CHƯƠNG 4 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VÀ NHỮNG BÀN LUẬN
4.1. MỘT SỐ BIẾN ĐỔI TRONG VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN NAY
4.1.2. Biến đổi trong văn hoá ứng xử với nước
Theo tập quán truyền thống, để có nước cho sinh hoạt, người Khmer ở ĐBSCL thường sử dụng nước tự nhiên như nước mưa hay nước từ sông rạch. Đối với những nơi không gần sông rạch họ sẽ đào giếng để có nguồn nước dùng chung cho cộng đồng trong mùa khô. Ngày nay, tập quán sử dụng nước của người Khmer không còn như xưa nữa, họ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào nước mưa hay nước giếng mà còn có nguồn nước sạch từ các trạm cấp nước. Từ năm 2004, Chính phủ đã triển khai chương trình 134 nhằm hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Chương trình 134 có 8 điều, trong đó điều 2 liên quan đến vấn đề chính sách đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chương trình 134 nêu rõ:
1. Đối với đất sản xuất: mức giao đất sản xuất tối thiểu là 0.5 hecta đất nương, rẫy hoặc 0.25 hecta đất ruộng lúa nước một vụ hoặc 0,15 hecta đất ruộng lúa nước hai vụ. Căn cứ quỹ đất cụ thể của từng địa phương, khả năng lao động và số nhân khẩu của từng hộ và khả năng của ngân sách địa phương.
2. Đối với đất ở: mức giao diện tích đất ở tối thiểu 200m2 cho mỗi hộ đồng bào sống ở nông thôn. Việc hỗ trợ đất sản xuất và đất ở đối với hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo do đặc thù của vùng ĐBSCL, Nhà nước sẽ có chính sách riêng
3. Về nhà ở: đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ (kể cả đồng bào dân tộc Khmer) hiện chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ và đã hư hỏng, dột nát thì thực hiện phương châm: Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ
4. Về hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt
Đối với các hộ đồng bào dân tộc ở phân tán vùng cao, núi đá, khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 0.5 tấn xi măng/hộ để xây dựng bể chứa nước mưa hoặc hỗ trợ 300.000 đồng/hộ để đào giếng hoặc tạo nguồn nước sinh hoạt (Chính sách 134, 2004).
Sau 4 năm tổ chức triển khai thực hiện chương trình 134 ở 53 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đáp ứng được niềm mong đợi của một bộ phận đồng bào dân tộc và tháo gỡ cho nhiều địa phương những khó khăn bức bách về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt. Như trên địa bàn tỉnh Trà Vinh – nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống các vấn đề về nước sinh hoạt cũng được cải thiện rất đáng kể. Trong báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị 68 của Ban Bí thư (khóa VI) "về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer" của Tỉnh ủy Trà Vinh ngày 10 tháng 8 năm 2011 được nêu:
Nhờ sự quan tâm đầu tư chỉ đạo toàn diện của Trung ương cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của địa phương, trong đó có sự tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer, kinh tế của vùng đồng bào Khmer trong tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng lên. Sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer hiện nay phổ biến từ 02 vụ lúa, có nơi 02 vụ lúa - 01 vụ màu hoặc 03 vụ lúa/năm với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư từng bước chuyển biến tốt, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc; mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, năng suất lúa tăng hàng năm, nâng tổng sản lượng lương thực lên trên 1,1 triệu tấn/năm; nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích từ 28,5 triệu đồng/ha/năm 2003, lên 45 triệu đồng/ha/năm 2010;
trên 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (Tỉnh uỷ Trà Vinh, 2011).
Sau chương trình này đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đều được hỗ trợ nước sạch để sử dụng. Khi chúng tôi điền dã tại ấp Phnôm-pi (ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là một ấp thuộc vùng chân núi An Giang chúng tôi nhận thấy nơi đây vẫn còn những giếng nước từ xưa nhưng hiện nay hầu như rất ít người sử dụng. Người Khmer ở Phnôm-pi đều đã sử dụng nước máy tắm giặt hoặc ăn uống. Tuy có nước
sạch từ các giếng khoan, máy bơm nhưng người Khmer không phá bỏ các giếng cũ.
Theo người Khmer ở Phnôm-pi cho biết có hai lý do họ vẫn giữ lại giếng nước cũ: thứ nhất về mặt thực tế, có những lúc ĐBSCL hạn nặng, để đủ nước tưới tiêu và sinh hoạt họ vẫn phải tận dụng nước giếng; thứ hai: với người Khmer, mỗi giếng nước đều có ý nghĩa với họ về mặt tinh thần, giếng nước như có linh hồn và dưới giếng nước chứa dựng những thế lực siêu nhiên mà họ khó giải thích được đó là ai nhưng họ vẫn phải có thái độ tôn kính nhất định.
Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng vậy, người Khmer hầu như có nước sạch để uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp họ vẫn phải sử dụng nước mạch ngầm và có máy bơm để bơm nước tưới hoa màu. Mỗi khi tới thời vụ, các hộ nông dân đồng loạt sử dụng nước nên có khi nguồn nước cũng khan hiếm, cạn kiệt.
Phần nữa là do quá tải điện nên có những hộ nông dân họ phải thức vào lúc 1 đến 2 giờ sáng để canh tưới tránh quá tải khi các hộ tưới đồng loạt vào ban ngày.
Để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước thường xảy ra vào mùa nắng và vào thời điểm người dân tập trung xuống giống màu, nguồn nước ngầm từ các giếng khoan không đủ phục vụ cho tưới tiêu hoa màu và sinh hoạt nên người Khmer ở Sóc Trăng phải sử dụng thêm nước từ trạm cấp nước của tỉnh (đóng tại các phường).
Nguyên nhân chính là nguồn nước phục vụ tưới tiêu rất lớn so với nguồn nước ngầm từ các giếng khoan và các giếng khoan phần lớn là khoan cạn, chưa đảm bảo độ sâu để lấy nước; tầng nước ngầm giáp tầng đất sản xuất nhanh cạn, độ ẩm cao nên thiếu nước xảy ra thường xuyên. Còn để ứng phó với nước dâng, nước lũ người dân cùng địa phương tự xây dựng bờ kè ven sông, bồi trúc các tuyến đê bao, khai thông dòng chảy trên các kinh rạch, kinh thủy lợi đảm bảo dòng nước không bị vật cản, nạo vét các tuyến kinh tạo nguồn, kinh đầu mối đảm bảo cho việc thoát nước, tưới tiêu.
Như vậy, so với văn hoá ứng xử với nước trong truyền thống - lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, người Khmer ở ĐBSCL hiện nay đã được hỗ trợ các phương tiện kĩ thuật để có nguồn nước sạch để sử dụng. Bên cạnh đó, nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước vào công tác hỗ trợ các điều kiện vật chất như nhà ở, nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số nên đến năm 2019 có đến 99,3 % người Khmer ở ĐBSCL đã có nước sạch để sử dụng (Tổng cục thống kê, 2019). Điều này phần nào dẫn đến văn hoá ứng xử với nước trong đời sống tinh thần của người Khmer cũng thay đổi. Nếu như trước kia mỗi khi thiếu nước, hạn hán họ phải thực hiện các nghi thức để
cầu mưa, cầu nước thì giờ đây các nghi thức này hầu như không còn thực hiện nữa.
Nhận thức của người Khmer về thế giới vũ trị cũng thay đổi. Những hiện tượng tự nhiên như mưa gió, sấm chớp không còn mang yếu tố huyền bí, tâm linh mà đó chỉ là các hiện tượng tự nhiên có thể thay đổi được. Một thói quen trong văn hoá là có thể thay đổi, tuỳ theo điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xung quanh đã được biến đổi. Văn hoá là có thể biến đổi theo thời gian, tuy nhiên, sự biến đổi này không diễn ra nhanh chóng mà cần một khoảng thời gian dài để con người nhận diện, thích nghi, đối phó và thay đổi.