CHƯƠNG II: HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA TRONG TIẾNG VIỆT
2.2. Sự chuyển nghĩa của nhóm các từ chỉ hướng không gian
2.2.5. Sự chuyển nghĩa của từ chỉ hướng “ qua”
2.2.5.1. Nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của động từ “qua”
Theo Từ điển Tiếng Việt [89, tr. 526], động từ vận động “qua” có 2 nghĩa gốc không gian là:
(i) Di chuyển “từ phía bên này sang phía bên kia của một sự vật nào đó”: Bơi qua sông/ Qua cầu/ Qua nhiều nơi, thấy nhiều điều lạ.
(ii) Đi đến một nơi nào đó, sau khi vượt một khoảng không gian nhất định: Qua Pháp dự hội nghị/ Qua nhà bên. Trường hợp này “qua” đồng nghĩa với “sang”.
Từ hai nghĩa này mà ta có nghĩa “qua” trong hiện tượng chuyển loại thành phụ từ “qua” biểu thị hoạt động theo “hướng từ phía bên này sang phía bên kia của sự vật, hoặc chuyển sang một đối tượng khác, một hướng khác (dùng sau động từ)”:
Nhảy qua hố/ Nghiêng qua bên trái/ Nhìn qua cửa sổ/ Lật qua trang sau/ Kể qua chuyện khác. Việc một động từ vận động “qua” biểu thị sự di chuyển có hướng được “chuyển loại” thành một phó từ chỉ hướng “qua” tự thân nó đã là một hiện tượng chuyển nghĩa. Lúc này phó từ “qua” không còn biểu thị sự “vận động” hay
“di chuyển” nữa, mà đơn thuần chỉ là một từ “chỉ hướng” phụ sau động từ. Cũng cần nhấn mạnh rằng, sự chuyển nghĩa từ động từ vận động có hướng “qua” sang
“qua” phó từ chỉ hướng vẫn nằm trong phạm vi của nghĩa không gian, chưa chuyển sang nghĩa phi - không gian.
Có thể kể ra một số nghĩa phi - không gian của động từ “qua” như sau:
(i) Sống hết một quãng thời gian nào đó: Qua những ngày thơ ấu ở nông thôn/
Đã qua ba cái Tết xa nhà/ Qua thời khó khăn/ Qua thời loạn lạc,...
(ii) Quãng thời gian trôi đi hoặc (công việc) trở thành thuộc về quá khứ:
Chuyện đã qua/ Trẻ chưa qua, già chưa tới/ Năm học vừa qua,….
(iii) Bước vào một thời gian nào đó sau khi đã hết một quãng thời gian nhất định: Qua năm mới/ Đời này qua đời khác/ Sắp qua mùa xuân.
(iv) Chịu tác động trực tiếp của cả một quá trình nào đó: đã qua kiểm tra/ Giống đã qua chọn lọc/ Qua thử thách/ Qua một lớp huấn luyện.
(v) Tránh được sự chú ý (dùng trong một số tổ hợp, trước danh từ và có kèm ý phủ định): Cố tìm cách để qua mắt bọn địch/ Cử chỉ đó không qua được mắt mọi người/ Nói nhỏ vẫn không qua tai bọn trẻ.
Nếu khảo sát thêm những quán ngữ (idioms) có chứa động từ “qua”, ta sẽ thấy thêm một số nghĩa chuyển khác của nó như:
(vi) Tỏ ý coi thường, lờ đi không hỏi ý kiến hoặc không cho biết: Dám qua mặt cấp trên.
(vii) Để chỉ sự sống chỉ cầu hết ngày này sang ngày khác: Bữa cơm, bữa cháo qua ngày/ Qua ngày đoạn tháng/ Sống tạm bợ, qua ngày.
(viii) Nói về cái chết: Bà cụ vừa qua đời.
Cũng rất đáng chú ý là cách dùng của “qua” trong tổ hợp “qua lại” để mô tả việc di chuyển liên tục (nói khái quát) của người và các phương tiện giao thông:
Đường phố tấp nập người qua lại/ Xe cộ qua lại như mắc cửi. Hay khi quan hệ tác động có tính chất hai chiều, trở đi và trở về: Mối quan hệ qua lại, tác động giữa hai hiện tượng.
Như vậy động từ “qua” có tất cả là: 8 nghĩa chuyển phi- không gian. Bây giờ để thấy rõ hơn sự giống nhau và khác nhau cũng như cái đặc thù trong hiện tượng chuyển nghĩa đang xét, chúng ta sẽ liên hệ, đối chiếu với tiếng Nga.
Trong tiếng Nga, theo các Từ điển tường giải tiếng Nga [134], Việt – Nga[87] và Nga – Việt [88], thì có nghĩa tương đương với động từ “qua” trong tiếng Việt là những động từ: проходить (несов); пройти (cов). Cần chú ý rằng các động từ này có tiếp đầu ngữ là: “про” .
Theo các Từ điển đó thì проходить/ пройти có nghĩa không gian như “đi qua không gian hay vị trí nào đó”: Поезд прошел станцию (Tàu đi qua nhà ga,đi
qua các ga xe lửa)/ Пройти по мосту (Đi qua cầu). Hai động từ này có những nghĩa chuyển phi - không gian sau:
(i) Đạt được điều gì đó: Проект еще не прошел (Dự án chưa được thông qua).
(ii) Thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ: Пройтикурс лечения (Trải qua kỳ chữa bệnh).
(iii) Không chú ý đến: Пройти мимо чего? (Bỏ qua cái gì đó?).
Như vậy, có thể thấy các động từ проходить, пройти trong tiếng Nga có 3 nghĩa chuyển phi - không gian, trong khi đó động từ “qua” tiếng Việt có tới 8 nghĩa kiểu như thế.
2.2.5.2. Nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của phụ từ và giới từ “qua”
a. Phụ từ “qua” có những nghĩa phi - không gian là:
(i) Làm việc gì một cách nhanh, không dừng lại lâu, không kĩ: Quét qua cái nhà/ Tạt qua hiệu sách/ Chỉ dặn qua mấy câu rồi đi.
(ii) Biểu thị sự vật, sự việc sắp nêu ra là môi giới, phương tiện của hoạt động được nói đến: Chuyển tiền qua bưu điện/ Kiểm nghiệm qua thực tế,...
b. Trợ từ “qua” chỉ có một nghĩa phi - không gian là:
(i) Biểu thị ý nhấn mạnh sự phủ định: Không thấy qua một bóng người/ Không có qua lấy một giọt mưa/ Chẳng nói qua một lời nào.
Tổng cộng từ chỉ hướng “qua” (bao gồm động từ, phụ từ, trợ từ) trong tiếng Việt có tất cả là: 11 nghĩa chuyển phi - không gian.
Trong tiếng Nga, theo các Từ điển tường giải tiếng Nga [134], Việt – Nga [87] và Nga – Việt [88] thì có nghĩa tương đương với trạng từ “qua” của tiếng Việt có một số trạng từ và giới từ trước hết như: через, сквозь, мимо...; ví dụ:
- Мост через реку (Cầu bắc qua sông);
- Сквозь туман (Qua màn sương mù);
- Проехать мимо (Đi qua);…
Tuy nhiên chỉ có giới từ “через” là có một số nghĩa chuyển như:
(i) Xuyên qua: Смотреть через очки (Nhìn qua kính).
(ii) Nhờ sự giúp đỡ của ai hay cái gì đó: Сообщить через друга (Thông tin qua một người bạn).
(iii) Qua một thời gian: Приду через час (Tôi sẽ đến sau 1 giờ nữa).
(iv) Lặp lại qua một thời gian nhất định: Принимать лекарства через час (Uống thuốc sau 1 giờ).
Tóm lại, giới từ “через” của tiếng Nga có 4 nghĩa chuyển phi - không gian.
Và như vậy, tổng cộng “ qua” của tiếng Nga được biểu thị bằng 5 từ không gian (động từ và giới từ) và gắn với chúng có 7 nghĩa chuyển phi - không gian. Con số này ít hơn 11 nghĩa chuyển của hai từ “qua” (danh từ và phụ từ) trong tiếng Việt.