CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu
1.2.2.1. Thuyết sinh thái văn hoá (cultural ecology)
Sinh thái văn hoá (cultural ecology) là một thuật ngữ tương đối còn khá mới trong ngành nghiên cứu văn hoá. Để đi đến lý thuyết về sinh thái văn hoá cần điểm qua những tiền đề đã dẫn đến sự xuất hiện và những tên tuổi đã đề ra lý thuyết này.
Trước hết phải kể đến lý thuyết vùng văn hoá (culture area). Vùng văn hóa là khái niệm chỉ một vùng lãnh thổ, một khu vực địa lý có sự tương đồng về môi trường tự nhiên; có quá trình lịch sử lâu dài, ở đó có các dân tộc cư trú khá lâu đời và trong
quá trình đó ngoài bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc còn giữ được, còn thể hiện sự tương đồng chung về kinh tế, văn hóa, xã hội nên đã tạo thành sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng. Thuyết vùng văn hoá đã xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ XX tại Mỹ.
Từ những ý kiến của F. Boas (đánh giá thấp thuyết khuếch tán văn hoá), các nhà nhân chủng học C. Wissler và A.L.Kroeber đã phản đối thuyết khuếch tán văn hoá (cultural diffusion) và đề ra thuyết vùng văn hoá. Tìm hiểu vùng văn hóa có thể thấy được dấu ấn văn hóa của con người, thấy được đặc trưng văn hóa của con người trong quá trình lịch sử và trên một vùng không gian cụ thể. Qua đó có thể phân biệt được văn hóa của vùng này với vùng khác, so sánh những yếu tố văn hóa nào tương đồng, những yếu tố nào dị biệt. Qua nghiên cứu vùng văn hóa, người ta có thể thấy được sự thích nghi của con người với MTTN, sự thích nghi với hệ sinh thái, nơi mà con người sinh sống lâu đời cũng như sự thích nghi của họ với môi trường xã hội mà họ cùng sinh sống (Barker, 2011).
Từ những nghiên cứu tiền đề của A. L. Kroeber, một người học trò của ông là Julian Steward đã có sự phát triển và đề xuất thuyết sinh thái học văn hóa (cultural ecology). Mặc dù từng học A. Kroeber nhưng J. Steward lại thuộc trường phái phê phán phương pháp thực chứng cá biệt của chủ nghĩa lịch sử vốn được F. Boas đặt nền móng và A. Kroeber phát triển. Khác với quan điểm thực chứng cá biệt, J. Steward quan tâm đến những đặc tính chung của các nền văn hóa cách xa nhau về địa lý. Về tiến hóa luận, ông phê phán thuyết tiến hóa đơn hệ của Morgan và thuyết tiến hóa chung của L. White. Theo ông, mỗi nền văn hóa có cách tiến hóa khác nhau tùy thuộc vào những điều kiện đặc thù của nền văn hóa đó. Để chứng minh điều này, ông tiến hành nghiên cứu so sánh các cách tiến hóa của nhiều nền văn hóa qua phân tích quá trình phát triển lịch sử của mỗi nền văn hóa. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của môi trường trong sự biến đổi mang tính tiến hóa của văn hóa. Ông gọi nghiên cứu của mình là sinh thái học văn hóa (cultural ecology) và nghiên cứu văn hóa theo lập trường của tiến hóa đa hệ.
J. Steward là người có sự quan tâm đến mối quan hệ tương tác giữa con người, môi trường, kỹ thuật, cấu trúc xã hội cũng như cách thức tổ chức công việc. Ông đã dành nhiều thời gian để tiến hành nhiều đợt điền dã khảo cổ ở California, Nevada, Idaho và Oregon. Từ năm 1935, J. Steward xuất bản nhiều công trình có giá trị, trong đó có công trình Các nhóm chính trị xã hội thổ dân vùng thung lũng-cao
nguyên (Basin-Plateau Aboriginal Sociopolitical Groups), xuất bản năm 1938 và đến năm 1955 xuất bản công trình Lý thuyết về biến đổi văn hóa – Phương pháp luận về tiến hóa đa hệ (Theory of Cuture Change – The Methodology of Multilinear Evolution) thể hiện khá đầy đủ lý thuyết về sinh thái học văn hóa, đánh dấu bước chuyển biến mới của nền nhân loại học Mỹ (L.Warms, R.Jon MC. Gee- Richard, 2010).
Thuyết tiến hóa đa tuyến do Steward đề xuất là một nỗ lực để tránh tính phổ quát và những quan điểm mơ hồ của thuyết tiến hóa đơn tuyến. Tiến hóa đa tuyến tránh các khó khăn đó bằng cách thừa nhận những quỹ đạo đa dạng của tiến hóa công nghệ và xã hội ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Những quỹ đạo đó về cơ bản bị giới hạn bởi các thực trạng sinh thái, bởi những quyết định mang tính lịch sử về công nghệ và những yếu tố hạn chế của MTTN có tầm quan trọng hơn rất nhiều. Do đó, thuyết tiến hóa đa tuyến gắn chặt với tư tưởng của sinh thái học văn hóa.
Thuyết tiến hóa đa tuyến của J. Steward thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn đối lập với thuyết tiến hóa chung của L. White, nhưng thực ra có không ít điểm tương đồng, đó là cùng tiếp nhận quan điểm về tiến hóa, cùng đặc biệt coi trọng kỹ thuật, xem đó như là chìa khóa để hiểu tính đa dạng của văn hóa và tổ chức xã hội. Thuyết tiến hóa đa tuyến của J. Steward là sự bổ sung cần thiết cho quan điểm tiến hóa văn hóa, trong đó những quan điểm và phương pháp nghiên cứu về sinh thái văn hóa, về những đặc điểm có tính quy luật của biến đổi văn hóa thực sự có đóng góp lớn cho ngành nhân loại học văn hóa. Theo J. Steward, trong quá trình sinh tồn của mình, con người phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Ở các xã hội có trình độ càng thô sơ thì xã hội đó càng phụ thuộc nhiều vào MTTN; bởi vì, ở những xã hội có trình độ khoa học kỹ thuật cao, con người tương đối một phần nào đã chinh phục được tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ theo ý muốn của con người để rồi trên bối cảnh sinh thái đó, con người trải nghiệm, sáng tạo văn hóa và kỹ năng sinh sống của cộng đồng mình dựa trên tâm lý và bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ những thành tựu văn hóa có được qua sự thích nghi môi trường sinh thái tại chỗ, có thể hình thành nên những loại hình văn hóa như là một tập hợp những sắc thái văn hóa đặc trưng và tạo nên yếu tố cốt lõi của nền văn hóa. Qua nghiên cứu sinh thái văn hóa, người ta sẽ hiểu được cách con người sử dụng văn hóa để thích nghi với môi trường cụ thể ra sao. Sinh thái văn hóa là cách con người sử dụng văn hóa để thích nghi với MTTN mà họ tồn tại. Trong lý thuyết sinh thái văn hóa, con người có thể thích nghi để tồn tại bằng những tri thức riêng của họ. Những tri thức đó thuộc về
bản sắc văn hoá tộc người và có thể truyền thừa qua các thế hệ. Các tri thức này còn có thể được trao đổi, chuyển giao qua lại giữa các tộc người cùng sinh sống trên một khu vực địa lý nhất định.
Tóm lại, Steward được xem như là kiến trúc sư về thuyết tiến hóa đa tuyến nhưng các lí thuyết của ông cũng có những nền tảng dựa trên thuyết khuếch tán văn hóa. Chúng tôi sử dụng thuyết văn hóa sinh thái để làm cơ sở lý thuyết cho luận án bởi vì điểm đặc biệt của Steward so với các học giả đi trước là ông đã nhấn mạnh đến việc so sánh xuyên văn hoá và những chuyên khảo của ông quan tâm đến loại hình văn hoá. Lý thuyết sinh thái của Steward đáng được chúng tôi vận dụng, học hỏi bởi các điểm sau:
Thứ nhất: phương pháp sinh thái văn hoá ông đề ra không phải dựa trên quan điểm quyết định kinh tế cứng nhắc. Ông đã xem nó như một cách để phân tích xã hội, một cách để hiểu các dữ liệu văn hoá.
Thứ hai: lý thuyết này cho rằng các nền văn hoá được định hình bởi nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải chỉ có yếu tố môi trường và kĩ thuật. Ở điểm này đã có những tiến bộ và hợp lý hơn so với thuyết xem môi trường là điều kiện quyết định duy nhất và tuyệt đối đến một nền văn hóa.
Mặc dù lý thuyết sinh thái văn hoá J. Steward được đề xuất trên kết quả nghiên cứu về các chủ thể (các tộc người thổ dân) ở các điểm nghiên cứu (California, Nevada, Idaho và Oregon) có phần khác biệt với chủ thể (tộc người Khmer) và không gian nghiên cứu của luận án (vùng ĐBSCL) nhưng tư tưởng, phương pháp luận của thuyết này là đáng để học hỏi và vận dụng cho luận án. Hiện nay có rất nhiều quan điểm liên quan đến thuyết nghiên cứu văn hóa sinh thái trong giới khoa học. Việc nhận thức con người là một bộ phận của giới tự nhiên, sống và tương tác với tự nhiên đã khiến nhiều nhà nghiên cứu nhân học, văn hóa học bàn đến nhiều về sự ảnh hưởng, tác động của tự nhiên với văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của con người. Trong các nghiên cứu, có thể có những tư duy nghiên cứu không giống nhau nhưng khi xét mối quan hệ giữa môi trường và văn hóa, xã hội, các nhà nghiên cứu đều có cùng quan điểm điều kiện môi trường nơi tộc người cư trú thường có những ảnh hưởng đến văn hóa đời sống của tộc người đó.