- Nhập khẩu những công nghệ, thiết bị hiện đại cho các công đoạn sản xuất như như: in, nhuộm, hoàn tất sản phẩm để từ đó sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng
3.3.3. Kiến nghị với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may
Doanh nghiệp cần thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng dệt may truyền thống với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp với nâng cao khả năng cạnh tranh không qua giá. Đây là chiến lược tận dụng tốt nhất những cái mà doanh nghiệp hiện có để tham gia cạnh tranh sâu rộng hơn trên thị trường quốc tế.
Việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống phải đi kèm với các nỗ lực hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh. Các doanh nghiệp phải chấp nhận và nâng cao khả năng thích ứng với những hàng rào kỹ thuật tại các thị trường phát triển. Thay vì tư thế bị động, doanh nghiệp cần chủ động để có thể kiểm soát được sản phẩm của mình ngay từ đầu. Thông tin về chính sách, thị trường được Chính phủ và Hiệp hội cung cấp chính là nền tảng cho sự chủ động ấy. Đặc biệt, các doanh
nghiệp cũng cần nắm bắt triển vọng tiếp cận các thị trường khi Việt Nam đang đàm phán các hiệp định FTA.
Về dài hạn, doanh nghiệp cần nhận thức rằng chỉ có đa dạng hóa sản phẩm dệt may và nâng cao khả năng cạnh tranh không qua giá mới đảm bảo việc xuất khẩu được bền vững. Thực chất, đó chính là quá trình làm tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu thông qua đầu tư có hiệu quả vào lao động, vốn và công nghệ. Quá trình này cần thời gian, song doanh nghiệp cần bắt đầu thực hiện ngay với những hành động cụ thể.
KẾT LUẬN
Trong những năm qua, Ngành Dệt may Việt Nam được coi là ngành có lợi thế hướng ra xuất khẩu và đang từng bước khẳng định vị trí là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cùng với xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, Ngành Dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới, khi mà cạnh tranh trên thị trường ngày càng mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.
Thực tế hơn 10 năm qua cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành đã có nhiều nỗ lực để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm khi tiến hành kinh doanh quốc tế. Từ đó đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ về kim ngạch xuất khẩu cũng như khả năng mở rộng và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn yếu và còn nhiều hạn chế so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc phân tích, đánh giá thực trạng để từ đó tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là hết sức cần thiết đối với từng doanh nghiệp nói riêng cũng như tổng thể cả Ngành Dệt may nói chung. Để làm được điều ấy, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành liên quan và các cơ quan chức năng cũng như chính các doanh nghiệp trong Ngành cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc nâng cao cao năng lực cạnh tranh của Ngành Dệt may trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp, nội dung của khóa luận đã đạt được một số kết quả như sau: Hệ thống hóa và bổ sung một số vấn đề lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, thông qua phân tích, đánh giá, cập nhật chi tiết về số liệu đã cho thấy một cái nhìn tổng quát về thực trạng năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may thời gian qua. Từ đó, đề xuất được các nhóm giải pháp cũng như những kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.