CHƯƠNG II: HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA TRONG TIẾNG VIỆT
2.1. Khái quát về nhóm từ chỉ hướng không gian trong tiếng Việt
2.1.2. Những quan hệ không gian được biểu thị bởi nhóm từ chỉ hướng
cao – thấp, nông – sâu, to – nhỏ, dài - ngắn,...) hoặc các quan hệ không gian giữa hai sự vật như trường hợp các từ chỉ hướng.
Trong tiếng Việt, trên cơ sở ý nghĩa và cách dùng của các từ chỉ hướng nói trên, có thể thấy là có ba kiểu quan hệ cơ bản không gian - đó là: kiểu quan hệ KHÉP – MỞ, kiểu quan hệ CAO – THẤP và kiểu quan hệ TRƯỚC – SAU.
1. Quan hệ KHÉP- MỞ (hay: HẸP – RỘNG): được biểu hiện bằng hai cặp từ trong – ngoài và ra – vào, rõ nhất như trường hợp các cụm từ: ra - ngoài, vào - trong. Quan hệ này liên quan chặt chẽ với quan hệ TRONG – NGOÀI (và các hướng VÀO – RA tương ứng). Chẳng hạn, để miêu tả việc một ca sĩ mới xuất hiện trên sân khấu người Việt Nam nói:
- Ra sân khấu (выйти нa cцeнa) (từ trong sân khấu RA nơi mở hơn, rộng hơn, quang sáng hơn (là sân khấu) còn người Nga thì nói:
- Вoйти нa cцeнy (vào sân khấu)
Sự khác biệt đó có thể trình bày như trong hình vẽ sau:
Hình 2.1. Ra sân khấu (выйти нa cцeнa),
Hình 2.2 Вoйти нa cцeнy (vào sân khấu).
Điều đó có nghĩa là nếu người Nga trên toàn bộ đường di chuyển của ca sĩ chỉ chọn lấy khúc cuối – khúc “vào” trong khu vực không gian khép kín của nơi đến (tức là sân khấu), thì người Việt Nam lại dựa trên mối quan hệ không gian giữa điểm gốc và điểm đến – người nghệ sĩ vận động từ nơi kín, hẹp, tối (phía sau sân khấu) “ra” nơi mở hơn, rộng hơn, quang sang hơn (là sân khấu).
Cặp từ ra – vào biểu hiện sự di chuyển/ vận động có hướng trong hai không gian có quan hệ khép – mở với nhau. Chẳng hạn ta gọi A và B là hai không gian đó, thì khi chuyển động của chủ thể X được thực hiện từ không gian gốc là A sang không gian đích là B, chúng ta sẽ lựa chọn dùng một trong hai từ “ra”, “vào” tùy theo tính chất “khép” hay “mở” của các không gian A, B theo khuôn mẫu:
(4) X đi từ A ra B (5) X đi từ A vào B
Trong câu (4), dùng từ “ra” nếu A là không gian khép hơn so với không gian B. Còn trong câu (5), dùng từ “vào” nếu A là không gian mở trong quan hệ so với không gian B. Chẳng hạn, A là nhà, B là sân. Thường thì trong những ngôi nhà
truyền thống của người Việt Nam có sân trước. Từ tình huống phổ biến ấy, sân được tri nhận quy ước là không gian rộng mở hơn, quang thoáng hơn so với nhà khép kín hơn. Do vậy chúng ta nói:
(6) Nam từ trong nhà đi ra sân.
(7) Nam từ ngoài sân nhà đi vào nhà.
Và vườn thì bao quanh sân, quanh nhà, nên vườn cũng là không gian mở so với nhà và ngược lại, nhà là không gian khép so với vườn. Do vậy chúng ta có thể nói:
(8) Nam đi từ nhà ra vườn.
(9) Nam đi từ vườn vào nhà.
Quan hệ MỞ – KHÉP giữa các không gian chỉ là tương đối, một không gian A là “khép” so với một không gian B nhưng nó lại là “mở” so với không gian C khác: thí dụ, sân “mở” hơn so với nhà, nhưng sân lại là “khép” hơn so với vườn.
Trong trường hợp nếu lấy nhà là điểm gốc của một hệ tôn ti về độ “KHÉP – MỞ”
(hay “HẸP – RỘNG”) của không gian thì sơ đồ về sự tăng tiến của độ mở (và giảm dần về độ khép) theo thứ tự xa dần sẽ là như sau:
- Nhà < sân < vườn < ngõ < đường (làng) < đồng (ruộng) < đê < bãi (sông) Ứng với sơ đồ này là những biểu đạt không gian như:
- Từ nhà < ra sân < ra vườn < ra ngõ < ra đường < ra đồng < ra đê < ra bãi - Trong nhà < ngoài sân <ngoài vườn< ngoài ngõ< ngoài đường < ngoài
đồng < ngoài đê < ngoài bãi
Và theo Nguyễn Đức Dân [14, tr. 336] thì trong văn hóa tri nhận truyền thống của người Việt, có sự sắp xếp quan hệ không gian từ mở tới khép, từ rộng tới hẹp. Ông có đưa ra một sơ đồ với nhiều điểm tương đồng như sau:
đường > ngõ > vườn > sân > nhà > buồng…
Quan hệ bao hàm là một trường hợp đặc biệt của quan hệ KHÉP – MỞ giữa hai không gian. Nếu không gian A là bao hàm (chứa đựng) không gian B, chúng ta nói không gian A là mở so với không gian B. Còn B (bao hàm trong), là khép so với không gian A. Cấu trúc biểu hiện quan hệ vị trí giữa hai không gian này là: A ở
trong / ngoài B. Ta sẽ dùng từ “trong” nếu như A là khép (nằm trong) so với B; và sẽ dùng từ “ngoài” nếu như A là mở (nằm ngoài) so với B. So sánh hai câu sau:
(10) Khi nhà cháy, nó đang ở trong nhà.
(11) Khi nhà cháy, nó đang ở ngoài nhà.
2. Quan hệ CAO – THẤP: được biểu hiện bằng hai cặp từ trên – dưới và lên – xuống, rõ nhất như trường hợp các cụm từ: lên trên, xuống dưới.
Cặp từ lên – xuống biểu thị sự di chuyển/ vận động có hướng trong hai không gian có quan hệ cao – thấp với nhau. Chẳng hạn ta gọi A và B là hai không gian đó, thì khi chuyển động của chủ thể X được thực hiện từ không gian gốc là A sang không gian đích là B, chúng ta sẽ lựa chọn dùng một trong hai từ lên – xuống tùy theo tính chất “cao” hay “thấp” của các không gian A, B theo khuôn mẫu:
(12) X từ A lên B (13) X từ A xuống B
Trong (13), ta dùng từ “lên” nếu A là không gian thấp hơn trong quan hệ so với không gian B, và ta dùng “xuống” trong (14) nếu A là không gian cao hơn so với không gian B. Chúng ta nói “đi lên tầng trên” nhưng lại nói “đi xuống tầng dưới”; nói “đi lên tầng 3” khi chúng ta ở tầng 1, nhưng lại phải nói “đi xuống tầng 3” khi chúng đang ở tầng 4. Chúng ta nói “Tôi trèo lên cây” nhưng lại nói “Tôi nhảy từ trên cây xuống đất”…
Đáng chú ý là: nếu có hai ngôi nhà cao tầng ở cạnh nhau thì người Việt Nam quan niệm nó là hai không gian đối lập với nhau (như một chỉnh thể riêng) do đó hướng di chuyển từ nhà này tới nhà kia là sang – không phụ thuộc vào vị trí điểm gốc và vị trí điểm đến của vận động tương quan với nhau cao thấp ra sao:
(14) Tôi sang nhà Mai .
Nhưng nếu hai vị trí điểm gốc và điểm đích của vận động cùng ở trong phạm vi không gian của một tòa nhà (ví dụ, hai căn hộ ở hai tầng khác nhau), thì khi đó quan hệ không gian cao thấp giữa chúng lại trở nên quan yếu và do đó hướng di chuyển sẽ phải là “lên” hay “xuống”. So sánh:
(15) Tôi sang nhà Mai.
(16) Tôi xuống nhà Vân.
Và trong trường hợp điểm gốc và điểm đích cùng ở trên một mặt phẳng (một tầng nhà) thì hướng di chuyển giữa chúng là “sang”:
(17) Tôi sang nhà Hoa.
Trong tiếng Nga không có sự định hướng như vậy, cho dù chúng ta ở dưới sân nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dùng động từ выxoдить (ra) để gọi một người bạn tầng ba xuống sân gặp mặt nhau:
(18) Лан, выxoди! (Lan, xuống đi!)
Trường hợp này nếu ở tiếng Việt thì không thể nói được như vậy:
(19) * Lan, ra đi! (Лан, выxoди!)
3. Quan hệ TRƯỚC- SAU: được biểu hiện bằng cặp từ trước - sau. Đây là một kiểu quan hệ định hướng vị trí giữa hai đối tượng trên phương nằm ngang.
Định hướng này có đặc trưng là nó trùng với hướng di chuyển của con người, cũng như của loài vật, của cả những vật di chuyển được ; do đó mà có lối nói về sự vận động (đi trước, đi sau), về hướng nhìn (trông trước, trông sau; nhìn trước, nhìn sau), hướng từ sau lưng ra trước mặt trong cấu tạo bất đối xứng của con người (trước mặt, sau lưng). Và đó cũng là hướng xác định thông qua cách cấu tạo của vật thể: Nếu trong hai đối tượng A và B có ít nhất một đối tượng có định hướng tự thân TRƯỚC - SAU, thì sẽ có các tình huống định vị kiểu như “A ở trước B” hay “A ở sau B”. Ngôi nhà, cái tủ, chiếc xe,…là những vật có định hướng nội tại TRƯỚC- SAU, vì thế hình thành những quan hệ định vị để một đối tượng được gọi là ở:
trước nhà, hay: sau vườn. Với những vật không có định hướng tự thân, nội tại, thì quan hệ TRƯỚC- SAU được xác định bởi điểm nhìn, điểm quan sát. Đối tượng ở gần (do đó thấy được) thì gọi là “trước”, ở xa (do đó thường không thấy được) thì gọi là “sau”; thí dụ, so sánh hai cách định vị về một quả bóng: ở trước cây - ở sau cây.
Trong tiếng Việt, có mối liên lạc rất thú vị giữa hai quan hệ TRƯỚC- SAU
và quan hệ TRONG - NGOÀI. Bên cạnh sự định vị giống như trong các ngôn ngữ khác, chẳng hạn:
(20) Mai đứng trước Phương.
(21) Trong nhà đang có khách.
chúng ta có thể tìm thấy những trường hợp mà quan hệ không gian giữa hai đối tượng không giống như trong tiếng Nga. Ví dụ, nếu một căn nhà (hoặc một căn hộ) có hai phòng sát cạnh nhau được bố trí theo chiều dọc của căn nhà (kiểu “nhà ống”) thì thông thường trong tiếng Nga, phòng đầu tiên (tính từ cửa ra vào) gọi là phòng
“trước” và phòng tiếp theo gọi là phòng “sau”. Cách định danh này có liên quan đến mặt tiền (mặt trước) của căn nhà (nơi có cửa ra vào nhà), nếu ta hình dung có một người quan sát đứng trước căn nhà thì phòng nào ở gần người quan sát hơn, theo quy luật định vị chung, sẽ là phòng “trước”, còn phòng nào ở xa hơn là phòng
“sau”. Trong tiếng Việt, có sự khác biệt: thay vì định hướng TRƯỚC- SAU sẽ là định hướng TRONG - NGOÀI: phòng ở gần phía “ngoài” (sân hay đường) nghĩa là ở phía “MỞ, QUANG” hơn sẽ là phòng “ngoài”, còn phòng ở phía “KÍN, KHÉP” hơn sẽ là phòng “trong”.