CHƯƠNG II: HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA TRONG TIẾNG VIỆT
2.2. Sự chuyển nghĩa của nhóm các từ chỉ hướng không gian
2.2.2. Sự chuyển nghĩa của hai từ chỉ hướng “vào, trong”
2.2.2.1. Nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ “vào”
Theo Từ điển Tiếng Việt [89, tr.1098], động từ “vào” trong tiếng Việt có nghĩa gốc là: “di chuyển đến một vị trí ở phía trong”: Từ ngoài khơi vào đất liền/ Xe vào nội thành.
Việc một động từ vận động “vào” biểu thị sự di chuyển có hướng được
“chuyển loại” thành một phụ từ chỉ hướng “vào” tự thân nó đã là một hiện tượng chuyển nghĩa. Nghĩa gốc của phụ từ “ vào” là: “hướng của hoạt động từ ngoài đến trong”. Lúc này phụ từ “vào” không còn biểu thị sự “vận động” hay “di chuyển”
nữa, mà đơn thuần chỉ là một từ “chỉ hướng” phụ sau những động từ biểu thị sự vận động “vô hướng” để giúp cho chúng trở nên “có hướng”. Thí dụ, trong “chạy vào trong nhà” hay “bước vào lớp” thì vì “chạy” và “bước” là di chuyển vô hướng, nên cần có “vào” để thêm hướng “vào trong”.
Cần nhấn mạnh rằng, sự chuyển nghĩa từ “vào” động từ vận động có hướng sang “vào” phó từ chỉ hướng vẫn nằm trong phạm vi của nghĩa không gian, chưa chuyển sang nghĩa phi - không gian.
Từ hai nghĩa gốc không gian trên của “vào”, “ra” động từ và “vào”, “ra”
phó từ đã diễn ra những sự chuyển nghĩa khác nhau “phi - không gian” như sau.
A. Các nghĩa chuyển của động từ “vào”
Từ điển tiếng Việt [89, tr.1098], kể ra 6 nghĩa phi- không gian sau:
(i) Bắt đầu trở thành người của một tổ chức nào đó: Vào biên chế/ Vào Đảng/ Vào công đoàn.
(ii) Bắt đầu tiến hành, tham gia một loại hoạt động nào đó: Vào năm học mới/ Vào sổ điểm/ Làng vào đám.
(iii) Tỏ ra theo đúng các quy định: Vào khuôn phép/ Mọi việc đâu vào đấy.
(iv) Ở trong khoảng thời gian xác định nào đó: Vào dịp Tết/ Vào giờ này hôm qua.
(v) Thuộc loại nào đó trong hệ thống phân loại đánh giá: Sức học vào loại khá/ Vào loại ghê gớm/ Vào loại biết điều.
(vi) Tiếp thu được: Có tập trung tư tưởng thì học mới vào/ Đầu óc rối bời, học mãi mà không vào.
Nếu khảo sát thêm những động từ phức hay quán ngữ (idioms) có chứa
“vào”, ta sẽ thấy thêm một số nghĩa chuyển khác của “vào”, thí dụ như:
(vii) Bắt đầu tham gia vào việc thật sự quan trọng: Các nhà chức trách đã
vào cuộc.
(xiii) Ví việc gặp may, có mối tốt, kiếm tiền dễ dàng: Đang lúc vào cầu.
(ix) Mở đầu vấn đề định nói: Vào đề luôn, không cần rào đón.
(x) Thể hiện nhân vật trong kịch bản: Vào vai bà mẹ/ Vào vai cô Tấm.
(xi) Ghi thành mục trong sổ sách: Vào sổ các khoản thu chi.
(xii) Bị mắc mưu, sa bẫy: Dụ địch vào tròng.
(xiii) Đi tù: Vào tù.
Như vậy, động từ “vào” có tới 13 nghĩa chuyển phi - không gian. Bây giờ để thấy rõ hơn sự giống nhau và khác nhau cũng như cái đặc thù trong hiện tượng chuyển nghĩa đang xét, chúng ta sẽ liên hệ, đối chiếu với tiếng Nga.
Trong tiếng Nga, hai động từ vận động Входить (несов) và Вoйти (сов) có nghĩa tương đương với động từ “vào” trong tiếng Việt.
Theo Từ điển tường giải tiếng Nga, các động từ Входить/ Вoйти có nghĩa gốc về không gian như sau: “vào, bước vào, đi vào trong”: Входить в дoм (vào nhà). Có một điều cần chú ý ở đây là: Động từ tiếng Nga có tiếp đầu ngữ “В”– chỉ hướng (giống như phụ từ “vào” tiếng Việt) và được giải thích là: “hướng hành động
“vào trong” (внутрь).
Con đường chuyển nghĩa từ nghĩa không gian sang nghĩa phi không gian ở hai động từ входить/ вoйти không giống hoàn toàn như ở động từ “vào” tiếng Việt. Cụ thể là, theo Từ điển tường giải tiếng Nga [134, tr.77], chúng có những nghĩa chuyển như:
(i) Tham gia, là thành phần: Вoйти в состав комитета(tham gia vào ủy ban); Вoйти в состав правительста (tham gia vào chính phủ).
(ii) Xếp vào, bỏ vào: Во шкаф вошло много книг (tủ xếp vào được rất nhiều sách).
(iii) Đề nghị, báo cáo ai: Вoйти с докладом к директору (báo cáo với lãnh đạo).
(iv) Bắt đầu một hành động, trạng thái gì đó: Вoйти в моду (thành mốt);
Вoйти в привычку (thành thói quen); Вoйти в силу (có hiệu lực); Вoйти в доверие (được ai tin tưởng).
(v) Quen với cái gì đó: Входить в роль (nhập vai).
Ngoài ra còn có thể kể thêm một số nghĩa chuyển khác ở trong các quán ngữ như:
(vi) Đi sâu vào: Вoйти в суть дела (đi sâu vào) thực chất vấn đề.
(vii) Được ghi vào:Вoйти в историю(được ghi vào lịch sử).
(viii) Thông cảm: Вoйти в положение (thông cảm, đồng cảm, hiểu thấu tình cảnh).
Như vậy so với động từ “vào” của tiếng Việt có 13 nghĩa chuyển phi - không gian, động từ входить/ вoйти tiếng Nga có ít hơn, chỉ là: 8 nghĩa chuyển.
B. Các nghĩa chuyển của phụ từ “vào”
Từ nghĩa gốc không gian của phụ từ “vào” là “hướng của hoạt động từ ngoài đến trong”, đã diễn sự ra chuyển nghĩa phi không gian của phụ từ này.
Từ điển tiếng Việt [89] với những nghĩa phi không gian của phụ từ “vào”:
(i) Biểu thị sự vật hoặc điều sắp nói ra là cái làm căn cứ cho điều vừa nói đến: Phụ thuộc vào gia đình/ Dựa vào sức mạnh là chính.
C. Các nghĩa chuyển của trợ từ “vào”
Trong tư cách này “vào” theo Từ điển tiếng Việt[89,tr.1098] có nghĩa phi không gian sau đây:
(i) Biểu thị ý yêu cầu làm việc gì đó với mức độ cao hơn, việc làm thái quá, với hàm ý dẫn đến hậu quả không hay: Đi cho lắm vào, bây giờ đau chân; chơi cho lắm vào, bây giờ thi trượt,….
(ii) Biểu thị ý chê trách việc làm thái quá có hậu quả không hay: Ăn cho lắm vào rồi lại kêu đau bụng.
Như vậy, tổng cộng ý niệm VÀO trong tiếng Nga: 8, ít hơn so với tiếng Việt: 16.