Xuân Tóc Đỏ là một hình tượng nhân vật có tính cách rất riêng trong Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia không có nhiều cuộc hội thoại và lời thoại của nhân vật chính là rất ít, thậm chí là không có. Tuy nhiên, chỉ cần qua lời nói mà mọi người dành cho Xuân, ta cũng có thể thấy được một phần nét tính cách tiêu biểu hiện hữu trong con người hắn.
Cuộc sống giả dối, bịp bợm với đủ trò cải cách, đó là môi trường thuận lợi cho Xuân Tóc Đỏ hoạt động. Từ một tên lưu manh, láu cá, lừa bịp Xuân đã trở thành “anh hùng cứu quốc”, một “vĩ nhân”.
Cái chết của cụ cố tổ khiến tiếng thơm và uy tín của Xuân ngày càng lớn, vì chính nhờ hắn mà cụ cố tổ chết (nghe Xuân tố cáo ông Phán mọc sừng, cụ đã cấm khẩu và lăn đùng ra chết). Cả gia đình cụ tổ ai cũng sung sướng và biết ơn Xuân. Cụ bà mẹ của cậu Tú Tân hớt hải chạy lên rồi cảm động hết sức trước sự long trọng của đám tang (Giữa lúc ấy, sau chiếc xe, trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng, (…) Hai vòng hoa đồ sộ, một của báo Gõ mõ, một của Xuân, cũng len vào hàng đầu) vì nó là phần của ông Xuân, ông Xuân đốc tờ. Cụ sung sướng:
Ví dụ: (10) Ấy giá không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi. [NL3, 126].
NTTNT mang tính hiện thực qua lời khẳng định của bà cụ Tố Tân giá…thì, cùng NTTĐG mang tính chất tích cực may mà với thái độ tôn trọng, biết ơn, lời bà cụ đã góp phần bộc lộ rõ thêm bản chất láu cá, vô lương tâm của Xuân Tóc Đỏ. Sự có mặt của Xuân trong đám tang là sự chờ đợi, niềm vinh hạnh của đại gia đình cụ tổ. Họ khâm phục tài năng của Xuân vì đã góp phần làm cho đám ma to tát nhất từ trước đến nay thêm danh giá. Hắn quả là một tên láu lỉnh, biết tự quảng cáo mình, biết lợi dụng cơ hội để tiến thân, biết khiến người khác phải chú ý đến mình, biết lấy lòng mọi người. Nhưng tất cả điều đó cũng chỉ là một sự thật mỉa mai, lố bịch, phũ phàng và tàn nhẫn đối với Xuân và tất cả những con người cơ hội, không có tình người đó mà thôi.