5. Kết cấu của Luận văn
3.4.2. Những tồn tại, bất cập cần giải quyết
Tồn tại đầu tiên là sự chậm trễ triển khai của một số KCN như Hoành Bồ, Hải Hà, Phương Nam. Mặc dù đã được Chính phủ và tỉnh chấp thuận đầu tư từ những năm 2008, 2009 nhưng đến nay tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng rất chậm, gây lãng phí tài nguyên đất. Một số nơi đã được đền bù thì san lấp tạm bợ tạo thành địa hình lồi lõm, nham nhở...gây ra tình trạng ngập úng cục bộ, không có chỗ lấy nước để trồng cấy tại những nơi chưa được đền bù gần đó. Hơn nữa, giá đền bù của Nhà nước có nhiều thay đổi. Năm 2009, việc Nghị định 69/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư và các hộ nông dân thoả thuận về giá để hài hoà lợi ích đã gây ra rất nhiều nghịch cảnh khi người nông dân đòi hỏi, yêu sách quá mức gây khó khăn cho nhà đầu tư. Thậm chí đã xảy ra nhiều vụ người dân tụ tập thành đám đông, cắm trại tại vị trí đất của họ để ngăn cản việc giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư như ở KCN Phương Nam, Đông Mai. Tháng 1/2011 Chính phủ có Quy định 121/QĐ-CP về thay đổi thuế đất, tăng 15 đến 20 lần so với biểu thuế cũ nên càng làm các nhà đầu tư lúng túng, chậm trễ trong việc bỏ vốn đầu tư. Nếu tình trạng bất cập này không sớm được giải quyết, để kéo dài sẽ là nguyên nhân gây ra khiếu kiện, biểu tình ở nhiều nơi. Tỉnh nên có biện pháp cứng rắn đối với các nhà đầu tư chậm trễ đồng thời kiên quyết hỗ trợ chủ đầu tư trong việc cưỡng chế những hộ dân cố tình gây rối với các yêu sách bất hợp lý.
Tồn tại thứ hai còn khá phổ biến là ngoại trừ KCN Cái Lân, các KCN khác chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung, hệ thống cây xanh, các dịch vụ tiện ích như trạm y tế, sân thể thao, khu mua sắm, nhà ở công nhân… hiện đang là nhu cầu cấp thiết đối với người lao động. Những vấn đề này các KCN đều cam kết thực hiện khi trình phê duyệt dự án, nhưng vẫn phổ biến tình trạng chủ đầu tư thu hút các nhà đầu tư đến đâu thì san lấp xây dựng đến đó, không thực hiện đúng cam kết. Các hạng mục như khu xử lý nước thải tập trung thì không chịu đầu tư, hoặc có đầu tư thì không đủ công suất…
Tồn tại thứ ba cần phải lưu ý là trong quá trình san lấp xây dựng các chủ đầu tư phải có kế hoạch, tính toán cụ thể về nguồn nguyên, vật liệu, đảm bảo việc san lấp
không gây ra những hiện tượng xẻ núi, nạo vét cát quá mức hay đào đất nơi gần đó để san lấp, làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, các di tích lịch sử, hệ thống thoát nước và địa hình nơi khác.
Tồn tại thứ tư là vấn đề xúc tiến thu hút đầu tư. Trước đây, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xúc tiến đàu tư của tỉnh nhưng thường làm việc theo kiểu phong trào. Ngân sách tỉnh không chi thường xuyên cho việc xúc tiến, nên cấp ngân sách đến đâu làm đến đó. Chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư chưa cao, trình độ ngoại ngữ chưa thông thạo nên việc tiếp cận và tư vấn các nhà đầu tư còn gặp khó khăn. Từ năm 2011, Quảng Ninh thành lập Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư và chuyển nhiệm vụ xúc tiến đầu tư về Ban này. Hiện nay, Ban Quản lý của mỗi KCN đều có các chính sách xúc tiến và thu hút đầu tư riêng, chưa có sự liên kết đồng nhất quan điểm hoạt động nhằm tạo ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư đối với các chính sách xúc tiến chung. Vấn đề này cần sớm khắc phục.
Tồn tại thứ năm là hầu hết các KCN đều mang tính tổng hợp và do khát dự án nên sẵn sàng thu hút nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Chính điều này đã làm giảm tính liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong KCN. Ngoài ra, rất ít các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được thu hút đầu tư tại các KCN Quảng Ninh. Vấn đề này cần phải thay đổi để nhắm tới mục tiêu bền vững theo chuỗi giá trị liên kết.
Một tồn tại nữa không thể không nhắc đến đó là công tác QLNN và giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiệm vụ của Ban Quản lý khu kinh tế là đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn nhà đầu tư làm các thủ tục hành chính để đầu tư vào KCN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Ban quản lý các KCN đã bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng thẩm định dự án chưa cao, chưa có đủ số lượng cán bộ để trực tiếp dẫn các nhà đầu tư đi tham quan KCN, đi đến các cơ quan liên quan giải quyết các thủ tục đầu tư. Vì vậy, tiến độ, thời gian triển khai các dự án của nhà đầu tư đôi khi còn chậm, kéo dài. Mặt khác, Ban Quản lý khu kinh tế cũng không thường xuyên giám sát hoạt động của các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, dẫn đến
hiện tượng một số doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sinh thái. Có tình trạng khi phát hiện ra lỗi thì nể nang, né tránh sợ ảnh hưởng chung đến quan hệ ngoại giao của tỉnh.