• Nguồn nhân lực
Lao động luôn là yếu tố đầu tiên cũng như là yếu tố cuối cùng tạo nên sự thành hay bại của một doanh nghiệp, phải có nguồn nhân lực mới tạo ra sản phẩm một cách trực tiếp hay gián tiếp. Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp sẽ là những người quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai. Mỗi quyết định của họ có ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan đến sự tồn tại, phát triển hay diệt vong của doanh nghiệp. Trong khi đó, trình độ tay nghề của lao động còn ảnh hưởng đến năng suất lao động của một người lao động. Năng suất lao động thấp ngoài việc sẽ khiến cho giá thành cao mà còn có thể không đồng đều về chất lượng. Những nhân tố này rõ ràng có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp.
• Năng lực sản xuất
Là một tiêu chí hết sức quan trọng trong việc phân tích môi trường doanh nghiệp. Tùy thuộc vào mục tiêu và kế hoạch đề ra mà mỗi doanh nghiệp lựa chọn phương thức sản xuất, từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá cả, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Phân tích sản xuất bao gồm phân tích năng lực sản xuất, chi phí và thời hạn sản xuất, việc phân bổ nguồn lực, các biện pháp sản xuất, phân tích cung ứng và lưu kho, xác định quy mô tối ưu, đảm bảo cho quá trình sản xuất liên tục. • Năng lực tài chính doanh nghiệp
Năng lực về tình hình tài chính, tình hình tài trợ, khả năng huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp được phân tích thông qua báo cáo tài chính và chi tiêu tài chính. Năng lực tài chính phản ánh năng lực, hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đủ tiềm lực về tài chính là doanh nghiệp có khả năng tài trợ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh như: vốn đầu tư mua sắm thiết bị kỹ thuật công nghệ mới, chi phí cho việc tu bổ, sửa chữa máy móc thiết bị hiện có, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu tài chính thường được quan tâm khi phân tích tài chính là: nhóm chỉ tiêu về khả năng thanh toán, nhóm các chỉ tiêu về lợi nhuận, nhóm các chỉ tiêu về cơ cấu nguồn vốn và tài sản. • Năng nghiên cứu và phát triển (R&D)
Cơ sở vật chất và trình độ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất hàng may mặc có ảnh hưởng tới hiệu quả trong xuất khẩu hàng may mặc của doanh nghiệp. Một sản phẩm may mặc xuất khẩu đem lại hiệu quả cao khi nó chứa đựng giá trị gia tăng lớn, muốn thế trong quá trình sản xuất và tiêu thụ phải áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến như sử dụng loại chất liệu mới trong quá trình may sản phẩm, áp dụng những mẫu mã thời trang mới, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Có áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng xuất khẩu mói có những lô hàng đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng, nhiều mẫu mã khác nhau và chi phí trên mỗi sản phẩm giảm dần.
• Chiến lược Marketing
Là khâu đầu tiên trong phân tích môi trường doanh nghiệp. Nó cho biết năng lực thương mại của doanh nghiệp, quá trình phân tích Marketing thường tập trung vào phân tích thiết kế sản phẩm. Phân tích Marketing còn nghiên cứu thị trường, tìm ra thị trường mục tiêu, lựa chọn thị trường.
Trong cơ chế thị trường, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng một nhóm ngành sản xuất diễn ra hết sức gay gắt. Để tồn tại và phát triển các doanh nghiệp cần phải thực hiện các công việc như: nghiên cứu thị trường; nghiên cứu nhu cầu của thị trường và dự đoán khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trên đoạn thị trường đó.