Nghĩa tình thái với việc thể hiện chủ đề truyện ngắn Hai đứa trẻ

Một phần của tài liệu Nghĩa tình thái của câu trong các đoạn hội (trên những văn bản ở sách giáo khoa ngữ văn 11 tập một) (Trang 81 - 82)

Hai đứa trẻ là tác phẩm lấy đề tài từ cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của người lao động ở một phố huyện nghèo vùng ngoại ô thành phố. Trong trang văn của Thạch Lam giữa bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống khó khăn thường nhật vẫn thấy ánh lên những tia sáng của hi vọng, của ngày mai.

Thạch Lam đã chọn khoảnh khắc ngày tàn để khởi đầu câu chuyện và đặt nhân vật của mình vào lòng đêm thăm thẳm tràn ngập bóng tối. Nhịp sống của phố huyện

trong Hai đứa trẻ phập phồng một sự tàn lụi, khuất lấp. Những con người có tên lẫn không tên cứ hiện lên như những vụn đời bé nhỏ, thầm lặng. Công cuộc mưu sinh của họ cũng không mấy tốt đẹp. Mẹ con chị Tí ngày đi mò cua, bắt tép, tối về chị mới dọn hàng gánh nước. Khi Liên hỏi chị sao hôm nay lại dọn hàng muộn, mãi chị mới chép miệng trả lời:

Ví dụ: (30) Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì. [NL1, 96].

Câu nói của chị Tí đã thể hiện sự buồn chán, than thở đầy thất vọng. Chả kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối đến nửa đêm, bởi đó là cái nghề thêm thắt, mưu sinh của mẹ con chị. Nỗi lòng của chị cũng là nỗi lòng chung của những kiếp người quẩn quanh, lay lắt, bế tắc nơi đây - những kiếp người không được biết đến hạnh phúc. Họ sống dường như chỉ để chờ đợi một cái gì đó may mắn ở phía trước, chờ đợi một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Đối với chị em Liên, chuyến tàu là biểu tượng của sự sống giàu sang náo nhiệt, đầy ánh sáng. Đêm đã về khuya, bé An đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị, mí mắt sắp sửa rơi xuống còn dặn với:

Ví dụ: (31) Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé. [NL1, 99].

An dặn chị với cách nói thật thân tình, lễ phép. Đối với chị em Liên, con tàu như mang đến kỉ niệm, đánh thức hồi ức sống, và hơn nữa là để cho Liên như được thoát khỏi bóng tối, thoát khỏi sự nghèo nàn của cuộc đời mình. Nhưng cuộc thoát li, dù bằng tưởng tượng cũng chỉ diễn ra trong chốc lát. Đêm tối và sự im lặng mênh mông lại bao bọc lấy tất cả.

Bằng một truyện ngắn dường như không có chuyện, Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối nơi phố huyện nghèo trước cách mạng tháng Tám. Qua đó, tác giả biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ.

Một phần của tài liệu Nghĩa tình thái của câu trong các đoạn hội (trên những văn bản ở sách giáo khoa ngữ văn 11 tập một) (Trang 81 - 82)