Đánh giá tổng quát về năng lực cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 2011 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 58 - 61)

- Lao động dệt may Việt Nam đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu Thừa những công nhân có tay nghề thấp, trong khi đó lại thiếu nguồn lao động chất lượng cao,

2.3.Đánh giá tổng quát về năng lực cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế

khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế

Trong tình hình kinh tế hiện nay, Ngành Dệt may đang có nhiều cơ hội, song cũng đứng trước rất nhiều thách thức lớn. Để có cái nhìn tổng quan nhất về năng lực cạnh tranh của mặt hàng dệt may để từ đó tìm ra phương hướng phát triển cho ngành, tác giả đã tổng hợp lại các điểm mạnh, yếu cũng như cơ hội và thách thức với Ngành Dệt may dựa trên các chỉ tiêu cạnh tranh cũng như việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng dệt may ở trên.

2.3.1. Điểm mạnh

Chi phí nhân công rẻ: Với đội ngũ công nhân có tay nghề, khéo léo cộng với chi phí tiền lương thấp, dệt may Việt Nam đã và đang tạo nên sự hấp dẫn các đơn đặt hàng gia công từ các nước và khu vực như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước khác. Đây chính là nhân tố có tính chất quyết định cho phép xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Nhiều chính sách thương mại và đầu tư được ban hành trong thời gian qua như ưu đãi đầu tư FDI hay miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu thô với mục đích sản xuất các sản phẩm may tái xuất khẩu trong vòng 3 - 4 tháng, đã có tác động thiết thực trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp dệt may và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Điều kiện kinh tế chính trị ổn định: Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng bình quân 6 - 8% và là khu vực đông dân nhất thế giới. Việt Nam đã tạo dựng một hình ảnh tiêu biểu trên thế giới về một nền kinh tế ổn định và tình hình chính trị không phức tạp. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài vào Ngành Dệt may.

2.3.2. Điểm yếu

Hình thức xuất khẩu: Mặc dù gia công nước ngoài hiệu quả thấp, thường bị thua thiệt nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 90% các doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục gia công cho nước ngoài, với tỷ trọng gia công chiếm khoảng 60% trị giá hàng dệt may xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay thực chất là thị trường của người đặt gia công. Vì vậy, yếu tố quyết định ưu thế của ngành may xuất khẩu Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào đơn giá gia công. Đây là một trong những nguyên nhân làm đình trệ mức tăng trưởng xuất khẩu của dệt may Việt Nam.

Các ngành công nghiệp phụ trợ không tương xứng: Các ngành sản xuất phụ kiện và vải dệt trong nước đã không đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất hàng may mặc về cả số lượng và chất lượng, dẫn đến giá trị gia tăng không cao. Ngành Dệt may của Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu và đang tăng lên về chi phí cho quá trình sản xuất, thời gian sản xuất và những rủi ro liên quan đến vận chuyển, hải quan và sự chậm trễ.

Phát triển các nguồn nhân lực chưa tương thích: Việt Nam có đội ngũ lao động dồi dào, có kỷ luật, có tay nghề nhưng lại thiếu nguồn lao động có kỹ năng cao như kỹ thuật viên, cán bộ marketing hay các nhà quản lý. Trong thời gian khá dài, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may của Việt Nam chỉ tập trung vào thực hiện gia công và thụ động trong việc tiếp cận với khách hàng; do đó, các kỹ năng về marketing, quản lý và thiết kế không có vai trò quan trọng trong thời

gian trước đây. Đây là điểm bất lợi của dệt may Việt Nam, bởi chính yếu tố con người sẽ tạo nên giá trị và hiệu quả trong việc phát triển Ngành Dệt may.

Công tác thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng:

Doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu và mẫu mã sản phẩm, chưa chú trọng đến khâu thiết kế kiểu dáng sản phẩm. Khâu thiết kế mẫu mã, sản phẩm còn tồn tại nhiều hạn chế, việc xây dựng thương hiệu chưa mang nét đặc trưng và vươn ra tầm thế giới. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng dệt may Việt Nam dù có lợi thế so với nhiều quốc gia khác nhưng vẫn chưa thể phát triển và hội nhập một cách tự chủ.

2.3.3. Cơ hội

Sản xuất hàng dệt may trên thế giới đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, qua đó tạo thêm cơ hội mới cho các doanh nghiệp dệt may về cả tiếp cận vốn, thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng từ các nước phát triển.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới cũng tạo điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn cho hàng dệt may. Khi Việt Nam đã gia nhập WTO và ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) với nhiều quốc gia trên thế giới, dệt may có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu do các rào cản thương mại như hạn ngạch dệt may vào Hoa Kỳ và các nước đã được dỡ bỏ, bình đẳng về thuế quan giữa các nước thành viên, cơ hội tiếp cận công nghệ, thông tin, các dịch vụ đựơc tốt hơn,…

Một cơ hội nữa cho dệt may Việt Nam trong thời gian tới, đó là việc đối thủ cạnh tranh trực tiếp Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng, tiền lương công nhân tăng cao cùng với việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng giá từ giữa năm 2010. Tất cả những điều kiện đó đang làm chuyển dịch một số lượng lớn đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng sản xuất, xuất khẩu, chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm, dần mở rộng thị trường sang các khu vực như Trung Đông, Đông Âu hay Châu Phi. Điều này hứa hẹn nhiều cơ hội kinh doanh mới cho Ngành Dệt may Việt Nam những năm tới đây.

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 2011 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 58 - 61)