5. Kết cấu của Luận văn
1.3.2. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng
Ngày 01/01/1997, thành phố Đà Nẵng được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Từ đó đến nay, với những lợi thế so sánh và tiềm năng của mình, Đà Nẵng đã vươn lên phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu to lớn: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Trong những nhân tố làm nên thành tích kỳ diệu đó, việc xây dựng và phát triển các KCN có vai trò vô cùng quan trọng, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế.
Quá trình hình thành và phát triển các KCN của Đà Nẵng trải qua ba giai đoạn và bắt đầu từ năm 1996. Đến nay, Đà Nẵng đã có 07 KCN với tổng diện tích được quy hoạch là 1.464,8 ha, trong đó 5 khu do Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico) làm chủ đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp gồm: KCN Hoà Khánh 423,5 ha, KCN Liên Chiểu 373,5 ha, KCN Thanh Vinh 22 ha, KCN dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng (Thọ Quang) 77,3 ha, KCN Hoà Cầm 266 ha; Công ty liên doanh cổ phần Sài Gòn làm chủ đầu tư hạ tầng KCN Hoà Khánh mở rộng 216,5 ha; Công ty cổ phần xây dựng Đà Nẵng làm chủ đầu tư hạ tầng KCN Thanh Vinh mở rộng 33 ha; Công ty liên doanh Massda làm chủ đầu tư hạ tầng KCN Đà Nẵng (An Đồn) 53 ha. Ngoài ra, thành phố cũng giao cho Daizico xúc tiến lập quy hoạch chi tiết KCN Hoà Khương diện tích 500 ha.
Tính đến 2011, tổng số dự án đầu tư vào các KCN là 320 dự án; trong đó có 253 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 9,998 tỷ đồng và 67 dự án nước
ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 564 triệu USD. Các doanh nghiệp đầu tư đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó doanh nghiệp Nhật Bản có số dự án đầu tư vào các KCN nhiều nhất với 23/67 dự án, chiếm 35%. Đặc biệt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mabuchi Motor Đà Nẵng chuyên sản xuất linh kiện điện tử là doanh nghiệp Nhật Bản có vốn đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư 77 triệu USD và sử dụng hơn 4,540 lao động.
Hiện nay các KCN trên địa bàn Đà Nẵng thu hút 66.170 lao động làm việc, tập trung nhiều nhất là KCN Hòa Khánh với 32.615 lao động.
Năm 2011 tổng doanh thu của các dự án trong nước đạt gần 2.610 tỷ đồng, các dự án nước ngoài đạt gần 190 triệu USD. Giá trị xuất khẩu của các dự án trong nước đạt hơn 255 tỷ đồng và các dự án nước ngoài đạt hơn 170 triệu USD. Thu ngân sách Nhà nước từ các KCN năm 2010 đạt 365.60 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,54% thu ngân sách Nhà nước toàn thành phố Đà Nẵng.
Không dừng lại ở các kết quả đã đạt được nêu trên, trong năm 2011, thành phố Đà Nẵng đã dành hơn 1.400 ha đất để xây dựng KCN công nghệ cao. KCN công nghệ cao bao gồm các phân khu chức năng chính như khu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và triển khai - phát triển và ươm tạo công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, khu bảo thuế, khu quản lý và dịch vụ hỗ trợ, khu nhà ở chuyên gia và các dịch vụ dân sinh.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công là việc cải cách hành chính và thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư. Các ngành chức năng của thành phố đã rà soát và đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Đối với lĩnh vực đầu tư, giảm từ 15 thủ tục còn 12 thủ tục. Thời gian giải quyết hồ sơ từ 15 ngày xuống còn 10 ngày (đối với dự án thuộc diện đăng ký cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư); từ 7 ngày còn 5 ngày (đối với trường hợp điều chỉnh giấy Chứng nhận đầu tư về đổi tên doanh nghiệp, chi nhánh/văn phòng đại diện…).
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với dịch vụ hành chính công của Ban Quản lý đạt 100% hài lòng, trong đó hơn 23% rất hài lòng. Từ
kết quả đó ba năm liền (từ năm 2008 đến 2010), Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố. Đó là sự ghi nhận đáng kể nhất cho sự phát triển ổn định và phồn thịnh của địa phương này. Đây có thể xem là điều kiện cần thiết giúp Đà Nẵng nâng cao hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng luôn được coi là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả nước cũng như khu vực miền Trung và Tây Nguyên.