CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.3. Hiện tượng chuyển nghĩa nhìn từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận
Theo các nhà ngữ nghĩa học tri nhận, thực tại được “phóng chiếu” vào trong ngữ nghĩa của các ngôn ngữ học tự nhiên và “bức tranh thế giới” nhận được (hay
“thế giới được phóng chiếu” – theo thuật ngữ của Jackendoff) trong ngôn ngữ là khác biệt với thế giới thực; vì thế, ngữ nghĩa của những ngôn ngữ khác nhau sẽ là khác nhau. Điều này có thể được cắt nghĩa bằng ba lý do sau:
a. Đặc điểm của cơ thể người, thí dụ con người có thể “nhìn được ánh sáng và màu sắc” (và biểu đạt chúng trong ngôn ngữ), nhưng không nhìn được các tia Rơnghen (nên chúng không được phản ánh trong ngôn ngữ).
b. Cùng một sự tình hay sự vật nhưng có thể được người bản ngữ miêu tả một cách khác nhau, làm nổi rõ lên hoặc làm mờ nhạt đi một số bình diện và thuộc tính nào đó của nó; thí dụ, cùng là cái hộp nhưng đi với giới từ trong (в/внутри) thì ở cách nói “trong hộp” cái “vùng được kích hoạt”
(active zone) của nó là phần bên trong để chứa đựng, còn đi với giới từ trên(на/ над) thì ở cách nói “trên hộp” đó lại là phần bề mặt bên ngoài, phía trên của hộp.
c. Bức tranh ngôn ngữ về thế giới khác với thế giới thực do những đặc thù về văn hóa, trong mỗi ngôn ngữ đều tồn tại một “sự qui ước hóa” (thuật ngữ của Langacker và Casad) giữa những người bản ngữ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm của mình theo một cách thức nhất định.
Lẽ đương nhiên, ở đây không nên có một thái độ cực đoan, hoặc quá thiên về phổ quát luận (universalism) cho rằng cách tri giác đối với hiện thực của loài người phải là một, hoặc quá thiên về tương đối luận (relativism) cho rằng ngôn ngữ quyết định cái cách thức một dân tộc “ý niệm hóa” và “phạm trù hóa” thế giới khách quan. Bên cạnh cái phổ quát, cái đồng nhất, còn có cái tương đối, cái đa dạng, và trong ngôn ngữ phải có phản ánh một “lối nghĩ riêng” của cộng đồng bản ngữ về các sự vật và sự tình của thế giới hiện thực và phản ánh những giới hạn và ràng buộc của văn hóa đối với lối nghĩ ấy.
Đáng chú ý là những nghiên cứu về ẩn dụ không theo quan điểm truyền thống vốn chỉ tập trung khảo sát các khía cạnh cấu trúc và hình thức ẩn dụ. Một số nhà ngôn ngữ học tri nhận nổi tiếng như Lakoff, Jonhson và Gibbs đã xem xét lại một cách hệ thống về bản chất của ngữ nghĩa trong ẩn dụ và hoán dụ và mối quan hệ giữa cấu trúc và ngữ nghĩa trong hiện tượng chuyển nghĩa. Họ có đưa ra những lý thuyết quan trọng về ngữ nghĩa của từ vựng dựa trên cái cách thức mà chúng ta tri nhận, khái niệm hóa và phân loại thế giới xung quanh. Họ cho rằng hiện tượng chuyển nghĩa là sản phẩm của quá trình ý niệm hóa và nó không chỉ thuần túy là vấn đề ngôn ngữ. Gibbs (1997) [94] khẳng định “hiện tượng chuyển nghĩa không tồn tại với tư cách là những đơn vị nghĩa độc lập trong hệ thống từ vựng mà về bản chất chúng là những bộ phận của hệ thống các khái niệm đã được ẩn dụ hóa”. Giải thích cho điều này Gibbs cho rằng nghĩa trong hiện tượng chuyển nghĩa và nghĩa hiển ngôn liên hệ với nhau qua những cơ chế tri nhận như ẩn dụ, hoán dụ và tri thức nền.
Một tiền đề quan trọng của ngôn ngữ học tri nhận theo Fauconnier (2004)[92]
là “khi chúng ta tham gia vào bất kì hoạt động ngôn ngữ nào, ta cũng đều huy động một cách vô thức rất nhiều khả năng tri nhận và tri thức văn hóa, thiết lập những mối liên hệ chằng chịt, xử lý những lượng thông tin rất lớn”. Bản thân ngôn ngữ không thể hiện nghĩa mà nó chỉ kích hoạt quá trình tạo lập nghĩa trong những văn cảnh nhất định với sự hỗ trợ các khả năng tri nhận và mô hình văn hóa nhất định.
Quan điểm trên đã đặt ra một số câu hỏi quan trọng cho việc đi sâu nghiên cứu bản chất của hiện tượng chuyển nghĩa. Nếu cho rằng hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng chính là khái niệm đã được ẩn dụ hóa thì nghĩa ẩn dụ của nhiều hiện tượng chuyển nghĩa có thể suy ra được bằng cách lập lược đồ tri nhận về mối liên hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích. Khi làm được điều này thì chúng ta có thể miêu tả chi tiết và rõ ràng hơn nghĩa ẩn dụ của nhiều hiện tượng chuyển nghĩa trong gần như tất cả các ngôn ngữ. Một khi lập được bản đồ tri nhận về mối liên hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích thì chúng ta lại có thể tìm ra những nét tương đồng giữa các dân tộc trong việc thiết lập mối liên hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích. Hay nói cách khác chúng ta có thể dựa trên những nét tương đồng trong cách tri nhận thế giới của các dân tộc để đoán được nghĩa ẩn dụ của các dân tộc khác.
Đồng tình với quan điểm trên, Steen (1997) [dt 85, tr. 163] cho rằng: “trong bộ nhớ của mỗi người đều tồn tại trong một tập hợp rất lớn các hình ảnh về thế giới xung quanh”. Tập hợp hình ảnh này sẽ có những điểm khác nhau tùy theo từng môi trường cụ thể mà người đó sống. Ví dụ như đối với người Việt Nam thông thường những hình ảnh như ông Tiên, vua Hùng, cây tre, rau muống, áo dài là khá quen thuộc trong khi người Nga (nếu không nghiên cứu về văn hóa Việt) thì rất khó hình dung ra những sự vật cụ thể nêu trên. Những hình ảnh như vậy được hình thành từ quá trình tri nhận thế giới và tạo thành cái mà Lakoff gọi là “image schema” (lược đồ hình ảnh). Cũng theo Steen, những lược đồ hình ảnh tri nhận này không bị chi phối bởi ngữ cảnh mà nằm trong tiềm thức của mỗi người. Ví dụ như chúng ta rất ít sử dụng hình ảnh ông Tiên trong bộ nhớ của mình nhưng hình ảnh này vẫn tồn tại trong trí nhớ của chúng ta và khi cần là nó sẽ tự hiện lên. Hình ảnh tri nhận chính là cơ sở hình thành các nghĩa mới cho từ mới và giúp cho chúng ta suy được nghĩa gốc của từ.
1.3.2. Sơ đồ ý niệm (контцептyaльнaя cхeмя)
Về phương diện này đáng chú ý là công trình của tác giả người Nga Анна А.
Зализняк có tên là “Hiện tượng nhiều nghĩa trong ngôn ngữ và cách thức trình diễn chúng” (Многознaчность в языке и cпocoбe прeдcтaвлeния) [131]. Việc giải quyết nhiệm vụ mô tả hiện tượng nhiều nghĩa cần phải tiến hành theo con đường mở rộng phạm vi vấn đề ra là: hiện tượng nhiều nghĩa thực tế được tổ chức như thế nào (tức là người nói dùng nó ra sao trong tạo sinh và cảm thụ lời nói, các ý nghĩa nào thì được ghi nhớ, các ý nghĩa nào thì được tạo sinh theo các sơ đồ hay khuôn mẫu nhất định, và các ý nghĩa nào thì nói chung không được nhận thức là khác biệt nhau); phải miêu tả nó ra sao trong từ điển (loại từ điển bình thường không phải dành cho nhà ngôn ngữ học khác với loại từ điển nghiên cứu ngôn ngữ học gần đây).
Theo bà, hiện nay chúng ta chưa biết rõ thông tin về nhiều nghĩa được lưu trữ trong ý thức của người nói và người nói dùng nó như thế nào. Nguyên nhân là vì:
Một là, chúng ta không biết trong dạng nào thì thông tin về nhiều nghĩa được lưu trữ trong ý thức người nói. Có cơ sở để khẳng định rằng: sự phát triển của nhiều nghĩa về mặt bản thể luận không xảy ra theo con đường từ “cụ thể” đến “trừu tượng”, mà có lẽ là từ cách hình dung chung nhất trong đó các chuyển di có tính ẩn dụ hay hoán dụ (nói chung không được nhận thức như những thực thể được tạo sinh riêng lẻ) đi đến sự phân chia từng bước và đối lập các ý nghĩa bộ phận…Ví dụ, trẻ em 3- 4 tuổi thường phủ nhận cách dùng của người lớn về nghĩa bóng (nghĩa chuyển), người lớn nói: sữa “chạy đi” (убeжaть), nhưng theo trẻ con không thể nói thế được vì sữa không có chân. Trẻ con gọi những hạt sương đọng trên cây thông là “nước mắt của cây thông” hay “cây thông khóc”, thì về nguyên tắc chúng không làm cái gì khác y như người lớn khi gọi tai của con chó bằng từ chỉ tai người (ухo). Trong mọi trường hợp ở đây không có ẩn dụ hay hoán dụ vì rằng không có sự chuyển nghĩa nào cả. Nói cách khác, trẻ con phủ nhận ẩn dụ trong chừng mực là chúng có khả năng phát hiện ra nó; chúng không cần đến sự tương tự (пoдoбия) mà là sự đồng nhất (тождecтвe) (như ở trường hợp là giọt sương trong hình dáng giọt lệ - đó là nước mắt).
Thứ hai là, có cơ sở nghiêm túc để cho rằng khả năng lưu trữ và thao tác với thông tin này là khác nhau – phụ thuộc vào phong cách tri nhận của người nói hay các nhân tố khác như: xã hội, lứa tuổi, nghề nghiệp.
Thứ ba là, thực tế dùng các từ điển các loại (song ngữ, giải thích) cho thấy mọi định nghĩa cho dù hoàn chỉnh nhất đều cho ta một sự hình dung kém rõ ràng về ý nghĩa của từ hơn là các ví dụ tốt về cách dùng từ đó trong ý nghĩa đang xét.
Cách hình dung nhiều nghĩa dưới dạng một tập hợp các nghĩa riêng biệt – với tôn ti được xác lập giữa chúng và với các mô hình phái sinh ngữ nghĩa hay vắng chúng – luôn luôn không hoàn thiện (tức là không phù hợp với các sự kiện) và đó là do bản chất của nhiều nghĩa vốn là không phân lập trong ngôn ngữ như một hệ thống: khi hiện thực hóa trong lời nói thì tính không phân lập này sẽ giảm đi đáng kể nhưng không mất hẳn.
Анна А. Зализняк[131] đề nghị sử dụng một khái niệm mới là “sơ đồ ý niệm” (концeптyaльнaя cхeмя). Theo bà, mô hình về nhiều nghĩa có đối tượng nghiên cứu trước hết là các động từ và tính từ, trạng từ và danh từ phái sinh từ động từ. Phương thức, cách thức trình diễn nhiều nghĩa là “sơ đồ ý niệm” có mục đích trình diễn các ý nghĩa khác nhau của một từ nhiều nghĩa như một chỉnh thể đơn nhất. Với tư cách sơ đồ ý niệm có thể là: bất biến thể, ý nghĩa chung, kịch cảnh điển dạng (пpoтотипическaя cцeнapия).
Theo Анна А. Зализняк thì bộ máy sơ đồ ý niệm có thể khác nhau tùy theo kiểu từ và đặc tính nhiều nghĩa của nó. Đối với những từ nhiều nghĩa chỉ không gian (giới từ, trạng từ, động từ vận động, các tiền tố) sơ đồ ý niệm này bao gồm một hình ảnh không gian hay “bức tranh” trong đó có một cấu trúc ý niệm nhất định cho phép tách ra, đưa ra những chiết đoạn nào đó của sơ đồ ý niệm vốn là cơ sở để xuất hiện các ý nghĩa cụ thể. Còn đối với các từ nhiều nghĩa phi không gian thì sơ đồ ý niệm thường chỉ là một bộ các thành tố nghĩa cộng với một miêu tả không mang tính hình thức nào đó của kịch cảnh điển dạng.
Анна А. Зализняк thấy rằng: “Cần chú ý sơ đồ ý niệm khác với ý nghĩa gốc, cụ thể là sơ đồ không mang thông tin về giá trị giao tiếp tương đối của các thành tố.
Chỉ khi nào chỉ có ít thành tố hoặc tôn ti giao tiếp của chúng không đáng kể (chỉ có một thành tố) thì sơ đồ ý niệm có thể trùng với ý nghĩa gốc” [131, tr. 40-43]. Bước tiếp theo của sự phái sinh ngữ nghĩa là ở khả năng chuyển nghĩa ẩn dụ của các thành tố. Phương thức trình diễn hiện tượng nhiều nghĩa bằng sơ đồ ý niệm là bổ sung cho phương thức trong đó các mối liên hệ phái sinh ngữ nghĩa ràng buộc một trong các ý nghĩa của từ vốn được coi là nghĩa gốc, với các ý nghĩa phái sinh còn lại.