Xã hội hóa cung ứng dịch vụ công trong giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay có một số tác động tích cực sau:
Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của người dân. Hiện nay không chỉ tổng số dân của nước ta cao hơn rất nhiều so với trước đây mà nhu cầu học tập của mỗi người dân cũng tăng lên. Mỗi cá nhân không chỉ học các kiến thức phổ thông cơ bản mà còn học các kiến thức chuyên ngành, thậm chí là nhiều chuyên ngành khác nhau, ở các cấp độ khác nhau, ngoài ra còn học những kiến thức được coi là phương tiện phổ biến trong xã hội hiện đại như tin học, ngoại ngữ. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, số lượng người đang và sẽ theo học ở các loại hình trường, lớp khác nhau rất lớn. Với nhu cầu học tập lớn như vậy nếu chỉ nhà nước là người duy nhất cung ứng dịch vụ thì nhà nước không thể cung ứng đủ hoặc ít nhất cũng không thể cung ứng đủ các dịch vụ đó theo đúng nhu cầu của xã hội. Nhà nước không thể đầu tư vào giáo dục những khoản chi lớn đúng với yêu cầu của lĩnh vực này và hệ thống trường công cũng trở nên quá tải. Việc huy động các lực lượng xã hội khác tham gia cung ứng dịch vụ sẽ góp phần tạo nên sự cân bằng giữa cung và cầu, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội hiện đại.
Thứ hai, tạo nên sự cạnh tranh để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ được cung ứng. Nếu chỉ hệ thống trường công tồn tại thì dù có những cố gắng thực sự tích cực chất lượng của dịch vụ giáo dục, đào tạo cũng vẫn có
những hạn chế do trường công hoạt động hoàn toàn nhờ vào ngân sách nhà nước nên không tránh khỏi sự thụ động ở một mức độ nhất định, đồng thời không có sự so sánh giữa các dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau nên xã hội thiếu cơ sở để đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với hệ thống trường công, các trường công dễ bằng lòng với chất lượng dịch vụ của mình. Xét dưới góc độ tích cực, khi xuất hiện nhiều nhà cung cấp dịch vụ, việc cạnh tranh buộc các bên cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ để tồn tại, để có được chỗ đứng chắc chắn trong thị trường. Điều này không chỉ tác động đến các trường ngoài công lập - các trường phải tự trang trải mọi hoạt động bằng nguồn tài chính của mình - mà ngay cả hệ thống trường công lập dù ít bị sức ép từ vấn đề tài chính nhưng vì nhiều lí do khác cũng vẫn phải nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Thứ ba, tạo ra nhiều khả năng cho người sử dụng dịch vụ lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Khi nhà nước xóa bỏ bao cấp, chủ nghĩa bình quân không còn và kinh tế phát triển thì bắt đầu có sự phân hóa trong thụ hưởng các loại dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nhu cầu thụ hưởng dịch vụ ngày càng cao và đa dạng xét về nhiều khía cạnh như chất lượng dịch vụ, nội dung dịch vụ, phương thức cung cấp dịch vụ. Lựa chọn được đúng loại dịch vụ thích hợp không chỉ thỏa mãn nhu cầu của người thụ hưởng dịch vụ mà còn tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người thụ hưởng dịch vụ và cho cả xã hội do không phải chi trả cho những dịch vụ không đúng nhu cầu chỉ vì không có loại dịch vụ cần thiết. Việc nắm bắt kịp thời, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu này sẽ thuận lợi hơn nếu việc cung ứng dịch vụ không phải là độc quyền của nhà nước mà chịu sự chi phối của một số yếu tố của thị trường tự do trong đó nhu cầu của khách hàng được tính đến một cách hợp lí.
Thứ tư, huy động được nhiều lực lượng xã hội khác nhau tham gia và phát huy thế mạnh vốn có cùng giải quyết vấn đề chung của xã hội. Có thể nói không một cá nhân, tổ chức nào không ít hoặc nhiều liên quan đến giáo dục,
Vì vậy, mặc dù trách nhiệm chính thuộc về nhà nước nhưng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ trong giáo dục, đào tạo vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cả xã hội nói chung. Mỗi cá nhân, tổ chức đều có thể là người cung cấp, người thụ hưởng, người đánh giá, thẩm định dịch vụ hoặc đồng thời đóng các vai trò đó nên có khả năng và có nghĩa vụ đóng góp sức người, sức của, trí tuệ vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Sự tham gia của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước không chỉ làm giảm gánh nặng cho nhà nước mà còn tránh khả năng định hướng giáo dục, đào tạo không phù hợp với nhu cầu xã hội do nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện.
Cùng với những tác động tích cực nói trên, xã hội hóa cung ứng dịch vụ trong giáo dục, đào tạo cũng chứa đựng những nguy cơ cần được nhận thức và ngăn ngừa:
Thứ nhất, nhà cung cấp dịch vụ có thể chạy theo nhu cầu của xã hội mà xa rời mục tiêu chân chính của giáo dục, đào tạo. Mỗi loại hình giáo dục, đào tạo có mục đích cụ thể khác nhau nhưng đều có điểm thống nhất là trao truyền những kĩ năng sống cần thiết để con người trở thành thành viên hữu ích của xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu của người trực tiếp thụ hưởng dịch vụ giáo dục, đào tạo và những người có liên quan rất khác nhau, có nhu cầu chính đáng và nhu cầu không chính đáng, có nhu cầu trước mắt và nhu cầu lâu dài. Chẳng hạn, một số lượng đáng kể học sinh phổ thông và phụ huynh hiện nay chỉ chú ý làm thế nào để học sinh phổ thông thi đỗ vào các trường đại học nên họ chỉ tập trung vào học các môn học phục vụ cho việc thi tuyển sinh đại học mà không chú ý học các môn học khác bất chấp mục đích giáo dục toàn diện của nhà nước. Vì vậy, nếu trường nào không khắt khe với các môn phụ hay giáo viên dạy các môn phụ thả lỏng việc học các môn này cho học sinh thì rất dễ được học sinh và phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Hoặc, do việc tiêu chuẩn hóa cán bộ nên nhiều cán bộ, công chức muốn duy trì vị trí công tác hiện có hoặc để có được vị trí công tác tốt hơn thì phải có những loại bằng cấp tương ứng, từ đó dẫn đến hiện tượng học không để lấy kiến thức mà chỉ để lấy bằng cấp,
việc học hoàn toàn mang tính hình thức hay thường được gọi là học giả bằng thật. Nếu nhà nước không có cách quản lí thích hợp thì xã hội hóa cung ứng dịch vụ trong giáo dục, đào tạo khó tránh khỏi những trường hợp bị lệch lạc do đáp ứng những nhu cầu không chính đáng đó.
Thứ hai, việc kiểm soát chất lượng giáo dục, đào tạo khó khăn. Mối quan hệ giữa các trường ngoài công lập với các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục, đào tạo rất khác so với mối quan hệ giữa các cơ quan đó với trường công lập. Các cơ quan nhà nước không thể dùng những biện pháp giống nhau để kiểm soát chất lượng giáo dục, đào tạo của hai hệ thống trường này. Chẳng hạn, các biện pháp tổ chức có thể rất hữu hiệu đối với các trường công lập nhưng chắc chắn có nhiều hạn chế đối với các trường ngoài công lập, ngược lại, các biện pháp tài chính có thể phát huy giá trị đối với các trường ngoài công lập nhưng nếu áp dụng đối với các trường công lập thì lại có thể phản tác dụng. Đồng thời nhà nước cũng phải giải quyết mâu thuẫn giữa việc kiểm soát chặt chẽ và việc khuyến khích các trường ngoài công lập hoạt động. Nếu kiểm soát chặt chẽ thiếu hợp lí thì có thể hạn chế tính sáng tạo chủ động, linh hoạt, gây khó khăn cho hoạt động của các trường ngoài công lập. Ngược lại, nếu buông lỏng kiểm soát thì dễ dẫn đến sai phạm, chất lượng dịch vụ khó bảo đảm. Vì vậy, làm thế nào để kiểm soát được chất lượng giáo dục, đào tạo mà không tạo ra phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập là vấn đề không dễ dàng.
Thứ ba, làm sâu sắc thêm sự phân hóa trong thụ hưởng dịch vụ công trong giáo dục, đào tạo. Do không được ngân sách nhà nước trực tiếp đài thọ cho các hoạt động, hệ thống trường ngoài công lập phải tự thu, chi, đồng thời phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo năng lực cạnh tranh trên thị trường nên giá dịch vụ ở hệ thống trường ngoài công lập cao hơn so với trường công lập và có sự chênh lệch đáng kể ngay giữa các trường ngoài công lập với nhau. Thông thường, chất lượng dịch vụ càng cao thì giá dịch vụ càng
vụ có chất lượng cao và người có thu nhập thấp thì có ít khả năng lựa chọn dịch vụ cho mình. Và vì giáo dục, đào tạo là tạo nguồn nhân lực cho tương lai nên sự hạn chế trong lựa chọn dịch vụ đối với một bộ phận lớn dân cư không chỉ là sự thiệt thòi của chính họ mà còn là sự tổn thất cho chính xã hội.
Thứ tư, thương mại hóa giáo dục, đào tạo. Điều 2 Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao quy định nhà nước khuyến khích phát triển rộng rãi các cơ sở ngoài công lập “hoạt động không theo mục đích thương mại hóa” nhưng đây là nguy cơ khó ngăn chặn, vì: một là, các cơ sở ngoài công lập luôn có vốn góp của các cá nhân, tổ chức và các cá nhân, tổ chức này được chia lợi nhuận hoặc được phân phối phần chênh lệch giữa tổng số thu và tổng số chi của đơn vị trong năm tài chính sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho nhà nước, bổ sung nguồn vốn, chi tăng cường cơ sở vật chất, giảm mức thu phí…48 nên khó có thể khẳng định các cá nhân, tổ chức này vô tư với thu nhập của mình đến mức không gây nên một sức ép nào đối với hoạt động của cơ sở mà họ góp vốn;
hai là, giáo dục, đào tạo tạo ra sản phẩm phi vật thể, đó là tri thức, là kĩ năng sống, kĩ năng làm việc của người được giáo dục, đào tạo. Chất lượng thực sự của sản phẩm này thể hiện ở việc người học vận dụng những kiến thức, kĩ năng đó vào cuộc sống, vào công việc của mình. Tuy nhiên, việc vận dụng này lại phụ thuộc vào cả những yếu tố khác nữa và không phải kiến thức nào cũng có thể vận dụng trực tiếp hay sự vận dụng có thể thể hiện rõ để có thể đánh giá được dễ dàng và việc đánh giá còn phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, mục đích thụ hưởng dịch vụ của người đánh giá. Vì vậy, trên thực tế chất lượng giáo dục, đào tạo đôi khi được đánh giá dựa trên những dấu hiệu mang tính hình thức như điểm số trong quá trình học hay chứng chỉ, bằng cấp nhận được sau mỗi chương trình học. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến
48 Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, Nghị quyết 05/CP ngày 21/8/1997 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao
nguy cơ thương mại hóa giáo dục, đào tạo. Ông Mel Blunt cố vấn trưởng về kĩ thuật thuộc Dự án Hỗ trợ cải cách hành chính Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng phát biểu “Tôi nhận thấy xu hướng mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay là phân cấp, phân quyền và “xã hội hóa”. Đây là xu hướng đúng, nhưng trong lĩnh vực dịch vụ công, cơ chế thị trường chưa hẳn là cách tốt nhất để cung cấp những dịch vụ cơ bản. Việc cung cấp các dịch vụ của nhà nước thường chú trọng đến chất lượng, nhưng lại có quá ít sự lựa chọn.
Còn việc cung cấp các dịch vụ theo cơ chế thị trường lại ít quan tâm đến chất lượng, mà chú trọng đến lợi nhuận thu được”49.