Văn hoá phi vật thể

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 57 - 64)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.3. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1.3.2. Văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long

1.3.2.2. Văn hoá phi vật thể

Người Khmer ĐBSCL có đời sống tín ngưỡng dân gian phong phú. Trước khi tiếp nhận văn hoá Phật giáo Nam Tông, tín ngưỡng dân gian đã từng có thời gian tồn tại sâu chắc trong văn hoá của người Khmer. Và cả khi chịu ảnh hưởng lớp văn hoá Phật giáo, tín ngưỡng dân gian vẫn không mất đi mà vẫn tồn tại song song trong đời sống tinh thần của người Khmer. Đó là tín ngưỡng Arak, Neak-ta và các vị thần bảo hộ khác như các vị thần cai quản đất đai, nhà cửa, ao hồ sông rạch và có khi là những vị thần cai quản chuồng trại, ruộng lúa, v.v… Trong các tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng Neak-ta là hình thức tín ngưỡng ảnh hưởng sâu đậm nhất và tồn tại lâu đời nhất của người Khmer. Neak-ta là một vị thần có chức năng cai quản đất đai, phum sóc. Người Khmer có Neak-ta phum, sóc, Neak-ta ruộng, Neak-ta chùa (miếu thờ Neak-ta trong khuôn viên chùa)... Về hình tượng Neak-ta cũng có sự khác nhau giữa các địa phương như Neak-ta được hiện thân là những hòn đá to, nhẵn bóng hoặc là hình tượng một cụ già tóc bạc phơ, chống gậy (Neak-ta ở ấp Quy Nông, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Tuy nhiên, Neak-ta được thờ nhiều nhất là những hòn đá to, nhẵn và thường được phủ vải đỏ bên trên. Miếu thờ Neak-ta cũng thường đơn giản (người Khmer thường gọi là nhà Neak-ta). Xưa kia, miếu thờ Neak-ta thường được làm bằng tre, lá có thể ở ruộng hoặc ngay đường đi. Ngày nay, khi có điều kiện, người Khmer thường sửa sang miếu lại, xây gạch, lợp xi măng rất khang trang, sạch sẽ. Người Khmer có

niềm tin tuyệt đối vào Neak-ta, không bao giờ dám bất kính với Neak-ta và cả miếu Neak-ta. Ngày trước, khi có tranh chấp trong các vấn đề xã hội như mất cắp, nghi kị nhau vấn đề gì đó, người Khmer chỉ cần đến miếu Neak-ta xin được phân xử và thề thốt. Những ai có thái độ bất kính với nhà Neak-ta như làm dơ bẩn, ô uế hoặc lời lẽ bất kính với Neak-ta thì họ tin rằng người đó sẽ bị trừng phạt. Niềm tin tín ngưỡng này vẫn tồn tại cho đến hiện nay trong đời sống văn hoá tinh thần của người Khmer.

Lễ cúng Neak-ta thường diễn ra vào khoảng tháng 5 dương lịch hàng năm (sau Chôl – Chnăm - Thmây). Vật phẩm lễ cúng Neak-ta thường là đầu heo, thịt gà, thịt vịt luộc, bánh ngọt, trái cây, hoa, nhang đèn và nhất định không thể thiếu rượu. Khi diễn ra lễ cúng người Khmer đem lễ vật đến miếu Neak-ta và Achar là người thực hiện nghi thức. Một số nơi trong lễ cúng Neak-ta còn có mời các vị sư tụng kinh cầu an cho bà con trong phum, sóc. Kết thúc buổi lễ, những vật phẩm cúng (còn được gọi là “phước thực”) được chia cho tất cả người tham dự lễ, cùng nhau ăn uống tại chỗ.

Về tôn giáo, đa phần người Khmer nơi đây gởi trọn niềm tin vào Phật giáo Nam Tông hay còn được gọi là Phật giáo Theraveda, Phật giáo Tiểu thừa. Nam Tông Khmer đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Khmer. Nhà chùa vừa là nơi thực hiện chức năng tôn giáo, chức năng giáo dục chữ viết, rèn luyện đạo đức vừa là nơi sinh hoạt trong những dịp lễ Tết, lễ hội. Ba lễ hội lớn trong năm của người Khmer phần lớn đều diễn ra hoặc có dấu ấn của nhà chùa là tết năm mới (Chôl - Chnăm - Thmây), lễ cúng ông bà (Sen Đôn - ta) và lễ hội đút cốm dẹp (Ok - Om - Bok).

Lễ Chôl – Chnăm - Thmây diễn ra trong ba ngày thì trong ba ngày đó đều có nghi thức được diễn ra tại chùa như: rước Maha Sangkran, dâng cơm cho sư, đắp núi cát, tắm Phật..; lễ Sene Đônta xưa kia diễn ra trong 13 ngày thì trong 13 ngày đó người Khmer đều mang cơm đến chùa để dâng lên cúng dường cho sư và để cầu siêu cho ông bà cha mẹ; lễ Ok - Om - Bok thì có các nghi thức cúng trăng, thả đèn nước, thả đèn gió... cũng được thực hiện tại chùa. Ngoài những lễ hội lớn trong năm người Khmer còn có rất nhiều lễ hội khác cũng được tổ chức tại chùa như lễ nhập hạ, lễ cầu an, lễ dâng y Kathina... Nhìn chung, nhà chùa có nhiều chức năng quan trọng trong đời sống tâm linh tôn giáo lẫn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Khmer.

Cùng với nhà chùa, sư sãi cũng tầm ảnh hưởng lớn trong trong việc hướng dẫn bà con Khmer sinh hoạt tôn giáo, rèn luyện đạo đức và nhân cách sống. Nam thanh niên Khmer đến tuổi trưởng thành phải được xuất gia đi tu để học giáo lý, tu dưỡng

đạo đức, học chữ viết và có khi còn được học nghề để lập thân, lập nghiệp về sau. Đến khi về già, người Khmer cũng gửi trọn đời sống tâm linh, tinh thần của mình nơi nhà chùa. Khi con cái đã trưởng thành, người già sẽ cạo tóc, mặc áo trắng đến chùa để tu thiếp (tu thiền). Vai trò nhà chùa và sư sãi đóng góp rất lớn cho việc rèn luyện, định hướng, giáo dục cho bà con đồng bào Khmer từ khi còn trẻ đến lúc về già.

Với đời sống văn hoá trọng tâm linh nên người Khmer thường xuyên dâng cúng tiền của cho việc xây dựng và tu sửa chùa để tích luỹ phước báu về sau. Ngôi chùa Khmer thường được xây dựng trong những khuôn viên rất rộng và rất khang trang.

Trung tâm khuôn viên chùa là chính điện quay mặt về hướng đông. Xung quanh chính điện là tăng xá nơi các nhà sư học tập và sinh hoạt. Chùa Khmer Nam tông thường được trang trí hoa văn sặc sỡ và có rất nhiều điêu khắc mang dấu ấn là tàn tích của tín ngưỡng Bà – La – Môn còn sót lại như: thần bốn mặt, chim thần Krut, nữ thần Apsara, Chằn, khỉ thần Hanuma, rắn thần Naga, voi và rất nhiều hoa văn văn mềm mại khác như hình dây, lá và cả hoa. Chùa Khmer còn được bao quanh, che chở bởi những hàng cây cổ thụ như sao, dầu... để tạo bóng mát và cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài sinh vật như chim, cò. Cách xây dựng, trang trí này phản ánh được sự ứng xử hài hoà với thiên nhiên của nhà sư và các Phật tử Khmer. Các sư sãi Khmer cũng thường răn dạy bà con Phật tử về sự từ bi và văn hoá ứng xử hài hoà với thiên nhiên qua việc ứng sử với môi trường sinh thái xung quanh chùa như không được chặt phá cây cối, không được bắt cá hay không được tổn hại đến các loài sinh vật trong chùa.

b. Lễ tết, lễ hội

Người Khmer ở ĐBSCL có đời sống văn hoá tinh thần vô cùng phong phú.

Hàng năm, người Khmer có 3 lễ lớn là Chôl - Chnăm - Thmây; Sen Đôn - ta và Ok - Om - Bok. Người Khmer truyền thống có kinh tế chính là nông nghiệp lúa nước nên mỗi lễ, hội thường gắn với chu kì của nông nghiệp.

Lễ Chôl - Chnăm - Thmây là lễ Tết đón mừng năm mới và đây cũng là lễ lớn nhất trong năm của người Khmer. Lễ diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch và theo người Khmer đó là tháng “chét”1. Người Khmer có cách tính lịch riêng dựa theo sự chuyển động của mặt trăng và mặt trời. Ảnh hưởng khoa thiên văn từ Ấn Độ sang, người Khmer tính ngày đầu năm bằng hai lối vào: Chôl có nghĩa là tính theo sự vận chuyển của mặt trăng; Chnăm là tính theo sự vận chuyển của mặt trời

và đánh dấu bước vào năm mới. Thường Chôl được tính vào đầu trung tuần tháng chét và tháng 5 của người Khmer vào khoảng ngày 12, 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch.

Ý nghĩa về một lễ nghi nông nghiệp trong lễ Chôl - Chnăm - Thmây của người Khmer còn được thể hiện qua những nghi thức được diễn ra trong lễ trong đó quan trọng nhất là ngày tắm tượng Phật. Nghi lễ tắm Phật tiến hành tắm Phật trước rồi đến đến tắm các vị sư cao niên nhằm cầu chúc may mắn, gột rửa những phiền muộn, không vui và chưa may mắn trong năm cũ để sang năm mới sẽ may mắn, thuận lợi và nhiều phước báu hơn. Hiện nay, việc tắm những nhà sư còn khá ít chùa thực hiện. Tuy nhiên, nghi thức tắm cho ông bà ở nhà vẫn còn được một bộ phận người Khmer duy trì. Nước dùng để tắm Phật là loại nước thơm (Tưk – op) được làm từ nước sạch, cho thêm cánh hoa thơm hoặc vài giọt tinh dầu thơm. Nước thơm sau khi tắm Phật ở chùa, bà con Phật tử mang về nhà tắm cho người lớn tuổi trong nhà để cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc và bình an. Người Khmer quan niệm rằng, người già khi được nhiều con cháu tắm cho trong ngày này sẽ vô vùng phước báu.

Trong ngày Tết năm mới này còn có lễ cầu siêu gọi là “Băng skol”. Các vị sư sau khi tắm Phật ở chính điện đến các tháp xung quanh chùa tụng kinh cầu siêu nhằm chúc phước lành cho người quá cố. Lễ này thường kéo dài khá lâu. Sau khi tụng kinh cầu siêu, các nhà sư dùng nước rảy vào ngôi tháp và rảy vào con cháu người quá cố quỳ dưới chân tháp. Mọi người rất hạnh phúc khi được rảy nước vào mình. Đó như một lời chúc phước lành trong ngày đầu năm mới. Nước mang một ý nghĩa tinh thần rất quan trọng trong tâm thức của người Khmer vì người Khmer cho rằng nước có khả năng thanh tẩy, xua đi những điều không may, muộn phiền của năm cũ và mang đến sự thanh sạch, may mắn trong năm mới.

Một lễ hội lớn trong năm nữa của người Khmer là lễ Ok - Om - Bok. Ok - Om - Bok thường được tổ chức vào giữa tháng 10 âm lịch hàng năm để cúng trăng nhằm cảm tạ thần mặt trăng. Tín ngưỡng mặt trăng phần nào nhận thấy mức độ quan trọng của tín ngưỡng nông nghiệp trong văn hóa của người Khmer. Là một dân tộc sống dựa vào nông nghiệp là chính, người Khmer quan niệm mùa màng thất bát hay bội thu không chỉ do yếu tố con người mà yếu tố tự nhiên đóng vai trò điều phối. Chính vì thế các lễ hội của người Khmer đậm chất nông nghiệp và thường diễn ra vào những thời điểm đầu hoặc cuối mùa vụ. Lễ hội cúng trăng là một lễ hội diễn ra khi

vùng ĐBSCL gần kết thúc mùa mưa. Lễ cúng trăng đã biểu hiện rõ tính chất tống tiễn mùa mưa, chào đón mặt trời, ánh nắng của mùa khô.

Người Khmer quan niệm mặt trăng là đối tượng thờ cúng thiêng liêng. Sau một năm làm mùa người Khmer lại cúng để cảm tạ mặt trăng đã phù hộ mưa thuận gió hòa, mang đến cho người nông dân những vụ mùa bội thu. Các lễ vật dùng để cúng là khoai lang, chuối, dừa, … và nhất định phải có cốm dẹp. Cốm dẹp là loại cốm được làm từ những hạt lúa nếp non và mới, được rang và giã thành cốm. Cốm dẹp do được làm từ lúa nếp mới nên rất thơm và ngon. Đây được xem là vật phẩm quý giá nhất bằng tấm lòng thành của người Khmer dâng lên cúng thần mặt trăng. Người chủ lễ cúng trăng thường là các vị Achar hoặc các vị sư (nếu lễ được thực hiện tại chùa). Dưới sự hướng dẫn của chủ lễ, người Khmer ngồi xếp hàng ngang trước bàn lễ vật và hướng về phía trăng mọc để cầu cúng. Cuối buổi lễ, các thành viên tham gia được chủ lễ cho ăn cốm dẹp (còn được gọi là Ok - Om - Bok có nghĩa là đút cốm dẹp).

Có thể thấy rằng, trong lễ hội của người Khmer dù là phần lễ hay hội cũng mang dấu ấn của lễ nghi nông nghiệp dù nét đậm nhạt có khác nhau. Đây là những lễ hội đánh dấu thời vụ trong năm: đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Nếu như Chôl - Chnăm - Thmây là lễ hội trong thời điểm nắng hạn thì Ok - Om - Bok là lễ hội ở vào thời điểm mùa mưa. Ở thời điểm nắng hạn người Khmer cầu mưa đến còn ở thời điểm mùa mưa người Khmer cầu cho mưa dứt, nước rút để họ vào vụ mùa mới.

Lễ cầu an (Bon Kom - San - Sroc ) diễn ra trong phạm vi phum, sóc của người Khmer cư trú. Đến ngày cúng, bà con Khmer sắm lễ vật: đầu heo, gà, hoa quả, nhang đèn đến miếu Neak-ta để làm lễ. Mức độ tin tưởng sẽ được thể hiện qua lễ vật cầu cúng.

Buổi lễ được diễn ra dưới sự hướng dẫn của Achar. Những người tham gia lễ xếp thành một hàng trước miếu, sau đó đi vòng quanh miếu ba lần rồi từng người cắm nhang vào bàn thờ Neak-ta. Sau đó, mỗi người chắp tay trước ngực khấn vái tụng niệm theo hướng dẫn của Achar hoặc nhà sư.

Nghi lễ cầu an của người Khmer mỗi nơi thực hiện có phần khác nhau, tuỳ vào điều kiện, văn hoá của vùng nhưng vẫn không mất đi ý nghĩa cầu bình an, cầu mưa thuận gió hoà và sức khoẻ cho cộng đồng. Nghi thức cầu mưa, cầu nước xuất hiện trong tín ngưỡng của các cư dân làm nông nghiệp. Các dân tộc làm nông nghiệp ở ĐBSCL cũng vậy, mỗi dân tộc có các nghi thức, cách thể hiện khác nhau nhưng tựu trung là sự thể hiện tôn sùng các vị thần tự nhiên như: thần Đất, thần Nước, thần Gió, thần Mưa, thần Mặt trăng, thần Mặt trời và các vị thần cây cối hay động vật khác. Tất

cả những vị thần tự nhiên đó vẫn tồn tại trong niềm tin, trong tâm linh và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp nói chung và cư dân Khmer ở ĐBSCL nói riêng.

Tiểu kết chương 1

MTTN là yếu tố cần thiết và không thể thiếu trong quá trình sinh tồn và phát triển của con người. Sự tương tác với môi trường tự nhiên thường diễn ra ở phương diện thích nghi và ứng phó. Khi thuận lợi, cần tận dụng những yếu tố cần thiết, con người sẽ thích nghi; ngược lại, khi bất lợi con người sẽ đối phó. Sự thích nghi và đối phó chính là văn hoá ứng xử với tự nhiên để tạo ra các giá trị vật chất phục vụ nhu cầu sinh tồn của con người.

Toàn bộ nội dung chương 1, chúng tôi đã tập trung giải quyết ba vấn đề lớn liên quan đến văn hoá ứng xử với MTTN của người Khmer vùng ĐBSCL đó là:

(1) Về tổng quan các công trình nghiên cứu, chúng tôi đã tập trung khảo sát một khối lượng tương đối bao quát về vấn đề nghiên cứu văn hoá ứng xử của tộc người, cụ thể là của người Khmer ở ĐBSCL. Với lượng công trình khá lớn, chúng tôi đã nhóm thành hai nhóm lớn là nhóm nghiên cứu lý luận và nhóm nghiên cứu thực tiễn. Trong mỗi nhóm, chúng tôi lại tiếp tục chia nhỏ ra nhóm nghiên cứu của các tác giả ở trong nước và ngoài nước. Các công trình này là nguồn tài liệu, tư liệu quý giúp chúng tôi làm tiền đề nghiên cứu cho luận án.

(2) Về mặt lý luận, nghiên cứu văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên được các học giả phương Đông và phương Tây nghiên cứu từ lâu. Theo các quan niệm phương Đông là gần gũi, hoà hợp và ứng xử hoài hoà với MTTN còn quan niệm phương Tây là ứng phó và chinh phục tự nhiên. Hai quan điểm và hai nét ứng xử này tạo nên sự đa dạng của văn hoá. Nghiên cứu về ứng xử với MTTN cũng được nghiên cứu về mặt lý thuyết. Đã có rất nhiều công trình với nhiều học giả đưa ra các lý thuyết cùng các nghiên cứu thực nghiệm để chứng minh cho các lý thuyết. Tuy nhiên, những lý thuyết thuộc trường phái tiến hoá đa tuyến là phù hợp hơn đối với nghiên cứu về tự tương tác của con người với tự nhiên. Chúng tôi đã tập trung khai thác và vận dụng hai lý thuyết chính làm điểm tựa là lý thuyết sinh thái học và lý thuyết chức năng. Lý thuyết sinh thái học văn hoá nhằm làm rõ cùng một MTTN nhưng mỗi tộc người có những cách ứng xử khác nhau. Điều đó dựa trên tâm thức và văn hoá của tộc người.

Lý thuyết chức năng được dùng để phân tích chứng minh về cách ứng xử với MTTN của tộc người thông qua các lễ tết, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng.

(3) Về cơ sở thực tiễn, chúng tôi trình bày về những tiền đề cơ sở về lịch sử cư trú, môi trường sinh thái cư trú, sự phân bố dân cư của người Khmer ở ĐBSCL.

MTTN ở ĐBSCL mang những đặc điểm riêng biệt vừa thuận lợi vừa khắc nghiệt dẫn đến văn hoá ứng xử của cư dân ĐBSCL nói chung và người Khmer nói riêng phải có những cách ứng xử linh hoạt cho phù hợp với môi sinh và từ đó tạo nên văn hoá ứng xử mang đặc trưng văn hoá của cư dân nơi đây. Người Khmer là một tộc người có lịch sử cư trú khá sớm ở ĐBSCL. Trong qua trình sinh sống trên vùng đất này người Khmer đã có sự thích nghi với MTTN để tạo ra các giá trị phục vụ nhu cầu văn hoá vật thể và phi vật thể. Quá trình sinh tồn đó đã hình thành các thói quen, đặc trưng hay đúng hơn là văn hoá ứng xử dân gian mang bản sắc văn hoá của người Khmer.

Nhìn chung, chương 1 đã trình bày về tiền đề cơ sở lý luận với các khái niệm, lý thuyết, các công trình tổng quan liên quan đến luận án. Ngoài ra, chương 1 còn trình bày về thực tiễn, bối cảnh, không gian, thời gian và chủ thể nghiên cứu là người Khmer ở ĐBSCL. Toàn bộ nội dung chương là tiền đề cần thiết giúp làm rõ hơn khi trình bày chi tiết về văn hoá ứng xử với MTTN của người Khmer ở ĐBSCL được trình bày ở chương 2 và chương 3.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 57 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)