Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững (Trang 106 - 109)

5. Kết cấu của Luận văn

4.2.3.Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu

công nghiệp

Như đã phân tích, các KCN đang hoạt động cũng như đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh đều được đặt tại các vị trí hết sức thuận tiện. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN còn nhiều tồn tại và yếu kém như: hệ thống cây xanh trong tất cả các KCN đến nay vẫn còn rất thưa thớt và nhỏ không đáp ứng được về mặt cảnh quan và môi sinh, môi trường. Đặc biệt một thực trạng đáng báo động là hầu hết các KCN đều chưa có khu vực quy hoạch làm nhà ở cho công nhân. Cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào KCN, ngoại trừ đường giao thông còn lại hầu như không có gì. Hiện nay rất phổ biến tình trạng các hàng quán vỉa hè la liệt trước các KCN, vừa làm mất mỹ quan lại vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi các phương tiện giao thông qua lại thường xuyên. Đã có nhiều trường hợp bị tai nạn, bị ngộ độc thực phẩm do ăn các thức ăn nhanh ở ngoài cổng các KCN.

Do đó, để tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính bền vững cho các KCN, tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư cần sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài hàng rào KCN thông qua các giải pháp cụ thể sau:

* Đối với Khu công nghiệp Cái Lân

- Chủ đầu tư cần đầu tư mua thêm các cây xanh có độ tuổi từ 5-7 năm của công ty cây xanh thuộc công ty Môi trường đô thị trồng thêm vào trục đường chính từ QL18 dẫn vào KCN và khoảng 2km theo tuyến QL18 dọc theo hàng rào KCN để tạo cảnh quan và môi sinh trong KCN.

- Chủ đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN như Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH 1 thành viên CN tàu thủy Việt Nam, Công ty Giăm mành... hoàn thiện ngay khuôn viên Canteen, quầy tạp hoá, bếp ăn và khu giải lao cho công nhân như đã cam kết.

- Chủ đầu tư nên có kế hoạch làm nắp đậy rãnh thoát nước chung bao quanh bên trong KCN để đảm bảo mỹ quan và đặc biệt tránh tai nạn do công nhân đi xe lao xuống rãnh.

- Trong quá trình mở rộng giai đoạn II KCN Cái Lân thêm 215,3 ha thuộc phạm vi đất phường Bãi Cháy, chủ đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới quy hoạch xây dựng khu nhà ở và tổ hợp dịch vụ cho công nhân đang làm việc trong khu.

* Đối với Khu công nghiệp Việt Hưng

- Khu công nghiệp Việt Hưng đã được tỉnh giao đủ 301 ha mặt bằng sạch, do vậy cần huy động mọi nguồn lực để san lấp mặt bằng và triển khai các hạng mục cơ sở hạ tầng như quy hoạch. Đặc biệt huy động nguồn lực đầu tư nhà máy xử lý nước thải, gồm 02 trạm với tổng công suất 3.700- 4.000m3/ngày, đáp ứng tối đa công suất phục vụ cho KCN.

- Khu công nghiệp Việt Hưng nằm ngay gần huyện Hoành Bồ với số dân đang sinh sống trên địa bàn rất ít, tới 65% là phải thu hút lao động từ các nơi khác tới, trong khi đó KCN lại cách trung tâm thành phố 10km, vấn đề đi lại cho công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, bằng mọi cách KCN phải đầu tư xây dựng được một khu nhà ở tập trung; một khu tổ hợp dịch vụ gồm: Canteen, siêu thị, trạm y tế… Có như vậy mới thu hút và giữ chân được người lao động, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.

* Đối với Khu công nghiệp Hải Yên

- Chủ đầu tư cần phải tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành việc san lấp mặt bằng và xây tường bao, các hệ thống cấp nước, rãnh thoát nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc. Hệ thống cây xanh mới được trồng ở giữa và hai bên trục đường chính rộng 50m từ cổng chào vào khu vực trung tâm điều hành. Do vậy cần tiếp tục trồng cây xanh ở các trục đường phụ 25m, đường nhánh 15m để tạo cảnh quan và môi sinh.

- Do mới được thành lập, chủ đầu tư cần xin ý kiến tỉnh và tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư khu nhà ở tập trung cho công nhân, khu tổ hợp dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn, uống, khu mua sắm các nhu yếu phẩm cho công nhân.

- Tuy số lượng doanh nghiệp trong KCN còn ít nhưng chủ đầu tư cũng cần đầu tư ngay 1 trạm xử lý nước thải nhỏ (300 m3/ngày đêm) để giải quyết nhu cầu hiện tại. Cần quy hoạch khu thu gom xử lý chất thải rắn.

* Đối với các khu công nghiệp còn lại

- UBND tỉnh cần chỉ đạo nhanh chóng hoàn tất các dự án cung cấp dịch vụ tiện ích đến chân hàng rào KCN và khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

- Các nhà đầu tư phải cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn, đầu tư thêm cây xanh trong khuôn viên KCN và khu nhà trọ, khu tổ hợp dịch vụ cho công nhân viên...

- Đối với các KCN gần biển cần hết sức lưu ý làm tốt hạng mục hạ tầng đê quai chắn sóng bảo vệ KCN. Rút kinh nghiêm từ những hậu quả thảm khốc do vụ động đất, sóng thần Nhật Bản 11/3/2011 gây ra, không để bị động khi có triều cường hay sóng thần gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các nhà máy trong KCN. Phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn xử lý nước thải trước khi đổ ra biển.

Mỗi khu công nghiệp được hình thành và phát triển sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội môi trường khác. Vì vậy chỉ có giải quyết đồng bộ, hợp lý các vấn đề nêu trên, đảm bảo hài hoà lợi ích cho mọi đối tượng liên quan, các KCN mới thật sự phát huy hết vai trò của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững (Trang 106 - 109)