CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.3. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.3.1. Môi trường cư trú và phân bố dân cư của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long
1.3.1.1. Môi trường cư trú của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long
Người Khmer phân bố rải rác khắp nơi ở ĐBSCL nhưng tập trung đông ở Trà Vinh, Sóc Trăng và An Giang. Ở mỗi tỉnh, người Khmer sinh sống tập trung ở từng vùng khác nhau như: huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang); thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng); huyện Trà Cú, Duyên Hải, Châu Thành (Trà Vinh). Những lớp cư dân người Khmer đầu tiên di cư đến Nam Bộ đã sớm chọn những vùng đất giồng để cư trú và canh tác.
Người Khmer ở ĐBSCL đa phần sinh sống bằng canh tác nông nghiệp. Cư trú rải rác ở các tỉnh nhưng tựu trung lại người Khmer cư trú theo từng tiểu vùng văn hóa nhất định. Theo Trần Ngọc Thêm, vùng văn hóa ĐBSCL được chia thành 5 tiểu vùng cơ bản: Tiểu vùng Phù sa ngọt, Tiểu vùng Giồng duyên hải, Tiểu vùng Ngập hở (Tứ giác Long Xuyên), Tiểu vùng Ngập kín (Đồng Tháp Mười) và Tiểu vùng Ngập mặn.
Trong 5 tiểu vùng trên thì tiểu vùng Giồng duyên hải là nơi tập trung cư trú đông đúc của người Khmer và tập trung ở 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Ngoài ra, người Khmer còn cư trú tại vùng Ngập hở (Tứ giác Long Xuyên) và tập trung nhiều ở Tri Tôn, Tịnh Biên. Dựa vào cách phân chia tiểu vùng như trên, ta có thể thấy vùng cư trú của người Khmer phần lớn tập trung ở những giồng cát ven biển: Trà Vinh và Sóc Trăng. Một bộ phận khác cư trú rải rác ở những vùng trũng thấp. Nhìn chung, cư trú đặc trưng của người Khmer là cư trú trên những vùng đất giồng ven biển với hình thức canh tác lúa
nước là chính với tập quán cư trú có thể quy về ba hình thức cư trú chính: cư trú đất giồng, cư trú ven biển và cư trú vùng đồi núi.
1.3.1.2. Phân bố dân cư của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long
ĐBSCL là vùng đất đa tộc người và cũng là kết quả của quá trình di cư và cộng cư của các dân tộc khác nhau với những nền văn hóa đa dạng. Đây được xem là quá trình cùng cộng cư, sinh sống của các tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm, ... để cùng khai khẩn đất đai, làm ăn sinh sống và trên cơ sở đó họ có điều kiện để tiếp xúc, giao lưu văn hoá với nhau. So với các dân tộc anh em cùng cư trú, người Khmer được xem là tộc người có lịch sử cư trú sớm nhất. Theo thống kê của Tổng cục thống kê năm 2019, người Khmer có tổng dân số là 1.319.652 người và tỷ lệ sống ở khu vực nông thôn là 76,5 % (Tổng cục thống kê, 2019).
Nhiều cứ liệu lịch sử cùng với kết quả nghiên cứu của của khảo cổ học, dân tộc học cho rằng vùng đất nay là ĐBSCL từ những thế kỉ đầu công nguyên đã từng tồn tại nền văn hóa Óc Eo phát triển rực rỡ. Nhiều kết quả nghiên cứu tiếp theo về sau chứng minh rằng văn hoá Óc Eo là sản phẩm thuộc vương quốc Phù Nam. Vùng đất này là một vùng phát triển sầm uất và là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo những thăng trầm lịch sử vùng đất này trở nên hoang vu do những biến cố từ con người và thiên nhiên. Khi nền văn hóa Óc Eo tàn lụi, vương quốc Phù Nam bị Chân Lạp xâm chiếm và sáp nhập vào lãnh thổ. Từ đây xuất hiện tên gọi “Thủy Chân Lạp” để phân biệt với vùng cao hơn là “Lục Chân Lạp”. Với thói quen khai thác và cư dân còn ít ỏi nên vương triều Chân Lạp vẫn không đủ sức khai thác vùng Thủy Chân Lạp còn hoang vu, sình lầy. Một thời gian dài vùng Lục Chân Lạp vừa bị triều đình Chân Lạp bỏ rơi vừa là bãi chiến trường tranh chấp giữa các đế quốc nên người dân lần lượt lưu tán.
Những nạn ngập lụt và phù sa của sông Cửu Long là những tác nhân chính làm hoang phế và vùi lấp nền văn hóa này (Óc Eo). Trong nhiều thế kỉ tiếp theo, vùng đất đồng bằng sông Cửu Long lại trở nên hoang vu. Từ thế kỉ thứ X trở đi, do biển rút dần, những giồng đất được nổi lên ở vùng Sóc Trăng, Trà Cú, Giồng Riềng trở thành những vùng đất đai màu mỡ thu hút dân cư đến cư trú (Nguyễn Khắc Cảnh , 1998), tr. 29.
Khi vương quốc Phù Nam sụp đổ vào khoảng thế kỉ VI đến thế kỉ XVI, người Khmer là cư dân chủ yếu sinh sống ở ĐBSCL, họ sống rải rác trên những giồng đất cao. Đến thế kỉ XVII, vùng ĐBSCL lại có thêm những lượt di cư rải rác của người
Việt từ miền Trung vào cùng sinh sống và khai vùng đất này với thành phần cũng hết sức đa dạng. Họ đa phần là những người nông dân nghèo, người thợ thủ công không thể chịu đựng nạn phân tranh, sự bóc lột hà khắc của chế độ phong kiến nên họ xuôi về phương Nam để tìm nguồn sống. Cạnh đó, lớp người di cư còn có những người vốn giàu có nhưng muốn tìm vùng đất mới để mở rộng việc làm ăn. Cuối thế kỉ XVII, có thêm người Hoa đến và cùng chung sống hòa đồng như những tộc người anh em trên vùng đất này. Như vậy, so với các dân tộc anh em cùng cộng cư, người Khmer có mặt tương đối sớm và cùng khẩn hoang, khai phá đất đai và sinh sống với người Việt, người Hoa. Để có được vùng đất đai có đa thành phần tộc người, cùng chung lưng đấu cật, chống chọi với thiên nhiên, khai thác vùng đất vốn hoang vu, nhiềm hiểm trở thành vùng đất bạt ngàn cây cối xinh tươi như hiện nay, vùng đất này đã tiếp nhận nhiều lượt di cư của các tộc người khác nhau. Họ không đến ồ ạt mà phải trải qua từng lượt người di cư rải rác đến ở, khi thấy thích hợp họ mới ở lại lâu hơn, tạo lập nhà cửa, ruộng vườn, sinh con đẻ cái. Các tộc người cùng nhau tương trợ để thích nghi và ứng phó với MTTN vừa thuận lợi nhưng cũng vừa khắc nghiệt nơi đây. Sự cùng nhau cư trú của các dân tộc ở ĐBSCL luôn diễn ra trong sự hoà hợp, tương trợ và giao lưu học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là nét văn hoá đặc trưng tạo nên văn hoá của vùng ĐBSCL.
Trong những ngày đầu đến vùng đất hoang vu, sinh lầy và đầy hiểm trở, những người Khmer cổ đã chọn những giồng đất cao để sinh sống. Những giồng đất với đặc tính cao ráo giúp người Khmer đối phó với với những mùa nước lên ở nơi đây. Đất giồng là loại phù sa cổ với đặc tính trên mặt là đất cát pha, dưới sâu là đất sét nên khô, dễ thoát nước. Có thể nói cách chọn cứ trú trên những giồng đất cao là một cách ứng phó với tự nhiên của người Khmer. Người Khmer còn cư trú những vùng ven biển.
Khi cư trú tại vùng đất ven biển người Khmer đã gặp không ít khó khăn trong khai thác và dự trữ nước ngọt để ăn uống và trồng trọt. Vùng ven biển có người Khmer cư trú bao gồm vùng Trà Cú (Trà Vinh), Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Vùng đất này thường xuyên nhiễm mặn, nhiễm phèn nên hàng năm có khoảng 6 tháng thiếu nước ngọt. Để ứng phó với môi trường khắc nghiệt, người Khmer rất quan tâm đến việc cải tạo môi trường nước. Trong đó, công tác làm thủy lợi được người Khmer đặc biệt quan tâm.
Công tác làm thủy lợi này gồm có: đắp đê ngăn mặn, đào bờ để giữ nước ngọt, đào mương đưa nước.... “Người Khmer là cư dân nông nghiệp sớm phát triển hệ thống
thủy lợi: đào ao giữ nước, dẫn thủy nhập điền…” (Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường , 1990), tr. 220.
Số cư dân người Khmer cư trú trên những vùng đồi núi chiếm số lượng khá lớn. Đó là vùng đồi núi phía Tây Nam bao gồm vùng tứ giác Long Xuyên, vùng An Giang và Kiên Giang. Tại những vùng đồi núi này, địa điểm tụ cư của người Khmer – những phum, sóc được hình thành trên những sườn núi tạo thế cư trú theo hình vành khăn dọc chân núi. Để đối phó với tình trạng ngập nước người Khmer ở những vùng này thường ở trên những nhà sàn cao. Cư dân Khmer ở vùng này thường cư trú khá thưa hơn vùng đất giồng và đất cát ven biển. Có thể do hoàn cảnh khắc nghiệt về thiên nhiên, do tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng mà dân cư có phần thưa thớt hơn những vùng khác.
Tập quán cư trú ở nơi cao ráo đã phần nào thể hiện cách ứng xử với tự nhiên của người Khmer ở ĐBSCL. Cách chọn những vùng cao để ở vừa để thuận tiện cho làm ăn, sinh sống vừa thể hiện được đặc trưng cư trú của người Khmer.