CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN
2.2.2.3. Mức ấn tượng về hình ảnh, thương hiệu sản phẩm dệt may
Trong xu thế cạnh tranh càng ngày càng trở nên gay gắt, khi mà chất lượng của sản phẩm dệt may ngày càng được nâng cao, thì vai trò và vị trí của thương hiệu sản phẩm ngày càng trở nên quan trọng. Nhận biết được xu hướng này, hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thực hiện tích cực việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình ra thị trường thế giới nhằm quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, thông qua đó thu hút đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu uy tín. Đó cũng chính lả con đường mà rất nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc đã thực hiện thành công giúp cho sản phẩm dệt may của họ đến được với thị trường thế giới từ nhiều năm nay.
Có thể thấy, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam đều đã quan tâm tới các thương hiệu của mình. Nhiều doanh nghiệp đã có được những thành công bước đầu khi chiếm được lòng tin cũng như sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Hiện nay nhắc đến veston, người tiêu dùng nhớ ngay đến thương hiệu Novelty, Cavaldy của Công ty cổ phần may Nhà Bè. Tương tự, một số thương hiệu đã được khẳng định tại cả hai thị trường xuất khẩu và nội địa là Mollis, Pop (Tổng Công ty Phong Phú), Three Camels, Brilliant (Dệt Việt Thắng), Lencii (Dệt Thái Tuấn), Lenviet (Công ty Len VN), Nosi, Jump, Bloom (Dệt may Hà Nội), San Sciaro, Manhattan (May Việt Tiến), Pharaon Series, MMTeen (May 10), F-house, F-Jeans (May Phương Đông)... Tuy nhiên khi so sánh với các thương hiệu của các quốc gia như Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc thì mức ấn tượng về hình ảnh thương hiệu của hàng dệt may Việt Nam còn rất mờ nhạt trong con mắt người tiêu dùng. Thực tế này một phần xuất phát từ đặc điểm Ngành Dệt may Việt Nam, đó chính là việc sản xuất, kinh doanh theo hình thức gia công vẫn là chủ yếu. Từ đó dẫn đến hầu hết sản phẩm dệt may của Việt Nam sản xuất lại được gắn nhãn mác của các hãng nước ngoài. Cho nên, khi tiêu thụ trên thị trường thế giới, các sản phẩm dệt may Việt Nam thường không được chú ý, điều đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp. Có thể lấy một ví dụ cụ thể, rằng khi sản xuất sản phẩm áo sơ mi dành cho nam giới, nếu tính chi phí mua vải, công may và các chi phí khác thì giá thành sản phẩm này chỉ là 150.000 đến 160.000 đồng/sản phẩm. Nếu gắn thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Việt Tiến chẳng hạn, thì giá bán sản phẩm này đã gấp năm lần và giá có thể tăng gấp 100 lần khi được gắn thương hiệu cao cấp của thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng sản xuất.
Bên cạnh việc xây thương hiệu của sản phẩm cũng phải kể đến năng lực xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may đều quan tâm đến việc sử dụng internet như một công cụ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở một website đơn giản, có chức năng chủ yếu là giới thiệu sản phẩm và những website cũng rất ít người biết đến. Trong số các doanh nghiệp có website, trên 90% website chỉ dừng lại giới thiệu sản phẩm và tên, địa chỉ của doanh nghiệp; chỉ có trên 40% website có cung cấp thông tin về giá cả sản phẩm và cho phép liên
hệ đặt hàng. Thêm vào đó, trong số 12 thương hiệu dệt may đã được Tập đoàn Dệt may Việt Nam đăng ký và phát triển trên thế giới, chỉ có 4 thương hiệu có được vị trí “vững vàng” và đều là của các “ông lớn” trong ngành như Việt Tiến, May 10 và May Nhà Bè. Đa số doanh nghiệp đều cho rằng phát triển thương hiệu ở nước ngoài là một chiến lược dài hơi và tốn kém. (Thời Báo Kinh Doanh VnBusiness, 2011,
http://www.vnbusiness.vn)
Như vậy, có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam chưa tích cực đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu của mình ra thị trường nước ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực tài chính để quảng bá thương hiệu sản phẩm ra nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì không quan tâm xây dựng thương hiệu ở Việt Nam mà chủ yếu là sử dụng thương hiệu của công ty mẹ tại nước ngoài. Ngoài ra, cũng phải kể đến một lý do nữa, đó là việc các sản phẩm dệt may Việt Nam chủ yếu sản xuất thông qua phương thức gia công cho nước ngoài, cho nên phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may rơi vào tình trạng thiếu thông tin về thị trường đầu ra cũng như nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thâm nhập thị trường bằng thương hiệu của chính mình.