Giải pháp đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại cũng như cải tiến chất lượng hàng dệt may xuất khẩu

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 2011 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 70 - 73)

XUẤT KHẨU TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

3.2. Các nhóm giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam

3.2.3. Giải pháp đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại cũng như cải tiến chất lượng hàng dệt may xuất khẩu

Như đã phân tích ở trên, một trong những điểm yếu của hàng dệt may Việt Nam chính là ở khâu sáng tạo và thiết kế. Nếu so với hàng các sản phẩm dệt may cùng loại của Trung Quốc và Ấn Độ thì sản phẩm dệt may Việt Nam được đánh giá là chưa phong phú, chưa hấp dẫn do kiểu cách đơn giản. Từ đó dẫn đến chất lượng thấp và giá trị gia tăng mang lại chưa cao. Vì vậy, để nâng cao sức hấp dẫn của hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp xuất hàng dệt may Việt Nam cần chú ý tới việc đa dạng hóa mẫu mã và cải tiến chất lượng sản phẩm theo các hướng sau:

3.2.3.1. Đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc tập trung cải tiến khâu thiết kế, qua đó tăng cường phát triển các sản phẩm mới

Sản phẩm dệt may là loại sản phẩm có yêu cầu rất phong phú, đa dạng gắn liền với từng loại đối tượng tiêu dùng. Người tiêu dùng khác nhau về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, khu vực địa lý, giới tính, tuổi tác sẽ có nhu cầu khác nhau về trang phục. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để nắm vững nhu cầu của từng bộ phận khách hàng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các loại sản phẩm dệt may đều mang tính thời trang cao, nghĩa là người tiêu dùng thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc...để đáp ứng được nhu cầu thay đổi một cách liên tục của họ. Do đó, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, việc tìm hiểu

các xu hướng thời trang là rất quan trọng. Đây là một nhiệm vụ thiết yếu của việc phát triển ngành thời trang ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Thực tế các công ty may Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến bộ phận thiết kế. Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất theo mẫu sẵn có của đơn hàng, không có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, chỉ có một số doanh nghiệp lớn mới có những trung tâm thiết kế riêng với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp như May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè... Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng cho khâu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng và thời trang. Để làm tốt việc này doanh nghiệp cần phải đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho khâu thiết kế thông qua việc liên kết với các nhà thiết kế, doanh nghiệp thiết kế hay thông qua tuyển chọn từ các cuộc thi sáng tạo mẫu mã, thiết kế sản phẩm, nguyên phụ liệu.

Nếu thực hiện tốt việc này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp Bên cạnh đó, chủng loại sản phẩm dệt may của Việt Nam vẫn còn rất nghèo nàn với chỉ những mặt hàng truyền thống như áo sơ mi, áo phông, quần âu, trong khi nhu cầu sử dụng hàng dệt may trên thế giới rất đa dạng. Mỗi nhóm khách hàng đều có những yêu cầu khác nhau khi mua hàng dệt may để sử dụng cho những mục đích khác nhau. Hơn nữa, một đặc trưng của hàng dệt may là có tính thời vụ, cho nên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần sản xuất các loại sản phẩm khác nhau theo nhu cầu của từng khoảng thời gian, từng mùa trong năm. Vì vậy, yếu tố sống còn cho sự thành công của sản phẩm dệt may hay chính các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đó là khả năng thay đổi để phù hợp với thị trường và có được những sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi ngày càng nhanh của nhu cầu khách hàng. Để làm được điểu đó, mỗi doanh nghiệp phải không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý, tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), cập nhật những thông tin nghiên cứu thị trường. Những thông tin nghiên cứu thị trường không chỉ đem lại cho doanh nghiệp sự chủ động trong việc thu hút khách hàng, mở rộng thị phần như đã phân tích ở trên mà còn đem lại cho doanh nghiệp sự chủ động trong sản xuất các chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của phần lớn người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần phải lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong chiến lược phát triển các sản phẩm mới, các doanh nghiệp phải xem xét thái độ đối với sản phẩm của người tiêu dùng để kịp thời đưa ra các

giải pháp cần thiết. Doanh nghiệp cần coi trọng chiến lược sản phẩm gắn với việc đổi mới sản phẩm. Sản phẩm phải đảm bảo thích nghi và đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã và bao bì, đóng gói. Sự thích ứng của sản phẩm với một thị trường phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: mức độ chấp nhận người tiêu dùng cuối cùng và mức độ sẵn sàng chấp nhận của các khách hàng trung gian.

3.2.3.2. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế

Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng chính là căn cứ đánh giá chất lượng hàng dệt may, là cơ sở để các doanh nghiệp phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm. Để góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải lấy hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế làm căn cứ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ cần phải chú ý đến các tiêu chuẩn sau:

- Về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9000: tiêu chuẩn này bao gồm các yếu tố chính trong quản lý chất lượng như chính sách về chất lượng, nghiên cứu thị trường, thiết kế triển khai sản phẩm, quá trình cung ứng, đóng gói, phân phối, xem xét đánh giá nội bộ, dịch vụ sau bán hàng, kiểm soát tài liệu... Do vậy, muốn đạt được hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may cần có những chương trình đào tạo và phải tiến hành việc kiểm tra đánh giá định kỳ toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm bắt đầu ngay từ khâu nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào.

- Trong xã hội ngày nay, vấn đề về môi trường ngày càng trở lên hết sức phức tạp khi mà nó đã vượt qua phạm vi của mỗi một quốc gia, mỗi một ngành công nghiệp sản xuất, hay mỗi một sản phẩm và trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu hóa cao.

Đặc biệt, do yếu tố ràng buộc trong các cam kết đa phương, nhiều quốc gia phát triển đã xem vấn đề môi trường như là một biện pháp cho chính sách bảo hộ, cố tình dựng lên những hàng rào phi lý để ngăn cản sự phát triển của các nước đang phát triển. Do đó, doanh nghiệp cần phải cố gắng cải tiến quy trình sản xuất, nhằm đạt được những tiêu chuẩn về an toàn đối với môi trường mà trong đó có thể kể đến

ISO 14000, đây là bộ tiêu chuẩn về môi trường khá toàn diện của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.

- Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến một tiêu chuẩn quan trọng nữa khi tiến hành sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, đó là SA 8000 (Social Accountability 8000). Đây là tiêu chuẩn quy định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nó được xây dựng trên cơ sở các quy định của Tổ chức Lao động thế giới.

Những yêu cầu về trách nhiệm đối với xã hội mà tiêu chuẩn này đặt ra bao gồm các vấn đề như: sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, sức khỏe và an toàn lao động, quyền tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể của người lao động, quy định về thời gian làm việc, chế độ tiền công, hệ thống quản lý lao động… Đó chính là những tiêu chuẩn thể hiện đạo đức kinh doanh và quyền con người.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo các vấn đề và yêu cầu về chất lượng trong toàn bộ quy trình sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể như sau:

• Kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào, thiết lập các mối quan hệ với các nhà cung cấp uy tín để đảm bảo cung cấp nguyên phụ liệu một cách ổn định và đúng thời hạn.

• Khi thực hiện đơn hàng gia công cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bên đặt hàng về nguyên phụ liệu, công nghệ, quy trình sản xuất, mẫu mã, thiết kế hàng, quy cách kĩ thuật, nhãn mác, đóng gói, bao bì theo đúng tài liệu kĩ thuật bên đặt hàng cung cấp.

• Tuân thủ đúng qui trình kiểm tra chất lượng trước khi xuất hàng. Hiện nay nhiều khách hàng đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may thực hiện giám định hàng hóa bên đi. Đây là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm chất lượng cũng như các tiêu chuẩn khác của sản phẩm, cho phép khắc phục các thiếu sót của lô hàng ngay tại nơi cung cấp và giúp tiết kiệm chi phí và thời gian thông quan tại cảng đến.

Trong tương lai gần, Ngành Dệt may cần phối hợp với các cơ quan Hải quan để tổ chức tốt dịch vụ này, đồng thời yêu cầu giám định hàng hóa bên đi với nguyên phụ liệu đầu vào và trang thiêt bị nhập khẩu, bảo đảm chất lượng đầu vào của sản phẩm.

3.2.4. Giải pháp nhằm mở rộng thị trường nhằm xây dựng và phát

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 2011 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(89 trang)
w