Quan niệm về đất (ដី = đây) và phân loại đất

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 64 - 67)

CHƯƠNG 2 VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI ĐẤT VÀ NƯỚC CỦA NGƯỜI

2.1. VĂN HOÁ ỨNG XỬ VỚI ĐẤT

2.1.1. Quan niệm về đất (ដី = đây) và phân loại đất

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mekong, là vùng đất được tạo nên bởi những lớp phù sa cổ với phía lớp bên dưới là nền đá cứng.

Những lớp phù sa mới do sông Mê-Kông bồi đắp hàng năm, nhiều đợt tạo thành đê thiên nhiên, đồng ngập trũng, bưng lầy, đất giồng, đất phèn, đất mặn, đất than bùn và đất phù sa.

Trước sự đa dạng từ môi sinh, trong quan niệm của mình người Khmer rất coi trọng đất đai. Trong thái độ ứng xử của mình với đất, người Khmer xem đất đai là nơi ở, là tư liệu sản xuất, là quê hương và có những tình cảm thiêng liêng với đất. Người Khmer có thói quen cư trú ổn định trên phần đất của mình, ít chịu di chuyển và mở rộng khai phá đất đai (giai đoạn khai khẩn vùng ĐBSCL). (Sơn Nam, 2007) cũng có viết về thói tập quán ứng xử với đất của người Khmer như sau:

Rừng rậm, đồng cỏ ẩm thấp, sông rộng là nơi ngự trị của thần thánh, ma quỉ đáng kiêng nể, bởi vậy không đặt nặng việc khẩn thêm diện tích hoặc giao

lưu. Truyền thống tiêu tưới thu hẹp trong việc đắp bờ, chăm sóc từng mảng nhỏ (tr.17).

Cũng giống như các cư dân khác ở ĐBSCL, người Khmer xưa nay luôn chọn thế ứng xử nương tựa vào tự nhiên, tận dụng tự nhiên hơn là đối phó với tự nhiên. Dù là đất để xây dựng nhà ở hay đất để sản xuất người Khmer cũng có thái độ tôn kính nhất định đối với đất. Trong tâm thức, họ luôn cho rằng đất đai luôn có tiềm ẩn thế lực siêu nhiên bên dưới. Thế lực này sẽ là những vị thần sẽ bảo trợ, che chở cho con người nếu con người tôn trọng, gửi trọn niềm tin; còn nếu ngược lại, con người có thái độ bất kính với đất thì những thế lực siêu nhiên đó sẽ không bảo trợ nữa mà sẽ gây hại đến con người.

Với tâm thức vừa trân trọng, vừa mang tâm lý có phần sợ hãi những thế lực siêu nhiên có thể gây hại nên thái độ ứng xử với đất đai của người Khmer luôn có một niềm tin nhất định. Mỗi khi có những hành động liên quan đến đất, người Khmer luôn phải cầu xin, khấn vái để được các thế lực này che chở, bảo hộ.

2.1.1.2. Phân loại đất

a. Phân loại theo đặc tính của đất

Theo Gia Định thành thông chí, trong quá trình người Việt, người Khmer cùng nhau khai phá đất đai để canh tác đã phân biệt thành hai loại ruộng là ruộng núi và ruộng cỏ. Mỗi loại ruộng với đặc tính khác nhau nên các cư dân cần áp dụng biện pháp khác nhau.

Ruộng núi là loại ruộng cao có nhiều cỏ, ngày đầu khai khẩn phải đốn cây chặt cây cỏ, để khô đốt làm phân tro đợi khi mưa thì trồng lúa. Loại ruộng này tập trung ở Bà Rịa, Đồng Nai và một ít ở giồng cao ở Mỹ Tho, Long Hồ. Ruộng cỏ (ruộng tốt) là loại ở nơi đất thấp, ruộng đầy lùng (năn), lác, bùn sình, mùa nắng khô thì nứt nẻ như lằn vân mu rùa, có chỗ thành kẽ nứt sâu to; đợi có nước mưa ngấm đầy, thấm đủ, bùn đất tan rã mới canh tác.

(Trịnh Hoài Đức, tái bản lần thứ 1 năm 2016), tr.193.

Như vậy đất ở ĐBSCL hiện nay là loại ruộng cỏ như trong Gia Định thành thông chí đã nhắc đến. Đây là cách phân loại theo đặc tính của đất của người ĐBSCL xưa. Cách phân loại theo đặc tính của đất được người Khmer ĐBSCL phân loại đối với đất canh tác nông nghiệp như sau (đối với người Khmer, đất nông nghiệp có nhiều cách phân loại):

Thứ nhất, họ phân theo đặc tính cao thấp của ruộng và chia thành ruộng cao và ruộng thấp. Tuỳ theo độ cao thấp của ruộng mà họ chọn cách gieo trồng sớm hay muộn.

Đối với ruộng thấp (trũng nước) thường nhận được nước mưa sớm, gọi là ruộng sớm, ẩm ướt nên họ gieo mạ vào khoảng tháng tư âm lịch, cấy vào tháng sáu và gặt vào tháng mười; còn ruộng cao được nước mưa thấm ướt sau, gọi là ruộng muộn, họ gieo mạ vào tháng năm, cấy vào tháng bảy và gặt vào tháng mười một (Huỳnh Lứa (chủ biên) , 1987) tr. 84).

Thứ hai, họ phân theo chất của đất mà chia thành đất chua (đất phèn), đất mặn và đất ngọt.

b. Phân loại theo mục đích sử dụng

Người Khmer ở ĐBSCL phân chia ba khu vực đất đai như sau: đất để ở, đất sản xuất nông nghiệp và đất của nhà chùa.

Trong lịch sử cư trú, người Khmer cũng có quá trình chọn lựa khá đa dạng cho phù hợp với điều kiện môi sinh, thổ nhưỡng của ĐBSCL. Trong những giai đoạn lịch sử vùng ĐBSCL còn khá hoang vu, đất đai bạt ngàn, con người thưa thớt nên những người Khmer đến trước đã chọn những vùng đất giồng cao ráo, không phèn, không úng, nước chảy lưu thông để làm nơi cư trú. Trong đó, họ chọn nơi cao nhất để làm nhà cửa, tạo lập phum sóc.

Với đất đai dùng để sản xuất họ thường chọn vùng đất thấp hơn, dễ thoát nước và gần với sông rạch (tuy nhiên không quá xa nhà ở để tiện cho việc làm đồng). Người Khmer xưa nay thường phân loại đất sản xuất thành 3 loại cơ bản: đất chua (đất phèn), đất mặn và đất ngọt. Tuỳ vào đặc tính của đất, họ có phương pháp cải tạo và canh tác khác nhau.

Bên cạnh đất ở, đất canh tác, quan niệm của người Khmer còn có sự phân biệt khá rõ trong phần đất đai của nhà chùa. Đất chùa thường là phần đất cao ráo, rộng lớn và là phần đất có giá trị linh thiêng đối với cả cộng đồng. Trong phần đất chùa nơi cao ráo nhất được chọn xây dựng chánh điện, xung quanh là tăng xá, tháp. Ranh giới giữa đất nhà chùa với bên ngoài được phân biệt bởi một hàng rào chắc chắn, chạm khắc tỉ mỉ và được bao bọc bởi rất nhiều cây cổ thụ. Một số chùa còn có sở hữu đất ruộng nhưng thông thường sư sãi không trực tiếp làm ruộng mà bà con phum sóc sẽ làm ruộng rồi đem lúa vào chùa.

Một phần của tài liệu Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)