Thực trạng xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở nước ta

Một phần của tài liệu Hoàn thiện khung pháp luật về xã hội hoá cung ứng dịch vụ công ở việt nam (Trang 54 - 58)

B. THỰC TRẠNG XÃ HỘI HÓA CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP

IV. Xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nước ta

1. Thực trạng xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở nước ta

So với nhiều lĩnh vực hoạt động khác thì hoạt động cung ứng dịch vụ công thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật mang tính xã hội cao bởi loại hình dịch vụ công này liên quan đến tất cả mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Khuyến khích dân cư, tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật và coi hoạt động này là một phần trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội chính là nền tảng của nhu cầu xã hội hóa cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Việc xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho xã hội như:

- Khi nguồn lực về con người và vật chất được huy động thêm, kết cấu hạ tầng có điều kiện phát triển nhanh hơn, góp phần giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước; tham gia giải quyết một số công việc còn bất cập ở cơ sở mà Nhà nước chưa đủ khả năng làm tốt;

- Khi việc cung ứng dịch vụ hạ tầng được xã hội hóa sẽ nâng cao được hiệu quả đầu tư xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng, hạn chế được thất thoát, tiêu cực trong đầu tư xây dựng và cải thiện được chất lượng dịch vụ…

- Tạo được sự năng động xã hội trong hoạt động cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tính tự lực và tính chủ động của cộng đồng, tự lo toan cùng nhau góp phần giải quyết các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật theo nhu cầu của từng địa phương, bên cạnh đó tạo thêm công ăn việc làm ở địa phương;

- Khi người dân được tham gia ý kiến vào các quyết định, chủ trương, chính sách xây dựng, cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (nhất là các vấn đề trực tiếp liên quan đến cộng đồng địa phương) sẽ giúp cho người ra quyết định cân nhắc kỹ hơn để có quyết sách phù hợp. Mặt khác, đó cũng là điều

kiện làm tăng thêm tính khả thi và đồng thuận xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước

Ở nước ta, xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan.

Dịch vụ bưu chính viễn thông trước đây là một lĩnh vực chỉ do Nhà nước cung cấp. Điều này đã dẫn đến tình trạng độc quyền và người dân phải chịu một mức phí khá cao. Từ sau khi có chính sách cho phép các nhà cung cấp mới tham gia vào thị trường, dịch vụ này đã có sự thay đổi đáng kể.

Ngoài nhà cung cấp VNPT trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại, người dân còn được cung ứng dịch vụ này bởi các nhà cung cấp khác như:

Viettel, HT,... Điều này đã tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chấm dứt tình trạng độc quyền và người tiêu dùng được sử dụng các dịch vụ tốt nhất với giá thành rẻ hơn.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, một thực tế dễ dàng nhận thấy là sự bùng nổ của các hãng taxi, các hãng vận tải hành khách khác do tư nhân đảm nhiệm giúp cho việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện. Cũng tương tự như vậy, bên cạnh dịch vụ hàng không do Vietnam Airlines cung cấp, với sự ra đời của các hãng hàng không khác tại Việt Nam như: Pacific Airlines, Indochina Airlines,... người dân đã được sử dụng dịch vụ hàng không với giá rẻ, chất lượng phục vụ tốt.

Việc cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị - một loại hình dịch vụ công cộng hết sức cần thiết trong đời sống xã hội trước đây phần lớn vẫn do các đơn vị công lập đảm nhiệm và hiệu quả hoạt động còn rất thấp. Xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ này với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân có một bộ máy điều hành gọn nhẹ, cách điều hành, phân công công việc khoa học, tổ chức công việc hợp lý đã giúp việc đầu tư và triển khai công việc tốt hơn. Điều này đã góp phần làm cải thiện môi trường trong khi người dân không phải trả chi phí quá lớn. Sự ra đời của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Huy Hoàng, thành phố Lạng Sơn, được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng

Sơn cho phép thành lập năm 1993 là ví dụ. Đây là mô hình đầu tiên thực hiện chuyển giao việc cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị và đã đem lại những thành công ban đầu. Công ty TNHH Huy Hoàng đảm nhiệm dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn theo hình thức "Hợp đồng giao nhận thầu dịch vụ vệ sinh đô thị" mà trước đây do Đội quản lý công trình đô thị (một đơn vị quốc doanh) thực hiện. Có thể đánh giá đây thực sự là một mô hình hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường. Hoạt động của Công ty TNHH Huy Hoàng từ khi thành lập đến nay đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của thành phố, của một số thị trấn và khu vực cửa khẩu, nơi tập trung đông dân cư sinh sống, giao lưu, buôn bán và du lịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lạng Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Xã hội hóa các dịch vụ đô thị ở nước ta cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước được kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ đô thị, đặt các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước vào môi trường cạnh tranh ngày càng đầy đủ và trực tiếp hơn. Đồng thời, xã hội hóa cũng đã cho phép chuyển các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ đô thị công ích sang hoạt động theo cơ chế thị trường, cùng với việc chuyển quản lý ngân sách nhà nước hỗ trợ cho cung cấp dịch vụ đô thị từ cấp phát trực tiếp mang tính bao cấp cho doanh nghiệp nhà nước, sang cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ đô thị theo đơn đặt hàng của nhà nước, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước. Đồng thời xã hội hóa cung ứng dịch công trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho người dân và các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ - những người đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) được tham gia giám sát việc cung ứng dịch vụ một cách rộng rãi, dân chủ để được hưởng các dịch vụ đô thị đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình.

Tuy đã đạt được nhiều thành tích rất đáng khích lệ, việc xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập mà điển hình là:

* Tốc độ và quy mô xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng và đòi hỏi của xã hội:

- Nhiều loại hình dịch vụ trong lĩnh vực chưa được xã hội hóa hoặc xã hội hóa triệt để triệt để:

+ Kinh doanh điện hiện vẫn còn là sự độc quyền của Nhà nước. Dù không thể xoá hoàn toàn độc quyền trong lĩnh vực điện nhưng việc tách khâu truyền tải, phân phối, điều độ điện khỏi EVN (Điện lực Việt Nam) để giao một cơ quan độc lập khác của nhà nước quản lý là rất cần thiết để có một thị trường điện cạnh tranh bình đẳng, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, để xác định được mức giá điện hợp lý;

+ Dịch vụ kinh doanh nước sạch còn trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp trong khi nhu cầu về loại dịch vụ này ngày một gia tăng;

+ Ngược lại, do mục đích thu lợi nhuận một số loại dịch vụ lại có xu hướng “bung ra” gây ra ra những khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát chất lượng cung ứng dịch vụ;

* Chất lượng cung ứng dịch vụ và giá cả cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cũng lầ điều rất đáng bàn hiện nay: nhiều loại dịch vụ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đã được xã hội hóa nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp; do mục đích chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ đã tùy tiện nâng cao phí dịch vụ gây bức xúc đối với khách hàng;

* Quản lý nhà nước đối với xã hội hóa cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập nên đã xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong hoạt động cung ứng loại dịch vụ này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khắn bất cập nêu trên là sự thiếu hoàn thiện về chính sách, pháp luật liên quan đến xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Điều dễ nhận thấy là chủ trương xã hội hóa cung ứng dịch vụ công ở nước ta bắt đầu được khởi xướng từ hơn chục năm trở lại đây nhưng các chủ trương chính sách và pháp luật có đề cập rõ ràng, trực tiếp đến xã hội hóa lại hầu như chỉ nhắc đến các lĩnh vực bao gồm giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; gần đây nhất Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 và Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khich xã hội hóa có nhắc thêm đến lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ, xã hội, dân số, gia đình và bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chính sách, pháp luật liên quan đến xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực kết cấu kỹ thuật không được quy định tập trung mà nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Những quy định này còn rất tản mạn và điều này rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất hoặc chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện khung pháp luật về xã hội hoá cung ứng dịch vụ công ở việt nam (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)