CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN
2.2. Thực trạng năng lực cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế
2.2.3. Thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu
2.2.3.1. Nhân tố vĩ mô của nền kinh tế
Có thể nói, trong khoảng thời gian qua, nền kinh tế thế giới đã trải qua những bước thăng trầm đầy biến động, đem lại nhiều thuận lợi song cũng rất nhiều khó khăn cho Ngành Dệt may Việt Nam.
Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Việc tham gia vào sân chơi WTO đã tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam khi mà chúng ta đã được đối xử bình đẳng như những thành viên khác của WTO. Cụ thể, năm 2007, tổng GDP đạt 461.189 tỷ đồng, tăng 8,48% so với năm 2006, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và đứng thứ hai khu vực, chỉ sau Trung Quốc; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt con số kỷ lục 20,3 tỷ USD. (Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê Việt Nam). Đi cùng với sự tăng trưởng kinh tế
đó, Ngành Dệt may Việt Nam cũng đã có sự vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng kỷ lục 33,79% đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến năm 2008, nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà các chuyên gia cho rằng đó là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ hai mà thế giới phải trải qua. Việt Nam không nằm ngoài tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trên. Tốc độ tăng trưởng đã tụt giảm xuống 6,17% sau gần một thập kỷ tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trung bình là 7%. Cùng với đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm mạnh, tính riêng FDI vào dệt may giảm 68% (từ hơn 1,2 tỷ USD xuống còn xấp xỉ 400 triệu USD). Điều đú gõy tỏc động xấu đến khả năng sản xuất và xuất khẩu của ngành. Cú thể thấy rừ điều đó qua mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2009 với mức sụt giảm 0,55%. Tuy vậy, so sánh với nhiều quốc gia khác, có thể thấy tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đến Ngành Dệt may Việt Nam là không sâu sắc.
Bước sang giai đoạn 2010 - 2011, nền kinh tế thế giới tuy đã phục hồi phần nào nhưng vẫn còn có thể thấy được những tác động còn sót lại của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012, khi mà nguy cơ lạm phát cao, cùng với việc tỷ giá tăng khiến cho các doanh nghiệp khó khăn hơn trong khâu nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Tuy nhiên, đứng trước những những khó khăn và thử thách đó, Chính phủ đã có rất nhiều những biện pháp và chính sách kinh tế nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của Ngành Dệt may. Thông qua các chính sách ổn định tỷ giá trên thị trường hối đoái, ổn định và tiến tới giảm lãi suất ngân hàng hay các biện pháp thu hút FDI vào Ngành Dệt may, Chính phủ mong muốn tạo ra những cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất dệt may nắm bắt, đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ hơn, qua đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
2.2.3.2. Nhân tố thị trường và ngành hàng dệt may
• Khách hàng:
Khách hàng luôn là nguồn tạo ra cơ hội dồi dào với doanh nghiệp. Có thể thấy hiện nay, ngoài việc tập trung vào các khách hàng truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, dệt may xuất khẩu Việt Nam đã và đang hướng đến những khách hàng tiềm năng như Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Trung Đông và Châu Phi.
Về nhóm khách hàng truyền thống gồm có Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Đây là những thị trường nhập khẩu chính của Dệt may Việt Nam trong suốt thời gian qua với tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến hơn 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Trong đó thị trường Hoa Kỳ là khách hàng lớn nhất, tiếp đó đến EU và đứng thứ ba là Nhật Bản. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khi mà các Hiệp định song phương như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu cùng với nhu cầu không ngừng gia tăng tại các thị trường trên thì cơ hội cho dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường này là rất lớn.
Bảng 2.12: Nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản qua các năm Đơn vị: Tỷ USD
Năm 2006 2007 2008 2009 2010 2011
Hoa Kỳ 89,19 91,47 88,26 76,64 87,58 94,24
EU (27) 163,06 184,72 198,42 173,51 181,26 204,73
Nhật Bản 25,14 25,29 27,09 26,64 28,14 35,06
(Nguồn: Tổng hợp số liệu của ITC từ trademap.org) Số liệu thống kê trên cho thấy nhu cầu của các khách hàng truyền thống rất lớn so với con số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó cơ hội cho Ngành Dệt may Việt Nam những năm tới đây là rất tiềm năng. Ngoài nhóm khách hàng truyền thống ra, cũng phải kể đến nhóm khách hàng tiềm năng trong vài ba năm gần đây.
Đó là những thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Trung Đông và Châu Phi.
Về thị trường Hàn Quốc, từ khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực (năm 2007), kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Hàn Quốc, trong đó có dệt may tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc năm 2011 đạt trên 904 triệu USD, tăng 145% so với năm 2010 - mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Đây chính là cơ sở để Ngành Dệt may phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc vượt con số 1 tỷ USD, trở thành khách hàng nhập khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Châu Phi gồm 56 quốc gia với số dân hơn 1 tỷ người nằm trên diện tích hơn 30 triệu km2, là châu lục lớn thứ 3 thế giới. Tuy bị xếp hạng là châu lục nghèo nhất
nhưng những năm gần đây, nền kinh tế khu vực châu Phi đã có những chuyển biến đầy hứa hẹn do nhiều nước đã thực hiện triệt để chương trình cải cách các chính sách kinh tế vĩ mô tập trung ở nhiều ngành và lĩnh vực. Do đó Châu Phi là một khu vực hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ngoài Châu Phi, thị trường Nga và Trung Đông cũng được đánh giá là các thị trường tiềm năng của dệt may Việt Nam. Thị trường Trung Đông cũng có nhiều đặc điểm thị trường giống Châu Phi, hàng dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường này, vấn đề là cần phải có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu.
Còn đối với Nga, hiện do thuế suất nhập khẩu dệt may vào Nga vẫn còn tương đối cao nên cần có sự tháo gỡ chính sách vĩ mô giữa hai nước.
• Đối thủ cạnh tranh:
Phân đoạn thị trường chính của Việt Nam là các mặt hàng dệt may với kiểu dáng và giá cả ở mức trung bình. Hiện nay trên thế giới có hai xu hướng chính trong sản xuất dệt may. Nhóm thứ nhất gồm các quốc gia với nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, chủ yếu nhận làm các đơn hàng gia công cho các công ty nước ngoài lớn. Nhóm này gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Châu Phi,... và các quốc gia đang và chậm phát triển khác. Nhóm thứ hai cũng đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may rất cao nhưng thực hiện việc sản xuất tại một trình độ cao hơn, với các mặt hàng dệt may chất lượng, giá thành cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nhóm này có thể kể đến là EU, Hồng Kông, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và một số các quốc gia phát triển khác. Như vậy, có thể nhận thấy các đối thủ cạnh tranh chủ yếu đối với Việt Nam là các quốc gia nằm trong nhóm thứ nhất.
Trung Quốc: Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đạt 141,95 tỷ USD bằng 32,4% tổng kim ngạch dệt may toàn thế giới. Năm 2010, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đạt 174,66 tỷ USD, tăng đến 23,04% so với năm 2009. (Theo số liệu tổng hợp từ ITC và UN Comtrade). Cơ cấu ngành dệt và may Trung Quốc bổ trợ cho nhau, Ngành Dệt may không quá phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Thuận lợi của dệt may Trung Quốc là đã được dỡ bỏ hạn ngạch tại các thị trường EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hàng dệt may Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh so với các nước sản xuất ở Châu Á do các quy định mới của Chính phủ
Trung Quốc đối với các nhà sản xuất khắt khe hơn, cùng với việc chi phí lao động tăng và việc Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải chuyển sang các sản phẩm có chất lượng và giá cao hơn.
Ấn Độ: Ngành Dệt may đóng góp đáng kể vào GDP của Ấn Độ và là ngành tạo việc làm lớn thứ hai chỉ sau nông nghiệp. Ngành công nghiệp dệt may Ấn Độ là nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia này, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Ấn Độ giai đoạn 2008-2009 đạt 10,17 tỷ USD. Ấn Độ là nước xuất khẩu thời trang may sẵn lớn thứ 6 trên thế giới, chiếm khoảng 2,6% thị phần toàn thế giới. Ngành Dệt may Ấn Độ đóng góp khoảng 7 triệu việc làm cho người lao động; dự kiến trong năm 2012 con số này sẽ vào khoảng 14 triệu. Ngành Dệt may cũng đóng góp 8%
vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ấn Độ hy vọng đến năm 2012 xuất khẩu dệt may sẽ tăng 15% về lượng và tăng 20% về giá trị. (Báo điện tử Cục xúc tiến Thương mại, 2011 B, http://www.vietrade.gov.vn). Hiện tại, Ấn Độ là một trong những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc trên các thị trường truyền thống của Việt Nam. Thế mạnh của Ấn Độ là khả năng tự cung tự cấp nguồn nguyên phụ liệu phục vụ ngành may mặc với diện tích gieo trồng bông lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, dệt may Ấn Độ lại có rất nhiều các điểm yếu.
Đó là cơ sở hạ tầng của Ấn Độ rất yếu kém, giá năng lượng phục vụ sản xuất cao, chuyên môn hóa quá cao vào ngành bông khiến mất cân đối trên thị trường. Ấn Độ ít quan tâm đào tạo lao động, chuẩn chất lượng sản phẩm còn kém, thiếu tính chuyên nghiệp và chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, đầu tư thấp vào hoạt động nghiên cứu và phát triển và đặc biệt là chưa tận dụng được các lợi thế nhờ quỵ mô. Chính những điếm yếu này sẽ khiến dệt may Ấn Độ trong dài hạn nếu không có những thay đổi chiến lược, sẽ mất dần sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bangladesh: Bangladesh hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với thị phần gần 4%. Là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Á, Bangladesh được đánh giá là một thị trường đang nổi lên hấp dẫn nhiều nhà nhập khẩu dệt may trên thế giới. Cơ hội dành cho dệt may quốc gia này càng tăng hơn nhờ lợi thế giả rẻ hơn hẳn so với hàng dệt may từ Trung Quốc. Trong thời kỳ các đơn hàng giá rẻ đang lên ngôi, các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đang được chuyển sang cho Bangladesh. Đặc điểm của dệt may tại Bangladesh là giá rẻ,
chất lượng trung bình. Tuy nhiên, theo như một khuyến cáo của IMF, Bangladesh muốn giữ vị trí như hiện nay trên thị trường thì quốc gia này phái đầu tư nhiều hơn nữa trong việc mở rộng các nhà máy mới nhằm nâng cao năng suất và tập trung phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ càng nhanh càng tốt.
• Nhà cung cấp:
Dệt may Việt Nam phải nhập khẩu đa phần các nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bởi vậy, nhà cung cấp là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mặt hàng này. Theo bảng 2.10, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên, phụ liệu phục vụ cho Ngành Dệt may, trong đó nhập khẩu cho sản xuất để xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn.
Về thị trường cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào cho dệt may Việt Nam, chủ yếu vẫn là các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN. Trong đó Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất với kim ngạch năm 2011 là hơn 3,2 tỷ USD. Tiếp đó là các thị trường như Đài Loan (1,8 tỷ USD), Hàn Quốc (1,6 tỷ USD).
Bảng 2.13: Thị trường cung cấp nguyên liệu cho dệt may Việt Nam năm 2011 Đơn vị: Triệu USD Loại NPL Trung
Quốc Ấn Độ Đài Loan
Hàn Quốc
Nhật Bản
Thái Lan
Hoa Kỳ Vải 2806,96 45,14 1083,52 1333,86 514,10 182,87 24,40
Bông 6,75 124,50 1,53 1,80 - - 559,43
Xơ 86,91 5,78 221,26 91,20 7,14 124,96 3,63
Sợi 344,76 57,51 536,19 207,80 30,20 170,02 -
Tổng 3245,38 232,93 1842,50 1634,66 551,44 477,85 587,46 (-): không có số liệu (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của VITAS) Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những con số này cho thấy, mỗi năm, Ngành Dệt may của nước ta đang phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu từ các nhà cung cấp nước ngoài, trong khi đó nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% và tập trung vào một số sản phẩm như bông đã đáp ứng được 10%; xơ, sợi tổng hợp đáp ứng khoảng 60%; vải 50%; phụ liệu 70%…
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu là do sản lượng, diện tích trồng bông trong nước còn quá ít, phát triển công nghiệp phụ trợ chưa tương xứng dẫn đến một số nguyên phụ liệu khác mà trong nước đã sản xuất được thì giá thành lại cao hơn sản phẩm nhập khẩu
và có chất lượng không ổn định, đáp ứng rất ít nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi nguyên phụ liệu chiếm đến 75% giá thành của sản phẩm. Như vậy, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài đang làm ảnh hưởng đến giá thành, sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may và lợi nhuận trực tiếp của các doanh nghiệp.
2.2.3.3. Nhân tố nội tại các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may
• Nguồn nhân lực:
Trong các ngành công nghiệp của Việt Nam, Dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, toàn ngành hiện thu hút khoảng trên 2 triệu lao động, làm việc trên tổng số hơn 3000 doanh nghiệp dệt may và dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ là trên 3,5 triệu lao động.
Nguồn nhân lực Ngành Dệt may Việt Nam những năm qua có một số đặc điểm sau:
- Lao động Ngành Dệt may là lao động trẻ, đa số tuổi đời dưới 30 (ngành dệt chiếm 38%, ngành may chiếm trên 64%). Trong đó, lao động nữ trong các doanh nghiệp dệt may chiếm trên 70% (ngành dệt chiếm 68%, ngành may chiếm khoảng 75%).
Trình độ văn hóa của công nhân lao động phần lớn là tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo số liệu thống kê, lao động có trình độ cao đẳng trở lên trong ngành mới chỉ có tỷ lệ dao động từ 3,5% đến 3,9%.
- Lao động của Ngành Dệt may Việt Nam phân tán không đồng đều, có hơn 70% các doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có số lao động dưới 500 người, số doanh nghiệp từ 1000 người trở lên mới chỉ chiếm 6%. Lao động trong Ngành Dệt may hiện nay tập trung chủ yếu trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tiếp đến là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
- Lao động dệt may Việt Nam đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa những công nhân có tay nghề thấp, trong khi đó lại thiếu nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ phát triển. Đó là những công nhân may có kĩ năng cao, nhà quản lý có trình độ trong lĩnh vực quản lý Ngành Dệt may, và đặc biệt, đội ngũ thiết kế mẫu mã, cán bộ marketing trong các doanh nghiệp dệt may đang rất thiếu, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm tạo lợi thế trong việc tiếp cận đối tác nước ngoài và marketing cho doanh nghiệp cũng như và sản phẩm của doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy rằng, thời gian qua, Ngành Dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động, cũng như chất lượng lao động. Đó
chính là những chướng ngại vật khó vượt qua đối với Ngành, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của mặt hàng dệt may xuất khẩu.
• Năng lực sản xuất, xuất khẩu:
Việt Nam hiện có khoảng hơn 3000 doanh nghiệp dệt may. Trong đó, số lượng các doanh nghiệp dệt may tập trung chủ yếu tại hai khu vực ở miền Nam là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 60%, miền Bắc chỉ chiếm khoảng 30% và phần còn lại tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Đa phần các doanh nghiệp lớn hiện nay trước đây đều có nguồn gốc là công ty 100% vốn nhà nước. Những năm gần đây, nhờ việc cổ phần hóa mạnh mẽ, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều đã chuyển sang hình thức công ty cổ phần. Hiện tại, hình thức công ty TNHH và công ty cổ phần đang chiếm số lượng nhiều nhất, chiếm hơn 75%, các doanh nghiệp nhà nước hiện tại chỉ chiếm 0,5%, còn lại 25% là các doanh nghiệp vốn FDI và các hợp tác xã nhỏ lẻ.
Bảng 2.14: Số lượng doanh nghiệp dệt may Việt Nam năm 2009
Tiêu chuẩn Số lượng
Tổng 3.719
Phân theo vốn sở hữu
Nhà nước 0,5%
CP, TNHH vốn nhà nước > 50% 1%
CP, TNHH vốn nhà nước < 50% 76%
FDI 18,5%
Hợp tác xã 4%
Phân theo vùng lãnh thổ
Đồng bằng sông Hồng 27%
Trung du và miền núi phía Bắc 3%
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 7%
Tây Nguyên 1%
Đông Nam Bộ 58%
Đồng bằng sông Cửu Long 4%
(Nguồn: VITAS) Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên, hiệu quả xuất khẩu và giá trị gia tăng mang lại không cao. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay vẫn còn sản xuất và xuất khẩu theo phương thức gia công thuần túy. Với phương thức sản xuất này, bên đối tác sẽ cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam toàn bộ đầu vào cho quá trình sản xuất sản phẩm bao gồm mẫu thiết kế, nguyên phụ liệu