, dạ, vâng, v.v.

g. Các tiểu từ tình thái: à, ư, nhỉ, nhé, thôi, cơ, chứ, đi, mất, thật, phỏng, chắc, chăng, hả, nào, hở, nghe, nào, ạ, đấy, xem, v.v.

h. Các đại từ, tổ hợp từ dùng trong câu phủ định - bác bỏ: (P làm gì, P thế nào được, có phải (là) …đâu, chẳng/ chả phải là, có …đâu, không (có) ai, không bao giờ, không đời nào, không nơi nào, …); các liên từ dùng trong các câu hỏi (hay P?, hay là P); quan hệ từ lựa chọn “hay”.

i. Các quán ngữ tình thái: ai bảo, nói gì thì nói, thảo nào, kể ra, tội gì, xem chừng, phiền một nỗi, sự thật, hóa ra, nhỡ đâu, v.v.

k. Các từ ngữ chêm xen biểu thị tình thái: nó biết cóc gì, mua làm đếch gì, quên xừ nó rồi, lạ thay, như ai nấy đều biết, v.v.

l. Các đại từ nghi vấn; từ ngữ xưng hô: gì, nào, sao, bao nhiêu, bao lâu, vì sao, mấy, đâu, thế nào; tôi, tớ, bạn, mình, ông, anh, chị, mày, ngài, hắn, nó, v.v.

m. Các từ, tổ hợp từ chuyên dùng với nghĩa tình thái xuất hiện ở bậc câu: có thể, có lẽ, chắc chắn, hình như, có chăng, cốt sao, miễn sao, biết đâu, may (là), đáng buồn (là), đáng tiếc (là), còn gì (là), ngờ đâu, dè đâu, khốn nỗi, nghe đâu, giỏi lắm, cùng lắm, thì tốt, thì khốn, là phúc, là thường, thì bỏ mẹ, theo ý X, cứ như X, tôi không nhầm (thì), v.v.

1.1.4.3. Phương tiện ngữ pháp

a. Câu phức có thành phần chính biểu hiện nghĩa tình thái

Tiếng Việt có cấu trúc câu: X nghĩ (rằng) P, X tin (rằng) P, X cho (rằng) P, v.v. Cấu trúc này gồm hai bộ phận: bộ phận chính xuất hiện ở trước phát ngôn (X nghĩ (rằng)) và một bộ phận thứ hai có chức năng làm rõ nghĩa cho bộ phận vừa nêu. Câu, phát ngôn thể hiện trực tiếp sự đánh giá chủ quan về sự tình được đề cập đến: Tôi e (rằng)/ tôi nghĩ (rằng)/ tôi cho (rằng)/ theo ý tôi (thì), v.v.

b. Phương tiện trật tự từ

Đây là phương tiện ngữ pháp rất quan trọng. Sự sắp xếp vị trí ở trước và sau của các từ ngữ, các bộ phận là cách để người nói biểu thị ý nghĩa đánh giá nào đó trong phát ngôn. Sự thay đổi trật tự từ sẽ thể hiện được dụng ý của người nói, có thể là nhấn mạnh, đề cao, v.v.

Ví dụ: (13) Bạn sẽ có sức khỏe nếu bạn thường xuyên tập thể dục.

Theo trật tự thông thường, ví dụ (13) được tổ chức như sau:

(14) Nếu bạn thường xuyên tập thể dục thì bạn sẽ có sức khỏe.

Người nói đã cố ý thay đổi trật từ từ trong câu. Ví dụ (13) đã nhấn mạnh kết quả sẽ đạt được nếu bạn thường xuyên tập thể dục. Ví dụ (14) lại nhấn mạnh điều kiện mà họ giả định, có tính chất định hướng giao tiếp đối với người nghe.

c. Các kiểu câu: nếu …thì, giá …thì, cứ …thì, chứ …thì, đằng nào (thì) …cũng, dù sao/ thế nào (thì) …cũng, đằng nào (mà) …chẳng, v.v.

NTT của câu vốn rất đa dạng đòi hỏi nhiều phương tiện biểu hiện khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng trong tiếng Việt. Những phương tiện biểu hiện NTT mà luận văn vừa nêu trên, hoàn toàn có thể khảo sát chúng ở phạm vi của câu trong các đoạn hội thoại cũng như mọi phát ngôn khác nữa. Tuy nhiên do ngữ điệu là một phương tiện ngữ âm khó xác định nên chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát được.

Một phần của tài liệu Nghĩa tình thái của câu trong các đoạn hội (trên những văn bản ở sách giáo khoa ngữ văn 11 tập một) (Trang 27 - 29)