5. Kết cấu của Luận văn
4.2.1. Giải pháp về quy hoạch và lựa chọn địa điểm hình thành các khu công nghiệp
Thực tế cho thấy trong phát triển KCN, vấn đề quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu và phải được làm thật tốt. Quy hoạch phải thể hiện tầm nhìn dài hạn, có đầy đủ các luận chứng khoa học vì nó là nhân tố quyết định đến hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường. Trên thực tế không ít các bài học đáng tiếc đã xẩy ra trong việc quy hoạch, để lại hệ lụy và gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Có nhiều KCN được hình thành và phát triển mới được trên dưới 05 năm, nhưng đã phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Chính bởi không làm tốt yếu tố quy hoạch nên đã có tình trạng hình thành và phát triển một số KCN nằm sát trung tâm với hạ tầng yếu kém, gây ô nhiễm nghiêm trọng nên buộc phải di dời hoặc đóng cửa, gây tốn kém cho tỉnh và các chủ đầu tư.
Để khắc phục những mặt bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng quy hoạch, tính khoa học và tính khả thi của quy hoạch, trong thời gian tới, Quảng Ninh cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
- Đối với quy hoạch tổng thể, trên cơ sở phân tích, đánh giá lại một cách tổng thể các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, dự báo diễn biến của những yếu tố “động”, tác động của các cơ chế, chính sách mới liên quan đến KCN, cần rà soát, cập nhật, từ đó tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đã lập, đặc biệt lưu ý tính liên vùng. Việc phân tích, đánh giá cần phải đặt trong bối cảnh nước ta đang tích cực tham gia quá trình hội nhập và phân công lao động quốc tế, có tính đến xu thế chuyển dịch một số ngành công nghiệp từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, khả năng đón bắt làn sóng đầu tư mới…Trong quá trình rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, cần đặt lợi ích và mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương lên trên hết, tức là chỉ nên tập trung phát triển KCN ở những vùng, những địa bàn có đầy đủ điều kiện, có lợi thế đã thấy rõ. Việc này có thể dẫn đến tình trạng phải bổ sung một số KCN mới và loại bỏ một số KCN ra khỏi quy hoạch hoặc đẩy lùi tiến độ đến giai đoạn sau.
Trong quy hoạch tổng thể cần đặc biệt lưu tới khả năng phát triển của các KCN nhằm đạt hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai cao nhất; định hướng phân loại trình độ các KCN để có sự ưu tiên, hỗ trợ khác nhau; phát triển các KCN chuyên ngành, giảm bớt các KCN tổng hợp. Ngoài ra, trong quy hoạch tổng thể cũng cần đề cập - ít nhất là về định hướng - đến loại hình cụm liên kết doanh nghiệp (trong đó, ngoài các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ công nghiệp còn có các cơ sở nghiên cứu - triển khai, đào tạo, cung ứng nguyên liệu, kinh doanh thương mại), các khu - cụm công nghiệp địa phương.
- Đối với quy hoạch chi tiết: việc xây dựng quy hoạch chi tiết trước hết phải gắn chặt với quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng lãnh thổ, quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn, quy hoạch phát triển dân cư - đô thị, sử dụng tài nguyên, phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương có KCN. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần phải dự kiến được nhà đầu tư sẽ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể về chuẩn bị nguồn nhân lực, vì đây là một trong những yếu tố quyết định khả năng thu hút các dự án đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Do mỗi vùng, mỗi địa phương có thể có nhiều KCN nên khi lập quy hoạch chi tiết cần lưu ý vấn đề cơ cấu đầu tư trong từng KCN, định hướng khuyến khích việc xây dựng các KCN chuyên ngành, hạn chế đến mức thấp nhất các KCN tổng hợp. Đối với các KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đó cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển.
- Ngoài ra, một giải pháp hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng quy hoạch KCN nói chung là phải quan tâm đến việc nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn cũng như năng lực của các cơ quan thẩm định. Chính phủ cần nghiên cứu, điều chỉnh việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành liên quan đến QLNN đối với các KCN nhằm khắc phục những chồng chéo hiện nay.
Trong những năm tới, các KCN sẽ vẫn tiếp tục là hạt nhân phát triển của ngành công nghiệp. Vì vậy, song song với các giải pháp như tăng cường quản lý việc thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh các biện pháp thu hút đầu tư, cải thiện mạnh
mẽ môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách hành chính…, cần phải hết sức chú trọng việc cải tiến và nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch. Chỉ khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp trên thì các KCN mới thực sự mang lại hiệu quả cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
* Các giải pháp quy hoạch cụ thể:
- Quy hoạch KCN phải tính đến yếu tố bền vững, phải là cơ sở cho sự phát triển đảm bảo tính bền vững. Đó là yếu tố đồng bộ trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Từ đó lan toả, thúc đẩy phát triển dịch vụ, kinh tế của vùng. Để có quy hoạch tối ưu, khi cần thiết có thể thuê chuyên gia quy hoạch nước ngoài.
- Chính quyền địa phương nơi có đất nằm trong phạm vi quy hoạch trở thành KCN phải được trực tiếp tham gia vào việc quy hoạch để từ đó có những góp ý xác đáng đối với các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội - môi trường và có các biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện quy hoạch, triển khai xây dựng và giám sát việc thực hiện các cam kết, đặc biệt là về môi trường.
- Cần xác định đúng đắn vị trí, quy mô phát triển, phân bổ hợp lý các KCN trên địa bàn lãnh thổ làm căn cứ để vận động các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN, lập quy hoạch chi tiết bố trí dự án đầu tư vào KCN theo quy hoạch.
- Quy hoạch chung các KCN là cơ sở để hoàn thiện quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng bên ngoài đấu nối với KCN như giao thông vận tải, lưới điện, bưu chính viễn thông…; là căn cứ xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm, hàng năm đồng thời để quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn.
- Quy hoạch các KCN còn là định hướng và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động, cung cấp lao động cho doanh nghiệp KCN, đào tạo chuyển nghề cho nông dân vùng chuyển đất để phát triển KCN.
- Địa điểm quy hoạch các KCN phải thoả mãn về đất cho phát triển KCN một cách bền vững và phù hợp với quy hoạch chung.
Quảng Ninh nên tập trung làm thật tốt công tác quy hoạch và dự báo để đạt được mục tiêu đã đề ra là đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo
hướng hiện đại. Cụ thể, nên quy hoạch các KCN có thế mạnh của tỉnh như: KCN sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử Việt Hưng, KCN sản xuất dệt may và may mặc Hải Yên, KCN sản xuất công nghiệp nặng và công nghệ cao Cảng biển Hải Hà…, hạn chế đến mức thấp nhất các KCN tổng hợp.
Mặt khác, quy hoạch các KCN phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng…và phải có sự đồng bộ giữa quy hoạch trong và ngoài hàng rào KCN.