Một số khái niệm

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 37 - 44)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.2.1. Một số khái niệm

Văn hoá là một khái niệm có nội hàm rất rộng. Đến nay đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá. Có thể nói, tuỳ vào quan điểm tiếp cận, tuỳ vào chuyên ngành tiếp cận mà mỗi định nghĩa về văn hoá sẽ có những nội hàm khác nhau. Văn hoá thực sự được nghiên cứu từ rất sớm tuy nhiên đến năm 1871 khái niệm văn hoá mới được nêu lên bởi nhà nhân học Edward B. Tylor trong công trình Văn hoá nguyên thuỷ: “Văn hoá hay văn minh, hiểu theo ý nghĩa dân tộc bao quát của nó, là một tổng thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và bất cứ năng lực và tập quán nào được lĩnh hội bởi con người với tư cách thành viên của xã hội” (Edward B. Tylor , 2000), tr. 13. Theo định nghĩa này, Tylor chưa phân biệt sự khác nhau giữa văn hoá và văn minh và đồng nhất văn hoá với văn minh trong khi cách hiểu hiện nay về văn hoá lại có sự phân biệt khác nhau rõ rệt văn hoá và văn minh. Văn hoá là tất cả những hoạt động của con người, nằm ngoài và khác với tự nhiên.

Ở Việt Nam, học giả Đào Duy Anh cho rằng: “hai tiếng văn hoá chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng:

Văn hoá tức là sinh hoạt (Đào Duy Anh , 2003).

Trần Ngọc Thêm đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm, 2006), tr. 25.

Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá nhưng có thể tạm quy về hai loại Văn hóa hiện theo nghĩa rộng như lối sống, lối suy nghĩ, lối ứng xử… Văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp như văn học, văn nghệ, học vấn và tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có những định nghĩa khác nhau. Ví dụ, xét từ khía cạnh tự nhiên thì văn hóa là “cái tự nhiên được biến đổi bởi con người” hay “tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa”. Văn hoá chính là sản phẩm của con người. Con người thoát khỏi tự nhiên khi nào thì từ đó có sự xuất hiện của văn hoá (Nguyễn Từ Chi , 2003), tr. 55.

Từ các định nghĩa khác có thể thấy có 3 cách hiểu nhau về văn hoá:

Thứ nhất: văn hoá được hiểu là những phong tục, nếp sống và kiểu định nghĩa này đại diện là của E. B. Tylor.

Thứ hai: văn hoá được hiểu là sự ứng xử trong đó có sự khác nhau giữa văn hoá ứng xử với xã hội và văn hoá ứng xử với tự nhiên. Dạng định nghĩa này chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa con người và tự nhiên, con người là một cá thể không tách bạch với tự nhiên mà nương tựa vào tự nhiên, từ tự nhiên, thoát khỏi tự nhiên và tạo ra các giá trị văn hoá. Đại diện cho dạng định nghĩa này là các định nghĩa của các tác giả Trần Ngọc Thêm và Nguyễn Từ Chi.

Thứ ba: văn hoá là những sinh hoạt bao gồm các tập tục, phong tục, tín ngưỡng và các thói quen của con người. Đây là cách hiểu tiêu biểu mà Đào Duy Anh đã sử dụng.

Mỗi định nghĩa, mỗi cách tiếp cận đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau.

Các cách tiếp cận không mâu thuẫn nhau mà hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tuỳ vào đối tượng nghiên cứu, bối cảnh nghiên cứu mà có thể dựa và cách tiếp cận nào cho phù hợp. Trong luận án này, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận văn hoá là sự ứng xử (behaviour).

Văn hoá là một chỉnh thể. Văn hoá không thể tồn tại biệt lập nếu không có các yếu tố tạo thành như con người và môi trường tác động. Theo cách tiếp cận này, Trần Ngọc Thêm chia văn hoá thành 4 thành tố: văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức, văn hoá ứng xử với MTTN, văn hoá ứng xử với môi trường xã hội.

Đây là cách tiếp cận hợp lý và phù hợp với đề tài. Xét về định nghĩa văn hoá, Nguyễn Từ Chi cho rằng văn hóa là “cái tự nhiên được biến đổi bởi con người” hay

“tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa”; hay Trần Ngọc Thêm “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Trong hai định nghĩa này đều nhắc đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Con người sống và tồn tại qua quá trình tác động vào tự nhiên, biến đổi tự nhiên để tạo ra các giá trị phục vụ con người. Các giá trị đó chính là văn hoá. Con người sống cần các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở và đi lại, con người tác động vào tự nhiên

(thực vật, động vật, nước, đất…) để tạo ra thức ăn, làm nhà để ở, tạo ra trang phục để che thân và để ứng phó với thời tiết, khí hậu.

1.2.1.2. Văn hóa ứng xử (behaviour)

Từ ứng xử trong tiếng Anh là Behaviour (từ điển Anh – Anh), Behavior (từ điển Anh – Mỹ): là cách ai đó đối xử với con người, động vật, thực vật và các hoạt động khác trong những trường hợp nhất định.

Ứng xử (behaviour) còn được một số học giả ở Việt Nam cho là “hành vi”.

Nếu đối với động vật, các nhà sinh học Việt Nam có lúc dịch là “hành vi”, khi khác cho là “tập tính”.

Ứng xử (behaviour) còn được nghiên cứu dưới góc độ tâm lý học. Tâm lý học ứng xử buổi đầu được đại diện bởi thuyết ứng xử (Behaviourism) đầu thế kỉ XX. J.B.

Watson cho là chỉ nên quan sát mối kích động bên ngoài đã gây ra phản ứng (ứng xử bằng hành động nào đó) tác động qua lại giữa chủ thể và MTTN, môi trường xã hội.

Watson và các nhà hành vi chủ nghĩa đã bỏ qua những suy diễn về nội tâm mà hầu như chỉ xét đến hành vi máy móc (P. Wesley Schultz , 2002).

Quan niệm giản đơn hơn của trường phái thuyết ứng xử Mỹ sau này được điều chỉnh trong khuynh hướng tâm lí ứng xử của B.F. Skinner đã vận dụng thêm những khái niệm ngôn ngữ, tư duy, ý thức một cách khách quan. Theo ông, những kích động bên ngoài không tạo ra phản ứng (ứng xử) một cách máy móc mà chỉ có tác dụng chuyển lực những tiềm năng. Thuyết tâm lí ứng xử được vận dụng để nghiên cứu ứng xử tự nhiên và xã hội của con người (P. Wesley Schultz , 2002).

Trong xã hội học, ứng xử dùng để chỉ cách hành động (và nói) như thế nào đó của một vai trò xã hội này đối diện với một vai trò khác. Và đó là những hành động hoặc gọi là phản ứng theo một cách tương đối. Ứng xử không chỉ giới hạn các vai trò xã hội với nhau còn ứng xử với mình, ứng xử với đồ vật, với tự nhiên (Barker, 2011).

Bên cạnh những nghiên cứu về ứng xử như là những hành vi, tác động còn có những nghiên cứu về ứng xử như là lối sống, trong một chừng mực nhất định, là cách ứng xử của những người cụ thể của môi trường sống. Môi trường là cái khách quan quy định, là điều kiện khách quan trực tiếp tác động và ảnh hưởng đến lối sống của con người, của các nhóm xã hội và cộng đồng dân cư (Phạm Đức Dương , 2013).

Một quan điểm khác cũng xem ứng xử như một hệ giá trị, như là phép đo chuẩn mực trong quá trình tương tác giữa con người với con người và giữa con người với ĐBSCL. Như Hồ Sĩ Vịnh cho rằng “Văn hoá ứng xử là một bộ phận của văn hoá đạo

đức và nhân cách con người. Đó là những hành vi, lời nói, phương thức tiến hành một cách văn minh, lịch sự, đẹp, thích hợp trong việc giao tiếp với gia đình, cộng đồng xã hội, đối với môi trường sinh thái và MTTN (Hồ Sĩ Vịnh, 2006), tr. 67.

Với phương pháp hệ thống cấu trúc – loại hình, Trần Ngọc Thêm cho rằng các giá trị văn hoá gồm có 3 loại: văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức và văn hoá ứng xử.

Văn hoá ứng xử xét về đối tượng ứng xử có thể chia thành văn hoá ứng xử với MTTN và văn hoá ứng xử với môi trường xã hội. Cụ thể là “Cộng đồng người (chủ thể văn hoá) hiển nhiên là tồn tại trong quan hệ với hai loại môi trường – MTTN (thiên nhiên, khí hậu,...) và môi trường xã hội (các dân tộc, quốc gia láng giềng)”. Con người không thể nào sống ngoài MTTN và môi trường xã hội. Sự tác động vào MTTN là một sự thích nghi. Sự thích nghi này nếu tương hợp sẽ tận dụng để tạo ra các giá trị trong ăn, mặc, ở và đi lại; nếu không tương hợp sẽ ứng phó như ứng phó với thời tiết, với khoảng cách và với những điều kiện không có lợi cho con người hay cụ thể hơn là ứng phó với những yếu tố phi giá trị của con người (Trần Ngọc Thêm, 2006), tr 26.

Như vậy, ứng xử (behaviour) từng là đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành khác nhau như tâm lý học, sinh học, xã hội học v.v. và trong chuyên ngành văn hoá học, ứng xử được nghiên cứu như một “hành vi” tạo nên một thói quen trong tâm tính một tộc người. “Hành vi” này cần trải qua một thời gian nhất định, được cộng đồng tộc người công nhận và trở thành đặc trưng văn hoá của tộc người đó.

Văn hoá ứng xử là hệ thống các quan hệ tương tác, các phản ứng được thực hiện bởi con người để thích nghi với môi trường (tự nhiên và cộng đồng). Qua sự tương tác, tác động để thích nghi hay để ứng phó sẽ tạo ra các giá trị văn hoá. Kế thừa nghiên cứu về văn hoá ứng xử của các tác giả đi trước, khái niệm văn hoá ứng xử với MTTN được sử dụng để nghiên cứu cho luận án này theo chúng tôi là: Văn hoá ứng xử với MTTN là sự thích nghisự ứng phó với MTTN để tạo ra các giá trị văn hoá.

1.2.1.3. Môi trường tự nhiên (environment)

Môi trường - environment (từ điển Anh - Anh) có nghĩa là những điều kiện ảnh hưởng đến cách cư xử, sự phát triển của ai đó hoặc cái gì đó, những điều kiện vật lý mà ai đó hoặc cái gì đó tồn tại bên trong nó. Một thế giới tự nhiên mà ở đó con người, động vật và thực vật sinh sống.

Tự nhiên - nature (từ điển Anh - Anh) có nghĩa là tất cả thực vật, động vật, thực thể tồn tại ở toàn cầu và không được tạo nên bởi con người. Tự nhiên có một phạm vi

bao quát rộng lớn: vũ trụ, thiên hà, thế giới vật lý, thế giới sinh học. Đó là đá, đất, nước, không khí, quặng, các chất trong hành tinh, ngoài hành tinh, trên mặt đất, dưới lòng đất, biển, ao, hồ... và tất cả các sinh vật kể cả con người. Song hành cùng mối quan hệ xã hội, với chính mình và với quá khứ (hay lịch sử, hoặc còn gọi là chiều tâm linh), mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là một nội dung rất quan trọng của đời sống văn hóa. Con người tồn tại và phát triển trong, cùng và với MTTN.

Con người tồn tại trong tự nhiên, cùng phát triển với MTTN, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng là một mặt cơ bản của đời sống văn hóa. Vật chất trong con người do MTTN cung cấp, không khí con người hít thở, nước con người uống đều lấy từ MTTN, thức ăn của con người cũng vậy. Tự nhiên đang thay đổi chậm chạp và điều đó có liên quan đến con người trong mọi lĩnh vực hoạt động. Vấn đề cơ bản là xác định vị trí con người trong tự nhiên và mối quan hệ của con người với tự nhiên.

Con người cũng có phần tự nhiên (bản năng, bẩm sinh...) và con người bao giờ cũng phải sống với tự nhiên.

Như vậy, tự nhiên là cái đương nhiên tồn tại, không phải do ý muốn, hiểu biết và sáng tạo của con người. Môi trường là một phần của ngoại cảnh, bao gồm những thực thể - hiện tượng tự nhiên mà cơ thể, quần thể, loài (quần xã) có quan hệ trực tiếp, trước hết bàng các mối quan hệ thích nghi, rồi sau đó mới là biến đổi. MTTN là một bộ phận trong môi trường lớn, là tổng thể các nhân tố tự nhiên xung quanh chúng ta như bầu khí quyển, nước, thực vật, động vật, thổ nhưỡng, nham thạch, khoáng sản, bức xạ mặt trời...

Vậy, MTTN là gì?

Theo quan niệm sinh học: MTTN được coi là tất cả những gì bao quanh các sinh thể, gồm các yếu tố vô sinh và hữu sinh có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự sống, sự tồn tại, phát triển và sinh sản của sinh vật (môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, môi trường bức xạ, ánh sáng, nhiệt độ và môi trường sinh vật).

Mọi sinh vật luôn có xu hướng thích nghi và biến đổi.

Tóm lại, MTTN là nơi các quá trình sống phải thích nghi và bảo tồn. Trong MTTN có sự vận động của các quy luật vật lý giữa đất, nước, không khí và sự tương tác giữa các vật thể vật lý, các sinh thể. Sự thích nghi là một loại hình ứng xử và để tồn tại, mọi sinh vật đều dựa vào tự nhiên, có quan hệ với môi trường sống chung quanh.

1.2.1.4. Văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên

Văn hoá ứng xử với MTTN đã được quan tâm trong những nghiên cứu về văn hoá. Như Nguyễn Xuân Kính (2003) từng cho rằng:

Con người tồn tại trong môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn và môi trường xã hội. Trong đó, môi trường sinh thái tự nhiên là không khí, ánh sáng, mặt trời, gió, mưa, nóng, lạnh, núi, rừng (tự nhiên),...

là chưa có sự tác động, chưa có dấu ấn bàn tay và trí não của con người;

Môi trường sinh thái nhân văn là môi trường sinh thái đã có sự tác động của con người: nhà ở, công viên, ao hồ, sông đào, rừng do con người trồng, đê do con người đắp..; Môi trường xã hội là mối quan hệ và liên hệ giữa các cá thể người, là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người với người. Con người sống trong môi trường, tác động vào môi trường và có thể làm biến đổi môi trường (Nguyễn Xuân Kính, 2003) tr. 9.

Với cách tiếp cận lịch sử - văn hóa, địa - văn hóa, Trần Quốc Vượng đã có những nghiên cứu về vấn đề môi trường qua các vùng miền ở Việt Nam. Tác giả đã có nghiên cứu về triết lý môi trường và cho rằng:

Con người muốn tồn tại phải có môi trường sống. Một văn hoá muốn phát triển không thể thiếu điều kiện tự nhiên - với cảnh quan và môi trường sinh thái.v.v. Nghiên cứu một tộc người không thể nghiên cứu tách biệt như một thực thể độc lập, không gắn gì với môi trường văn hoá là không được (Trần Quốc Vượng, 2005) tr.14.

Khi nghiên cứu về văn hóa và văn hóa Việt Nam với cách tiếp cận hệ thống - loại hình, Trần Ngọc Thêm cũng đã chỉ ra văn hoá ứng xử với MTTN. Theo Trần Ngọc Thêm, nền văn hoá phương Đông và phương Tây có sự đối lập nhau trong cách ứng xử với MTTN. Người phương Đông thuộc văn hoá trọng tĩnh, thiên về văn hoá gốc nông nghiệp nên cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên đã có ý thức tôn trọng tự nhiên và hướng đến sống hòa hợp với tự nhiên. Như người Việt Nam hay có câu cửa miệng là

“lạy trời’’, “ơn trời’’, “nhờ trời’’: “Lạy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp’’; “Ơn trời mưa nắng phải thì, Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu’’ (Trần Ngọc Thêm, 2006) tr. 39.

Phạm Đức Dương với nghiên cứu “Con người và môi trường từ góc nhìn văn hóa học” đã chỉ ra mối quan hệ gắn kết giữa con người và tự nhiên. Trong đó, tác giả

trình bày quan niệm về tự nhiên có sự khác biệt trong nền văn hóa phương Tây và phương Đông. Người phương Đông với truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước nên cần nương nhờ vào tự nhiên và từ đó có cách ứng xử hài hòa với tự nhiên. Cách ứng xử với tự nhiên đã trở thành nhân tố mang tính quyết định đối với nhân cách văn hóa - một hệ giá trị đạo đức khu biệt với giá trị sử dụng và gắn chặt hơn với giá trị thẩm mỹ và được đo bằng những thước đo của hệ thống bậc thang giá trị với những chuẩn mực được xã hội thừa nhận (Phạm Đức Dương, 2002).

Khi nghiên cứu về văn hoá tộc người, Ngô Văn Lệ cũng có đề cập đến mối liên hệ giữa hệ sinh thái và tộc người, mối liên hệ biện chứng của sự phát triển giữa con người và tự nhiên. Mỗi tộc người được hình thành và phát triển trên một lãnh thổ với những điều kiện địa lý tự nhiên nhất định. Điều kiện tự nhiên nơi tộc người đó sinh sống chi phối ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tộc người, được thể hiện qua các yếu tố văn hóa vật chất văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội (Ngô Văn Lệ, 2003).

Trong buổi bình minh lịch sử nhân loại, khi con người chưa có khả năng khắc phục những trở ngại do thiên nhiên gây ra thì chính những yếu tố địa lý tự nhiên ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành các chủng tộc và phân bố dân cư. Những điều kiện địa lý nơi tộc người cư trú có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, không chỉ trong quá khứ, khi khả năng khắc phục còn hạn chế mà ngay cả trong thời đại hiện nay, khi con người được sự giúp sức của các thành tựu khoa học.

Trong những nghiên cứu trước đây, ta thường chỉ xem xét và coi trọng mối quan hệ giữa con người với con người và xem thường mối quan hệ giữa con người và MTTN. Tuy nhiên, từ trong thực tế xa xưa, con người đã rất ý thức mối quan hệ giữa con người và MTTN, đã biết khai thác những nguồn lợi của thiên nhiên để tồn tại và phát triển, nhưng không phải khai thác đến mức kiệt quệ mà thường kết hợp một cách hài hòa giữa khai thác và bảo vệ. Các tộc người thường có những quy định khá chặt chẽ cho các thành viên của họ trong quá trình khai thác và săn bắt, ví dụ như cộng đồng chỉ được chặt những loại cây nào, săn những loại thú nào. Thành viên cộng đồng nào vi phạm sẽ bị căn cứ vào những luật tục để xét xử. Những biện pháp như vậy có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ sinh thái nơi các tộc người sinh sống, tạo nên sự gắn bó, sự hài hòa giữa con người và MTTN.

Từ khi chuyển từ hoạt động kinh tế chiếm đoạt sang hoạt động kinh tế sản xuất là lúc bắt đầu những tác động tiêu cực của con người với môi trường xung quanh. Do sự gia tăng về dân cư nên nhu cầu lương thực ngày một nhiều dẫn đến khai thác đất đai một

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)