CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu thực tiễn
1.1.2.1. Công trình của các tác giả nước ngoài
Ứng xử với MTTN là một mảng nghiên cứu rộng lớn và từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Năm 1922, Bronislaw Malinowski là người khởi xướng cho quan điểm phản thực chứng, ông đã có những mô tả, diễn giải ý nghĩa của những hiện tượng văn hoá trong một bối cảnh cụ thể. “Thực chất của Kula” (The Essentials of the Kula) là chương thứ ba trong chuyên khảo “Nhà hàng hải Tây Thái Bình Dương” (Agronauts of the Western Pacific) đã được viết dưới góc độ là người trong cuộc. Trong chuyên khảo này, Malinowski đã thảo luận về các luật tục trao đổi kula, những thông tin về ca-nô, chèo thuyền, những nghi lễ và ma thuật liên quan đến ca-nô. Tiếp theo đó, ông đưa ra các thông tin chi tiết và cụ thể hơn về những nội dung đã nêu, bao gồm các chuyến hải hành bằng ca-nô, kula và ma thuật. Malinowski đưa ra giả thuyết là khi người Trobriand đánh cá gần bờ và sử dụng các ngư cụ thô sơ thì họ không cần đến ma thuật. Nhưng khi họ đánh bắt xa bờ, mức độ nguy hiểm càng gia
tăng thì họ sẽ dùng đến các biện pháp ma thuật nhằm trấn an tinh thần. Với lý thuyết chức năng cùng với chất liệu nghiên cứu về cách thích nghi với tự nhiên, Malinowski đã chỉ ra các nguyên nhân và chức năng của ma thuật qua các loại hình sinh kế (L.Warms, R.Jon MC. Gee- Richard, 2010).
Nghiên cứu thực tiễn thứ hai được chúng tôi tiếp cận là nghiên cứu của tác giả E.E. Evans – Pritchard. E.E. Evans – Pritchard là người đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu về người Nuer trong công trình “The Nuer” công bố năm 1940.
Với điều kiện sinh thái của mình, người Nuer ở Sudan sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi; bên cạnh đó, họ cũng săn bắn, đánh bắt, hái lượm trái dại và củ rễ. Tuy đa dạng sinh kế nhưng người Nuer nhận thức rằng dinh dưỡng từ thịt gia súc là lớn hơn cả, nó giúp cho mắt của họ tốt hơn; vì thế, dù khi có nền kinh tế pha tạp nhưng người Nuer vẫn sống bằng nghề chăn nuôi súc vật. Evans – Pritchard đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ sinh thái học với tổ chức xã hội. Điều này đã khiến cho ông được xem là người tiên phong của ngành sinh thái học hiện đại. Với nghiên cứu này, chúng tôi tiếp cận kế thừa về phương pháp nghiên cứu và kể cả những ứng dụng nghiên cứu.
Mặc dù, về không gian (miền Đông Châu Phi), tộc người (người Nuer) trong nghiên cứu của Evans – Pritchard không giống với không gian (ĐBSCL) và tộc người (người Khmer) nhưng nghiên cứu này vẫn có giá trị đáng kể để chúng tôi kế thừa bởi quan điểm sinh thái học hiện đại. Người Khmer ở ĐBSCL mặc dù bối cảnh, môi trường sống không giống với người Nuer những cách họ lựa chọn trong sinh kế, cách họ tương tác với MTTN để có thực phẩm thì gần giống như nhau, đặc biệt giống nhau ở điểm khi họ có sự đa dạng về kinh tế những họ cũng rất coi trọng trồng trọt và chăn nuôi (L.Warms, R.Jon MC. Gee- Richard, 2010).
Nghiên cứu thực tiễn thứ ba được chúng tôi kế thừa là công trình của tác giả Julian Steward - người đã đặt nền móng cho thuyết sinh thái văn hóa (Cultural ecology) và đề ra khái niệm thích nghi với môi trường. Sinh thái văn hóa là sự thích nghi của con người với MTTN theo những cách khác nhau và sáng tạo ra những giá trị văn hóa đa dạng. Julian Steward cho rằng: “những nền văn hóa trong cùng môi trường phát triển có xu hướng theo những chuỗi phát triển giống nhau và lập thành công thức tương tự nhau đáp ứng với những thay đổi của môi trường” (L.Warms, R.Jon MC.
Gee- Richard, 2010), tr 319. Để chứng minh cho lý thuyết của mình, Steward đã có nghiên cứu về nhóm người Shoshoni và người Bushmen. Với người Shoshoni, do điều
kiện vật chất (săn bắn) đã làm xuất hiện các hình thái xã hội phụ hệ. Steward giả định về những khác biệt sinh học giữa nam và nữ để giải thích nguồn gốc chế độ phụ hệ.
Theo đó, với đặc thù kiếm sống (săn bắn) cần dùng sức lực cơ bắp nên người đàn ông đóng vai trò quyết định trong việc tìm kiếm thức ăn và từ đó đã hình thành chế độ phụ hệ.
Với nghiên cứu về người Bushmen, Steward lại cho rằng những hạn chế về môi trường như đất đai khô cằn, không sinh lợi đã ảnh hưởng đến cư trú và hình thành nhóm gia đình theo chế độ phụ hệ. Thuyết tiến hóa của Steward là thuyết tiến hóa đa tuyến vì theo ông, văn hóa có thể tiến triển theo nhiều mô hình khác nhau bất kỳ, tùy thuộc vào các hoàn cảnh môi trường của chúng. Ông nhấn mạnh đến sự thích nghi của văn hóa cá nhân với những điều kiện môi trường riêng biệt. Theo ông, những nền văn hóa trong những môi trường tương tự nhau sẽ có xu hướng phát triển theo những quá trình giống nhau và sẽ tạo nên những đáp trả tương tự đối với những thách thức của môi trường. Ông gọi những đặc điểm văn hóa đó kết hợp chặt chẽ với những phong tục là hạt nhân văn hóa.
Dự báo về những thách thức với MTTN của những công dân toàn cầu được hai tác giả Aurelio Peccei và Daisaku Ikeda nêu lên trong quyển “Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỉ XXI”. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, cả thế giới tiến vào một giai đoạn mới và ngỡ rằng đã làm chủ được tất cả khi khoa học công nghệ phát triển một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn có những hiện tượng nằm ngoài tầm với của nhân loại đó là sự phản ứng trở lại của tự nhiên khi hàng loạt các thiên tai trên thế giới liên tục xảy ra đó là: hạn hán, lũ lụt, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... Tác phẩm cung cấp cho chúng tôi những điểm nhìn tham chiếu, giúp có sự liên tưởng đến những thách thức của các tộc người thiểu số trước những dự báo mang tính toàn cầu là những vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày một phức tạp hơn ở ĐBSCL (Aurelio Peccei – Daisaku Ikeda , 1993).
Trên cơ sở thực địa Châu Á, Bức khảm văn hóa Châu Á tiếp cận Nhân học do Grant Evant (chủ biên) xuất bản năm 2001 là tập hợp những phần trình bày thú vị về hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của ngành nhân học. Công trình giúp chúng tôi nhận biết sự tương đồng và khác biệt trong sự đa dạng văn hóa của các dân tộc ở Châu Á trong đó có Việt Nam. Dưới góc tiếp cận nhân học kinh tế, tác giả John Clammer với nghiên cứu “Ngư dân, dân du canh, người bán hàng rong, nông dân và
dân chăn nuôi” đã trình bày về sự gắn kết giữa kinh tế với sự hiểu biết về sinh thái. Sự hiểu biết và tôn trọng tự nhiên sẽ quyết định đến sự tác động vào tự nhiên và từ đó tạo ra các hiệu quả kinh tế, thói quen kinh tế của tộc người (Grant Evant , 2001).
“Địa đàng ở Phương Đông” của Stephen Oppenheimer (2005) là một công trình đưa ra các giả thuyết về quá trình biển dâng, biển lùi ở Đông Nam Á. Những trận đại hồng thủy, nguồn gốc thủy tổ của một số tộc người có sự tương đồng nhau giữa các tộc người trên thế giới. Dù những giả thuyết của Stephen Oppenheimer – một bác sĩ, nhà thám hiểm, nhà dân tộc học vẫn còn nhiều điều cần trao đổi khi đã tuyên bố Đông Nam Á là nơi khởi nguyên của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, câu chuyện chúng tôi quan tâm là thủy tổ, cách giải mã nguồn gốc tộc người liên quan đến nước và cách ứng xử của cư dân Đông Nam Á với tự nhiên được tác giả đề cập.
Dựa trên quan điểm này, chúng tôi có thể giải mã, lý giải một số phong tục liên quan đến nước của người Khmer - một tộc người có lịch sử cư trú lâu đời ở Đông Nam Á (Oppenheimer, 2005).
Lévy Bruhl trong công trình “Kinh nghiệm thần bí và các biểu tượng ở người nguyên thủy” (2008) đã có những phân tích sâu sắc về tư duy của người nguyên thủy.
Theo đó, trong quá trình tác động vào tự nhiên để sinh sống như bắt cá hay săn mồi người nguyên thủy xem đó là điềm may rủi và ma thuật. Những sự bất thường trong cuộc sống khi xảy ra với họ, điều họ bận tâm hàng đầu là yếu tố bất thường và may rủi. Chẳng hạn như khi họ bị mất mùa, không có mưa hay không đủ nước, con mồi lẩn trốn các thợ săn, con cá lẫn trốn những ngư dân, phụ nữ trong nhóm người vẫn vô sinh, trẻ em chết yểu…. người nguyên thủy lập tức kết luận họ là nạn nhân của những rủi ro hay do một thế lực xấu nào đó ám hại họ. Và đặc biệt là khi cơ may đến, họ lại chẳng nghĩ ngợi nhiều. Khi xảy ra những biến cố, những rủi ro mới khiến người nguyên thủy nghĩ tới những yếu tố may rủi và ma thuật. Có thể thấy rằng, từ trong tư duy thô sơ của người nguyên thủy, trước tác động của môi trường họ cho rằng đó là sự tác động của những đấng siêu nhiên, đầy huyền năng và cần phải ứng xử trở lại bằng những hành động ma thuật (Bruhl, 2008).
Năm 2008 tác giả Trịnh Hiểu Vân đã xuất bản công trình Văn hóa nước. Đây là công trình khá chi tiết về cách ứng xử với nước của người Thái dưới cách tiếp cận văn hoá sinh thái. Nước không chỉ là nguồn sống thiết yếu mà gắn với nó là những yếu tố linh thiêng. Người Thái vừa tôn kính vừa sợ hãi nước và có hẳn những luật tục để bảo vệ nguồn nước. Trịnh Hiểu Vân đã phác thảo một nét khái quát văn hoá nước của
người Thái với việc bảo vệ môi trường nước hiện nay. Từ quan niệm về nước, mối quan hệ của nước với cư trú, sinh kế, yếu tố nước trong tôn giáo tín ngưỡng và nước trong đời sống xã hội, sự ảnh hưởng của văn hoá nước với môi trường nước. Qua đó, cần phải xây dựng văn hoá nước với những giá trị mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Xây dựng được văn hoá nước sẽ giúp con người ý thức được giá trị cũng như sự cân bằng giữa con người với tự nhiên: cần phải yêu quý nước, tôn kính nước và bảo vệ môi trường nước (Trịnh Hiểu Vân, 2008).
Những công trình nghiên cứu về ứng xử với nguồn tài nguyên nước, đất và rừng phần nào cho thấy được tình hình nghiên cứu văn hóa sinh thái của các tác giả trên thế giới từ trước đến nay rất quan tâm. Những công trình nghiên cứu này đã có sự đóng góp lớn cho hướng nghiên cứu về văn hóa sinh thái và cũng là nguồn tài liệu quan trọng cho chúng tôi tham khảo và so sánh khi nghiên cứu về ứng xử với MTTN trong văn hóa của người Khmer ở ĐBSCL. Các tài liệu về sinh thái văn hóa của các tác giả ngoài nước mặc dù về điểm chọn nghiên cứu, không gian nghiên cứu của các tác giả khác với không gian ĐBSCL của Việt Nam nhưng đây là những cứ liệu quý giá có ý nghĩa rất nhiều giúp chúng tôi tham khảo về phương pháp và thao tác trong quá trình thực hiện luận án.