Văn hoá vật thể

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 53 - 57)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.3. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1.3.2. Văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long

1.3.2.1. Văn hoá vật thể

Văn hóa ăn của người Khmer vừa có những nét chung vừa có nét riêng với các tộc người khác ở ĐBSCL. Đó là do kết quả lựa chọn và thích nghi trong quá trình tương tác với MTTN quy định từ cách họ lựa chọn nguyên vật liệu đến cách ăn đều thiên về thuận theo tự nhiên là chính.

Trong văn hóa truyền thống của người Khmer là họ lựa chọn thực phẩm theo mùa, mùa nào thức ấy. Cách lựa chọn thực phẩm theo mùa vừa chọn được những loại thực phẩm ngon nhất, giá trị dinh dưỡng cao nhất vừa thể hiện được văn hoá thích nghi với MTTN của một tộc người. Vào mùa mưa, khi các loại thực vật trên cạn và thủy sinh phát triển tốt, họ thường ăn các loại thức ăn là sản phẩm của sông nước như các loại rau tập tàng, các loại rau như bông điên điển, bông súng...Bên cạnh đó, các loại thủy sản họ rất ưa chuộng vào mùa mưa là các loại cá sông như cá linh, cá sặc, cá rô, cá lóc. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi nước từ thượng nguồn đổ về, người Khmer nói riêng và các dân tộc khác ở ĐBSCL nói chung nhận được sự ưu ái từ thiên nhiên là các loại thủy sản sinh sôi và phát triển nhiều. Những khi ăn không hết,

người Khmer thương làm mắm, làm khô để tích trữ ăn dần vào những tháng mùa khô.

Từ cách lựa chọn nguyên liệu là cách tận dụng những gì sẵn có trong tự nhiên đã hình thành nên văn hóa ăn của người Khmer cũng thường rất đơn giản trong những bữa ăn hàng ngày.

Bên cạnh cách chọn nguyên liệu ăn, cách ăn của người Khmer cũng thể hiện rõ văn hóa ứng xử với MTTN. Cơ cấu bữa ăn chính thường gặp của người Khmer truyền thống là cơm, rau, cá và mắm. Trong văn hóa ăn của người Khmer, cơm có hai loại là cơm gạo tẻ và cơm gạp nếp. Cơm tẻ thường xuất hiện trong bữa ăn thường nhật và thường ăn kèm với các loại thức ăn khác như rau, cá, mắm, thịt...; còn cơm gạo nếp thường xuất hiện trong những dịp đặc biệt như đám tiệc, lễ hội. Gạo nếp thường được nấu xôi, làm bánh như bánh tét, bánh dừa v.v.

Trong bữa ăn thường nhật của người Khmer, cơm đóng vai trò chính, kế đến đó là rau. Có thể nói, rau đóng vai trò khá quan trọng trong bữa ăn của người Khmer. Các loại rau được người Khmer chọn ăn cũng rất phong phú. Đó là những loại rau tự mọc xung quanh nhà và phát triển xanh tốt vào mùa mưa hoặc được họ trồng xen canh trong các vụ mùa. Cá và mắm là hai loại thức ăn xuất hiện rất thường xuyên trong ẩm thực của người Khmer truyền thống. Cá có thể chế biến thành các món ăn đơn giản như kho, chiên hoặc có thể dùng để làm mắm hoặc khô và đây là món ăn rất đặc trưng của người Khmer ở ĐBSCL. Tuy cùng là mắm nhưng cách thức làm mắm và vị mắm của người Khmer ở An Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng cũng rất khác nhau. Người Khmer An Giang làm mắm thiên về vị ngọt do được nêm bằng đường thốt nốt. Người Khmer Trà Vinh làm mắm thiên về vị mặn từ rất nhiều muối, trong đó có thể món mắm Pro-hoc mặn đặc trưng dùng để chế biến món bún nước lèo rất nổi tiếng của vùng đất này, còn vị mắm của người Khmer Sóc Trăng có vẻ như được trung hoà từ vị mắm ngọt của đất An Giang và vị mắm mặn của người Khmer Trà Vinh.

Trong cơ cấu bữa ăn của người Khmer có sự khác nhau giữa bữa ăn ngày thường và bữa ăn trong các dịp lễ tết, lễ hội. Cũng giống như các tộc người khác, bữa ăn thường ngày của người Khmer khá đơn giản chỉ có cơm cùng các món ăn kèm. Người Khmer có tục dâng cơm cúng sư sãi đi khất thực. Những món được dâng cúng thường là thịt gà, vịt, heo hoặc cá kho. Nếu như có món canh thường là canh chua, canh khổ qua nhồi thịt và cũng thường cho rất ít nước vì tránh bị đổ nước canh trong quá trình sư đi khất thực.

Những bữa ăn hàng ngày đơn giản gồm có canh và kho mặn nhưng bữa ăn vào các dịp

lễ hội, lễ tết được người Khmer chăm chút cầu kì và kĩ lưỡng hơn. Bởi vì ngoài dùng tiếp đãi khách thì quan trọng hơn hết họ phải dâng cơm cho sư sãi ở chùa và cúng ông bà tổ tiên ở nhà. Các món thường thấy trong dịp lễ của người Khmer ngoài các món kho, canh còn có thêm món xào, cà ri, lẩu, v.v… Cách chế biến món ăn cầu kì, tinh tế thể hiện sự chăm chút, chu đáo, cẩn thận và cả lòng thành kính mang tính tâm linh của người Khmer.

b. Văn hóa mặc

Theo (Phan Thị Yến Tuyết, 1993):

Trang phục của người Khmer bản địa ở ĐBSCL trước đây qua tài liệu thư tịch chỉ để lại vài chi tiết lờ mờ đó là những chiếc “chăn” hoặc vải lụa, khi mặc xếp mối về phía trước, những chiếc “khố” của nam giới cùng với sở thích để mình trần đi chân đất. Nam giới Khmer (nhất là người lớn tuổi) vẫn còn mặc loại “sampốt hôl” vào dịp lễ lạt hoặc lễ cưới.

Trong những dịp lễ truyền thống, nam giới thường mặc sampốt hôl với áo kín cổ, tay dài vào lễ cưới, hoặc mặc “chăn” trong những dịp lễ khác.

Người phụ nữ Khmer thường mặc áo “tầm pông” hoặc áo wện là loại áo có thân dài, tay dài và cổ tròn sát cổ (tr.149).

Người Khmer ở ĐBSCL có trang phục truyền thống mang tính đặc trưng văn hoá tộc người. Họ có sự phân biệt khá rõ rệt giữa trang phục trong dịp lễ tết, lễ hội và trang phục thường nhật. Vào các dịp đặc biệt như Chôl - Chnăm - Thmây hay Sen Đôn - ta trang phục của người Khmer thường chọn trang phục có màu sắc tươi sáng và khá cầu kì. Phụ nữ Khmer khi đi chùa những dịp lễ tết chọn cho mình những loại trang phục kín đáo thể hiện được nét dịu dàng, tinh tế của dân tộc. Những người phụ nữ lớn tuổi khi đi chùa thường chọn áo trắng may dài tay đồng thời còn choàng qua người một chiếc khăn trắng. Trong trang phục lễ cưới, cô dâu Khmer mặc sampol hol màu cùng với áo ngắn bó chẽn hoặc áo dài Tampong màu, quàng khăn ngang người, đội vương miện nhỏ trang trí hạt cườm, kim tuyến lấp lánh; còn chú rể mặc chiếc hol hoặc sampot với áo tay dài, cổ áo đứng, giữa thân áo cài khuy và khăn vắt vai trái. Ngoài ra, chú rể còn đeo con dao nhỏ bên hông với ý nghĩa bảo vệ cô dâu. Trang phục lễ tết, lễ hội thường cầu kì, nhiều hoạ tiết cùng với kết nhiều kim sa, kim tuyến nên khá nóng rất khó sử dụng trong thường nhật. Trang phục thường nhật của người Khmer là áo ngắn, quần dài, kiểu may đơn giản, ít hoạ tiết và không kết kim sa, kim tuyến. Xưa kia

người Khmer Nam Bộ rất thích mặc màu sáng (dù cho lễ tết hay thường nhật) như cam, hồng, xanh, vàng, v.v… Tuy nhiên, hiện nay kiểu dáng và màu sắc của người Khmer ở ĐBSCL cũng không khác với các dân tộc khác [Xem thêm Phụ lục hình ảnh:

hình 39, 40, 41, 42, 43, 44].

Hiện nay, các dân tộc ở ĐBSCL có sự giao lưu văn hoá qua trang phục. Trong trang phục thường ngày chúng ta khó có thể phân biệt được trang phục của các dân tộc ở ĐBSCL. Các dân tộc thường mặc trang phục giống nhau nhằm tạo sự thuận tiện, thoải mái cho công việc. Sự phân biệt trang phục chỉ thật sự rõ nét qua trang phục giữa các dân tộc trong các dịp lễ hội.

c. Văn hóa nhà ở

Nhà ở của người Khmer ĐBSCL có sự khác biệt rõ rệt giữa truyền thống và hiện đại. Về chọn nơi chọn đất làm nhà người Khmer thường nơi cao ráo để tạo lập nơi ở. Đó là những gò đất cao tránh ngập lũ vào mùa nước lên ở ĐBSCL. Trong tâm thức của người Khmer, nơi cao ráo còn tránh được những thế lực xấu dưới lòng đất, tránh được tà ma có thể làm hại đến chủ nhà. Vì thế, mỗi khi dựng nhà, người Khmer thường phải mời Achar đến cúng xin thần đất và các vị thần khác để bảo trợ cho việc dựng nhà được thuận lợi, tốt lành.

Về chất liệu làm nhà, người Khmer truyền thống thường tận dụng những chất liệu từ tự nhiên đó là cột và mái nhà bằng tre, các loại gỗ và lợp bằng lá dừa. Các loại chất liệu này giúp chống lại với khí hậu nắng nóng. Tuy nhiên, lợp bằng lá dừa thời hạn sử dụng rất ngắn, thường 3 đến 4 năm lại phải thay bằng lá mới.

Cấu trúc nhà ở của người Khmer cũng khá đơn giản. Trong nhà thường chia làm gian tiếp khách, gian ở và gian bếp (thường là chái bếp được cơi nới cạnh với gian nhà chính). Thông thường, các gian trong nhà thường được ngăn khá đơn sơ nhằm tạo được không gian thoáng mát cho ngôi nhà. Nếu trong nhà có người lớn tuổi, không gian của người lớn là cái giường cạnh với gian tiếp khách, còn các gian buồng (phòng riêng) thường được ngăn bằng tấm màn mỏng dùng để dành cho các cặp vợ chồng hoặc các cô gái mới lớn. Nhìn chung, trong văn hoá nhà ở của mình, người Khmer xưa thường đơn giản hoá bởi vì theo quan niệm của người người Khmer cho rằng, cuộc sống hiện tại của một người chỉ là tạm bợ nên khi làm có của cải, tiền bạc họ chỉ mang đến cúng cho việc xây chùa để tích luỹ phước báu cho kiếp sau. Vì thế, khi đến các vùng Khmer sinh sống trong truyền thống sẽ thường thấy những không gian nhà nhỏ

nhắn và đơn giản nhưng những ngôi chùa lại vô cùng nguy nga, tráng lệ [Xem thêm Phụ lục hình ảnh, hình 23, 24 và 28].

Tuy nhiên, trong văn hoá nhà ở hiện nay của người Khmer có thay đổi. Ở ĐBSCL hiện nay chúng ta thường khó phân biệt giữa nhà của người Khmer với các tộc người khác. Người Khmer vẫn dành rất nhiều tiền bạc, của cải vào việc xây dựng chùa chiền nhưng họ có phần chú trọng hơn trong việc dựng nhà ở. Nhiều người Khmer hiện nay khi rời nông thôn lập nghiệp tại các khu đô thị lớn trong cả nước khi trở về họ dành tiền xây dựng nhà cửa khang trang hơn. Về kiến trúc nhà ở, họ xây theo các kiểu nhà hiện đại như nhà mái Thái với mái nhà to, nhọn và hơi nhô về phía trước.

Bên trong nhà, họ thường xây phòng có cửa, vách ngăn các phòng cho không gian riêng tư của các thành viên trong gia đình. Theo quan sát thực tế, chúng ta chỉ có thể nhận ra nhà của người Khmer qua bàn thờ Têvôđa (bàn thờ thiên) ở trước mỗi nhà của người Khmer mà thôi.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)