Xã hội hóa giáo dục, đào tạo có nội dung rất rộng song có thể đề cập đến một số nội dung nổi bật sau:
Một là, xã hội hóa việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Do đầu tư cho giáo dục đào tạo cần nguồn vốn rất lớn và lợi ích từ giáo dục, đào tạo không chỉ chính người thụ hưởng dịch vụ được hưởng mà cả xã hội đều được hưởng nên đó là cơ sở vững chắc cho chủ trương xã hội hóa việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, đào tạo được thể hiện ở hai phương thức chính là mở rộng hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập và huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội đầu tư cho cả hệ thống trường công lập và ngoài công lập. Việc thu hút nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư cho giáo dục vừa giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa đề cao trách nhiệm của cả cộng đồng đối với sự nghiệp chung của toàn xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước nhưng cần có cách thức thực hiện hợp lí và đảm bảo công bằng xã hội. Thực tiễn xã hội hóa giáo dục, đào tạo những năm vừa qua cho thấy có những điểm chưa hoàn toàn hợp lí trong cách thức thực hiện chủ trương trên, hay ít nhất là xã hội cũng chưa có sự đồng tình cần thiết cho việc thực hiện chủ trương đó. Chẳng hạn,
việc khuyến khích thành lập các trường ngoài công lập là nên làm nhưng việc đưa ra chỉ tiêu mức độ phát triển trường bán công, dân lập và tư thục ở thị xã, thị trấn, thành phố là: đại bộ phận giáo dục mầm non, 10-15% đối với cấp tiểu học, 25% đối với cấp trung học cơ sở, 50% đối với cấp trung học phổ thông50 (mặc dù là tỉ lệ mang tính định hướng, không có tính bắt buộc), hay định hướng đến năm 2010 tỉ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%, các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng 40%51 là vấn đề cần cân nhắc. Bởi lẽ, ở nước ta tư duy quản lí mang tính hành chính, coi chỉ tiêu mang tính mệnh lệnh vẫn chưa xóa hết nên khi đưa ra chỉ tiêu thì thường tạo ra tâm lí nóng lòng muốn đạt được chỉ tiêu, điều này đã thể hiện ngay trong Nghị quyết 05/2005NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao “Hạn chế lớn nhất là tốc độ xã hội hóa còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết 90”. Vậy nên, nếu không có sự quản lí thích hợp thì dễ dẫn đến tình trạng ồ ạt mở các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập, chạy theo số lượng mà không kiểm soát được chất lượng. Thực tế xảy ra những vụ việc thương tâm, đáng tiếc ở nhiều cơ sở trông trẻ trong thời gian vừa qua hay tình trạng nhiều trường đại học dân lập hầu như không có đội ngũ giảng viên cơ hữu mà phải thuê các giảng viên đương nhiệm của các trường công lập đặt ra yêu cầu phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề quản lí chất lượng các cơ sở ngoài công lập đúng như nhận định trong Nghị quyết 05/2005/NQ - CP “Quản lí nhà nước vừa gò bó, vừa buông lỏng”.
Việc huy động các nguồn vốn khác nhau cho giáo dục, đào tạo cũng rất đa dạng, như huy động thêm sự đóng góp của cha mẹ học sinh và của các tổ chức sản xuất, kinh doanh, thành lập các loại quĩ như quĩ từ thiện, quĩ khuyến
50 Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa
51 Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao
học… Khác với việc mở các trường ngoài công lập chỉ huy động được một số lượng hạn chế cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính vào việc đầu tư cho giáo dục và lại khó giải quyết mâu thuẫn giữa mục đích đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo và thỏa mãn lợi ích kinh tế của nhà đầu tư, việc huy động các nguồn vốn khác nhau cho giáo dục, đào tạo có khả năng huy động sự tham gia đóng góp của mọi lực lượng xã hội trong đó có chính bản thân người thụ hưởng dịch vụ (người học) và người sử dụng sản phẩm của giáo dục, đào tạo (các tổ chức sản xuất, kinh doanh). Tuy nhiên, không có độ đồng nhất về khả năng, nhu cầu, mục đích tham gia đóng góp cho giáo dục, đào tạo của các lực lượng xã hội khác nhau này nên muốn huy động sự đầu tư có hiệu quả thì cần có sự phân hóa và những chính sách phối hợp hợp lí mới có thể có được sự ủng hộ rộng rãi và lâu bền.
Hai là, xã hội hóa chương trình giáo dục, đào tạo. Chương trình giáo dục, đào tạo bao gồm toàn bộ khối kiến thức và sự tổ chức khối kiến thức đó để cung cấp cho người học trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu nhìn nhận con người với tư cách là một thành viên của xã hội thì muốn được xã hội chấp nhận mỗi người phải suy nghĩ, hành động theo cách mà mọi người xung quanh coi là thích hợp. Vì vậy, trong suốt cuộc đời, mỗi người phải tiếp thu cách suy nghĩ, hành động được mọi người coi là thích hợp cũng như tránh cách suy nghĩ, hành động được coi là không thích hợp. Quá trình này được gọi là xã hội hóa (con người) và được tiến hành trong nhiều môi trường khác nhau, “Trong các xã hội phát triển và phân hóa cao, có vô số những kĩ năng và kiến thức mà bất kì ai cũng sẽ phải thấy rằng nếu chỉ dựa vào các phương tiện xã hội hóa không chính thức thì hoàn toàn không đủ. Xã hội càng phức tạp, càng có nhiều kĩ năng bao nhiêu thì càng cần thiết có những thiết chế được lập ra một cách có chủ định- các cơ sở giáo dục như trường học, trường cao đẳng và trường tổng hợp- để phổ biến chính thức các kĩ năng và kiến thức cần thiết”52. Như vậy, giáo dục, đào tạo là nhu cầu tất yếu của xã hội
hiện đại nên việc xây dựng chương trình giáo dục phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội và để phục vụ xã hội. Vì vậy, việc xây dựng chương trình giáo dục, đào tạo cần đảm bảo hài hòa giữa hai phần trong khối kiến thức chung là phần kiến thức cơ bản và phần kiến thức bám gần sát các thành tựu khoa học, kĩ thuật, các kĩ năng cần thiết theo nhu cầu thực tế. Phần kiến thức cơ bản là những kiến thức không thể thiếu đối với một con người (giáo dục phổ thông) hay của một ngành, một lĩnh vực khoa học, xã hội (đào tạo). Phần này có độ ổn định cao nên ít chịu ảnh hưởng của các cuộc thay đổi, cải cách chương trình. Phần kiến thức đi sát thực tế có độ linh hoạt cao nhưng cũng cần có sự chọn lọc vì không một chương trình nào có thể chuyển tải được tất cả kiến thức có liên quan. Dung lượng kiến thức của hai phần này trong mỗi chương trình sẽ khác nhau, ví dụ trong các cấp học phổ thông thì dung lượng kiến thức cơ bản nhiều hơn cấp học đại học, trong các cơ sở đào tạo nghề thì phần kiến thức mang tính cập nhật nhiều hơn các ngành học mang tính lí thuyết hay khoa học cơ bản. Nếu xác định được rõ hai phần kiến thức này thì sự nghiệp giáo dục, đào tạo vừa không lạc hậu, vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội lại có thể tránh được những cuộc cải cách mà sau một thời gian thực hiện thì tiến thoái lưỡng nan. Chính vì vậy, thực tế xã hội chính là nguồn thông tin quan trọng để xây dựng chương trình giáo dục, đào tạo và mỗi chương trình phải được thực tế xã hội kiểm nghiệm độ chính xác, hợp lí. Chương trình giáo dục, đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Muốn vậy thì phải tạo điều kiện cho nhiều lực lượng tham gia vào quá trình xây dựng chương trình. Điều tra, thăm dò dư luận, nhu cầu xã hội phải được coi trọng, phải lắng nghe ý kiến phản hồi, đánh giá, thẩm định một cách hệ thống các chương trình đã được xây dựng để điều chỉnh kịp thời khi cần thiết. Sự tham gia của các lực lượng khác nhau là điều kiện cần thiết cho sự đánh giá toàn diện nhu cầu giáo dục, đào tạo do xuất phát từ những góc nhìn khác nhau, giảm bớt những thay đổi thiếu cơ sở gây xáo trộn và lãng phí cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Ba là, xã hội hóa việc giải quyết đầu ra cho giáo dục, đào tạo. Trong thời kì bao cấp, nhà nước chịu trách nhiệm phân công công tác cho tất cả học viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Chế độ phân công công tác đó có phát huy tác dụng trong thời kì bao cấp vì đó là thời kì phương pháp quản lí dùng mệnh lệnh hành chính thịnh hành và “người sử dụng lao động” lúc bấy giờ đều là các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước có quyền rất hạn chế trong việc tuyển dụng người lao động. Sau khi xóa bỏ bao cấp, sự năng động của các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng tăng và xuất hiện những người sử dụng lao động khác như các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh với quyền chủ động rất lớn. Lúc này nhà nước không thể giải quyết hoàn toàn đầu ra cho giáo dục, đào tạo mà công việc này phải được chuyển cho người cung cấp dịch vụ và người sử dụng lao động. Chính người cung cấp dịch vụ phải đưa sản phẩm của mình vào thị trường, người sử dụng lao động là người trực tiếp sử dụng sản phẩm của dịch vụ giáo dục, đào tạo, là người thẩm định, đánh giá chất lượng dịch vụ. Đây là điểm gặp gỡ của nhà trường- người tạo ra sản phẩm của dịch vụ và người sử dụng lao động. Nhà trường phải có trách nhiệm rất lớn về chất lượng sản phẩm mà mình tạo ra cho xã hội và đó là điều kiện sống còn của cơ sở giáo dục, đào tạo trước quy luật đào thải nghiệt ngã của thị trường. Để xã hội hóa giải quyết đầu ra cho giáo dục, đào tạo, các cơ sở sử dụng người lao động cần có quyền chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng người lao động và phải thâm nhập vào quá trình giáo dục, đào tạo với những hình thức khác nhau để gắn giáo dục, đào tạo với sử dụng lao động.