Những mặt tích cực

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững (Trang 85 - 87)

5. Kết cấu của Luận văn

3.4.1.Những mặt tích cực

Kể từ khi thành lập đến nay, sự có mặt của các KCN Quảng Ninh đã đem lại những đóng góp rất tích cực về kinh tế xã hội và cả môi trường sinh thái. Với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nhất là những chính sách ưu đãi đầu tư, các KCN của tỉnh đang tích cực thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển. Tương lai không xa, năm 2020 với mục tiêu trở tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, chắc chắn tỷ trọng của giá trị sản xuất doanh nghiệp KCN của Quảng Ninh so với giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp còn cao hơn rất nhiều. Mặt khác, giá trị sản xuất công nghiệp tăng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phù hợp với mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đó là: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp.

Sự phát triển của các KCN còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh. Tại Quảng Ninh, việc tạo công ăn việc làm cho người lao động là khá tốt. Đến nay các KCN trên địa bàn đã tạo ra công việc ổn định thường xuyên cho trên 5 ngàn lao động. Cụ thể đến cuối năm 2011 tạo ra 4.681 việc làm ổn định, đến 10/2012 có ~ 5600 lao động, trong đó 67% lao động làm việc trong các công ty nước ngoài, 33% lao động làm việc trong các công ty trong nước, gồm chủ yếu là người lao động địa phương và 220 chuyên gia và lao động nước ngoài. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt từ 1,8 triệu đồng đến 5 triệu đồng/ tháng. Việc thu hút lao động vào KCN tức là lao động làm việc cho ngành công nghiệp cũng là giải quyết di chuyển nguồn lao động từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp một cách phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung.

Để xây dựng và phát triển các KCN có hiệu quả cần có hệ thống các dịch vụ phục vụ một cách đồng bộ. Đây là vấn đề có tính tất yếu khách quan và tác động tích cực, làm đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá nông thôn. Những mặt tích cực do phát triển KCN đã kích thích sự phát triển của bộ mặt hạ tầng địa phương nơi có KCN. Tại một số KCN như Cái Lân, Hải Yên, Hải Hà các khu dân cư phát triển hạ tầng nhanh chóng, nhiều khu nhà trọ cho thuê, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm đã mọc lên, giúp người dân có thu nhập thường xuyên từ việc kinh doanh góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. KCN còn tạo ra hàng ngàn lao động gián tiếp hàng ngày làm các công việc cung ứng dịch vụ phục vụ cho các doanh nghiệp trong KCN như: nấu ăn tại doanh nghiệp, cung cấp cơm hộp, cung cấp nước uống, đồng phục, văn phòng phẩm, gas, bảo vệ, thu gom phế phẩm, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc cây xanh...tạo ra một chuỗi giá trị kinh tế, kích thích các ngành nghề sản xuất và thương mại khác phát triển theo.

Bên cạnh những tác động tích cực về kinh tế, lao động, việc làm, KCN còn có một vai trò quan trọng khác, đó là góp phần bảo vệ môi trường. Mặc dù hiện nay vấn đề xử lý chất thải nói chung để đảm bảo môi trường của các KCN Quảng Ninh vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để, nhưng cũng phải thừa nhận sự phát triển các KCN đã góp phần bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, nếu để các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thì chắc chắn vấn đề xử lý nước thải, chống ô nhiễm môi trường sẽ không được giải quyết tốt.

Nhìn chung, trong những năm qua, sự hình thành và phát triển của các KCN đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Nó đã tác động làm tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thay đổi bộ mặt nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, quá trình phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ khá nhiều điểm yếu, tồn tại cần giải quyết khắc phục.

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững (Trang 85 - 87)