CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.4. Sự tri nhận không gian và ngôn ngữ không gian
1.4.6. Định hướng không gian và bản đồ tri nhận không gian
Trong ngữ nghĩa và cách dùng các từ chỉ hướng không gian có một nhân tố tri nhận và văn hóa quan trọng đó là các bản đồ tri nhận không gian (mental/ cognitive
maps of space). Nét đặc trưng của những sơ đồ định vị và định hướng trên các bản đồ tri nhận này mà người Việt sử dụng khi định hướng trong không gian (thí dụ, của một thành phố) là chúng liên quan rất chặt chẽ với những tri thức địa lý cụ thể của cư dân thành phố đó. Chúng ta biết là ngày nay một người dân thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn rất khó có thể miêu tả địa hình thành phố hiện tại của mình, bởi vì thành phố đã thay đổi rất nhiều trong quá khứ và đang tiếp tục thay đổi rất nhanh trong hiện tại, và lại càng khó giải thích được rõ ràng vì sao trong trường hợp nào đó người ấy lại dùng từ chỉ hướng “lên” mà không dùng từ khác. Tuy nhiên, thông qua việc chỉ ra người thành phố Hồ Chí Minh định vị định hướng như thế nào trong không gian thành phố của chính mình, chúng ta có thể thấy rằng: những sơ đồ định vị định hướng mà họ sử dụng phản ánh một cách khá chân thực sự hiểu biết của cha ông ta từ trong quá khứ xa xưa về địa hình cụ thể của các khu vực ở thành phố, mà cụ thể là như sau:
Để di chuyển trong một thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, trong một khoảng cách không quá lớn ví dụ chỉ từ phường này (hay quận này) sang phường khác (quận khác), người dân phải lựa chọn một trong hai phương thức định vị định hướng sau đây:
Chủ thể vận động có thể xác định vị trí và hướng di chuyển của mình nhờ vào những “sách lược” khác nhau (hay những “phong cách” tri nhận khác nhau). Ví dụ, một người dân sinh sống ở các quận ven thuộc thành phố Hồ Chí Minh, để biểu thị sự di chuyển của mình tới quận Nhất, người đó có thể sử dụng sơ đồ định hướng khác nhau:
a. Nếu chú trọng tới địa hình cụ thể của nơi người dân đó ở trong khi định hướng thì người đó sẽ nói:
(31) Hôm nay tôi vào quận Nhất.
Quận Nhất được quy ước là không gian “khép” so với các quận ven của thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy người dân mới có cách nói trên.
b. Còn nếu định hướng theo con đường lớn (đường trục) dẫn từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tới Thủ Đức thì người đó sẽ phải nói:
(32) Ta ra Thủ Đức đi.
Bởi vì sự di chuyển từ trung tâm thành phố đến khu vực Thủ Đức theo định hướng mở được xem như sự vận động RA – VÀO.
Tiếp theo chúng ta hãy xem bản đồ tri nhận không gian của khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.Chúng ta thường nói:
- Tôi vào chợ Bến Thành (ở quận Nhất).
Di chuyển đối với khu vực trung tâm sẽ là “vào” (không gian hẹp, không gian khép, thí dụ :
- Hàng ngày tôi vào Quận Nhất làm việc.
Chứ không nói:
- Hàng ngày tôi ra Quận Nhất làm việc.
Mặc dù quận Nhất nằm ở phía gần sông Sài Gòn, nghĩa là có khả năng dùng xuống, nhưng vì trong quá khứ trước đây quận Nhất tiếp giáp với sông Sài gòn là nơi buôn bán, giao thương của người Sài Gòn cho nên từ lúc đó người Sài Gòn đã chọn cách nói “vào quận Nhất”. Điều này cũng dễ hiểu, giống như chúng ta vẫn quen nói lâu nay: “vào (trong) chợ”.
Ngược lại với hướng trung tâm sẽ là di chuyển theo định hướng “ra”, ví dụ:
(33) Tôi ra ga Bình Triệu.
Hiện nay, người dân thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) thường nói:
(34) Tôi vô (vào) Chợ Lớn.
khi người nói đang ở tại các quận: quận Nhất, Thủ Đức, Bình Thạnh... (theo hướng Bắc - Nam); chứ họ không nói:
(35) Tôi ra Chợ Lớn.
Nhưng ngược lại, họ có thể nói:
(36) Tôi ra quận Nhất.
nếu như người nói đang ở tại các quận 3, quận 5 (theo hướng Nam - Bắc).
Còn các hướng khác trong thành phố có thể khác:
(37) Sang Quận Tư (đi qua cầu Khánh Hội).
Qua Thủ Thiêm (đi qua phà).
Hoặc là chọn một cách nói theo phương thức “trung lập”:
(38) Tối nay tôi đi Gò Vấp có chút việc. Ta đến Bình Thạnh đi.
Trên thực tế, “đi” là “hướng về điểm đến, tức là dời khỏi vị trí xuất phát”, còn “đến ” là “có tại một nơi nào đó sau một quá trình di chuyển từ nơi khác” nên phương thức “trung lập” trong trường hợp này rất thuận tiện, không phụ thuộc vào chỗ chủ thể đang đứng ở đâu và sẽ di chuyển về đâu theo hướng “lên” hay
“xuống”, “ra” hay “vào”.
Chúng ta hãy xem bản đồ tri nhận không gian của khu vực trung tâm thành
phố Hồ Chí Minh:
Hình 1.2 : Bản đồ tri nhận không gian của khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và những sơ đồ định vị định hướng của nó.
Có thể giả định rằng cách định hướng “lên – xuống” của người dân thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản là chịu sự qui định của những hiểu biết chung về địa hình thành phố từ xa xưa được lưu truyền lại trong đó phía Bắc và phía Tây được coi là cao, còn phía Nam và phía Đông là thấp. Tuy nhiên, sự phân biệt này không có tính tuyệt đối, bởi vì một vị trí cụ thể ở phía Tây thành phố trên thực tế có khi lại thấp (không cao) cho nên thay vì động từ “lên” ta phải dùng động từ “xuống”.
Trong số những cách định vị định hướng có thể có trường hợp đặc biệt là tuy
cùng di chuyển tới cùng một điểm đích giống nhau nhưng lại sử dụng hai sơ đồ định hướng vận động khác nhau. Ví dụ, hai chủ thể X và Y đều đi đến chợ Bến Thành. Giả sử rằng điểm xuất phát của hai chủ thể X là ở phía Đông thành phố, và Y là ở phía Tây thành phố thì hai người sẽ phải dùng hai động từ có hướng khác nhau; so sánh:
a. Đối với chủ thể X:
(39) Tôi lên chợ Bến Thành.
b. Đối với chủ thể Y:
(40) Tôi xuống chợ Bến Thành.
Cần nêu ra ở đây một số nhân tố khác (ngoài nhân tố địa hình đã nói ở trên) có ảnh hưởng đến cách định vị định hướng của chủ thể trong không gian thành phố.
Cụ thể là:
1. Nếu thành phố nằm dọc bên bờ sông thì đáng chú ý là hai nhân tố sau:
a. Tùy theo dòng chảy (thượng lưu – hạ lưu) của con sông, người phát ngôn sẽ chọn hướng “lên” hay “xuống” liên quan đến điểm đích. Ví dụ, người dân thành phố Hồ Chí Minh có thể miêu tả sự di chuyển của mình trên một con phà ngang (phà Thủ Thiêm chẳng hạn) như sau:
(41) Tôi lên chợ Bến Thành.
Tôi xuống chợ Bến Thành.
b. Nếu điểm đích của vận động nằm ở bên này sông (gần trung tâm thành phố) đến điểm đích sẽ là “ra” (nơi rộng hơn, quang hơn), ví dụ:
(42) Nó ra nhà anh Minh (nhà ở phía ngoài bờ sông).
Còn nếu điểm đích của vận động là bên kia sông thì hướng di chuyển được chọn sẽ là sang (hay qua), thí dụ:
(43) Nó sang nhà anh Thành (qua phà Thủ Thiêm).
2. Nếu thành phố nằm ở ven biển (mặc dù là một cảng nhỏ như cảng Bến Nghé chẳng hạn) thì sự di chuyển từ trung tâm thành phố ra phía bờ biển được coi là “ra” (nơi rộng hơn, quang hơn):
(44) Anh ấy đi ra cảng rồi.
Trong trường hợp ranh giới giữa hai thành phố là con sông thì hướng di chuyển này sẽ là QUA hoặc SANG. Ví dụ:
(45) Tôi qua (sang) Thủ Thiêm.
Vì giữa Thủ Thiêm thuộc huyện Nhà Bè (giờ thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh) và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là sông Sài Gòn. Muốn vào trung tâm thành phố thì phải đi qua phà, người dân thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn thường nói:
(46) Sang (qua) Thủ Thiêm.
hay vẫn còn nói:
(47) Tôi qua (sang) Thủ Đức.
Vì từ quận Thủ Đức “vào” trung tâm thành phố và các quận khác như quận 3, quận 5, quận 10 là phải đi qua cầu Sài Gòn. Đây là một cách tri nhận không gian không phải ngôn ngữ nào cũng thấy có và nếu có thì không phải ngôn ngữ nào cũng dùng một cách giống y như nhau.
Những sự kiện tiếng Việt được trình bày trong các phần trên cho thấy để phân tích, giải thích các biểu đạt không gian, chúng ta cần thiết phải đưa bản đồ tri nhận vào trong phạm vi nghiên cứu của ngôn ngữ học. Các kết cấu cú pháp, ngoài nhân tố ngữ nghĩa, còn bị chi phối bởi nhiều nhân tố khác như ngữ dụng, tri nhận, văn hóa… mà bản đồ tri nhận là một biểu hiện cụ thể và sinh động của những nhân tố đó. Việc nghiên cứu các bản đồ tri nhận của người Việt Nam có thể góp phần làm rõ rằng: các biểu tượng chủ quan này được cấu trúc hóa nhờ sự cảm thụ thị giác, nhờ những tri thức về địa lý, lịch sử, văn hóa và các loại khác; và chúng có thể khác nhau giữa các dân tộc…
Tiểu kết chương I
Trong chương 1, chúng tôi đã trình bày những vấn đề lí luận cơ bản liên quan đến hiện tượng chuyển nghĩa của nhóm từ chỉ hướng không gian trong tiếng Việt (có so sánh với tiếng Nga) ở cả hai góc nhìn: ngôn ngữ học truyền thống và ngôn ngữ học tri nhận. Theo quan niệm của ngôn ngữ học truyền thống thì chuyển nghĩa là hiện tượng gắn liền với hiện tượng đa nghĩa được xem là một trong những quy luật có tính phổ quát của các ngôn ngữ. Chuyển nghĩa chính là cách biến đổi từ
nghĩa ban đầu, nghĩa gốc sang nghĩa mới, nghĩa chuyển dựa trên hai phương thức chuyển nghĩa cơ bản đó là ẩn dụ và hoán dụ.
Chúng tôi đã trình bày những luận điểm cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận về sự tri nhận không gian được thể hiện qua ngữ nghĩa và cách dùng của các từ chỉ hướng không gian, đó là những vấn đề cơ bản: không gian ngôn ngữ, định hướng không gian, những khác biệt về định hướng không gian: vật lý, văn hóa - xã hội, tâm lý, bản đồ tri nhận không gian,…
Theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, khả năng tri nhận chủ yếu của con người là sự ý niệm hóa kinh nghiệm để giao tiếp và sự ý niệm hóa các tri thức ngôn ngữ mà chúng ta có. Cho nên cần phải nghiên cứu tất cả các phương diện của cấu trúc ý niệm cũng như quá trình ý niệm hóa ở các hiện tượng từ vựng ngữ nghĩa như đa nghĩa, sự chuyển nghĩa, các phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ và hoán dụ.
Hiện tượng chuyển nghĩa cũng cần được xem xét trong mối quan hệ bộ ba: ngôn ngữ - tri nhận - văn hóa. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ tiếng Việt có những nét rất riêng về đặc trưng văn hoá dân tộc và tư duy. Để thấy rõ sự đa dạng và phong phú của hiện tượng này trên ngữ liệu của nhóm từ chỉ hướng không gian trong tiếng Việt, cần đem so sánh, đối chiếu một cách hệ thống với một ngôn ngữ khác như tiếng Nga.
Tất cả những vấn đề lí luận cơ bản được trình bày ở chương I là những cơ sở lý thuyết quan trọng làm nền tảng để chúng tôi tiến hành khảo sát hiện tượng chuyển nghĩa của nhóm các từ chỉ hướng không gian và nhóm các từ chỉ vị trí trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Nga) trong chương II.
CHƯƠNG II